Lệ cống và cống phẩm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ triều cống đại việt minh thế kỉ XV XVI (Trang 42 - 46)

7. Bố cục luận văn

2.1. Hoạt động triều cống giữa triều Lê sơ với nhàMinh

2.1.1. Lệ cống và cống phẩm

Lệ cống:

Sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lập ra triều Lê sơ (1428-1527). Thực ra, ngay trong giai đoạn cuối của cuộc khởi nghĩa, Lê Lợi đã có những hành động thiết thực nhằm từng bước thiết lập lại mối quan hệ vốn bị gián đoạn giữa Đại Việt với nhà Minh do cuộc chiến tranh Minh – Đại Việt. Nhận thức được tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ với nhà Minh, cùng với hoạt động cầu phong, triều cống cũng là vấn đề rất được triều Lê sơ quan tâm. Đồng thời thực hiện hai hoạt động này triều Lê sơ mới có điều kiện duy trì mối bang giao với nhà Minh, nhất là trong thời điểm vương triều mới thành lập.

Trong thời gian đầu, phía nhà Minh chưa công nhận ngôi vị của Lê Thái Tổ và vương triều Lê Sơ ở Đại Việt. Do đó, nhà Minh chưa tiến hành sách phong cho vua Lê và Đại Việt cũng chưa thực hiện đúng lệ ba năm một lần cống. Những chuyến đi sứ đầu tiên của sứ thần Đại Việt đều do vua Lê cử đi với mục đích muốn được nhà Minh công nhận vương triều mới, cho phép được thực hiện đầy đủ những hoạt động bang giao với “thiên triều’’ giống như những triều đại trước đó. Mặc dù vậy, nhà Minh vẫn yêu cầu phải tìm được con cháu họ Trần để nối ngôi. Năm 1431, sau khi được vua Minh Tuyên Tông phong cho làm Quyền thự An Nam Quốc sự, Lê Thái Tổ đã sai Thẩm hình viện Nguyễn Văn Huyến và Ngự sử trung thừa Nguyễn Tông Chí sang Minh tạ ơn, nộp 5 vạn lạng vàng tuế cống và xin theo lệ cống ba năm một lần như đời Hồng Vũ, với các cống phẩm gồm trầm hương, tốc hương, mộc hương, hương nén đen, quạt giấy.. Từ đây, lệ cống hàng năm của Đại Việt với triều Minh mới chính thức được thực hiện.

Bắt đầu từ thời vua Lê Thái Tông (1434-1442), hoạt động triều cống giữa triều Lê sơ với nhà Minh mới được thực hiện liên tục và được ghi chép cụ thể trong chính sử. Trong mỗi lần đi sứ triều cống, ngoài cống phẩm còn có ba bài biểu dâng cho Hoàng đế, Thái hoàng thái hậu và Hoàng thái hậu nhà Minh. Ngoài lệ cống ba

năm một lần như quy định, trong mỗi năm, phía Đại Việt còn cử sứ đoàn sang nhà Minh với những mục đích khác như thăm hỏi, tạ ơn (khi được sách phong hay ban tặng vật phẩm); chúc mừng (khi một vua mới của nhà Minh lên ngôi, mừng lập thái tử); báo tang (khi một ông vua qua đời)…

Cống phẩm:

Cống phẩm được đem đi theo quy định rõ ràng. Theo ghi chép của Minh thực lục, những cống vật mà Đại Việt đem sang nhà Minh ngoài vàng bạc thì chủ yếu là sản vật địa phương. Còn cụ thể những sản vật địa phương đó là gì thì không thấy tài liệu này ghi chép. Do đó, để xác định thành phần cống vật được các đoàn sứ thần đem đi đều dựa vào những ghi chép của những sử gia phong kiến thời trước. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, phần Bang giao chí đã ghi chép cụ thể về thành phần cống vật đem đi sứ.

Lễ vật đem đi cống: gồm những lễ vật phụng ban đi trước: Bạc thổ sản 66

lạng, lụa thổ sản 39 tấm, quạt 290 chiếc, hồ tiêu 29 cân. Các lễ vật phụng ban cho quan đem đi sau để làm lễ yết kiến và khao tặng gồm: bạc thổ sản 100 lạng, lụa thổ sản 50 tấm, hồ tiêu 30 cân, hương đen 2000 nén, hương trắng 2000 nén, quạt 100 chiếc. Hai bộ tuế cống mỗi bộ nghi vật như sau: lư hương và bình hoa bằng vàng 4 cái (tất cả nặng 209 lạng, chiết can làm 29 đĩnh vàng), mâm bạc 20 chiếc (tất cả nặng 692 lạng, chiết can làm 69 đĩnh bạc), trầm hương 960 lạng, tốc hương 2.368 lạng [4, tr.248].

Lễ vật ban cho sứ thần đem đi: gồm vàng thoi 2 dật (mỗi dật 10 lạng), gai là

hồng ba súc (mỗi súc dài 18 thước), gai là xanh 3 súc, bạc thổ sản 824 lạng, lụa thổ sản 400 tấm, hương đen 6000 nén, hương trắng 6000 nén, sáp thơm 200 bình, quạt sơn 600 chiếc, hồ tiêu 30 cân, giấy rộng 5000 tờ, ván ép 30 tấm [4, tr.248].

Thông qua những ghi chép về các loại cống vật đem đi có thể nhận thấy chủ yếu là vàng, bạc, ngà voi và đặc sản hương liệu như trầm hương, hương xông áo, hương nén, ngoài ra còn có sừng tê, quạt, lụa… Trong những thứ cống nạp này, vàng bạc là quan trọng nhất và không thể thiếu trong danh sách. Những vật phẩm bằng vàng bạc có thể quy thành các đồ dùng như lư hương bằng vàng, bạc, mâm vàng, mâm bạc hoặc có thể chiết can thành những đĩnh vàng, bạc để dễ dàng cho quá trình vận chuyển.

Bản thân nhà Minh là một vương triều cường thịnh, không thiếu vàng bạc châu báu nhưng đây vẫn là loại cống phẩm có giá trị nhất và không thể thiếu trong thành phần cống vật từ Đại Việt đem sang cống nhà Minh. Có thể đây là quy định bắt buộc trong hoạt động triều cống nhằm thể hiện sự tôn trọng của Đại Việt với tư cách là một nước chư hầu, phiên thuộc với thiên triều là nhà Minh. Còn những loại cống vật khác chủ yếu là những vật phẩm tự nhiên quý hiếm, những sản phẩm thủ công của Đại Việt biếu tặng cho vua quan nhà Minh.

Ngoài những lễ vật được quy định rõ ràng theo từng lần triều cống, ở mỗi chuyến đi sứ với mục đích như tạ ơn, chúc mừng, báo tang…lễ vật lại được quy định khác:

Lễ vật tạ ơn: lư hương và bình hoa bằng vàng mỗi thứ 1 cái (nặng 57 lạng 5

đồng cân, chiết can làm 6 đĩnh vàng), hạc bạc và đế bạc đều 1 chiếc (nặng 48 lạng 4 đồng cân, chiết can làm 5 đĩnh bạc), lư hương và bình hoa bằng bạc mỗi thứ 1 cái (nặng 50 lạng 4 đồng cân, chiết can làm 5 đĩng bạc) [4, tr.249]

Lễ vật mừng: rùa vàng 1 con (nặng 18 lạng), hạc bạc và đế bạc đều 1 cái

(nặng 50 lạng). lư hương và bình hoa bằng bạc, mỗi thứ 1 cái (nặng 49 lạng), trầm hương 30 cân, tốc hương 60 cân, quạt sơn 60 chiếc [4; tr.249]

Lễ vật báo tang: trầm hương 30 cân, tốc hương 70 cân [4; tr.249]

Lễ vật tâu việc: cũng như lễ vật mừng, chỉ bớt 100 chiếc quạt sơn [4 tr.249].

Như vậy, so với lễ vật đem đi triều cống thì vào những dịp thăm hỏi giữa hai nước, số lượng cống vật ít hơn rất nhiều. Số lượng cống vật trong từng chuyến đi sứ không được ghi chép một cách cụ thể, rõ ràng mà chỉ nói chung chung là đem vàng bạc, sản vật địa phương sang cống. Còn số lượng cụ thể chỉ được ghi chép bởi những sử gia phong kiến đương thời.

Ngoài những cống phẩm đem sang cống vua Minh, mỗi đoàn sứ thần trong quá trình di chuyển còn sử dụng một số lễ vật tế cáo dọc đường. Phan Huy Chú đã hệ thống những lễ vật được sử dụng dọc đường như sau:

Tế thần Hà bá thủy quan ở bến Nhị Hà: lợn 1 con giá 8 tiền, xôi 1 mâm giá 3 tiền, vàng bạc giấy và hương rượu giá 3 tiền.

Tế cúng miếu: trâu 6 con, giá mỗi con 4 quan và tiền cau hương rượu 6 tiền, xôi 6 mâm, giá mỗi mâm 1 tiền, vàng bạc giấy 6 mâm, giá mỗi mâm 1 tiền.

Tế đền Lý bát vị (tám vị vua nhà Lý, tức đền thờ Lý bát đế ở làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh): trâu 1 con giá 4 quan, xôi 1 mâm giá 3 tiền, vàng bạc giấy và hương rượu cộng 2 tiền.

Tế đền Cần dinh (ở huyện Bảo Lộc, thuộc phủ Lạng Giang, nay là tỉnh Bắc Giang): trâu 1 con giá 4 quan, xôi 1 mâm giá 3 tiền, vàng bạc giấy là hương rượu giá 2 tiền.

Lễ đền thần ở Quỷ môn quan, đền Trung Vũ, đền Bờ Long, đền Bờ Duy: lễ vật theo như tế đền Cần dinh [4; tr.248-249].

Những lễ vật này được sử dụng tại những địa điểm quan trọng trên lộ trình đi sứ của các đoàn sứ thần. Lễ vật chủ yếu là xôi thịt và vàng bạc bằng giấy. Mục đích của việc làm này nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của sứ đoàn, thể hiện sự kính trọng với những vị thần được thờ tại những địa điểm tiến hành bái tế. Đồng thời cũng cầu mong một chuyến đi sứ thuận buồm xuôi gió, đạt được mục đích đề ra, tạo mối quan hệ tốt đẹp với nhà Minh.

Như vậy, trong mỗi chuyến đi sứ làm nhiệm vụ triều cống, tạ ơn, chúc mừng, báo tang…mỗi đoàn sứ thần đều phải sử dụng số lượng cống phẩm khá lớn và được chia cho nhiều bộ phận vận chuyển và canh giữ nhằm đảm bảo an toàn cho cống vật. Số lượng cống vật của mỗi chuyến đi sứ với mục đích khác nhau cũng có sự khác biệt nhất định.

So với những thời kỳ trước, đến thời Lê sơ, số lượng chuyến đi triều cống và cống vật đem đi nhiều hơn hẳn, một phần do yêu sách từ phía nhà Minh, mặt khác do triều Lê sơ muốn duy trì quan hệ hòa bình với nhà Minh, tránh gây xung đột, chiến tranh. Điểm khác biệt lớn nhất trong cống vật triều Lê sơ đem sang cống nhà Minh là xuất hiện tượng người bằng vàng, bắt đầu từ thời vua Lê Thái Tổ. Trong

Bang giao chí, Phan Huy chú chép: “Lê Thái Tổ bình định được thiên hạ, sai bọn

Lê Thiếu Dĩnh, Lê Cảnh Quang và Lê Đức Huy đem biểu văn và sản vật các thứ: một người vàng thay mình, một lư hương bạc, một đôi bình hoa bạc, 300 tấm lụa thổ sản, 14 đôi ngà voi, 20 lọ hương hun áo, 2 vạn nén hương, 24 khối tốc hương sang biếu nhà Minh’’ [4, tr.222]. Cũng về sự kiện này, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “…sai Hàn lâm đãi chế là Lê Thiếu Dĩnh, chủ thư sứ Lê Cảnh Quang, đều làm

Thẩm hình viện sứ, Quốc tử bác sĩ Lê Đức Huy, Kim Ngô vệ tướng quân là Đặng Hiếu Lộc, đều làm Thẩm hình viện phó sứ….đem tờ biểu và sản vật địa phương (tượng người vàng thay mình hai pho, lồ hương bạc một chiếc, bình hoa bạc một đôi, lục thổ 300 tấm, ngà voi 14 đôi, hương xông áo 20 lọ, hương nén 2 vạn nén, trầm hương, tốc hương 24 khối), cùng với bọn chỉ huy của Vương Thông sai về đều đưa về kinh’’ [29, tr.513]. Có thể thấy dưới thời vua Lê Thái Tổ xuất hiện lệ cống người vàng. Vua Lê cống cho nhà Minh hai tượng người bằng vàng cao 1,2m, nặng 10 cân, một là thay cho mình sang làm lễ với vua Minh, một tượng vàng khác là đền mạng cho tướng Liễu Thăng của nhà Minh bị chết ở Đại Việt năm 1427. Mục đích của việc làm này là tạm thời đáp ứng yêu sách của nhà Minh, nhanh chóng tìm cách thiết lập lại mối bang giao với nhà Minh sau cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và duy trì mối quan hệ láng giềng hòa hảo, giảm sự phẫn nộ của nhà Minh sau thất bại ở Đại Việt. Về sau, lệ cống người vàng không được thực hiện thường xuyên và Đại Việt đã nhiều lần phản đối yêu sách này của nhà Minh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ triều cống đại việt minh thế kỉ XV XVI (Trang 42 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)