Đại Việt duy trì quan hệ triều cống với nhàMinh trong thế kỉ XV-XVI

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ triều cống đại việt minh thế kỉ XV XVI (Trang 78 - 81)

7. Bố cục luận văn

3.2. Quá trình thiết lập và duy trì quan hệ triều cống

3.2.2. Đại Việt duy trì quan hệ triều cống với nhàMinh trong thế kỉ XV-XVI

Quan hệ triều cống giữa Đại Việt với Trung Quốc được xác lập từ nhiều thế kỉ trước, nhưng đến thế kỉ XV-XVI đã đánh dấu bước thay đổi căn bản trong mối quan hệ giữa hai quốc gia. Thông qua chính sách đối ngoại hợp lý, khéo léo, triều Lê sơ và triều Mạc đã giải quyết được những khó khăn trong việc thiết lập quan hệ triều cống với nhà Minh, nghiêm túc thực hiện những hoạt động cụ thể liên quan đến quan hệ triều cống.

Đứng trước việc nhà Minh liên tục gây khó dễ trong việc thiết lập lại quan hệ triều cống, triều Lê sơ và triều Mạc vẫn kiên quyết chủ trương phải thiết lập bằng được mối bang giao vốn gián đoạn với nhà Minh từ trước đó. Sau khi quan hệ chính trị giữa hai nước được bình thường hóa, hoạt động tiến cống được thực hiện liên tục và nghiêm túc theo đúng quy định đã đề ra. Lệ cống 3 năm 1 kỳ bắt đầu được thực hiện từ sau năm 1431 (thời Lê sơ) và năm 1542 (thời Mạc). Riêng dưới thời Mạc, băt đầu từ năm 1584, dưới thời Mạc Mậu Hợp, sứ đoàn triều cống sang nhà Minh đề đạt ý kiến gộp hai kỳ cống vào làm một, thực hiện lệ cống 6 năm 1 lần cống.

Xét trong khoảng thời gian từ năm 1428 đến năm 1592, Đại Việt liên tục cử sứ thần sang triều cống nhà Minh. Tổng cộng có 46 sứ đoàn sang triều cống, trong đó dưới thời Lê sơ là 29, thời Mạc là 17 lần. Hoạt động tiến cống diễn ra liên tục, nhất là dưới thời vua Lê Thánh Tông và Mạc Mậu Hợp. Hoạt động triều cống của Đại Việt với nhà Minh trong thế kỉ XV-XVI có sự thay đổi theo thời gian. Dưới thời Lê sơ, hoạt động tiến cống diễn ra chủ yếu nhất là từ thời vua Lê Thái Tổ đến Lê Thánh Tông (1428-1496). Càng về sau, nhất là những năm cuối triều đại, hoạt động triều cống không được thực hiện liên tục như trước. Trong khi đó, dưới thời Mạc, hoạt động triều cống lại diễn ra vào nửa sau trong thời kỳ trị vì của triều đại này. Cụ thể, hoạt động triều cống diễn ra mạnh mẽ nhất dưới thời Mạc Mậu Hợp. Có thể lý giải hiện tượng này như sau: triều Lê sơ những năm đầu thịnh trị, đất nước phát triển, hoạt động đối ngoại được quan tâm, vấn đề triều cống với nhà Minh được coi trọng và thực hiện nghiêm túc nhằm duy trì quan hệ giữa hai nước. Về những đời vua cuối triều đại, tình hình đất nước có khủng hoảng biểu hiện trên tất cả các mặt, vua quan ăn chơi sa đọa, không quan tâm đến triều chính, bỏ bê công việc của đất nước. Thêm nữa do thời gian trị vì ngắn (Lê Hiến Tông ở ngôi 5 năm (1497-1504); Lê Túc Tông ở ngôi năm 1504; Lê Uy Mục ở ngôi 5 năm (1504- 1509); Lê Tương Dực ở ngôi 6 năm (1510-1516); Lê Chiêu Tông ở ngôi 6 năm (1516-1522) và Lê Cung Hoàng ở ngôi 5 năm (1522-1527) nên những hoạt động đối ngoại còn nhiều hạn chế. Từ thời vua Lê Chiêu Tông và Lê Cung Hoàng, hoạt động triều cống hầu như không được thực hiện.

Khác với triều Lê sơ, hoạt động triều cống của triều Mạc được thực hiện liên tục từ khi quan hệ chính trị giữa hai nước được bình thường hóa. Càng về sau, hoạt động triều cống càng liên tục, nhất là dưới thời Mạc Mậu Hợp. Nguyên nhân của vấn đề này có lẽ là do triều Mạc vướng vào cuộc chiến tranh với thế lực nhà Lê (chiến tranh Nam – Bắc triều 1533-1592), để duy trì quan hệ với nhà Minh, không cho bộ phận chống đối có cơ hội nhờ cậy nhà Minh nên triều Mạc đẩy mạnh hoạt động triều cống. Bên cạnh việc triều cống đúng quy định, triều Mạc còn tiến hành cống bù cho những lần đi tiến cống thiếu sót lễ vật. Nhờ vậy mà quan hệ hòa bình giữa hai nước được duy trì, triều Mạc có điều kiện tập trung đối phó với thế lực chống đối của nhà Lê.

Đối với mỗi chuyến đi sứ làm nhiệm vụ triều cống, Đại Việt luôn có sự chuẩn bị cẩn thận về thành phần sứ đoàn, nghiêm túc thực hiện theo lộ trình đi sứ, thực hiện đúng những lễ nghi triều cống gồm 5 bước đã được quy định từ trước. Những người tham gia sứ đoàn sang triều cống đều được lựa chọn kĩ càng, am hiểu thời cuộc, có hiểu biết sâu rộng, giữ những vị tri quan trọng trong bộ máy nhà nước. Ví dụ như Binh bộ Thượng thư, Lễ bộ Thượng thư hay quan lại thuộc Quốc Tử giám. Đây đều là những người giữ chức vụ chánh sứ, phó sứ dẫn đầu sứ đoàn triều cống, thay mặt cho toàn bộ nhà nước Đại Việt sang làm nhiệm vụ thông sứ, duy trì quan hệ với nhà Minh. Họ cũng là những người đề đạt ý chí của Đại Việt đến với triều đình nhà Minh, đồng thời đấu tranh bảo vệ quyền lợi của dân tộc, phản đối và đấu tranh chống lại những yêu sách từ phía nhà Minh.

Hơn thế nữa, đối với số cống phẩm, sứ đoàn triều cống của Đại Việt luôn đáp ứng đủ số lượng và chủng loại theo yêu cầu, đảm bảo an toàn trên con đường đi sứ, được quan lại triều Minh kiểm tra kỹ lưỡng trước khi dâng lên nhà vua. Cống phẩm mà Đại Việt đem sang nhà Minh luôn bao gồm 2 bộ phận: vàng bạc và sản vật địa phương. Tùy vào mục đích của từng chuyến đi sứ mà số lượng cống vật có khác nhau. Theo thống kê từ Minh thực lục cho thấy dưới thời Lê có: 13 lần biếu đồ dùng vàng bạc; 25 lần biếu sản vật địa phương; 1 lần biếu lạc đà; 3 lần biếu ngựa; 1 lần biếu vàng (100 lạng); 1 lần biếu bạc (200 lạng); 1 lần biếu trầm hương (100 cân); 1 lần biếu lụa quyên, giáng chân hương, tuyến hương, quạt ngà (mỗi thứ vài trăm); 2 lần biếu ngà voi và 1 lần biếu người vàng. Đáp lại, triều đình nhà Minh cũng có quà tặng cho các sứ thần Đại Việt, chủ yếu là lụa, là, sa, đoạn, quyên, gấm, y phục bằng lụa…

Xét về số lượng cống phẩm, triều Mạc phải cống cho triều Minh nhiều hơn so với triều Lê. So sánh về số lượng cống vật, Phan Huy Chú đã nhận xét: “Thời Lê sơ thông hiếu với Trung Quốc, có người vàng thay mình để đền mạng Liễu Thăng, nhà Minh định làm cống phẩm. Đến khoảng giữa mới đổi ra làm lư hương, bình hoa và vàng bạc vẫn nặng bằng người vàng. Đến lễ cống của nhà Mạc đây, đại lược cũng theo lệ cũ, mà các thứ đồ bạc, mâm bạc thì lại tăng thêm hơn trước’’ [4, tr.243]. Sở dĩ triều Mạc phải cống cho nhà Minh số lượng cống phẩm nhiểu hơn triều Lê sơ là do bản thân vị thế của triều Mạc trong nhận định của triều đình

nhà Minh không bằng triều Lê sơ. Triều Minh gây sức ép, bắt triều Mạc phải thực hiện theo những đòi hỏi trong vấn đề triều cống.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ triều cống đại việt minh thế kỉ XV XVI (Trang 78 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)