Tính tất yếu của việc xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều đại Lê

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng xây dựng bộ máy nhà nước thời lê sơ (qua quốc triều hình luật) (Trang 41 - 45)

7. Kết cấu của luận văn

1.2. Cơ sở thực tiễn và vai trò của Lê Thánh Tông

1.2.3. Tính tất yếu của việc xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều đại Lê

Lê Thánh Tông

Trải qua 10 năm (1416 - 1427) trường kì gian khổ, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã giành được thắng lợi, nước ta bước vào một thời kỳ mới: thời kỳ phát triển nhà nước phong kiến trung ương tập quyền. Các triều vua đầu thời Lê sơ đã ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định trật tự xã hội, củng cố chính quyền, đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - văn hóa và các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Bộ máy nhà nước thời Lê sơ là một hệ thống chính quyền chặt chẽ, chi phối xuống tận địa phương, đồng thời tập trung quyền lực tối cao vào bộ máy trung ương, đứng đầu là nhà vua. Sở dĩ việc xây dựng bộ máy nhà nước thời Lê sơ là một tất yếu đặt ra đối với triều đại Lê Thánh Tông là do những yêu cầu của thực tiễn, cụ thể:

Thứ nhất, xuất phát từ những bất cập, hạn chế của bộ máy nhà nước các

vương triều trước.

Trải qua các vương triều từ thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, bộ máy nhà nước được xây dựng dù có những thành tựu nhất định nhưng bên cạnh đó còn có những hạn chế cần phải khắc phục. Lịch sử cho thấy, bộ máy nhà nước thời kỳ này được xây dựng nhằm củng cố chế độ quân chủ quý tộc, mang tính phân tán quyền lực rõ rệt bởi bộ máy nhà nước hoạt động theo nguyên tắc “liên kết dòng họ”. Trên nguyên tắc ấy, quyền lực của vua không phải là tuyệt đối mà bị hạn chế bởi tầng lớp quý tộc - quan lại và hoàng thân quốc thích, sức mạnh của hoàng tộc nhằm bảo vệ ngôi vua được vững chắc, làm bệ đỡ chính trị cho quyền lực của vua, đồng thời giữ vững được vương quyền cho dòng họ. Nhưng chính điều đó làm cho bộ máy nhà nước tiềm ẩn nguy cơ phân quyền, tiếm quyền cát cứ giữa các quý tộc, khi các vương hầu quý tộc được phong vương ban cấp ruộng đất có tiềm lực kinh tế - chính trị,

quân sự sẽ không thuần phục nhà vua nữa. Nhận thấy hạn chế đó, bộ máy nhà nước Lê sơ định hướng xây dựng là nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền, địa vị, vai trò của nhà vua là cao nhất và tuyệt đối. Mặt khác, đội ngũ quan lại chủ yếu là hoàng thân quốc thích sẽ không phát huy tối đa, không tạo ra được hệ thống quan lại có tài, có đức, từ đó làm cho đất nước dần lâm vào tình trạng suy thoái.

Thêm vào đó, cuối mỗi vương triều, sự suy thoái trong cách thức quản lý, xây dựng đất nước cùng với sự tha hóa trong đạo đức, nhân cách người cầm quyền, hệ thống quan lại là nguyên nhân làm sụp đổ nhà nước phong kiến. Nhà Lý sụp đổ là vì vua Cao Tông ham chơi, làm mất lòng người, loạn quân thần cùng giặc giã nổi lên. Vua Huệ Tông nhu nhược bỏ việc chính trị, đem giang sơn phó thác cho con gái còn thơ dại, khiến cho kẻ gian lộng hành mà nhà Lý sụp đổ. Còn như nhà Trần xiêu đổ là do vua Dụ Tông hoang chơi, không chịu lo gì đến việc nước và lại làm loạn cả kỷ cương để đến nỗi dân nghèo nước yếu. Vua Nghệ Tông thì không biết phân biệt hiền, gian để kẻ quyền thần được thế làm loạn mà cướp nhà Trần. Nhà Hồ vì vua không được lòng dân, dân không theo mà đi đến sụp đổ, đất nước rơi vào tay giặc.

Từ những hạn chế trên, nhà nước Lê sơ dưới thời trị vì của vua Lê Thánh Tông được xây dựng là một tất yếu, bởi ông đã nhận thức được những bất cập còn tồn tại và đưa ra đường lối trị nước khôn khéo, hợp với lòng dân làm cho đất nước ngày càng phát triển hơn.

Thứ hai, đội ngũ quan lại trong bộ máy nhà nước từ trung ương tới địa

phương thiếu năng lực để điều hành, quản lý, có nhiều tham quan.

Nhà Lê sơ xuất thân từ nguồn gốc bình dân mà trở thành quốc chủ, vì vậy những người có công trong cuộc kháng chiến đều được vua lựa chọn vào đội ngũ quan lại các cấp. Các tướng lĩnh, công thần có vai trò quan trọng trong bộ máy nhà nước, họ được vua trọng dụng và ban thưởng. Nhưng không

ít công thần sau khi được tiếp quản kinh đô, có chức cao lộc lớn, lại nảy sinh tư tưởng xả hơi, ỷ lại, dựa thế, tự tung tự tác. Họ không đáp ứng được nhiệm vụ mà họ đảm đương, tài không xứng với chức. Đồng thời, với các vị vua như Thái Tông, Nhân Tông khi lên ngôi còn rất nhỏ, công việc điều hành thực chất nằm trong tay các đại thần hoặc Thái hậu. Đó là điều kiện khách quan, tạo điều kiện cho đám đại thần qua mặt vua, nhân danh vua, vây bè kéo cánh, chuyên quyền.

Có thể thấy rằng, tình trạng triều Lê sơ nửa đầu thế kỷ XV là không thiếu người làm đại thần nhưng bất cập về năng lực điều hành, giải quyết nhiệm vụ từ điều kiện mới nảy sinh.

Thứ ba, nửa đầu thế kỷ XV, triều Lê sơ lâm vào tình trạng lúng túng

về đường lối trị nước, khủng hoảng về đội ngũ quản lý.

Thể chế chính trị cũng như bộ máy nhà nước mà Lê Thái Tổ thiết lập và duy trì suốt 30 năm bộc lộ nhiều bất cập, do việc trọng đãi các công thần mà hầu hết là những người không phải là trí thức, giao cho họ nắm giữ mọi việc quân quốc trọng sự, cho nên đã sinh ra đố kỵ, tình trạng lộng hành, tranh chấp quyền lực, tình trạng sát hại lẫn nhau để đoạt lợi trong tầng lớp quý tộc. Thời Lê Thánh Tông, khi không còn đội ngũ công thần khai quốc thì đội ngũ hoàng thân quốc thích ngày một đông đảo. Nhưng với sự kiện Nghi Dân giết em cướp ngôi cho thấy rằng đội ngũ hoàng thân lại là sự mâu thuẫn gay gắt và sát hại lẫn nhau.

Cuộc chính biến cung đình này càng làm cho những bất cập của chế độ phong kiến bộc lộ sâu sắc. Triều đình nhà Lê tỏ ra lúng túng, bất lực trước đòi hỏi thực tế đời sống chính trị - xã hội của một đất nước đã có những chuyển biến tích cực về nhiều mặt sau hơn 30 năm phát triển trong hòa bình. Mâu thuẫn hoàng tộc diễn ra gay gắt, cùng với tệ tham nhũng, hối lộ, ức hiếp dân chúng, tham quyền cố vị, quan lại năng lực kém… do những nguyên nhân về

hệ tư tưởng, thể chế chính trị và con người chính trị, đòi hỏi nhà nước phải được xây dựng, đổi mới.

Thứ tư, cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và hành chính các triều đại trước còn mang tính phân tán.

Sau khi giải phóng khỏi ách đô hộ của nhà Minh, nhà Lê có trọng trách lớn là phải khôi phục lại bộ máy chính quyền nhà nước từ trung ương đến địa phương. Quá trình này bắt đầu từ Lê Thái Tổ, đến các triều vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông. Bộ máy nhà nước thời kỳ đầu Lê sơ mặc dù có những biến đổi nhất định nhưng vẫn phỏng theo mô hình nhà Trần. Quyền lực của nhà vua vẫn bị phân tán bởi chức quan tể tướng và hệ thống quan lại, những người dưới vua nhưng nắm thực quyền nhiều. Đồng thời, nội bộ vương triều mâu thuẫn, tồn tại nhiều tham quan cùng bọn gian thần xu nịnh, kéo bè kéo cánh. Lại thêm cuộc chính biến cung đình, sự kiện Nghi Dân cướp ngôi vua cho thấy việc tranh giành quyền lực, địa vị thời kỳ này diễn ra gay gắt. Do đó, cần thiết phải tập trung quyền lực vào tay một người, vua là người trực tiếp điều hành mọi công việc của nhà nước. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế, xã hội của nhà nước chưa được vững chắc đòi hỏi phải có những chủ trương, chính sách về kinh tế, xã hội mang ý nghĩa cải cách. Quyền sở hữu tối cao của nhà nước về ruộng đất vẫn chưa hoàn toàn được xác lập, quan hệ sản xuất địa chủ - nông dân vẫn chưa trở thành quan hệ kinh tế chủ đạo thống trị trong xã hội. Nhận định những bất cập đó, cùng với điều kiện thực tế đất nước có nhiều thay đổi, Lê Thánh Tông đã kiên quyết cải cách bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương nhằm đảm bảo quyền lực tập trung tuyệt đối vào tay vua, như điều ông vạch rõ trong Lời dụ các quan năm 1464: “Khoảng năm Thái Hòa, Diên Ninh (Thái Tông, Nhân Tông) trên thì Tể tướng, dưới đến trăm quan, tranh nhau làm lợi, hối lộ bữa bãi… Nguyễn Như Đổ và Trần Phong đi sang sứ Bắc

mua sắm kể hàng ngàn, xoay xở đủ trăm cách. Còn như lòng trung của hai người đó thì ai biết?” [11, tr. 506].

Trước những yêu cầu của thực tiễn đất nước, kế thừa những giá trị tích cực từ các triều đại trước, nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng, củng cố đội ngũ quan lại và bộ máy nhà nước, trên cơ sở ấy hỏi người cầm quyền phải có tài năng và tư duy sáng tạo nhằm thay đổi thời cuộc, thay đổi xã hội. Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền được xây dựng trước đó chưa có sự thống nhất từ trên xuống dưới một cách triệt để, Lê Thánh Tông trong thời gian trị vì đã dựa vào Nho giáo, đặc biệt là tư tưởng tôn quân quyền để xây dựng nhà nước Lê sơ đạt đến thịnh trị. Đến đây, nhà nước trung ương tập quyền đã đạt đến đỉnh cao của chế độ quân chủ chuyên chế. Với tất cả những gì đã có cộng với sự thông minh và tài ba, Lê Thánh Tông đã có những bước phát triển trong cách thức cai trị đất nước của mình, ông cho ban hành bộ

Quốc triều hình luật, thực hiện cải cách hành chính trong bộ máy nhà nước -

đánh dấu một thời kỳ phát triển toàn diện về xây dựng, tổ chức bộ máy nhà nước phong kiến trung ương tập quyền.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng xây dựng bộ máy nhà nước thời lê sơ (qua quốc triều hình luật) (Trang 41 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)