7. Bố cục luận văn
3.1. Mục đích thiết lập quan hệ triều cống
3.1.1. Về phía Đại Việt
Đại Việt và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng có mối quan hệ từ rất lâu đời. Trong lịch sử, tất cả các triều đại phong kiến Việt Nam đều rất quan tâm đến việc xây dựng và củng cố mối quan hệ láng giềng hữu hảo với Trung Quốc. Trong mối quan hệ này, Đại Việt luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ dân tộc, xây dựng quan hệ bình đẳng trong bang giao. Mặt khác, ở góc độ nào đó, chính quyền Đại Việt chấp nhận và luôn chủ động thiết lập quan hệ triều cống với Trung Hoa, trong đó có nhà Minh vào thế kỉ XV-XVI. Việc làm này của Đại Việt hướng tới một số mục đích cơ bản sau đây:
Thứ nhất, để duy trì mối quan hệ giữa hai nước, giữ gìn độc lập, hòa bình, bảo đảm an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ.
Quan hệ triều cống giữa Đại Việt với Trung Quốc không phải đến thế kỉ XV- XVI mới được hình thành mà có sự xác lập từ trước đó rất lâu. Đến đầu thế kỷ XV, do cuộc chiến tranh xâm lược và thống trị của nhà Minh đã làm gián đoạn những hoạt động bang giao giữa hai nước, trong đó có quan hệ triều cống. Vì vậy, sau khi triều Lê sơ được thành lập, tiếp đó là triều Mạc đều nhận thức rõ ràng rằng việc thiết lập và xây dựng lại quan hệ triều cống là việc làm cần thiết để duy trì mối quan hệ giữa hai quốc gia. Từ đó, tạo điều kiện để bảo vệ, giữ gìn nền độc lập dân tộc.
Thực tế lịch sử đã chứng minh, khi là láng giềng của Trung Hoa, Đại Việt luôn phải đứng trước những thách thức lớn trong việc bảo độc độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Trung Quốc là một nước lớn, có tiềm lực kinh tế, chính trị và quân sự hùng mạnh, lại luôn tham vọng bành trước lãnh thổ. Do có vị trí địa lý liền kề cả ở trên bộ và trên biển, đồng thời là cánh cửa để người Hán tiến xuống phía Nam nên Đại Việt luôn là đối tượng xâm lược hàng đầu của Trung Quốc. Trong lịch sử, từ thời dựng nước đến thời kỳ phong kiến, Đại Việt luôn phải đối phó với hàng loạt cuộc xâm lược và thống trị từ phía láng giềng Trung Quốc. Sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, bước vào thời kỳ xây dựng nhà nước phong kiến tự chủ, các chính quyền Đại Việt phải liên tục kháng chiến nhằm bảo vệ nền độc lập dân tộc. Nhà Nam Hán hai lần xâm lược vào năm 930 và 938;
nhà Tống hai lần tấn công Đại Việt vào các năm 981 và 1076; nhà Nguyên ba lần tấn công vào các năm 1258,1285,1287-1288. Các triều đại Tiền Lê, Lý, Trần kiên quyết bảo vệ độc lập dân tộc, đánh bại những cuộc chiến tranh xâm lược đó nhưng sau khi chiến tranh kết thúc vẫn chủ trương duy trì mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc.
Cũng giống như các triều đại trước đó, ngay sau khi thành lập, nhà Minh thực hiện âm mưu xâm lược và thống trị Đại Việt. Hậu quả là Đại Việt phải chịu ách đô hộ của nhà Minh trong 20 năm (1407-1427) sau thất bại của triều Hồ. Từ đó, triều Lê sơ và triều Mạc nhận thức rõ ràng trong quá trình tồn tại không tránh khỏi việc liên tục phải đối phó với chủ nghĩa bành trướng của nhà Minh.
Kinh nghiệm lịch sử và thực tiễn bang giao đã giúp cho các vương triều Lê sơ và Mạc có cách ứng xử đúng đắn trong quan hệ với nhà Minh. Cùng với hoạt động cầu phong thì triều cống là việc làm cần thiết để duy trì quan hệ tốt đẹp, là phương pháp để giữ gìn độc lập, an ninh quốc gia, tránh để nhà Minh lấy cớ do triều cống không đầy đủ để xâm lược Đại Việt. Triều Lê sơ được thành lập sau cuộc khởi nghĩa phải đổ biết bao xương máu nên nhận thức rõ ràng giá trị của sự độc lập, hòa hiếu trong quan hệ bang giao. Bản thân triều Mạc sau khi thành lập, nhà Minh lợi dụng vấn đề triều cống để hợp thức hóa âm mưu xâm lược Đại Việt của mình. Sách Minh
thực lục chép: “Bộ Lễ tâu rằng An Nam không làm tròn chức cống đã 20 năm nay;
trước đấy Thủ thần Lưỡng Quảng tâu Lê Huệ (Chiêu Tông), Lê Lự không phải dòng đích do Lê Điều (Tương Dực) lập; Mạc Đăng Dung, Trần Cảo đều là giặc soán nghịch; nay đúng lúc phải sai sứ đi hỏi tội, lấy danh Thiên Tử để thay trời thảo phạt. Lại gần đây quan Thủ thần Vân Nam tâu rằng bọn vong mệnh An Nam là Vũ Nghiêm Uy xâm phạm lãnh thổ, bắt Thổ quan, nên cùng khám xét chung. Phái đoàn trước đi bị ngăn trở vì đường sá không thông, nay tạm đình sai đi để giữ quốc thể’’ [40, tr.182]. Vua Minh Thần Tông đã quyết định: “An Nam chiếu sứ bất thông, lại từ lâu không đến cống, phản nghịch đa rõ ràng, hãy sai sứ đến ngay hỏi tội’’ [40, tr.182]. Mặc dù sau đó cuộc chiến tranh không được phía nhà Minh tiến hành do hoạt động ngoại giao của triều Mạc nhưng bản thân triều Mạc cũng nhận định được tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ với nhà Minh theo hướng thừa nhận thiên triều, thực hiện trách nhiệm của một nước chư hầu, đặc biệt là trong vấn đề triều cống.
Như vậy, cả triều Lê sơ và triều Mạc đều nhận thức được việc thiết lập và duy trì quan hệ triều cống với nhà Minh là một việc làm cần thiết nhằm duy trì quan hệ giữa hai nước, đồng thời có điều kiện để bảo vệ nền độc lập, tự chủ dân tộc. Nhận xét về tầm quan trọng của quan hệ triều cống giữa Đại Việt với Trung Quốc, Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã viết: “Trong việc trị nước, hòa hiếu với các nước láng giềng là việc lớn, mà những khi ứng thủ lại rất quan hệ, không thể xem thường…Nước Việt ta có cả cõi đất phía Nam mà thông hiếu với Trung Hoa, tuy nuôi dân dựng nước có quy mô riêng nhưng ở trong thì xưng đế, mà đối ngoài thì xưng vương, vẫn chịu phong hiệu, xét lý thế thực phải như thế. Cho nên lễ sách phong, lễ cống sính, việc bang giao các đời xem xét là quan trọng’’ [40, tr.185].
Thứ hai, việc thiết lập quan hệ triều cống với Trung Quốc nhằm hợp thức hóa
ngôi vị và khẳng định tính chính thống của vương triều Đại Việt.
Tính chính thống của các triều đại phong kiến Việt Nam nói chung và của triều Lê sơ, triều Mạc nói riêng trong con mắt của giai cấp thống trị Trung Quốc là phải được Trung Quốc sách phong, tiếp nhận hoạt động cầu phong và triều cống. Do vậy, các vị vua của hai triều đại này sau khi lên ngôi đều nhanh chóng cử người sang nhà Minh cầu phong và thực hiện triều cống. Việc làm này nhằm đảm bảo tính chính thống của ngôi vua và dòng họ nhà vua.
Với triều Lê sơ, mặc dù giành thắng lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn, buộc quân Minh phải rút về nước, với sức mạnh và tư thế của người chiến thắng, Lê Lợi không nhất thiết phải tiến hành cầu phong hay chủ động cử người đem lễ vật sang tiến cống nhà Minh. Tuy nhiên, xuất phát từ quyền lợi quốc gia cũng như quyền lợi dòng họ mà vấn đề thiết lập lại quan hệ triều cống rất được Lê Lợi quan tâm. Nhà Minh trong cuộc xâm lược năm 1407 lấy cớ “phù Trần diệt Hồ’’ nên trong mắt triều đình, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn bị coi là “giặc”. Sau thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi thiết lập vương triều mới nhưng ảnh hưởng và dư âm của triều Trần chưa hết, tôn thất triều Trần vẫn còn (trước đó, Lê Lợi lấy danh nghĩa của Trần Cảo để cầu phong với nhà Minh). Trước tình hình đó, Lê Lợi thấy cần phải mau chóng đưa họ Lê trở thành dòng họ trị vì chính thống ở Đại Việt, phải sớm được thiên triều công nhận,
phong hiệu, tiếp nhận triều cống. Từ đó để “ổn định nhân tâm và cũng là để tìm chỗ dựa làm hậu thuẫn bảo vệ quyền lợi lâu dài cho dòng họ’’ [31, tr.68].
Với triều Mạc, sau khi thành lập, một nhóm cựu thần nhà Lê đã tự hình thành nên một thế lực chống đối trong nước. Cựu thần triều Lê như Trịnh Ngung, Trịnh Ngang, Trịnh Duy Liêu tố cáo hành động đoạt ngôi của Mạc Đăng Dung, chủ động sang cầu cứu nhà Minh, hy vọng vua Minh đem quân sang trừng trị họ Mạc. Sự thống trị của triều Mạc chưa được nhà Minh công nhận, thậm chí vua Minh Thế Tông còn nêu cao khẩu hiệu “phù Lê diệt Mạc’’ làm cái cớ để chủ trương xâm lược Đại Việt vào năm 1539. Từ đó, triều Mạc hiểu rõ rằng để khẳng định vai trò thống trị đất nước của dòng họ mình nhất thiết phải có được sự công nhận của nhà Minh. Bằng những hoạt động ngoại giao khéo léo, triều Mạc đã tránh cho Đại Việt một cuộc chiến tranh xâm lược từ phía nhà Minh. Ngay sau đó, hàng loạt các hoạt động như cầu phong, tiến cống được thực hiện một cách nghiêm túc. Trước thái độ và hành động của triều Mạc, triều đình nhà Minh đã cho người sang sách phong và tiếp nhận hoạt động tiến cống. Quan hệ triều cống giữa hai nước được thiết lập trở lại, đồng nghĩa với việc nhà Minh thừa nhận tính chính thống của triều Mạc ở Đại Việt.
Thứ ba, khi ổn định được tình hình biên giới ở phía Bắc, các triều đại phong
kiến Việt Nam có điều kiện để tập trung xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời mở mang lãnh thổ, khẳng định vị thế đối với các nước xung quanh.
Việt Nam không chỉ có biên giới giáp với Trung Quốc mà còn tiếp giáp với một số nước khác trong khu vực. Việc ổn định biên giới với các nước láng giềng là vô cùng quan trọng. Nếu như trong quan hệ với các triều đại phong kiến Trung Quốc, Việt Nam với vị trí là một nước phiên thần, chư hầu thì với các nước khác lại có một vị thế hoàn toàn khác. Việc ổn định biên giới phía Bắc với Trung Quốc, tránh xung đột, chiến tranh, giữ gìn nền độc lập hòa bình đã góp phần quan trọng để triều Lê sơ và triều Mạc trong thế kỷ XV-XVI tập trung xây dựng đất nước, mở mang lãnh thổ, đối phó với các thế lực thù địch ở cả trong và ngoài nước.
Lê sơ là một triều đại phong kiến điển hình của Việt Nam, đến thời vua Lê Thánh Tông đã bước vào thời kỳ thịnh đạt. Cùng với việc duy trì quan hệ với nhà Minh, triều Lê sơ cũng đẩy mạnh mối quan hệ với các nước khác trong khu vực.
Triều Lê sơ với vị thế là một vương triều hùng mạnh, có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn đã nhanh chóng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ra bên ngoài, tự thiết lập một hệ thống triều cống khác bên cạnh hệ thống triều cống của nhà Minh, mà ở đó, triều Lê sơ là chủ thể tiếp nhận triều cống từ các quốc gia khác. Có thể kể đến một số quốc gia tiến hành quan hệ triều cống với triều Lê sơ như Trảo Oa, Champa, Chiêm Thành.... Hoạt động triều cống của các nước này với Đại Việt được tiến hành thường xuyên.
Với việc duy trì hòa bình với nhà Minh, triều Lê sơ có điều kiện mở mang lãnh thổ xuống phía Nam. Trước hết phải kể đến cuộc tấn công vào đất Chiêm Thành của vua Lê Nhân Tông từ năm 1444 đến năm 1446. Dưới thời vua Lê Thánh Tông, Đại Việt tiếp tục nhiều lần chinh phạt Chiêm Thành, trong đó quan trọng nhất là cuộc tấn công năm 1471, mở rộng đất đai đến vùng Quảng Nam. Bên cạnh đó, vua Lê Thánh Tông còn cho quân đánh chiếm Bồn Man, mở rộng thêm đất đai, khẳng định vị thế và thiết lập quan hệ triều cống đối với các nước trong khu vực. Triều Mạc sau khi thành lập phải đối phó với nhiều khó khăn ở cả trong và ngoài nước - sự chống đối của các cựu thần triều Lê, âm mưu xâm lược của nhà Minh… Để tránh cùng lúc phải đương đầu với nhiều kẻ thù, triều Mạc đã chủ trương hòa hoãn với nhà Minh thông qua hoạt động ngoại giao. Việc giữ gìn được độc lập, định yên biên giới phía Bắc tạo điều kiện thuận lợi để triều Mạc xây dựng đất nước, tập trung đối phó với các thế lực chống đối, nhất là với Nam triều.