Những thành tựu và hạn chế trong việc xây dựng bộ máy nhà nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng xây dựng bộ máy nhà nước thời lê sơ (qua quốc triều hình luật) (Trang 34 - 41)

7. Kết cấu của luận văn

1.2. Cơ sở thực tiễn và vai trò của Lê Thánh Tông

1.2.2. Những thành tựu và hạn chế trong việc xây dựng bộ máy nhà nước

nước phong kiến trước thời Lê sơ

1.2.2.1. Thời kỳ: Ngô - Đinh - Tiền Lê

Sau khi đánh bại quân Nam Hán, Ngô Quyền xưng Vương (năm 939), đóng đô ở Cổ Loa, như lời sử cũ, để tỏ ý tiếp nối quốc thống xưa của An Dương Vương và xây dựng một chính quyền trung ương độc lập, tự chủ. Qua các tài liệu lịch sử về giai đoạn đầu của thời kì tự chủ, có thể khái quát về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước do các vua Ngô, Đinh, Tiền Lê điều khiển như sau:

Trong giai đoạn đầu tiên của lịch sử nhà nước phong kiến Việt Nam, khi cuộc đấu tranh giữa các lực lượng cát cứ với nhau và giữa chính quyền trung ương với các lực lượng cát cứ địa phương diễn ra mạnh mẽ, thì tổ chức

bộ máy nhà nước do triều đình trung ương điều khiển có tính chất thiên về quân sự. Lực lượng quân đội đã được các vua Ngô, Đinh, Tiền Lê đặc biệt quan tâm xây dựng. Quân đội hùng mạnh không những cần thiết cho việc đấu tranh nội bộ chống các hào trưởng cát cứ, mà còn cần thiết để đối phó với nạn ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập quốc gia mới giành được.

Đinh Tiên Hoàng bắt đầu thực hiện chương trình tổ chức quân đội thành đạo, quân, lữ, tốt, ngũ, chia nước thành khu quân sự. Tổng chỉ huy quân đội là Thập đạo tướng quân. Dưới triều Tiền Lê, Lê Hoàn và các vua tiếp sau củng cố và tăng cường thêm quân đội thường trực, đặt ngạch thân binh, tuyển lính túc vệ đóng ở kinh thành. Các chức quan cao cấp chỉ huy quân đội được đặt ra như thái úy, khu mật sứ… Thủy quân đời Lê đã có những chiếc thuyền lớn đi biển. Ngoài quân đội của nhà vua còn có quân đội do các vương hầu, quý tộc chiêu mộ và điều khiển ở điền trang, thái ấp mà vua có thể điều động khi cần đến.

Về tổ chức hành chính, quan chế, nghi tiết, các vua trong buổi đầu thời tự chủ về cơ bản là phỏng theo các triều đại phong kiến Trung Quốc Đường, Tống. Dưới triều Ngô, kinh đô đặt ở Cổ Loa, đến thời Đinh thì dời đô về Hoa Lư (Ninh Bình). Đinh Tiên Hoàng chia nước ra thành đạo. Năm 1002, dưới thời Tiền Lê, đơn vị đạo bị xóa bỏ và đất nước được chia ra làm lộ, phủ, châu. Thời nhà Đinh, nhà nước phong kiến lấy đạo Phật làm quốc giáo, định phẩm tước cho sư tăng và cử ra một số sư tăng làm quan, tham gia việc hành chính gọi là tăng quan. Dưới triều Tiền Lê, sư tăng cũng rất được trọng dụng, một số được giao trách nhiệm lớn về ngoại giao của nhà nước (Lạc Thuận, Ngô Chân Lưu).

Tóm lại, từ khi Ngô Quyền xưng vương, nước Việt Nam giành được độc lập thực sự về chính trị. Nhà Ngô có ý chí xây dựng chính quyền Nhà nước trung ương tập quyền, nhưng đã thất bại do cuộc nổi dậy cát cứ ở các lực lượng hào

trưởng địa phương. Đinh Bộ Lĩnh dẹp được các sứ quân, thống nhất đất nước, lại ra sức xây dựng chính quyền tập trung, và nhà Tiền Lê tiếp tục những cố gắng đó. Về cơ bản, cuộc đấu tranh giữa các yếu tố tập trung và phân tán về chính trị cuối cùng đã kết thúc với sự thắng lợi của xu hướng tập quyền. Nền độc lập quốc gia được bảo vệ và củng cố thêm một bước, là điều kiện để các triều đại sau phát triển hơn nữa chế độ quân chủ trung ương tập quyền.

Bên cạnh đó, nhà nước phong kiến dưới các thời Ngô - Đinh - Tiền Lê còn có những hạn chế nhất định, thể hiện ở chỗ: Chính quyền trung ương tập quyền còn ở thời kì phôi thai, chưa có cơ sở kinh tế - xã hội vững chắc, cuộc đấu tranh giữa các nhân tố tập trung và phân tán vẫn tiếp diễn. Vì vậy, chính sách cai trị còn dựa nhiều vào thế lực quân sự, tổ chức bộ máy nhà nước còn thô sơ. Tổ chức nhà nước nhìn chung còn đơn giản, các hoạt động của nhà nước chưa được thể chế hóa, việc lựa chọn quan lại chưa có chế độ rõ ràng.

Từ mô hình tổ chức bộ máy nhà nước đến các biện pháp quản lý xã hội thời kỳ này còn mang đậm tính chất quân sự. Pháp luật thời kỳ này chưa được thể hiện rõ. Qua các tài liệu liên quan đến tình hình trừng trị tội phạm cho thấy, hình phạt áp dụng dưới thời các thời Đinh, Tiền Lê rất tàn ác. Sử chép, người ta giết kẻ phạm tội nặng bằng cách ném phạm nhân vào vạc dầu sôi, vào cũi hổ, và vạc dầu được đặt ở ngay trên sân triều của vua Đinh. Lê Hoàn cũng giết dễ dàng những quần thần có lỗi, theo Tống sử thì ông đã đặt hình phạt roi vọt để áp dụng phổ biến cho các tội phạm nhẹ (từ 30 - 200 roi), Lê Long Đĩnh dùng những hình phạt giết người dã man và tàn bạo như thiêu người, xẻo thịt cho chết dần, giam người vào nhà tù dưới nước (thuỷ lao) để nước triều dâng lên làm ngập chết, bắt chèo cây rồi đẵn cây cho đổ, róc mía trên đầu sư…

1.2.2.2. Thời Lý - Trần - Hồ

Thời Lý - Trần, yếu tố phân tán về kinh tế, chính trị vẫn còn tồn tại do chế độ phân phong ruộng đất đã tạo nên những thái ấp và những “lãnh chúa”

quý tộc đứng đầu thái ấp đó. Sức phát triển của nền kinh tế xã hội đã phá vỡ kinh tế thái ấp tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển cao hơn của nền thống trị trung ương tập quyền của thế kỉ sau.

Theo thời gian, nhà nước phong kiến tập quyền đã dần dần được tổ chức có quy củ, dựa trên chế độ chính quy hóa. Những đặc điểm chính của nó là: tính chất tập trung quan liêu của bộ máy nhà nước được tăng cường, hoạt động của các cơ quan chính quyền trung ương được mở rộng và tác động trên cả nước, tới các thôn xã; quan hệ giữa người dân và nhà vua được củng cố, thay thế hoặc bao trùm lên các quan hệ khác, lực lượng quân sự được tăng cường và tổ chức thống nhất, hoạt động lập pháp của nhà nước bước đầu phát triển.

Về mặt phân chia khu vực hành chính có bước phát triển hơn hẳn so với trước, nhà Lý đã đổi Đạo (với tính chất là đơn vị quân sự) thành Lộ (với tính chất là đơn vị hành chính - lãnh thổ). Sự thay đổi đó không đơn thuần là việc đổi tên mà nó còn thể hiện sự thay đổi cơ bản trong tư duy, trong cách thức quản lý đất nước. Ở trung ương, bộ máy thống trị quan liêu do vua đứng đầu được tổ chức theo chế độ chính quy từ thời Càn Đức (vua Lý Nhân Tông) ở cuối thế kỉ XI. Nhà Lý xây dựng quan chế trong Hội điển, nhà Trần trong Thông chế. Những chức quan cao cấp nhất ở triều đình chia ra ngạch văn, ngạch võ. Ở các đơn vị hành chính lớn ở địa phương cũng vậy, ở xã vẫn có xã quan như trước. Sang thời nhà Trần, bộ máy quan liêu ở trung ương được tăng cường hơn nữa. Nhiều cơ quan được đặt ra thành những hệ thống riêng gọi là quán, các, sảnh, cục, đài, viện. Đáng chú ý trong giai đoạn này là việc thành lập các cơ quan phụ trách tư pháp trong triều đình, dưới thời Trần các cơ quan đó là Thẩm hình viện, Tam ty viện, do các quan lại chuyên môn phụ trách. Ở địa phương có an phủ chánh, phó sứ cai trị các lộ; tại các phủ, huyện có tri phủ, tri huyện, ở châu có tào vận sứ. Tri phủ, tri huyện là tên chung của

quan cai trị phủ, huyện, còn tên chức quan cụ thể phụ trách tri phủ, tri huyện thì có thay đổi theo các triều vua.

Dười thời Lý - Trần, Phật giáo tiếp tục được trọng dụng, do đó có các chức quan tôn giáo như quốc sư, tăng thống, tăng lục, tăng chính… Nhà chùa được chính quyền phong kiến lợi dụng để dạy người ta nhẫn nhục, có lợi cho việc bảo vệ nền thống trị phong kiến.

Một đặc điểm quan trọng so với thời kì trước là việc bước đầu tăng cường hoạt động lập pháp của nhà nước và ban hành những bộ luật đầu tiên trong lịch sử nước ta. Năm 1042, Lý Thái Tông sai quan trung thư “sửa định luật lệ, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản, làm thành sách Hình thư của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu. Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện” [10, tr. 331].

Sang thời Trần, hoạt động pháp chế lại được tăng cường hơn nữa. Năm 1230, nhà vua “định thể lệ làm ra các sách chép về việc hình”, cho khảo định đời trước để soạn Quốc triều hình luật. Năm 1244, “định hình luật” và năm 1341 Trần Dụ Tông trao cho Nguyễn Trung Ngạn và Trương Hán Siêu cùng soạn ra Hình thư gồm một quyển.

Các bộ luật thời Lý, Trần đều bị quân xâm lược nhà Minh cướp đoạt mất, chỉ có thể hiểu qua Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú. Pháp luật thời kỳ này rất khắc nghiệt và tàn ác, phù hợp với tinh thần chung của pháp luật hình sự phong kiến mang nặng tính chất man rợ. Ví như triều Lý xử tội với hình phạt cực kỳ dã man như “lên ngựa gỗ” (tội nhân bị đóng lên một tấm ván, đem bêu chợ rồi mới đem ra pháp trường tùng xẻo), các hình phạt “chặt chân tay”… Mặc dù có những hạn chế nhưng đó là những bộ luật có giá trị sâu sắc trong xã hội đương thời. Nó chứng tỏ bộ máy nhà nước trung ương tập quyền đã có tính chất tương đối ổn định và được xây dựng với thiết chế tương đối hoàn bị.

Mặt hạn chế dưới thời Lý, Trần biểu hiện trong việc lựa chọn quan lại cho bộ máy nhà nước phong kiến dựa trên nguyên tắc: “người có quan tước, con cháu được thừa ấm mới được vào làm quan. Người giàu, khỏe mạnh mà không có quan tước thì sung quân, đời đời làm lính” [30, tr. 128]. Nhà nước có nhiều điểm phỏng theo quan chế nhà Tống. Hệ thống pháp luật thời kì này đặc biệt đề cao những người có chức, có quyền, hoàng tộc, tầng lớp trên trong xã hội, do đó mà tầng lớp dân đinh, nông dân vẫn bị bóc lột, trừng trị với những hình phạt dã man, tàn bạo. Như Phan Huy Chú nhận xét về triều đại Lý, Trần: “Hình pháp các đời Lý Trần, không thể biết rõ từng điều tỉ mỉ, kĩ càng. Buổi đầu định ra luật cách tưởng cũng là dung theo chế độ của các đời Đường Tống, song trong khoảng rộng nghiêm, nhiều lúc có châm chước” [7, tr. 291] và “hình của nhà Lý lỗi ở khoan rộng, hình của nhà Trần thì lỗi ở nghiêm khắc, nhẹ nặng không đúng mức, đều chưa gọi là phép hay được” [7, tr. 290].

Bước sang thời nhà Hồ, Hồ Quý Ly đã thực hiện một số cải cách táo bạo về kinh tế và chính trị. Trong đó có một số cải cách về mặt tổ chức bộ máy nhà nước nhằm tăng cường uy lực của nhà nước tập quyền chuyên chế:

Quyền lực tập trung hơn nữa về trung ương: Các đơn vị hành chính được điều chỉnh lại: nâng một số châu lên thành lộ, các lộ xa đổi làm trấn. Ở các lộ thì thống nhất việc chỉ huy về quân sự và hành chính trong tay những chức quan gọi là đô hộ, đô thống, thái thú. Ở các trấn, việc cai trị nặng về tính chất quân sự. Ở mỗi lộ có đặt chức Liêm phóng sự - một chức quan chuyên coi bộ máy mật thám, dò xét tình hình về những hoạt động lật đổ để báo cáo về trung ương.

Lực lượng quân sự được tăng cường về mặt tổ chức và quân số: Hồ Quý Ly tiến hành việc tuyển binh ráo riết, bắt cả tu sĩ cũng phải làm binh dịch, mở thêm xưởng đóng chiến thuyền, binh khí. Hồ Quý Ly có ý định xây dựng một quân đội hùng mạnh, nhằm mục đích một mặt đàn áp các cuộc

chống đối của bọn quý tộc, quan lại trung thành với nhà Trần và nhằm đối phó với nguy cơ xâm lược của quân nhà Minh, mặt khác để trấn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân ngày càng nhiều và tiến hành chiến tranh với người Chiêm Thành ở phía nam.

Thời nhà Hồ nắm chính quyền, đáng chú ý nhất là việc ban hành một số pháp luật về kinh tế và xã hội: Chính sách hạn điền (1397), hạn nô (1401) được ban hành dưới hình thức pháp luật. Để bảo vệ tiền giấy lưu hành, Hồ Quý Ly đã ban hành những luật lệ trừng trị tội làm giả giấy bạc, tàng trữ tiền đồng và bắt buộc dân đổi tiền đồng lấy tiền giấy. Hoạt động lập pháp, đặc biệt dưới thời nhà Hồ không có nhiều vì họ Hồ chỉ thống trị trong một thời gian ngắn.

Với những đặc điểm trên, nhà nước phong kiến thời Hồ Quý Ly mang tính chất cảnh sát và quân sự rõ rệt. Đó là sự phản ứng của một bộ phận trong nội bộ giai cấp thống trị vào cuối thế kỉ XIV bị nhân dân chống lại dữ dội. Những biện pháp của Hồ Quý Ly đưa ra nhằm cứu vãn vận mệnh của nhà nước phong kiến đang đứng trước nguy cơ bị sụp đổ đã không có kết quả và sau ít năm thì chính quyền họ Hồ bị quân xâm lược nước ngoài thủ tiêu.

Mặt hạn chế dưới thời nhà Hồ biểu hiện ở chỗ, do Hồ Quý Ly cướp ngôi vua, không nhận được sự ủng hộ của dân, nên mọi cải cách của ông đối với nhân dân dù được thực hiện cũng mang tính chất miễn cưỡng. Vua đứng đầu bộ máy nhà nước lại không được lòng dân, nhà nước nhanh chóng suy tàn.

Tóm lại, qua các triều đại từ Ngô - Đinh - Tiền Lê, Lý - Trần, Hồ, việc xây dựng bộ máy nhà nước mỗi thời kì có những tiến bộ nhất định, củng cố hơn nữa cho bộ máy trung ương tập quyền phong kiến. Bên cạnh đó, nó cũng bộc lộ những hạn chế, đây được coi là những bài học kinh nghiệm đối với triều Lê sơ sau này trong việc hoàn thiện bộ máy nhà nước quân chủ chuyên chế đạt đến đỉnh cao.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng xây dựng bộ máy nhà nước thời lê sơ (qua quốc triều hình luật) (Trang 34 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)