Những hoạt động triều cống chủ yếu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ triều cống đại việt minh thế kỉ XV XVI (Trang 51 - 57)

7. Bố cục luận văn

2.1. Hoạt động triều cống giữa triều Lê sơ với nhàMinh

2.1.4. Những hoạt động triều cống chủ yếu

Cùng với cầu phong, hoạt động triều cống cũng được triều Lê sơ thường xuyên thực hiện với nhà Minh. Trong các vua triều Lê sơ, nhất là từ thời Lê Thái Tổ đến Lê Thánh Tông, hoạt động triều cống và thăm hỏi với nhà Minh luôn được quan tâm và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong suốt khoảng thời gian từ năm 1428 đến 1527, đã có hàng loạt các đoàn sứ thần của Đại Việt sang Trung Quốc tiến hành triều cống và thăm hỏi.

Hoạt động tiến cống:

Quan hệ triều cống giữa Đại Việt với nhà Minh vốn bị gián đoạn do cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Minh. Sau khi vương triều mới được thành lập, hoạt động triều cống tiếp tục được triêu Lê sơ thực hiện nhằm duy trì mối quan hệ bang giao giữa hai nước. Mặc dù những năm đầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng bằng tinh thần cầu thị, hòa hiếu, triều Lê sơ đã thiết lập lại được quan hệ triều cống với nhà Minh và nghiêm túc thực hiện hoạt động này. Dưới đây là bảng thống kê hoạt động tiến cống của triều Lê sơ với nhà Minh

Bảng 2.1: Hoạt động tiến cống của triều Lê sơ với nhàMinh (1428-1527)

Đời vua triều Lê sơ Đời vua nhà

Minh Số lần triều cống Cống phẩm Lê Thái Tổ (1428-1433)

Minh Anh Tông 2 Đồ dùng vàng bạc cùng sản vật địa phương

Lê Thái Tông (1434-1442)

Minh Anh Tông 3 -Vàng, bạc, sản vật địa phương

-1438: thêm ngựa Lê Nhân Tông

(1443-1459)

Minh Anh Tông 6 -Đồ dùng vàng bạc và sản vật địa phương

-Năm 1444 và 1447 có thêm sừng tê; ngà voi; trầm hương

Lê Thánh Tông (1460-1498)

Minh Anh Tông Minh Hiến Tông Minh Hiếu Tông

13 Đồ dùng vàng bạc và sản vật địa phương.

Lê Hiến Tông (1498-1504)

Minh Hiếu Tông 1 Không ghi chép Lê Túc Tông

(1504)

Minh Hiếu Tông Minh Vũ Tông 1 Không ghi chép Lê Uy Mục (1505-1509) Minh Vũ Tông 1 Đồ vàng, bạc Lê Tương Dực (1509-1516)

Minh Vũ Tông 2 Sản vật địa phương

Lê Chiêu Tông (1516-1522)

Minh Thế Tông - Không ghi chép Lê Cung Hoàng

(1522-1527)

Minh Thế Tông - Không ghi chép

Cộng: 29

(Nguồn: Phan Huy Chú, (1992), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 3, Binh chế chí, Văn tịch chí, Bang giao chí, Nxb Khoa học xã hội. Ngô Sĩ Liên và sử thần

triều Lê, (2011), Đại Việt sử ký toàn thư, trọn bộ, Nxb Thời đại. Minh thực lục:

Quan hệ Trung Quốc – Việt Nam thế kỉ XIV-XVII, tập 3, Hồ Bách Thảo dịch, chú

thích, Phạm Hoàng Quân hiệu đính, Nxb Hà Nội, 2010)

Như vậy, trong khoảng từ năm 1428 đến 1518, triều Lê sơ đã 29 lần cử sứ giả sang triều cống nhà Minh. Trong đó, chủ yếu tập trung từ các đời vua Lê Thái Tổ đến Lê Thánh Tông. Từ thời Lê Hiến Tông, hoạt động triều cống không còn được như trước, thậm chí dưới thời vua Lê Chiêu Tông và Lê Cung Hoàng, do tình hình đất nước loạn lạc, thời gian cầm quyền ngắn nên không thực hiện hoạt động triều cống với nhà Minh.

Trong bài biểu của vua Lê Thái Tổ dâng Minh Tuyên Tông năm 1433 có đoạn: “Thần Lê Lợi tạm coi việc nước An Nam, rất sợ hãi cúi đầu kính tâu: cúi thấy, cửa Bắc ơn ban, mệnh tự chín tầng phong xuống; cõi nam lễ cống, lòng thành muôn dặm xa dâng. Sự báo đáp không được phân ly, lòng cảm phục in sâu cốt tủy. Kĩnh nghĩ, Hoàng đế bệ hạ, rộng như trời đất, sáng tựa đôi vừng. Đức ngũ đế, công tam vương, nơi nào chẳng phục; con muôn dân, nhà bốn biển, cùng một lòng nhân. Đến cả phương xa, cũng nhuần ơn thánh. Thần tuy ở nơi rợ mọi, lòng vẫn ngưỡng mộ Trung hoa; một đóa mây hồng, chín từng trời xã cách, muôn năm tuổi thọ, ba lời chúc dâng lên’’ [4, tr.222]. Trong tất cả những bài biểu đem dâng cho triều đình nhà Minh, các vua của triều Lê sơ đều dùng những lời lẽ khiêm nhường, kính trọng, thể hiện thịnh tình của mình trong việc duy trì mối quan hệ triều cống với triều Minh. Từ thời vua Lê Thái Tổ đến vua Lê Thánh Tông duy trì việc gửi bài biểu dâng cho vua Minh và Hoàng thái hậu trong những chuyến đi sứ triều cống. Từ thời vua Lê Hiến Tông chỉ còn dâng chung cho triều đình nhà Minh một bài biểu.

Có thể nhận thấy hai sứ bộ đi cống năm 1428 và 1429 dưới thời vua Lê Thái Tổ là những đoàn sứ bộ có vai trò quan trọng trong việc thiết lập lại quan hệ triều cống giữa Đại Việt với nhà Minh. Bắt đầu từ năm 1431, quan hệ triều cống giữa hai nước chính thức được thiết lập trở lại, theo đúng lệ cống 3 năm 1 lần.

Năm 1434, trong bài biểu gửi vua Minh Anh Tông, vua Lê Thái Tông đã viết: “Ba năm một lần cống, chế độ của Thánh tổ ngày xưa; muôn dặm tỏ tấc lòng, mong đời vầng giữa trời soi xét’’ [4, tr.223]. Trong bài biểu gửi Thái hoàng thái hậu nhà

Minh, vua Lê Thái Tông cũng nhấn mạnh: “Cung Đông triều phụng dưỡng, chín châu bốn biển tôn vinh; xứ Nam thổ dốc lòng, một nước ba năm tiến cống. Lễ vật tuy bạc, tấm lòng rất thành’’ [4, tr.223]. Vấn đề 3 năm 1 lần cống tiếp tục được vua Lê Nhân Tông nhắc lại trong bài biểu gửi vua Minh Anh Tông: “Thánh hoàng ngự trị, đối mọi nơi cùng một lòng nhân; sản vật dâng lên, lệ ba năm đủ một kỳ cống’’ [4, tr.226].

Sau khi nối lại quan hệ với nhà Minh, trong suốt thời gian tồn tại, triều Lê sơ đều nghiêm túc thực hiện hoạt động triều cống với nhà Minh, theo đúng lệ 3 năm một kỳ cống. Việc duy trì hoạt động triều cống đều đặn là một trong những yếu tố quan trọng giúp Đại Việt duy trì được mối quan hệ láng giềng với nhà Minh, tạo điều kiện để xây dựng và phát triển đất nước

Hoạt động thăm hỏi, chúc mừng, tạ ơn:

Ngoài hoạt động triều cống theo lệ 3 năm 1 lần thì phía Đại Việt cũng thường xuyên cử người sang triều Minh với mục đích tạ ơn, chúc mừng, thăm hỏi…Dưới đây là bảng thống kê hoạt động thăm hỏi hàng năm của triều Lê sơ với nhà Minh

Bảng 2.2: Hoạt động thăm hỏi hàng năm của triều Lê sơ với nhà Minh (1428-1527)

Đời vua Số lần sang tạ ơn Số lần sang chúc

mừng

Cộng

Lê Thái Tổ - - 0

Lê Thái Tông 1 - 1

Lê Nhân Tông 3 3 6

Lê Thánh Tông 3 3 6

Lê Hiến Tông 1 - 1

Lê Túc Tông 0 - 0

Lê Uy Mục 1 1 2

Lê Tương Dực - - 0

Lê Chiêu Tông - - 0

Lê Cung Hoàng - - 0

Tổng cộng: 9 7 16

(Nguồn: Phan Huy Chú, 1992 Lịch triều hiến chương loại chí, tập 3, Binh chế chí, Văn tịch chí, Bang giao chí, Nxb Khoa học xã hội)

Hoạt động thăm hỏi hàng năm được triều Lê sơ thực hiện nghiêm túc, tùy thuộc vào những hoàn cảnh cụ thể. Đại Việt thường cử sứ thần sang Trung Quốc tạ ơn khi nhà Minh cử người sang sách phong hay ban cho vua Lê mũ áo, gấm vóc. Hoạt động chúc mừng được thực hiện khi phía nhà Minh cử người sang thông báo việc lập vua mới, lập Thái tử, tin thắng trận…Dưới thời Lê sơ, ít nhất đã có 16 lần Đại Việt cử người sang tạ ơn và chúc mừng, trong đó có 9 đoàn sứ thần sang tạ ơn và 7 đoàn sang chúc mừng.

Khi Đại Việt có vua mới lên ngôi, việc đầu tiên là triều đình cử người sang Trung Quốc cầu phong nhằm hợp thức hóa vai trò lãnh đạo đất nước của mình. Sau khi sứ giả nhà Minh sang sách phong, vua Lê sơ đều cử người sang đáp lễ tạ ơn. Năm 1443, vua Minh Anh Tông cử người sang sách phong cho vua Lê Nhân Tông. Ngay sau đó, vua Lê Nhân Tông đã sai Tham tri bạ tịch Trình Dụng, Nội mật viện chánh chưởng Trình Thanh và Hàn lâm viện trực học sĩ Nguyễn Khắc Hiếu dẫn đoàn sang tạ ơn. Những vị vua khác của triều Lê sơ đều tiến hành hoạt động này. Hoặc khi nhà Minh ban cho mũ áo, gấm vóc, tơ lụa…triều Lê sơ đều cử người sang tạ ơn. Tuy nhiên, càng về cuối triều đại, hoạt động thăm hỏi, tạ ơn không được thực hiện liên tục như trước do quan hệ giữa hai nước thời kỳ này có nhiều thay đổi.

Hoạt động chúc mừng được thực hiện khi nhà Minh cử người sang thông báo về những vấn đề hệ trọng của đất nước như vua mới lên ngôi, lập Thái tử, tin thắng trận… Với thông báo của nhà Minh, triều đình Lê sơ cũng nhanh chóng cử đoàn sứ thần sang nhà Minh chúc mừng. Năm 1464, nhà Minh cử sứ giả sang Đại Việt thông báo vua Minh Hiến Tông lên ngôi, vua Lê Thánh Tông sau đó sai đoàn sứ thần gồm Phạm Bá Khuê, Lê Hữu Thực, Dương Tông Hải, Phạm Khánh Trung, Lê Tông Vinh, Phạm Cư, Trần Văn Chân sang chúc mừng. Hay sự kiện năm 1493, nhà Minh cử chánh sứ là Hình bộ Lang trung Thẩm Cử, phó sứ là Hành nhân Đổng Chấn sang báo việc lập Thái tử, vua Lê Thánh Tông lập tức sai bồi thần là Nguyễn Hoằng Thạc và Lê Tung sang chúc mừng.

Do hành trình đi sứ xa xôi, trắc trở nên những chuyến đi sứ mang ý nghĩa thăm hỏi, tạ ơn, chúc mừng…có thể được lồng vào những chuyến đi triều cống hoặc tâu việc, báo tin. Nghĩa là trong một đoàn sứ bộ sang nhà Minh có thể chia thành nhiều bộ

phận với những nhiệm vụ khác nhau, hoặc tiến cống hoặc thăm hỏi, chúc mừng, tạ ơn. Việc làm này phù hợp với tình hình đất nước cũng như khắc phục những khó khăn trên con đường đi sứ. Mỗi sứ đoàn đi sứ làm nhiệm vụ thăm hỏi, tạ ơn khi sang nhà Minh đều đem theo lễ vật nhằm thể hiện sự tôn trọng của Đại Việt với nhà Minh, góp phần gắn kết hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.

Việc thăm hỏi không chỉ được triều Lê sơ thực hiện với triều Minh mà ngược lại, nhà Minh ở Trung Quốc cũng cho người sang Đại Việt. Sách Đại Việt sử ký

toàn thư có ghi chép lại nhiều sự kiện về sứ thần Trung Quốc sang Việt Nam. Ví dụ

như: “tháng 11 năm Giáp Dần (1434), nhà Minh sai Hành nhân là bọn Quách Tế, Chu Bật đi theo sứ cáo ai của ta là Lê Vĩ sang làm lễ điếu. Đến kinh ngày mùng 4 làm lễ tế, đồ tế lễ đều mang từ phương Bắc sang, rất là phong hậu, rước từ cửa thiên vào bày tế ở điện Càn Đức. Lễ vật có 1 con lợn, 1 con dê, đồ thực phẩm, tiền mã, cờ tiết, hương hoa cộng 80 bàn” [29, tr.550]. Việc Trung Quốc cho người sang Đại Việt thể hiện quan hệ bang giao giữa hai nước ngày càng được củng cố. Tuy nhiên, nếu so sánh với cống phẩm của Việt Nam với Trung Quốc, thì những thứ mà sứ thần Trung Quốc đem sang Việt Nam ít hơn rất nhiều và chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng.

Trong mỗi chuyến đi sứ của sứ thần Đại Việt với mục đích thông hiếu và công vụ khác, sau khi sứ thần Đại Việt trở về, vua Minh đều cho tặng quà. Thống kê từ

Minh thực lục, quà tặng mà vua Minh ban cho đoàn sứ thần Đại Việt đem về nước

thường được chia thành hai bộ phận: một là ban cho những người tham gia đoàn sứ thần và phần khác là đem về ban cho vua Đại Việt. Quà tặng ban cho đoàn sứ thần gồm có y phục bằng lụa (lụa màu, lụa ý, lụa nõn..), y phục dệt kim, gấm (là một loại hàng dệt, nhiều màu sắc, có hình hoa lá), đoạn (một loại vải dệt bằng tơ, giống như lĩnh lụa, dệt dày rồi đem phết hồ nhưng dày hơn), khăn đội đầu, dây đai, tiền giấy… Những vật phẩm này được ban cho các sứ thần nhiều ít khác nhau, tùy theo phẩm hàm của họ. Với vua nhà Lê, vua Minh gửi theo đoàn sứ thần đem về ban cho các vật như: gấm hoa, y phục thêu lụa vàng, sắc văn… Ví như vào năm 1465, vua Lê Thánh Tông sai Lê Hữu Trực sang triều Minh dâng biểu cùng sản vật địa phương mừng vua Minh. Đoàn sứ thần Đại Việt đã được vua Minh Hiến Tông “đãi yến cùng ban cho

các vật như y phục bằng lụa đoạn có phân biệt. Lại giao cho sứ thần lụa ỷ nạm vàng, cùng sắc văn ban cho Quốc vương’’ [40, tr.78]. Hay năm 1469, vua Minh Hiến Tông cũng giao cho sứ thần Đại Việt là Dương Văn Đán đem về cho vua Lê Thành Tông “lụa đoạn, gấm hoa văn’’ [40, tr.82].

Căn cứ vào ghi chép của Minh thực lục, có thể thấy vật phẩm ban tặng của nhà Minh cho quốc vương và sứ thần An Nam ở mỗi kì cống so với quy định có sự khác biệt đôi chút. Tuy nhiên, lụa vẫn là vật được dùng để ban tặng nhiều nhất (29 lần), sau đó là đoạn (18 lần), y phục bằng lụa (13 lần), gấm (10 lần). So với cống phẩm của triều Lê sơ thì giá trị quà tặng của nhà Minh cho Quốc vương Đại Việt và các sứ thần chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng. Qua đó khẳng định triều đình nhà Minh cũng tôn trọng việc triều cống và thăm hỏi giữa hai nước, có ban quà tặng để gắn kết mối quan hệ giữa hai nước đồng thời nhằm thể hiện vị thế của “thiên triều’’.

Như vậy, triều Lê sơ từ khi thành lập đã thực hiện hoạt động triều cồng với triều Minh, sau đó tiếp tục duy trì một cách đều đặn, liên tục hơn hẳn so với thời kỳ trước. Hoạt động triều cống được triều Minh chấp thuận, có sự tiếp đón theo đúng nghi thức, khi sứ thần trở về có ban thưởng rõ ràng, cũng như có lời khen với vua Lê sơ trong việc nghiêm túc thực hiện hoạt động này. Từ đó, quan hệ bang giao giữa hai nước được duy trì thường xuyên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ triều cống đại việt minh thế kỉ XV XVI (Trang 51 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)