Lộ trình đi sứ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ triều cống đại việt minh thế kỉ XV XVI (Trang 46 - 50)

7. Bố cục luận văn

2.1. Hoạt động triều cống giữa triều Lê sơ với nhàMinh

2.1.2. Lộ trình đi sứ

Để thực hiện một chuyến đi sứ, mọi sứ đoàn đều phải có sự thông qua của triều đình nhà Minh và có sự chuẩn bị nhất định. Trong đó, lộ trình đi sứ đã được quy định rõ ràng, các sứ đoàn của Đại Việt sang nhà Minh đều phải thực hiện một cách nghiêm túc. Từ Đại Việt sang Trung Quốc, tất cả các đoàn sứ thần triều cống đều đi theo đường Quảng Tây. Họ xuất phát từ kinh đô Đại Việt, qua các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang vào Lạng Sơn hiện nay rồi trấn Nam Quan và tiến vào Trung Quốc.

Trấn Nam Quan được xem là địa điểm quan trọng, là cầu nối giữa lãnh thổ Đại Việt với nhà Minh. Đoàn sứ thần nói chung và sứ đoàn triều cống nói riêng bắt buộc phải đi qua trấn này thì mới sang được lãnh thổ Trung Quốc. Trấn Nam Quan (hay còn gọi là cửa quan Nam Giao) là một cửa quan quan trọng của tỉnh Lạng Sơn, có địa thế giáp ranh giữa hai quốc gia. Ghi chép về địa thế của cửa quan này, sách Đại Nam nhất

thống chí chép: “Cửa quan Nam Giao: cách tỉnh thành 31 dặm về phía Bắc, ở địa

phận 2 xã Đồng Đăng và Bảo Lâm thuộc châu Văn Uyên, phía Bắc giáp địa giới châu Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, được gọi là trấn Nam Quan. Cửa này dựng từ năm Gia Tĩnh nhà Minh, đến năm Ung Chính nhà Thanh, Án sát

tỉnh Quảng Tây là Cam Nhữ Lai tu bổ lại; có tên nữa là “Đại Nam quan’’, phía Đông là một dải núi đất. Phía Tây là dải núi đá, đều dựa theo chân núi xây gạch làm tường, gồm 119 trượng. Vửa quan đặt ở quãng giữa, có biển đề chữ: “Trấn Nam quan’’, dựng từ năm Ung Chính thứ 6 triều Thanh, có 1 cửa, có khóa, chỉ khi nào có công việc của sứ bộ mới mở’’. [53, tr.447-448].

Để đến được kinh đô nhà Minh, sứ đoàn triều cống của Đại Việt phải trải qua nhiều đường xá, núi sông hiểm trở. Do đường đi khó khăn nên mỗi khi phía nhà Lê sơ có việc phải sang cảm ơn, chúc mừng hoặc báo tang đều đợi đến kì cống để đi cả thể. Việc làm này nhằm giảm thiểu tổn hao sức người sức của do hành trình đi sứ xa xôi và có thể phát sinh nhiều vấn đề khác.

So sánh về lộ trình đi sứ của sứ đoàn triều cống triều Lê sơ với những đoàn sứ thần trước và sau đó có thể nhận thấy những điểm giống và khác nhau. Nhìn chung các đoàn sứ thần xuất phát từ Đại Việt sang triều cống Trung Quốc đều xuất phát từ kinh đô Đại Việt, đi theo hướng Bắc, theo đường Quảng Tây, con đường đi sứ xa xôi, địa hình hiểm trở, khó khăn, mất nhiều thời gian, đích đến cuối cùng là kinh đô của các triều đại phong kiến Trung Quốc.

Trong mỗi triều đại, tùy thuộc vào thời điểm và hoàn cảnh mà lộ trình đi sứ được thực hiện có khác biệt. Sứ đoàn triều Trần khi đến triều cống nhà Nguyên: khởi hành từ Thăng Long đến cửa Nam Quan, đi theo đường Quảng Tây - Quảng Đông theo thuyền sông Vũ Thủy, sông Bắc đến huyện Nam Hùng. Từ đây theo đường bộ qua Mai Lĩnh xuống thuyền sông Chương Thủy rồi sông Cống thuộc địa phận tỉnh Giang Tây. Tiếp đó sứ đoàn theo sông Tiền Đường, Vận Hà, Bạch Hạc rồi đến Bắc Kinh.

Thời Lê Trung hưng: sứ đoàn xuất phát từ Thăng Long, đi đến Lạng Sơn, vào Quảng Tây, Quảng Đông, đến Giang Tây, Chiết Giang, Hồ Nam, Giang Tô, Sơn Đông, Hà Bắc, Thiên Tân, cuối cùng đến Bắc Kinh.

Về thời gian đi sứ: mỗi đoàn sứ thần của triều Lê sơ làm nhiệm vụ triều cống với nhà Minh được tổ chức và thực hiện theo ý chỉ của triều đình. Trong đó có quy định về thời gian khởi hành sau khi đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng về mọi mặt như cống phẩm, thành phần sứ đoàn…Tuy nhiên, do đường đi sứ xa xôi, hiểm trở nên thời gian đi sứ của mỗi đoàn sứ thần có sự khác nhau mặc dù cùng xuất phát từ kinh đô của Đại

Việt đến kinh đô của nhà Minh.Theo khảo sát hai tài liệu chính là Đại Việt sử ký toàn

thưMinh thực lục có thể nhận thấy thời gian của một chuyến đi sứ triều cống của sứ

thần triều Lê sơ từ khi xuất phát đến kinh đô nhà Minh dao động chủ yếu từ khoảng 6 tháng đến 1 năm. Trong một vài trường hợp đặc biệt, sứ đoàn mất khoảng hai năm mới có mặt ở Yên Kinh của nhà Minh.

Ví dụ về thời gian chuyến đi sứ triều cống của Đại Việt năm 1477, sách Đại

Việt sử ký toàn thư ghi chép sự kiện này như sau: “Tháng 11, ngày 20, sai bọn Tả thị

lang Binh bộ Trần Trung Lập, Hàn lâm viện kiểm thảo Lê Ngạn Tuấn và Phan Quý sang nước Minh tiến cống hàng năm’’ [29, tr.679]. Đoàn sứ thần triều cống của Trần Trung Lập mất gần hai năm mới đến được kinh đô nhà Minh. Minh thực lục chép: “Ngày 28 tháng 4 năm 1479, Quốc vương An Nam Lê Hạo sai bọn Bồi thần Trần Trung Lập đến triều cống đồ dùng vàng bạc cùng sản vật địa phương’’ [40, tr.107]. Nguyên nhân của việc sứ đoàn này mất nhiều thời gian là do trên đường đi sứ triều cống gặp phải sự sách nhiễu, cản trở của bộ phận thổ quan của nhà Minh. Cụ thể sự việc này được ghi chép như sau: “Bọn Bồi thần Trần Trung Lập tâu rằng: Nhân đường đi cống qua Quảng Tây, bị Thổ quan Tri huyện Bằng Tường Lý Quảng Ninh, Thổ quan Tri châu Long Châu Triệu Nguyên Hoài ôm mối hiềm khích cũ, tìm cách cản trở làm đình trệ. Các quan Tuần thú đã không cứu xét và trừng trị.’’[40, tr.108]. Trước lời tâu việc của sứ thần Trần Trung Lập, triều đình nhà Minh đã có cách xử lý hợp lý: “Bộ Lễ phúc tấu: Trước đây đã được Bồi thần An Nam tâu đầy đủ, đã sai Hành nhân bạn tống xuất cảnh. Nay Trung Lập lại nói lại lời này; hãy xin cho người ban tống như trước, làm cách nào đến nơi không gây sự oán giận. Lại răn các châu, huyện từ nay về sau sứ thần An Nam vào triều cống, nếu các nơi còn cản trở lưu giữ sẽ bị tội’’ [40, tr.108]. Việc làm này của nhà Minh nhằm dung hòa mối hiềm khích vốn có, đồng thời cũng có lời răn đe đối với bộ phận quan lại nhà Minh cai quản vùng đất mà sứ thần Đại Việt sang triều cống đi qua, duy trì quan hệ triều cống giữa hai nước, hạn chế sự sách nhiễu, cản trở trong quá trình đi sứ của sứ thần Đại Việt.

Ngoài trường hợp năm 1477 nêu trên, theo khảo sát trong Đại Việt sử ký toàn

thưMinh thực lục còn có thêm ba chuyến đi sứ khác cũng có thời gian gần hai

Hoàng Nhạc. Đoàn này xuất phát từ tháng 11 năm 1507, đến ngày 24 tháng 5 năm 1509 mới đến được Yên Kinh. Thứ hai là đoàn sứ thần gồm Đỗ Lý Khiêm, Nguyễn Bình Hòa, Nguyễn Đức Quang, Nguyễn Minh xuất phát từ tháng 11 năm 1510, đến Yên Kinh vào ngày 12 tháng 6 năm 1512. Thứ ba là đoàn sứ thần gồm Nguyễn Trọng Quý, Hứa Tam Tỉnh, Nguyễn Quý Nhã xuất phát từ ngày 13 tháng 10 năm 1513, đến Yên Kinh vào ngày 23 tháng 4 năm 1515.

Trong quá trình thực hiện hoạt động triều cống với nhà Minh, triều Lê sơ liên tục cử sứ thần sang triều cống cũng như thăm hỏi, tạ ơn, chúc mừng… Xét trong khoảng thời gian từ đời vua Lê Thái Tổ đến Lê Thánh Tông, thời gian đi sứ của đoàn sứ thần diễn ra ngắn hơn, càng về sau, thời gian đó càng tăng lên. Điển hình là dưới thời vua Lê Thái Tổ, những đoàn sứ thần triều cống thường đến kinh đô nhà Minh trong khoảng thời gian ngắn. Như đoàn sứ bộ của Nguyễn Văn Huyến, Nguyễn Tông Chí chỉ cần hơn 2 tháng đã có mặt ở Yên Kinh. Đoàn này xuất phát từ ngày 20 tháng 11 năm 1431, đến ngày 7 tháng 2 năm 1432 đã đến kinh đô nhà Minh, thực hiện nghi lễ triều cống với vua Minh. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do trong những năm đầu triều đại, triều Lê sơ đang tìm cách thiết lập lại quan hệ triều cống với nhà Minh nên thời gian đi sứ được đẩy nhanh, sứ đoàn triều cống nhanh chóng đến kinh đô nhà Minh để thể hiện thiện ý của Đại Việt trong việc duy trò quan hệ giữa hai nước. Đồng thời, trong thời gian di chuyển cũng không gặp phải khó khăn hay biến cố gì nghiêm trọng. Những sứ đoàn tiếp theo đều có thời gian đi sứ từ 6 tháng 1 năm.

Bắt đầu từ thời vua Lê Hiến Tông, thời gian đi sứ kéo dài hơn, nhất là dưới thời vua Lê Uy Mục và Lê Tương Dực. Mỗi chuyến đi sứ có thể mất khoảng gần 2 năm mới đến nơi. Thậm chí, vào tháng 10 năm 1518, dưới thời vua Lê Chiêu Tông, triều đình sai: “Nguyễn Thi Ung, Nguyễn Nghiễm, Lê Ý, Ngô Hoán sang nước Minh cống hàng năm’’ [29, tr.808] nhưng sau đó vì trong nước có loạn nên không đi nữa. Lý giải nguyên nhân cho việc những đoàn sứ thần triều cống cuối thời Lê sơ mất nhiều thời gian trong quá trình đi sứ là do tình hình đất nước tại thời điểm đó có nhiều biến đổi cố, vương triều Lê sơ bước vào thời kỳ suy yếu, tình hình chính trị, kinh tế gặp nhiều khó khăn, xã hội không ổn định, bạo loạn diễn ra ở nhiều nơi, giặc cướp hoành hành. Những biến động đó có tác động không nhỏ đến hoạt động triều cống của Đại Việt với nhà Minh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ triều cống đại việt minh thế kỉ XV XVI (Trang 46 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)