Đại Việt gặp khó khăn trong quá trình thiết lập quan hệ triều cống với nhà

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ triều cống đại việt minh thế kỉ XV XVI (Trang 73 - 78)

7. Bố cục luận văn

3.2. Quá trình thiết lập và duy trì quan hệ triều cống

3.2.1. Đại Việt gặp khó khăn trong quá trình thiết lập quan hệ triều cống với nhà

Quan hệ triều cống giữa hai nước vốn được hình thành từ thời nhà Trần, với việc vua Nguyên định ra lệ cống 3 năm 1 lần. Nhưng do nhà Nguyên 3 lần đem quân sang xâm lược cũng như những biến động của tình hình đất nước những năm cuối thời Trần nên hoạt động triều cống không được diễn ra thường xuyên. Đến khi nhà Minh xâm lược và thống trị, quan hệ triều cống bị gián đoạn trong khoảng hơn 20 năm (1407-1428). Sau thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, một vương triều mới được hình thành, việc thiết lập lại quan hệ giữa hai nước trong đó có quan hệ triều cống là việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, trong buổi đầu thành lập, cả hai triều Lê sơ và triều Mạc đều gặp khó khăn trong việc thiết lập quan hệ triều cống với nhà Minh. Vậy thực chất của những khó khăn đó là gì và hai triều Lê sơ, Mạc đã có những giải pháp nào để thiết lập quan hệ triều cống với nhà Minh và duy trì mối quan hệ bang giữa hai nước?

* Những khó khăn triều Lê sơ và triều Mạc gặp phải trong quá trình thiết lập quan hệ triều cống với nhà Minh

Thông qua việc tìm hiểu tình hình Đại Việt trong thế kỉ XV-XVI có thể nhận thấy nguyên nhân chính khiến quá trình thiết lập quan hệ triều cống của triều Lê

sơ và triều Mạc là do thái độ của nhà Minh. Nhà Minh không công nhận tính chính thống của triều Lê sơ và triều Mạc, liên tục gây khó khăn, cản trở quá trình thiết lập bang giao giữa hai nước. Đại Việt trong thế kỉ XV-XVI gặp phải nhiều khó khăn như đất nước kiệt quệ sau 20 năm dưới ách thống trị của nhà Minh; tình trạng chia rẽ sau hành động tiếm quyền của Mạc Đăng Dung. Nhà Minh nhận thức rõ ràng tình hình Đại Việt, có những tính toán của riêng mình trong quan hệ với Đại Việt.

Với triều Lê sơ: Sau thất bại tại Đại Việt, việc buộc phải rút quân về nước đã

gây nên tâm lý dè chừng của triều đình nhà Minh với nghĩa quân Lam Sơn cũng như vương triều Lê sơ sau này. Chính vì vậy, vua Minh ban đầu không công nhận sự tồn tại của vương triều Lê sơ mà liên tục cử người sang yêu cầu Lê Lợi tìm lại con cháu họ Trần để xây dựng lại vương triều. Trước đó, vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, Vương Thông nhận thấy không còn khả năng đánh thắng được nghĩa quân Lam Sơn bèn dựa vào chiếu của vua Minh Thành Tổ trước đây, chủ ý tìm con cháu họ Trần, lập làm vua, sau đó kết thúc cuộc chiến. Vấn đề tìm con cháu họ Trần, lập làm vua, xây dựng lại vương triều Trần là vấn đề được đề cập liên tục trong những năm đầu triều đại khi mà nhà Minh không muốn công nhận sự tồn tại của triều Lê ở Đại Việt với tư cách là vương triều trị vì đất nước.

Lê Lợi vì muốn chiều lòng nhà Minh đã tìm một người tự xưng là cháu ba đời của vua Trần Nghệ Tông, tên là Hồ Ông, ẩn náu tại Cầm Quý, châu Ngọc Ma, đổi tên là Trần Cảo (Cao) lập làm vua Trần, lấy niên hiệu là Thiệu Khánh. Còn Lê Lợi thì tự xưng là Vệ Quốc công. Tháng 9 năm 1427, Lê Lợi sai người mang biểu sang Trung Quốc xin lập Trần Cảo làm vua. Sau khi hỏi ý kiến các đại thần, vua Minh Tuyên Tông chủ trương dừng cuộc chiến tranh ở Đại Việt. Ông đã sai Lễ bộ thị lang Lý Kỳ, Công bộ thị lang La Nhữ Kính làm chánh sứ, Thông chính Vương Kỳ, Hồng lô tự khanhTừ Vĩnh Đạt làm phó sứ mang chiếu dụ sang An Nam. Nội dung chính của chiếu dụ này xoay quanh vấn đề sách phong cho Trần Cảo: “Biểu của Lê Lợi nói cháu sót lại của quốc vương là Trần Cảo còn ở Lão Qua (Lào). Người trong nước xin phong Cảo làm vua, mãi mãi nộp cống. Các đầu mục, kỳ lão tâu rỗ sự thật, lập tức sai sứ thụ phong, triều cống như lệ cũ đời Hồng Vũ. Lại sắc cho bọn Vương

Thông phải đem quân về triều ngay. Các quan văn, võ, nha lại, sĩ tốt, các trấn thủ trong ngoài, tam ty, vệ, sở, phủ, châu, huyện, đem gia đình trở về nước” [31, tr.29]. Chiếu dụ này của vua Minh Tuyên Tông có ý nghĩa quan trọng trong việc chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược, đồng thời tạo điều kiện để thiết lập lại quan hệ giữa Đại Việt và Trung Quốc sau hơn 20 năm bị gián đoạn.

Việc Lê Lợi lên ngôi, thiết lập vương triều Lê sơ nằm ngoài mong muốn của triều đình nhà Minh. Chính vì vậy, nhà Minh đã liên tục hạch sách, mặc cho phía triều đình nhà Lê liên tục cử người sang cầu phong và tiến hành triều cống. Ý định tìm con cháu họ Trần để đưa lên ngôi của nhà Minh được thể hiện thông qua hàng loạt các cuộc đi sứ sang An Nam. Khi được tin Trần Cảo đã chết, vua Minh sai La Nhữ Kính và Từ Vĩnh Đạt đem chiếu thư sang An Nam với nội dung như sau: “Họ Trần đời đời vẫn được lòng dân, bảo vua phải dò tìm con cháu họ Trần mà tâu lên để ban cho lệnh nối dõi đã tuyệt. Lại bảo rằng đó là các đầu mục, bô lão chưa kịp hỏi khắp, hoặc còn có người mà không dám tự nói ra” [29, tr. 562].

Việc triều đình nhà Minh chần chừ công nhận ngôi vị của triều Lê đã gây khó khăn trong việc thiết lập lại quan hệ bang giao giữa hai nước, trong đó có quan hệ triều cống.

Với triều Mạc: Năm 1527, Mạc Đăng Dung lật đổ vua Lê, thiết lập triều Mạc.

Hành động này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhóm quan lại cựu thần triều Lê. Từ đó, hình thành nên một lực lượng đối trọng, không thừa nhận sự tồn tại của triều Mạc. Các sử gia phong kiến nhà Lê không xếp triều Mạc vào các vương triều chính thống của Việt Nam, coi nhà Mạc là “nhuận triều’’ngụy triều’’. Lê Quý Đôn trong

Đại Việt thông sử khi ghi chép về triều Mạc đã đưa vào phần “nghịch thần truyện’’.

Sự chia rẽ trong nội bộ Đại Việt những năm đầu triều Mạc là nguyên nhân khiến cho nhà Minh không công nhận tính chính thống của vương triều này. Đáp lại hành động cầu thị của triều Mạc, mong muốn được nhà Minh công nhận để trị vì Đại Việt thì “nhà Minh không tin, mật sai người sang dò thăm tin tức trong nước, xét hỏi nguyên do, ngầm tìm con cháu nhà Lê để lập lên’’ [29, tr.825].

Sở dĩ nhà Minh chưa công nhận sự tồn tại của triều Mạc ngay từ đầu là do vua Minh và triều đình vẫn có những toan tính nhất định với Đại Việt, vẫn nuôi âm mưu

xâm lược và thống trị. Lợi dụng tình hình trong nước bất ổn, mâu thuẫn nội bộ và sự cầu cứu của bộ phận cựu thần nhà Lê, vua Minh Thế Tông lấy danh nghĩa “phù Lê diệt

Mạc’’ để mở một cuộc chiến tranh xuống Đại Việt. Vua Minh Thế Tông giao cho

Mao Bá Ôn chuẩn bị lực lượng để chiến tranh xâm lược Đại Việt. Đến năm 1539, Mao Bá Ôn cho quân tiến sát biên giới Đại Việt.

Sự căng thẳng trong quan hệ hai nước đã khiến cho hoạt động triều cống không được thực hiện.Việc nhà Minh vẫn chưa từ bỏ ý định xâm lược và thống trị Đại Việt gây nên những khó khăn nhất định cho nhà Mạc thiết lập quan hệ triều cống với Trung Hoa.

* Giải pháp của triều Lê sơ và triều Mạc nhằm nhanh chóng thiết lập quan hệ triều cống với nhà Minh:

Đứng trước việc nhà Minh gây khó dễ, cản trở quá trình thiết lập quan hệ giữa hai nước, triều Lê sơ và triều Mạc đã sử dụng chính sách ngoại giao khéo léo nhằm giải quyết khó khăn trước mắt, buộc nhà Minh phải công nhận ngôi vị hợp pháp của vương triều mình, tiếp nhận quan hệ triều cống.

Triều Lê sơ: trong những chuyến đi sứ đầu tiên sau khi vương triều được thành

lập, ngoài nội dung cầu phong là chủ yếu thì các đoàn sứ thần đều mong muốn phía triều đình nhà Minh công nhận vai trò lãnh đạo đất nước của Lê Lợi. Năm 1429, vua Lê Thái Tổ sai đầu mục là Đào Công Soạn, Lê Đức Huy, Phạm Khắc Phục đem đồ dùng vàng bạc và sản vật địa phương sang nước Minh cầu phong. Đoàn sứ bộ đến Yên Kinh vào tháng 3 năm sau. Triều Lê sơ dâng bài biểu nói rõ việc không thể tìm lại con cháu họ Trần và nguyện vọng của người dân là tôn xưng Lê Lợi lên ngôi. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã chép lại sự kiện này như sau: “Về việc cầu phong thì đại khái nói: người nước chúng tôi đã đi tìm khắp con cháu họ Trần đều không thấy còn ai. Bọn thần nghĩ rằng đại đầu mục bản quốc là Lê Lợi, là người khiêm cung, cẩn hậu, trị nước có phép, rất được lòng dân, có thể tạm quyền việc nước” [29, tr.533]. Bài biểu này nhằm mục đích thúc giục triều Minh mau chóng sách phong cho Lê Lợi.

Sau đó, vua Lê Thái Tổ còn liên tục cử người sang tiến cống nhà Minh vào các năm 1428, 1429, 1431. Nhờ những hoạt động tích cực của vua Lê Thái Tổ, đến

năm 1431, nhà Minh sau một thời gian dài trì hoãn đã buộc phải phong cho Lê Lợi

làm Quyền thự An Nam quốc sự - tạm coi việc trị nước ở An Nam. Đây là thắng lợi

quan trọng của triều Lê sơ trong cuộc đấu tranh đòi nhà Minh thừa nhận tính chính thống của vương triều mình. Với việc công nhận sự tồn tại của triều Lê sơ đồng nghĩa là nhà Minh phải tiếp nhận quan hệ triều cống của Đại Việt. Từ sau năm 1431, lệ cống 3 năm 1 kỳ chính thức được tái lập. Có thể thấy, việc thiết lập quan hệ triều cống với triều Minh là cả quá trình chuẩn bị và đấu tranh của triều Lê sơ nhằm giải quyết những vướng mắc trong mối quan hệ giữa hai nước sau chiến tranh. Thông qua việc giải quyết những vấn đề sau chiến tranh cũng như thái độ cầu thị của triều Lê sơ mà quan hệ triều cống giữa triều Lê sơ với triều Minh không những được thiết lập lại mà đây còn là giai đoạn quan hệ triều cống diễn ra thường xuyên, đều đặn nhất từ trước cho đến thời điểm đó.

Triều Mạc: Mạc Đăng Dung sau khi lên ngôi đã sai người sang sứ nhà Minh,

xin vua Minh sách phong, công nhận quyền cai trị đất nước của triều Mạc. Tuy nhiên, hành động phế vua Lê, tự lập làm vua của Mạc Đăng Dung rồi đưa người sang cầu phong không được triều Minh chấp nhận. Vua Minh Thế Tông (1527-1571) đã cho người sang điều tra về vụ việc này. Mạc Đăng Dung đã dùng tiền bạc để mua chuộc sứ thần và quan lại triều Minh . Đầu năm 1528, Mạc Đăng Dung sai cháu là Văn Minh và bọn tiểu đầu mục là Hứa Tam Tỉnh gồm 28 người mang hàng biểu sang Yên Kinh cầu phong. Ghi chép về sự kiện này, Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Đăng Dung sai người sang Yên Kinh báo với nhà Minh rằng con cháu nhà Lê không còn ai thừa tự nữa, thuộc sứ đại thần là họ Mạc tạm trông coi việc nước, cai trị dân chúng. Nhà Minh không tin, mật sai người sang dò thăm tin tức trong nước, xét hỏi nguyên do, ngầm tìm con cháu nhà Lê để lập lên. Họ Mạc thường dùng lời lẽ văn hoa, lại đem nhiều vàng bạc đút lót. Đến khi sứ giả về, mật tâu là con cháu nhà Lê đã chết hết, không ai nối ngôi được, uỷ thác cho họ Mạc, người trong nước đều tôn phục họ Mạc cả, xin tha tội cho họ Mạc. Vua Minh mắng không nghe” [29, tr. 825].

Tuy nhiên, bằng đường lối đấu tranh ngoại giao bền bỉ và khôn khéo, nhà Mạc cuối cùng cũng khiến triều Minh phải từ bỏ ý đồ xâm lược Đại Việt và thừa nhận ngôi vị của triều đại mình. Tháng 10 năm 1541, vua Minh Thế Tông (1527-1571) đổi

quốc hiệu An Nam thành An Nam đô thống sứ ty, phong cho Mạc Đăng Dung làm

Đô thống sứ (An Nam đô thống sứ ty đô thống sứ), phẩm trật ở bậc tòng nhị phẩm,

ban cho ấn chương khác và con cháu được giữ quyền thế tập. Đây là điều kiện quan trọng để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, cũng là tiền đề để thiết lập lại quan hệ triều cống giữa hai nước. Từ năm 1542, hoạt động triều cống giữa triều Mạc với nhà Minh bắt đầu được thực hiện và duy trì đến cuối triều đại này.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc triều Lê sơ và triều Mạc gặp khó khăn trong việc thiết lập quan hệ triều cống với nhà Minh là do nhà Minh không công nhận sự tồn tài của triều Lê sơ và triều Mạc trong buổi đầu thành lập. Từ đó làm cho mối quan hệ giữa hai nước luôn trong tình trạng căng thẳng, mọi hoạt động qua lại đều bị gián đoạn. Tuy nhiên, do chính sách đối ngoại khéo léo, nêu cao tinh thần hòa hiếu, tranh gây xung đột, chiến tranh mà triều Lê sơ và triều Mạc đã giải quyết được những căng thẳng giữa hai nước để bình thường hóa mối quan hệ bang giao với nhà Minh. Từ đó, quan hệ triều cống được thiết lập và duy trì trong suốt thế kỉ XV-XVI.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ triều cống đại việt minh thế kỉ XV XVI (Trang 73 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)