Bối cảnh Việt Nam thế kỷ XV

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng xây dựng bộ máy nhà nước thời lê sơ (qua quốc triều hình luật) (Trang 29 - 34)

7. Kết cấu của luận văn

1.2. Cơ sở thực tiễn và vai trò của Lê Thánh Tông

1.2.1. Bối cảnh Việt Nam thế kỷ XV

Qua 20 năm thống trị của phong kiến nhà Minh là 20 năm nhân dân ta đấu tranh không ngừng. Tất cả những cuộc khởi nghĩa, đấu tranh trong giai đoạn này đều nhằm mục đích cao nhất là giải phóng đất nước, khôi phục lại nền độc lập. Những cuộc đấu tranh ấy đã khơi dậy và nêu cao tinh thần yêu nước, bất khuất của nhân dân, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng đất nước. Cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi là cuộc đấu tranh cuối cùng và cao nhất của toàn bộ cuộc đấu tranh trường kỳ ấy. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa đã mở ra cho đất nước một: “Giang sơn từ đây mở mặt, xã tắc từ đây vững bền. Nhật nguyệt hối mà lại minh, càn khôn bĩ mà lại thái. Nền vạn thế xây nên chăn chắn, thẹn nghìn thu rửa sạch làu” [30, tr. 253].

* Tình hình kinh tế

Nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp trở thành nhiệm vụ lịch sử cấp thiết của toàn xã hội. Sau chiến tranh, nền kinh tế nước nhà bị tàn phá nặng nề, đình trệ và tiêu điều. Trong khi phần đông người lao động không có ruộng để sản xuất thì tình trạng đồng ruộng bị bỏ hoang lại diễn ra khá phổ biến. Nhằm khắc phục tình trạng trên, ngay từ năm 1427, Lê Lợi đã bắt nhân dân phiêu tán phải trở về nguyên quán nhận ruộng để cấy cày, nếu bỏ hoang bị tội nặng.

Dưới thời Lê sơ, công việc đắp đê ngăn nước lụt và xây dựng các công trình thủy lợi là yêu cầu cấp thiết của nông nghiệp được nhân dân và nhà nước

chú trọng. Nhà nước đặt ra các chức quan chuyên trách việc đê điều và khuyến khích sản xuất nông nghiệp (Hà đê, Khuyến nông). Bên cạnh đó, nhằm tập trung sức lao động, hạn chế số người thoát li sản xuất, nhà nước đã tích cực thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”. Sau khi cuộc kháng chiến chống Minh thắng lợi, Lê Lợi giảm số quân thường trực từ 35 vạn xuống 10 vạn, cho 25 vạn về làm ruộng. Mười vạn quân ở lại được chia thành 5 phiên, cứ lần lượt thay nhau một phiên lưu ban và bốn phiên về làm ruộng. Sự lao động cần cù, sáng tạo của người nông dân cùng những biện pháp tích cực, hiệu quả của nhà nước đã làm cho nền sản xuất nông nghiệp giai đoạn đầu Lê sơ dần được phục hồi và phát triển.

Song song với nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, nhà nước Lê sơ đứng trước yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng cơ sở kinh tế cho chế độ phong kiến, xác lập quyền sở hữu ruộng đất công của nhà nước. Lê Thái Tổ đã cho thi hành chế độ lộc điền, quân điền; tuy nhiên vẫn còn nhiều thiếu sót, những biện pháp quản lý ruộng đất thời Lê Thái Tổ chỉ dừng lại ở một số tỉnh chứ chưa được thực hiện trên phạm vi cả nước. Đến thời vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, không thấy sử chép đến việc chia cấp ruộng đất, làm sổ điền. Có thể thấy, đến đời vua Lê Nhân Tông, quyền sở hữu tối cao của Nhà nước về ruộng đất vẫn chưa được hoàn toàn xác lập. Quan hệ sản xuất địa chủ - nông dân vẫn chưa trở thành quan hệ kinh tế chủ đạo thống trị trong xã hội. Do đó, chế độ quân chủ tập quyền chưa có cơ sở vững chắc để xác lập.

Vào những năm đầu thế kỉ XV, thủ công nghiệp chia thành hai bộ phận là thủ công nghiệp của nhân dân và thủ công nghiệp của nhà nước. Ở thời này, xuất hiện nhiều làng nghề thủ công truyền thống ở cả thành thị và nông thôn, có những làng nghề sản xuất sản phẩm nhất định như ở vùng Nghệ An có nghề làm áo nhung phục, dệt vải thưa; ở vùng Quảng Nam có nghề làm tơ gai, lụa màu huyền; vùng Lạng Sơn, châu Yên bác có nghề làm gấm thêu, lĩnh, là, các chất

thơm… Bên cạnh đó, một số ngành thủ công của Trung Quốc đã du nhập vào nước ta như nghề khắc bản in và nghề thuộc da [33, tr. 124].

Trên cơ sở kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp được phục hồi và phát triển, kinh tế thương nghiệp cũng phát triển thêm một bước. Thương nghiệp đầu thế kỉ XV chỉ là sự trao đổi giữa các địa phương, sự buôn bán, trao đổi giữa các thương nhân được phát triển.

So với giai đoạn trước, nền kinh tế Đại Việt thời Lê sơ đã có bước tiến dài đáng kể trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp. Trong thời kì này, đời sống nhân dân được cải thiện nhiều, vì vậy mà có câu truyền:

“Đời vua Thái Tổ, Thái Tông Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn”

Đây là điều kiện thuận lợi để vua Lê Thánh Tông tiếp tục phát triển đất nước, đưa Đại Việt thành quốc gia cường thịnh ở vùng Đông Nam Á.

* Văn hóa - xã hội

Về văn hóa: Trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, ba hệ thống tư tưởng đã từng chiếm địa vị chi phối, làm nòng cốt cho ý thức hệ phong kiến là Nho, Đạo và Phật. Chúng tuy có lúc mâu thuẫn, chống đối nhau nhưng mặt khác có sự tương trợ, bổ sung cho nhau tạo thành “tam giáo đồng nguyên” và là công cụ thống trị về mặt tư tưởng, tinh thần của giai cấp phong kiến.

Nếu như dưới triều Lý - Trần, Phật giáo thịnh hành nhất, trở thành tư tưởng được vua quan thời Trần tôn sùng thì đến thời Lê sơ, Nho giáo chiếm vị trí quan trọng và trở thành tư tưởng độc tôn dưới triều vua Lê Thánh Tông. Nho giáo thời kì này chủ yếu là Tống Nho do Chu Hy (1130 -1200) đứng đầu. Học thuyết Tống Nho là một hình thức đổi mới của Nho giáo nhằm thích ứng với yêu cầu phát triển của chế độ phong kiến quân chủ chuyên chế. Nho giáo

trở thành tư tưởng độc tôn nhưng đồng thời Phật giáo và Đạo giáo vẫn được duy trì trong chừng mực có lợi cho giai cấp thống trị.

Dưới các triều đại phong kiến, các vị vua anh minh đều coi trọng công việc khoa cử, coi trọng sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhân tài. Các vị vua triều đại Lê sơ không nằm ngoài quy luật đó. Ngay từ khi chưa giải phóng thành Đông Quan, mới ngự ở cung Bồ Đề, năm 1426, Lê Lợi đã hạ lệnh thi học trò văn học. Buổi đầu, vua Lê Thái Tổ chưa kịp lập lại các khoa thi thường lệ, chỉ mở các khoa thi bất thường, tùy tài năng mà cất nhắc bổ dụng, vẫn chưa lấy đỗ tiến sĩ. Đến đời vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, chế độ thi cử được quy định rõ ràng, chi tiết hơn.

Mạng lưới trường học được nhà Lê sơ thiết lập từ trung ương tới địa phương. Quốc Tử Giám không còn độc tôn cho con em quan lại, quý tộc cao cấp đến học mà mở rộng cho cả con em bình dân. Ở trường học, nội dung giáo dục chủ yếu là Nho giáo qua các sách Tứ thư, Ngũ inh, Bắc sử

Về xã hội: Những biến động về kinh tế, chính trị, văn hóa đầu thế kỉ XV tất yếu dẫn đến sự biến động về mặt xã hội. Tầng lớp quý tộc không còn giữ địa vị như trước. Thành phần xã hội chủ yếu gồm vua - quan và tứ dân:

Vua - quan: Vua là người đứng đầu, có quyền lực cao nhất, dưới vua là hệ thống quan lại từ trung ương đến địa phương. Đội ngũ này chính là giai cấp địa chủ trong xã hội mà ông vua là một địa chủ lớn nhất. Các quan văn võ có nguồn gốc từ nhiều tầng lớp xuất thân nhưng chủ yếu từ giai cấp địa chủ qua thi cử, bảo cử hoặc tiến cử… Do hoàn cảnh lịch sử chi phối, buổi đầu quyền lực còn nằm trong tay đội ngũ quan lại có tài năng đức độ trong trận mạc nhưng hạn chế về tri thức, kinh nghiệm xây dựng, quản lý đất nước vào thời bình. Nội bộ quan lại còn mâu thuẫn, nhiều người tha hóa, biến chất. Tứ dân: gồm 4 tầng lớp chính là sĩ, nông, thợ thủ công và binh.

Sĩ: là những người học hành đỗ đạt, xuất thân từ nhiều tầng lớp trong xã hội, là đối tượng chủ yếu được đào tạo, chọn lọc vào đội ngũ quan lại. Tầng lớp này luôn được xã hội trọng vọng.

Nông: chiếm đại đa số trong xã hội, là lực lượng sản xuất chủ yếu, sáng tạo của cải xã hội, là nguồn cung cấp binh lính, lao dịch cho đất nước. Nông dân thời kì này có sự phân hóa mạnh, gồm nhiều thứ hạng phụ thuộc vào việc sở hữu ruộng đất ít nhiều khác nhau. Sau nông dân là nô tỳ với số lượng không nhiều, có nguồn gốc từ tù binh chiến tranh, tội nhân trong nước. Nô tì gồm hai loại là quan nô (nô tỳ của nhà nước) và tư nô (nô tỳ của tư nhân).

Thợ thủ công và thương nhân: lực lượng này bị hạn chế về mặt số lượng và chất lượng. Do đó, họ không có tác động mạnh mẽ, chi phối tiến trình vận động, phát triển của xã hội.

Binh: bộ phận giữ vai trò quan trọng trong xã hội. Họ thực chất là những người nông dân mặc áo lính. Khi làm nghĩa vụ binh dịch, cuộc đời họ gắn liền với bộ máy nhà nước, là công cụ bạo lực của nhà nước, chịu sự điều động của nhà nước. Giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội luôn tồn tại mâu thuẫn nhưng chưa đến mức gay gắt, vẫn trong giới hạn điều hòa được. Nhận thức được chân lý “khoan thư sức dân”, chăm lo cuộc sống của nhân dân kết hợp với sự khéo léo trong việc trị nước đã giúp nhà Lê không phải đối mặt với những cuộc khởi nghĩa lớn của nông dân, đất nước được ổn định trong một thời gian dài.

Như vậy, trước khi Lê Thánh Tông lên ngôi, đất nước đã sạch bóng giặc ngoại xâm, nhân dân sống trong cảnh thái bình. Ruộng đất của bọn xâm lược, kẻ làm tay sai cho giặc, của quý tộc Trần để hoang hóa đều được chia cho người có công với kháng chiến, nhờ đó nhiều người lao động đã có ruộng. Người lao động có đất đã kích thích họ hăng hái sản xuất, tạo ra nhiều của cải cho gia đình, xã hội. Thủ công nghiệp và thương nghiệp cũng có bước phát triển mới.

Bên cạnh thành tựu kinh tế, chế độ phong kiến cũng được củng cố thêm một bước. Dưới thời Trần, chế độ phong kiến với quyền lực phân tán cho các vương hầu ở địa phương làm cho chính quyền trung ương không mạnh, bộ máy thống trị nặng nề, kém hiệu lực; đến giai đoạn này, quyền lực đã được tập trung vào tay vua. Do đó, triều đình điều hành bộ máy nhà nước dễ hơn, chính sách ban ra được thực hiện tốt hơn. Thời Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông đã tạo được những kinh nghiệm cần thiết cho việc củng cố triều đại, đất nước trên cơ sở tập quyền từng bước có sự phát triển. Đây là những điều kiện thuận lợi để vua Lê Thánh Tông đề ra và thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, mở mang văn hóa, giáo dục…

Trên cơ sở phân tích những điều kiện kinh tế, xã hội giai đoạn đầu Lê sơ, Lê Thánh Tông đưa ra những chính sách, biện pháp để xây dựng, phát triển xã hội và chế độ phong kiến về mọi mặt; qua đó, thể hiện tư tưởng xây dựng bộ máy nhà nước phong kiến chuyên chế, biểu hiển sâu sắc nhất trong

Quốc triều hình luật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng xây dựng bộ máy nhà nước thời lê sơ (qua quốc triều hình luật) (Trang 29 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)