2.1 .Hợp tác Ẩn Độ ASEAN trong khuôn khổ chính sách hướng Đông
2.1.1 .Lĩnh vực chính trị ngoại giao
Quan hệ Ấn Độ - ASEAN không ngừng phát triển, đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao. Từ thập nhiên 1990, những giải pháp về hòa bình ở Campuchia mà Ấn Độ là nước có tiếng nói tích cực đã góp phần ổn định tình hình ở khu vực Đông Nam Á. Từ đây, các mối quan hệ hợp tác Ấn Độ - ASEAN được mở rộng, xu thế xích lại gần nhau ngày càng rõ rệt. Ngay sau khi cầm quyền và tiến hành cải cách kinh tế, thủ tường N.Rao và các quan chức cấp cao của Ấn Độ đã lần lượt thăm các nước Đông Nam Á trong đó về mặt song phương nổi bật là chuyến thăm Indonesia (1992), Singapore và Việt Nam (1994)…Đặc biệt, chuyến thăm Singapore năm 1994 đánh dấu chính thức việc Ấn Độ đưa Chính sách hướng Đông – thúc đẩy quan hệ với các nước thành viên và khu vực ASEAN như một tổ chức khu vực – mặc dù đã được triển khai từ trước đó. Bởi đây được giới phân tích chính trị và truyền thông đánh giá là sự chuyển hướng chiến lược của Ấn Độ sau khoảng thời gian vắng bóng ở Đông Nam Á do những khác biệt về tư tưởng thời kì Chiến tranh Lạnh. Trong các chuyến thăm, Trong các chuyến thăm, phía Ấn Độ luôn khẳng định sự ủng hộ với các tiêu chí hòa bình, ổn định và phát triển của các nước Đông Nam Á, tuyên truyền cho công cuộc cải cách kinh tế của Ấn Độ và thể hiện mong muốn thúc đẩy quan hệ chặt chẽ với các nước ASEAN cũng như châu Á – Thái Bình Dương là một trong những trọng tâm chính sách, là thị trường rộng lớn
và nguồn cung cấp vốn, khoa học, công nghệ tiên tiến phục vụ cho việc phát triển nền kinh tế Ấn Độ. Từ nền tảng vững chắc này, Ấn Độ dần tạo được những bước đi đáng chú ý trong quan hệ chính thức với ASEAN như là một tổ chức khu vực. Thành quả quan trọng từ các hoạt động ngoại giao của Thủ tướng N.Rao là việc Ấn Độ đã trở thành nước đối thoại từng phần của ASEAN vào năm 1992 và đến tháng 12/1995 thì trở thành đối tác đối thoại đầy đủ. Kể từ khi Ấn Độ trở thành bên đối thoại đầy đủ với ASEAN, hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN có những bước đột phá mạnh mẽ trên cả mặt chính trị và ngoại giao. Sau khi trở thành bên đối thoại đầy đủ từ năm 1995, Ấn Độ đã tham gia các hội nghị Hội nghị sau Bộ trưởng (PMCs) được tổ chức vào tháng 7 hàng năm, tiếp sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.
Như là một phần trong mục tiêu chính trị của chính sách Hướng Đông, Ấn Độ tìm kiếm các cam kết cấp cao với ASEAN. Tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 7 tổ chức vào ngày 05/06/2001 ở Brunei, ASEAN đã quyết định nâng quan hệ với Ấn Độ lên cấp Hội nghị thượng đỉnh. việc hình thành Hội nghị cấp cao Ấn Độ - ASEAN là một thành quả lớn của quan hệ hai bên khi đi tới đồng thuận quyết định tổ chức hội nghị thượng đỉnh hàng năm. Bước ngoặt lớn này được thể hiện rõ qua lời đánh giá của Thủ tướng A.B. Vajpayee khi tham gia Hội nghị cấp cao Ấn Độ - ASEAN lần thứ nhất vào ngày 4-5/11/2002 tại Thủ đô Phnom Penh “Hội nghị đã tạo ra một bước ngoặt trong cố gắng của chúng tôi đối với việc thắt chặt mối quan hệ với các nước láng giềng phía Đông. Đó là kết quả tất yếu của Chính sách hướng Đông của chúng tôi khi chúng tôi tăng cường mối quan hệ song phương với các nước trong khu vực Đông Nam Á”28. Tại hội nghị cấp cao Ấn Độ - ASEAN lần thứ ba được tổ chức tại thủ đô Vientiane (Lào), ngày 30/4/2004, các nhà lãnh đạo ASEAN và Thủ tường Ấn Độ đã ký bản kế hoạch “Đối tác vì Hòa bình, Tiến bộ và Thịnh vượng chung”, nhằm đưa mối quan hệ giữa hai bên lên một tầm cao mới. Đặc biệt năm 2005, Ấn Độ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần đầu được
28 Nanka P.,(2003), Rediscovering Asia: Evolution of India’s Look East Policy, Lancer Publishers and Distributors, New Delhi, pp. 470
tổ chức tại Kuala Lumpur bao gồm 10 nền kinh tế ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand bất chấp sự phủ quyết của Trung Quốc. Đây là một thành công rất lớn, đánh dấu sự hội nhập kinh tế khu vực của Ấn Độ. EAS còn được biết đến với tên gọi là ASEAN+6. Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị đã nhấn mạnh việc xây dựng Cộng đồng Đông Á. Tuyên bố miêu tả EAS như là một diễn đàn cho đối thoại giữa các nước thành viên về các vấn đề kinh tế, chính trị và chiến lược cùng quan tâm và cùng có lợi nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Đông Á. Đặc biệt, vào tháng 12/2012, tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ, hai bên đã tuyên bố nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược. Kể từ đây, quan hệ Ấn Độ - ASEAN hướng tới những hoạt động hợp tác thiết thực khi Ấn Độ khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, triển khai kết nối và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh việc duy trì an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông và ủng hộ các nguyên tắc của ASEAN về vấn đề này.
Bên cạnh việc tham gia vào ASEAN như là một tổ chức khu vực, Ấn Độ còn theo đuổi hợp tác trong các nhóm tiểu khu vực, cụ thể có Sáng kiến Vinh Bengal vì Hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa lĩnh vực (BIMSTEC). Sáng kiến này có vai trò như cầu nối mang các quốc gia trong SAARC và ASEAN xích lại gần nhau hơn và vì thế mà thúc đẩy sự hòa hợp giữa hai khu vực. Năm 2000, Ấn Độ triển khai chương trình hợp tác Mekong – sông Hằng (MGC) bao gồm Ấn Độ, Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Thái Lan và Lào. MGC nhằm mục đích phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng của nước tiểu vùng sông Mekong thông qua tạo điều kiện cho quá trình vận chuyển hàng hóa và con người trong khu vực, xây dựng cơ sở hạ tầng ở lưu vực sông Mekong và sông Hằng. Cho đến năm 2012, MGC đã tổ chức được 6 cuộc họp cấp Bộ trưởng. Thông qua các cuộc gặp, các bên đề xuất các phương hướng hoạt động nhằm tận dụng những lợi thế phát triển du lịch cùng cơ chế Hướng dẫn đầu tư du lịch trong khuôn khổ MGC, đã tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư Ấn Độ tăng cường trao đổi đi lại giữa hai bên, ứng dụng những loại hình du lịch mới như các tour du lịch văn hóa – tôn giáo…
Như vậy Ấn Độ đã tham gia vào hàng loạt các cuộc họp tham vấn với ASEAN theo quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ như Hội nghị cấp cao, Hội nghị Bộ trưởng, các cuộc họp giữa các quan chức cao cấp và các cuộc họp ở cấp chuyên gia trong đó cao điểm nhất là việc mở ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ hay một khung công thức “ASEAN+1”. Đồng thời, Ấn Độ cũng tham gia các khuôn khổ đối thoại và hợp tác do ASEAN khởi xướng như: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị sau Bộ trưởng (PMCs) 10 +1, cấp cao Đông Á (EAS), hợp tác giữa hai dòng sông Mekong và sông Hằng, Sáng kiến vùng Vịnh Bengal về hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật đa khu vực (BIMSTEC),… đã góp phần tăng cường hợp tác đối thoại trong khu vực và xúc tiến quá trình hội nhập khu vực.
Phía Ấn Độ xác định Trong tiến trình thúc đầy hợp tác chính trị - ngoại giao giữa Ấn Độ và ASEAN trong khuôn khổ chính sách hướng Đông cũng gặp phải những khó khăn nhất định từ nhân tố Trung Quốc. Trên thực tế từ năm 1999, Ấn Độ đã cố gắng tiến tới mối quan hệ cấp cao với ASEAN khi ASEAN nhất trí rằng các nhà lãnh đạo của ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ gặp mặt thường niên (coi như cơ chế ASEAN+3). Phía Ấn Độ cũng mong muốn tham gia vào cơ chế này và liên tục có những động thái vận động sự ủng hộ của các quốc gia trong ASEAN. Tuy nhiên, trong cuộc họp cấp cao ASEAN+3 vào tháng 11/2000, phía Trung Quốc đã phủ quyết lời đề nghị của Singapore để Ấn Độ tham gia vào cơ chế cuộc họp, song chỉ đếnnăm 2001, quan hệ Ấn Độ - ASEAN chính thức được nâng lên cấp Hội nghị thượng đỉnh.
Tiến tới hợp tác Đông Á, Trung Quốc chủ trương về một Hội nghị Cấp cao Đông Á chỉ có các nước ASEAN và ba nước Đông Bắc Á, trong khi Nhật Bản chủ trương một EAS mở và thu nạp. Hơn nữa, bản thân sự khác biệt trong quan điểm của các nước thành viên ASEAN về xây dựng EAS đã làm cho các nước thành viên của khối có những lúc xảy ra tranh cãi. Trong khi Malaysia, Thái Lan, Myanmar ủng hộ một cơ chế EAS gồm hai nhóm trong đó ASEAN+3 là nòng cốt còn ba nước Ấn Độ, Australia và New Zealand là nhóm vòng ngoài thì phần lớn các nước ASEAN
còn lại trong đó có Indonesia, Phillippines, Singapore và Việt Nam lại ủng hộ một EAS gồm ASEAN với 6 nước đối tác của tổ chức này là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand. Để đi đến một EAS với các thành viên tham gia như hiện nay, nội bộ ASEAN đã xảy ra không ít tranh luận. ASEAN đưa ra điều kiện cho các quốc gia ngoài khối muốn gia nhập EAS giúp các nước liên quan đi đến một giải pháp chung. Điều này đã góp phần củng cố vai trò chủ đạo của ASEAN trong EAS. EAS sẽ là một kênh đối thoại mở, quan trọng và theo đó, Ấn Độ hay bất cứ cường quốc nào cũng phải có thái độ tích cực hơn với tiến trình hợp tác khu vực này, đồng thời phải chấp nhận và tôn trọng vị trí điều phối viên của ASEAN.