2.2 .Hợp tác Ấn Độ với Việt Nam trong khuôn khổ chính sách hướng Đông
2.2.4 .Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật
Trong lĩnh vực hợp tác văn hóa: Việt Nam và Ấn Độ đã phối hợp triển khai nhiều chương trình hoạt động có ý nghĩa như trao đổi các đoàn nghệ thuật và lễ hội, liên hoan phim, triển lãm các xuất bản phẩm, triển lãm tranh nghệ thuật về đất nước, con người.
Các sự kiện văn hóa chủ yếu được tổ chức kết hợp với các sự kiện về hợp tác chính trị, kinh tế, nhân các ngày kỷ niệm giữa hai nước. Do đó, quan hệ văn hóa đóng vai trò bổ trợ và phụ thuộc các quan hệ này. Hàng năm, vào ngày lễ Độc lập của hai nước hay các dịp kỉ niệm, hai bên đều tổ chức các cuộc triển lãm, biểu diễn nghệ thuật quảng bá hình ảnh của Việt Nam và Ấn Độ tới nhân dân. Bên cạnh đó, Việt Nam và Ấn Độ còn tham gia tích cực các liên hoan phim của hai nước. Nhiều tuần lễ phim Ấn Độ được tổ chức tại Việt Nam, thu hút được nhiều sự quan tâm của khán giả Việt.
Nhiều đoàn nghệ thuật Ấn Độ đã sang thăm Việt Nam và biểu diễn như: nhóm nghệ thuật văn hóa truyền thống Pratibha Kala Kender, nhóm vũ công và ca sỹ Penaz Masani, nhóm Indian Ocean Band… Nhiều chuyến khảo sát của các chuyên gia thuộc Cơ quan nghiên cứu khảo cổ Ấn Độ đã tư vấn trong việc trùng tu các tháp Chàm ở Việt Nam.
Hai nước đã ký kết Hiệp định hợp tác và các Chương trình trao đổi văn hóa. Trong số 7 thỏa thuận hợp tác (MOU) được ký kết giữa Việt Nam và Ấn Độ trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ấn Độ của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 10/2014, có tới 5 MOU thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục và kết nối thông tin giữa hai nước.
Trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo: Từ thập niên 1990, hợp tác về đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật đã được Ấn Độ và Việt Nam xác định là lĩnh vực ưu tiên và là lĩnh vực hợp tác có hiệu quả nhất giữa hai nước. Mỗi năm, chính phủ Ấn độ đều dành 110 suất học bổng cho Việt Nam. Chính phủ Ấn Độ bắt đầu dành các học bổng trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ kinh tế kỹ thuật (ITEC) cho Việt Nam từ năm 1996. Từ năm 2012, phia Ấn Độ đã công bố sẽ tăng số học bổng ITEC cho Việt Nam từ 75 lên 150 suất đưa Việt Nam trở thành nước được hưởng nhiều suất học bổng ITEC nhất trong số các nước đang phát triển68. Về phía Việt Nam, cũng đã cấp cho sinh viên Ấn Độ 02 học bổng đào tạo tiếng Việt trong năm học 2006 – 200769.
Hai bên đã hợp tác thành lập các viện đào tạo nâng cao năng lực tại Việt Nam về công nghệ thông tin, đào tạo Tiếng Anh, phát triển doanh nghiệp, máy tính hiệu năng cao và các lĩnh vực khác. Cụ thể là các dự án thành lập Trung tâm đào tạo Tiếng Anh và Tin học tại Đại học Thông tin liên lạc Nha Trang, Trung tâm phát triển phần mềm và đào tạo chất lượng cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hai bên đã ký thỏa thuận về việc xây dựng hạ tầng thông tin cho việc đào tạo công nghệ thông tin chất lượng cao.
68 Nguyễn Văn Lan, “Từ chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ, nhìn lại quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ 45 năm qua”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế: Việt Nam - Ấn Độ: 45 năm Quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược, NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội, tr. 118.
69 Trần Đức Minh, “Ngoại giao nhân dân trong hợp tác phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế: Việt Nam - Ấn Độ: 45 năm Quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược, NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội, tr. 155.
Hiện nay, hàng năm Ấn Độ duy trì các học bổng ngắn hạn và dài hạn trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ kinh tế kỹ thuật (ITEC), Chương trình trao đổi văn hóa (CEP) và Hợp tác sông Mekong – sông Hằng (MGC) cho sinh viên Việt Nam học tập tại Ấn Độ trên đa dạng các lĩnh vực như nông nghiệp, tin học, tiếng Anh và cả những lĩnh vực công nghệ cao như hạt nhân, viễn thám. Ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam du học tự túc tại Ấn Độ do chất lượng đào tạo cao, chi phí thấp. Ấn Độ còn trao đổi với Giáo hội Phật giáo Việt Nam các suất học bổng đặc biệt hàng năm đào tạo sau đại học về Phật học và học Tiếng Phạn tại Ấn Độ.
Trao đổi về khoa học giáo dục, phương pháp giảng dạy, hợp tác giữa các cơ sở đảo tạo sẽ ngày càng tăng. Nhìn chung, quan hệ giáo dục tiếp tục phát triển nhưng trong suốt các giai đoạn của Chính sách Hướng Đông không có đột biến lớn, tính bình đẳng không cao do chất lượng giáo dục của ta còn thấp, chủ yếu vẫn nghiêng về Ấn Độ giúp đỡ Việt Nam.
Trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật: hợp tác song phương cũng được thúc đẩy. Lĩnh vực hợp tác này được bắt đầu từ khá sớm. 10 năm qua, hợp tác vẫn tiếp tục được tăng cường. Việt Nam và Ấn Độ đều xác định khoa học công nghệ là một trong những hướng phát triển trong chiến lược phát triển, do đó hai nước cho rằng, quan hệ đối tác chiến lược nhất thiết phải có sự hợp tác mật thiết hơn về khoa học và công nghệ.
Trong giai đoạn đầu của chính sách hướng Đông, hai bên đã thỏa thuận ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp vào năm 1993, Nghị định thư về Công nghệ Thông tin (1999); tổ chức thường xuyên cuộc họp Tiểu ban về Khoa học công nghệ. Ấn Độ giúp Việt Nam xây dựng trung tâm đào tạo nhân lực phần mềm, tăng cường hợp tác năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, lai giống một số gia súc và cây trồng.
Bước sang thế kỷ XXI cũng là giai đoạn hai của chính sách hướng Đông, hai nước đã ký Thỏa thuận khung liên Chính phủ về khai thác và sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình. Thỏa thuận này sẽ đóng góp tích cực vào việc nâng cao
năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực viễn thám để ứng dụng vào thương mại và nghiên cứu khoa học.
Với sự phát triển vượt bậc, Ấn Độ đã có những bước tiến theo hướng đi tắt đón đầu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ mới (như nano, công nghệ sinh học…) và trở thành một trong những quốc gia đi đầu về công nghệ trong làn sóng toàn cầu hóa.Ngược lại, trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam còn rất thấp và rất cần những kinh nghiệm và thành tựu của Ấn Độ. Bởi vậy, quan hệ khoa học kỹ thuật giữa hai nước còn là quan hệ một chiều, chủ yếu là Ấn Độ hỗ trợ cho Việt Nam. Vì thế quan hệ này không có động lực thực sự từ phía Ấn Độ, mà chủ yếu để phục vụ cho quan hệ chính trị và mức hỗ trợ, hợp tác phụ thuộc vào quan hệ chính trị70.
CHƯƠNG 3: TÁC ĐỘNG TỪ QUAN HỆ ẤN ĐỘ - ASEAN TỚI ASEAN VÀ TÌNH HÌNH AN NINH – CHÍNH TRỊ CỦA KHU VỰC CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG