CHƯƠNG 1 : CƠ SỞ TÁC ĐỘNG TỚI QUAN HỆ CỦA ẤN ĐỘ VỚI ASEAN
1.3. Sự hình thành và phát triển chính sách hướng Đông
1.3.1. Mục tiêu của chính sách hướng Đông
Trong quá trình điều chỉnh chính sách đối ngoại, Ấn Độ dần dần hình thành những nội dung căn bản của chính sách hướng Đông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, đảm bảo an ninh quốc gia. Chính sách hướng Đông cũng chính là một trong những nội dung nội bật của đường lối đối ngoại nhằm những mục tiêu trong bối cảnh quốc tế mới của Ấn Độ. Chính sách hướng Đông được triển khai trong một quá trình, được bổ sung những yếu tố mới do yêu cầu của chính bản thân Ấn Độ trước những thay đổi của bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước. Tuy không phải là quốc gia thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, song nhận rõ tầm quan trọng trong vị trí địa chiến lược của khu vực này, Chính phủ Ấn Độ dưới thời của Thủ tướng Narasimha Rao công bố “Chính sách hướng Đông” (The Look East Policy). Ấn Độ với “Chính sách hướng Đông” đã đẩy nhanh sự hiện diện sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chủ động can dự “cuộc chơi nước lớn” tại đây22.
Về cơ bản, mục tiêu của chính sách hướng Đông của Ấn Độ là đưa nước này trở thành cường quốc kinh tế và quân sự không chỉ trong khu vực mà còn trên phạm vi toàn thế giới và được phân chia triển khai thành hai nhóm mục tiêu chủ yếu:
Một là, nhóm mục tiêu chính trị - chiến lược: Ấn Độ hướng tới xây dựng, mở rộng ảnh hưởng ở Châu Á – Thái Bình Dương thông qua việc thiết lập và thắt chặt mối quan hệ với các đối tác khu vực Đông Nam Á. Từ đó, tăng cường ảnh hưởng và sự có mặt của Ấn Độ, từng bước nâng cao hình ảnh của một nước lớn, cạnh tranh và tạo thế cân bằng tương đối trong quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Nhật
22 Nguyễn Hoàng Giáp (chủ biên) (2014), Một số vấn đề chính trị quốc tế trong giai đoạn hiện nay, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr. 198.
Bản ở khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, Ấn Độ thực hiện cạnh tranh với Trung Quốc để phần nào kiềm chế sự tác động của nước này tới khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương. Ngoài ra, Ấn Độ cũng tranh thủ sự ủng hộ của các nước Đông Nam Á trong chiến dịch vận động giành ghế Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng như nâng cao vai trò hàng đầu của Ấn Độ trong Phong trào Không liên kết và Hợp tác Nam – Nam.
Hai là, nhóm mục tiêu kinh tế - xã hội: mở rộng thị trưởng của Ấn Độ tại Đông Nam Á nhằm nâng cao mức độ hội nhập kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và dần đi đến ổn định thông qua việc trao đổi thương mại, hợp tác đầu tư.