Vai trò chủ quan của Lê Thánh Tông

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng xây dựng bộ máy nhà nước thời lê sơ (qua quốc triều hình luật) (Trang 45 - 49)

7. Kết cấu của luận văn

1.2. Cơ sở thực tiễn và vai trò của Lê Thánh Tông

1.2.4. Vai trò chủ quan của Lê Thánh Tông

Để hình thành tư tưởng xây dựng bộ máy nhà nước thời Lê sơ, công lao to lớn thuộc về vua Lê Thánh Tông. Vị vua tài ba ấy có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển, thịnh trị của đất nước. Lê Thánh Tông (1442 - 1497) tên húy là Tư Thành, sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442), ông còn tên khác là Lê Hạo. Sinh ra trong một gia đình nề nếp, có dòng dõi hoàng tộc nên ở Lê Thánh Tông đã sớm bộc lộ những phẩm chất cao quý, thông minh hơn người. Ông có vai trò quan trọng trong việc củng cố, xây dựng vương triều Lê sơ đạt thịnh trị nhất trong lịch sử.

Lê Thánh Tông là con trai thứ tư của vua Lê Thái Tông. Mẹ là bà Quang Thục hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Bà là con gái của Ngô Từ,

một công thần của vua Lê Thái Tổ, có công trong việc cung cấp quân lương trong cuộc kháng chiến chống Minh. Vì có dung mạo xinh đẹp, hiền lành, lại thông minh, lanh lợi, nên khi theo chị là Ngô Thị Ngọc Xuân vào cung đã được vua Lê Thái Tông đem lòng yêu quý và lấy làm phi. Nhưng do mâu thuẫn trong cung đình nên bà Ngô Thị Ngọc Dao bị đuổi ra khỏi kinh về sống tại nhà mình ở phía tây nam Quốc Tử Giám, nay là chùa Huy Văn. Lúc này bà đã mang thai. Ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442) bà hạ sinh một cậu con trai, đặt tên là Tư Thành. Tương truyền, bà Ngô Thị Ngọc Dao thường hay cầu tự, trước khi sinh có một lần bà nằm mộng đến chỗ Thượng đế, được Thượng đế ban cho một vị tiên đồng, vị tiên đồng dùng dằng không chịu đi ngay, Thượng đế giận cầm cái hốt ngọc đánh vào trán chảy cả máu. Sau này, khi sinh ra trên trán nhà vua vẫn còn vết sẹo y như bà đã thấy trong mộng. Ngay từ khi sinh ra, Lê Tư Thành đã có dung mạo tuấn tú, vẻ mặt thông minh, sáng ngời của một bậc minh quân. Điều này đúng như sử gia Ngô Sĩ Liên đã nhận xét: “Vua sinh ra thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác người, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước” [11, tr. 487 - 488].

Trước sự xung đột của vương triều, năm 1460, sau khi đã dẹp được loạn Nghi Dân, các đại thần trong triều như Đinh Liệt, Nguyễn Xí… đã đưa Tư Thành lên ngôi. Ông là một trong những ông vua có thời gian trị vì đất nước lâu nhất trong suốt lịch sử phong kiến nước ta. Trong 10 năm đầu (1460 - 1470) ông lấy niên hiệu là Quang Thuận, 28 năm sau đổi niên hiệu thành Hồng Đức. Chính khoảng thời gian trị vì lâu dài ấy là điều kiện để tài năng, trí tuệ của Lê Thánh Tông được tỏa sáng, ông đã thực hiện nhiều biện pháp cải cách rất táo bạo trong nhiều lĩnh vực, giữ vững độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, từ đó đưa nước ta trở thành một nước hùng cường bậc nhất trong khu vực Đông Nam Á thời bấy giờ và bậc nhất trong suốt thời

kì phong kiến Việt Nam. Đó cũng là thành công lớn đầu tiên của ông, mở ra một thời kỳ phát triển mới của vương triều và của đất nước.

Sở dĩ đất nước có bước thay đổi, trở thành quốc gia thịnh trị nhất lúc bấy giờ, cho thấy rõ vai trò của vua Lê Thánh Tông. Xuất phát từ hoàn cảnh mà hình thành nhân cách cao quý ở ông, một con người hiếu đễ, có tấm lòng yêu thương nhân dân, tin tưởng vào vai trò của dân trong việc trị nước. Từ khi sinh ra, vua đã sống cùng mẹ ở bên ngoài, trong những năm tháng ấy, Lê Thánh Tông đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ mẹ. Bà đã khuyên dạy con trai phải luôn chăm chỉ học tập, có tri thức vững vàng để trở thành một trang nam tử, sẵn sàng đem tài năng và trí tuệ của mình phục vụ cho dân, cho nước. Được mẹ dạy dỗ, chỉ bảo từ nhỏ đã hình thành ở ông những phẩm chất cao quý, tài trí thông minh. Hiểu lòng mẹ, chịu ảnh hưởng nhiều từ bà nên trong tư tưởng của mình, ông luôn đề cao những người phụ nữ tần tảo, hi sinh phục vụ cho dân, cho nước… Ở ngoài cung cũng là khoảng thời gian ông được sống gần gũi với nhân dân, do vậy ông hiểu được những tâm tư, tình cảm, những ước vọng của dân, chính điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến những chính sách đối với dân sau này khi ông lên ngôi hoàng đế. Do biết rõ thân phận và hoàn cảnh éo le của mình, nên Tư Thành không tự mãn mà lại càng sống kín đáo, không lộ vẻ anh minh ra ngoài, chỉ vui với sách vở cổ kim, nghĩa lý thánh hiền, tài năng lỗi lạc trời cho, mà chế tác lại đặc biệt lưu tâm, ưa điều thiện, thích người hiền.

Nếu yếu tố khách quan đóng vai trò quan trọng thì yếu tố chủ quan đóng vai trò quyết định. Đất nước có thịnh trị hay không phụ thuộc vào người cầm quyền cai trị như thế nào. Khi làm vua, ông ý thức được trách nhiệm rất lớn của mình là phải đem lại một cuộc sống ấm no, thái bình cho nhân dân, do vậy, công việc triều chính luôn được vua đặt lên hàng đầu. Chịu ảnh hưởng từ truyền thống gia đình, cùng “tư tưởng nhân nghĩa” của vị anh hùng Nguyễn Trãi, ông là người có lòng yêu thương con người, yêu thương nhân dân, luôn

chăm lo cho cuộc sống của nhân dân, thấu hiểu và đồng cảm nỗi lòng của người trung thực. Trên cương vị là vua một nước, ông hiểu khá sâu sắc tâm lý của những người dưới trướng biết nhận lỗi về mình, biết lắng nghe ý kiến của kẻ dưới còn đối với những quan lại trong triều có tội, ông công khai chỉ ra những khuyết điểm, nhưng không phải để trị tội, mà để khuyên nhủ họ thành thật nhận lỗi, thật lòng sửa chữa thì sẽ được tha. Đó là phẩm chất đáng qúy của vua; chính vì vậy đã khích lệ được số quan lại hết lòng giúp vua, giúp dân, đưa nhà nước đến chỗ cực thịnh, hùng mạnh thời bấy giờ. Đồng thời, ông là người coi trọng giáo dục thi cử, nhằm chọn những người tài, những người có thực lực phục vụ cho đất nước.

Với quan niệm như vậy, trong suốt 38 năm trị vì đất nước, Lê Thánh Tông đã tiến hành nhiều chính sách cải cách quan trọng trên một số lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng… ghi những dấu ấn đậm nét trong lịch sử Việt Nam. Chẳng hạn như: năm 1462, định lệ thi Hương, thi Hội; năm 1466 chia cả nước thành 12 đạo thừa tuyên; năm 1469 hoàn thành Hồng Đức bản đồ; năm 1476 đặt chức quan Hà đê và quan Khuyến nông; năm 1479 biên soạn bộ Đại Việt sử ý toàn thư; năm 1483 ban hành bộ Quốc triều hình luật

(Luật Hồng Đức) - một trong những bộ luật có giá trị nhất trong lịch sử; sáng

lập ra Hội Tao Đàn năm 1495… Về mặt quân sự, Lê Thánh Tông luôn có ý

thức trong việc bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, ông nói rằng: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ… Nếu người nào dám đem một thước một tấc đất của Thái Tổ để làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di”… [11, tr. 575]. Đồng thời, Lê Thánh Tông còn chú ý đến việc võ bị, đánh dẹp nước Chiêm Thành, nước Lào, mở mang bờ cõi nước ta thêm rộng ra hơn…

Trên đây chỉ là một số việc làm tiêu biểu trong suốt những năm trị vì đất nước của Lê Thánh Tông, song cũng chỉ từng ấy thôi cũng đủ để khẳng định “Lê Thánh Tông là một đấng anh quân” như Trần Trọng Kim nhận xét:

“Những sự văn trị và sự võ công ở nước Nam ta không có đời nào thịnh hơn là đời Hồng Đức. Nhờ có vua Thái Tổ thì giang sơn nước Nam mới còn, nhờ có vua Thánh Tông thì văn hóa nước ta mới thịnh, vậy nên người An Nam ta không bao giờ quên công đức của hai ông vua ấy” [62, tr. 267].

Tóm lại, với sự thông minh, tài năng xuất chúng cùng những phẩm chất cao quý ở con người vua Lê Thánh Tông là nhân tố chủ quan có vai trò quan trọng trong việc xây dựng bộ máy nhà nước quân chủ chuyên chế đạt đến đỉnh cao. Ông đã xác lập được vai trò của một vị hoàng đế có đức, có tài toàn năng, trực tiếp hoạch định chương trình phát triển đất nước và thực thi điều hành một nhà nước mạnh, có xu hướng toàn trị và cực quyền. Đồng thời trong quá trình ấy, ông cũng có công lao trong việc cho ban hành Quốc triều hình luật - bộ luật có giá trị đối với thời đại ông và hậu thế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng xây dựng bộ máy nhà nước thời lê sơ (qua quốc triều hình luật) (Trang 45 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)