3.1 .Tác động tới ASEAN
3.1.2 .Tác động tiêu cực
Về kinh tế, bên cạnh những tác động tích cực, chính sách hướng Đông cũng gây ra một số hạn chế tới quá trình hợp tác và hội nhập kinh tế của ASEAN. Việc theo đuổi và tăng cường các hiệp định thương mại tự do của Ấn Độ với một số nước thành viên ASEAN đã có tác động tiêu cực tới quá trình hội nhập kinh tế nội khối của ASEAN. Song song với quá trình đàm phán FTA với ASEAN, Ấn Độ còn theo đuổi các FTA hoặc CECA với các nước thành viên ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia. Các FTA giữa các nước thành viên ASEAN với bên ngoài được thúc đẩy và gia tăng sẽ làm cho khu vực ASEAN vốn chênh lệnh về trình độ kinh tế có xu hướng nay càng dãn cách hơn. Điều này làm suy giảm khả năng liên kết và hợp tác ASEAN76. Hơn nữa, các quy định ưu đãi trong mỗi FTA đang chồng chéo lên nhau, thậm chí chồng chéo lên cả những quy định trong nội bộ ASEAN. Điều này không chỉ gây tình trạng khó kiểm soát hệ thống quy định mà còn làm nảy sinh những khó khăn trong việc xác định nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm để áp dụng ưu đãi. Sau hội nghị cấp cao Đông Á diễn ra lần đầu tiên ở Malaysia vào năm 2005, Ấn Độ đã đề xuất mở rộng Cộng đồng Kinh tế gồm ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc (JACIK) thêm cả Australia và New Zealand. Việc Ấn Độ nỗ lực xây dựng một cộng đồng bao trùm lên Cộng đồng Kinh tế ASEAN có thể gây ra những tác động không mong muốn tới quá trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế nói riêng và Cộng đồng ASEAN (AC) nói chung; bởi lẽ, khi Ấn Độ và một số nền kinh tế lớn khác ở Đông Á quá tập trung vào ý tưởng xây dựng Cộng đồng Đông Á thì họ sẽ dành ít sự ủng hộ cho quá trình hội nhập, đặc biệt quá trình hiện thực hóa cộng đồng ASEAN. Ngoài ra, mục tiêu dài hạn của chính
76 Nguyễn Văn Hà (2005), “Tác động của hiệp định thương mại tự do song phương đến hợp tác và liên kết ASEAN”, Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á, số 1, tr.16 – 17.
sách hướng Đông là xây dựng một Cộng đồng Kinh tế châu Á có thể gây tổn hại đến nỗ lực hội nhập kinh tế nội khối của ASEAN77.
Việc Ấn Độ trỗi dậy, tích cực phát huy ảnh hưởng của mình tại khu vực Đông Nam Á dẫn tới sự đụng độ về lợi ích kinh tế với các nước lớn. Nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng; lực lượng lao động dồi dào, nhân công giá rẻ, hành lang pháp lý mở rộng của Đông Nam Á mà các trung tâm kinh tế lớn đều đến khu vực này đầu tư và buôn bán ngày một tăng. Ngay từ những năm đầu thế kỷ XXI, các cường quốc trên thế giới liên tục thiết lập các cơ chế hợp tác kinh tế với ASEAN, các FTA giữa các đối tác lớn trở thành mạng lưới các hiệp định thương mại tự do của ASEAN với bên ngoài như FTA với Trung Quốc ký kết năm 2002 và thiết lập Khu vực Tự do thương mại ASEAN – Trung Quốc vào năm 2010, FTA với Australia – New Zealand cũng ra đời lần lượt vào các năm 2006 và 2009, Hiệp định kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (JACEP) được ký vào năm 2008, phía Mỹ liên tiếp đưa ra “Sáng kiến doanh nghiệp ASEAN”, “Chương trình hợp tác ASEAN”, năm 2002, Tổng thống Mỹ công bố Sáng kiến vì sự Năng động của ASEAN (EAI), năm 2006, ASEAN và Mỹ ký Hiệp định khung Thương mại và Đầu tư (TIFA).
Về phần mình, Ấn Độ đã ký Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện (CECA) với ASEAN vào năm 2003 và FTA về hàng hóa vào năm 2009. Với một mạng lưới dày đặc các hiệp định thương mại, tăng cường hợp tác với các quốc gia trong và ngoài khu vực gây ra sự đụng độ về mặt lợi ích kinh tế giữa các nước gây ra sự cạnh tranh, xung đột làm phức tạp tình hình an ninh ở khu vực Đông Nam Á vốn luôn tiềm tàng nhiều bất ổn.
Về chính trị - an ninh, tuy các nước ASEAN đều muốn duy trì quan hệ cân bằng và tranh thủ từ cơ hội các đối tác chính mang lại, nhưng nội bộ ASEAN cũng dễ bị phân hóa bởi những tính toán và ưu tiên đối ngoại khác nhau, gây ảnh hưởng đến sự đoàn kết thống nhất lập trường của tổ chức. Cụ thể hơn, giữa các nước thành viên,có sự khác biệt về lợi ích và những tính toán chiến lược khác nhau trong quan
hệ song phương với các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản và phần nào là Nga, EU, Ấn Độ. Đầu tiên, phải kể tới việc khó xử. trong việc đáp ứng lợi ích của Trung Quốc và Nhật Bản trong nỗ lực hiện thức hóa Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), ASEAN đã phải chịu nhiều sức ép từ bên ngoài. Tiến tới hợp tác Đông Á, Trung Quốc chủ trương về một Hội nghị Cấp cao Đông Á chỉ có các nước ASEAN và ba nước Đông Bắc Á, trong khi Nhật Bản chủ trương một EAS mở và thu nạp. Hơn nữa, bản thân sự khác biệt trong quan điểm của các nước thành viên ASEAN về xây dựng EAS đã làm cho các nước thành viên của khối có những lúc xảy ra tranh cãi. Trong khi cả Malaysia và Trung Quốc đều dự kiến EAS sẽ độc lập với Mỹ, một diễn đàn chỉ gồm các nước Đông Á. thì phần lớn các nước ASEAN còn lại trong đó có Indonesia, Phillippines, Singapore và Việt Nam lại ủng hộ một EAS gồm ASEAN với 6 nước đối tác của tổ chức này là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand. Để đi đến một EAS với các thành viên tham gia như hiện nay, nội bộ ASEAN đã xảy ra không ít tranh luận.
Ấn Độ tăng cường hợp tác với ASEAN cũng góp phần tạo điều kiện cho sự tranh giành sức ảnh hưởng ngày càng tăng giữa các nước lớn trong khu vực. Do tầm quan trọng của vị trí chiến lược của Đông Nam Á với đường biển nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cùng với sự dịch chuyển nhanh cán cân quyền lực với sự trỗi dậy của Trung Quốc, chính sách “Xoay trục” của Mỹ và nỗ lực của Nhật Bản khẳng định vị trí trong khu vực tạo ra thế đa cực được hình thành tại khu vực này. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, sự cạnh tranh chiến lược và trật tự quyền lực ở châu Á – Thái Bình Dương khiến ASEAN luôn chịu tác động mạnh của chính sách và quan hệ ngoại giao giữa các nước lớn, đặc biệt là mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tồn tại những mâu thuẫn như sự cạnh tranh vai trò ở khu vực. Sự gia tăng cạnh tranh chiến lược đã và đang tạo ra thách thức ngày càng lớn đối với vai trò của ASEAN. Việc Ấn Độ đẩy nhanh phát triển kinh tế có thể ở ASEAN đặt ra sự cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường và tiếp cận thị trường đầu tư giữa các đối tác lớn ở khu vực này. Bởi lẽ các cường quốc không chỉ cạnh tranh về chính trị mà còn muốn thông qua lôi kéo và liên kết trong lĩnh vực thương mại, đầu
tư, kinh tế để tranh giành ảnh hưởng, cạnh tranh quyền lực ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương một cách toàn diện. Ngoài ra, việc Ấn Độ gia tăng các nỗ lực hiện đại hóa quốc phòng, tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng có thể kích thích các nước lớn khác trong khu vực hành động tương tự, gây phức tạp cho tình hình an ninh khu vực Đông Nam Á78.