Quan niệm về vị trí, vai trò của nhà vua trong bộ máy nhà nƣớc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng xây dựng bộ máy nhà nước thời lê sơ (qua quốc triều hình luật) (Trang 54 - 61)

7. Kết cấu của luận văn

2.1. Quan niệm về vị trí, vai trò của nhà vua trong bộ máy nhà nƣớc

Ở Việt Nam thời Lê sơ, đặc biệt dưới triều vua Lê Thánh Tông, Nho giáo chiếm vị trí độc tôn. Nó ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, tác động trực tiếp đến cách thức, tư tưởng xây dựng bộ máy nhà nước phong kiến thời Lê sơ.

Tư tưởng tôn quân quyền của Nho giáo đặc biệt đề cao vị trí, vai trò của nhà vua, vua được coi là thiên tử, thâu tóm toàn bộ quyền lực trong triều. Chịu ảnh hưởng của tư tưởng này, ngay sau khi lên nắm chính quyền, Lê Thánh Tông đã sử dụng Nho giáo một cách triệt để trong cách thức cai trị của mình với những nội dung phù hợp tình hình xã hội Đại Việt lúc bấy giờ. Trước đó, Lê Thái Tổ - vị vua đầu tiên của triều Lê sơ đã xây dựng bộ máy nhà nước ít nhiều theo mô hình của nhà Trần, lúc đầu nó phù hợp với nguyện vọng của nhà nước và nhân dân nhưng dần dần nó đã bộc lộ những bất cập trong quản lý, điều hành. Đó là nạn lộng hành của các đại thần cùng sự phân tán của chính quyền địa phương. Nhà nước những năm đầu thời Lê sơ còn mang nặng “hơi hướng” của thể chế quân chủ quý tộc nhà Trần, của việc trọng đãi các quý tộc hoàng tộc và các “khai quốc công thần”. Rút kinh nghiệm từ những bất cập đó, Lê Thánh Tông dày công từng bước xây dựng một nhà nước quân chủ chuyên chế, đề cao tuyệt đối địa vị và uy quyền thực tế của nhà vua, tăng cường sự chi phối quyền lực của triều đình xuống các địa phương, hạn chế sự tham chính của quý tộc hoàng tộc. Đây chính là nguyên nhân để Lê Thánh Tông thực hiện cuộc cải cách hành chính từ sớm. Nhưng phải đến năm 1471, khi cương vực đất nước được mở rộng và ổn định, cuộc

cải cách này mới được thực hiện một cách triệt để và toàn diện với việc ban hành Hiệu định quan chế.

Bộ máy nhà nước Lê sơ dần được xây dựng theo mô hình quân chủ chuyên chế, một nhà nước trung ương tập quyền, trong đó quyền lực tập trung trong tay một người, đó là vua. Đây được coi là bước chuyển có sự thay đổi về chất, từ nhà nước quân chủ quý tộc thời Lý - Trần sang nhà nước quân chủ quan liêu, quyền lực tập trung vào nhà vua và tầng lớp quan lại. Nhằm thể hiện chức năng của nhà nước quan liêu ấy, pháp luật chính là ý chí của giai cấp thống trị, cầm quyền; là công cụ để bảo vệ chế độ đó. Vua thực sự trở thành nguyên thủ quốc gia, nhân vật số một có quyền lực tuyệt đối trong việc thực thi quyền lực nhà nước, không chỉ có đặc quyền về khen thưởng và xử phạt đối với quan lại, dân chúng mà còn có quyền sắc phong, lập đền thờ cho các công thần, phúc thần hoặc tước sắc phong và triệt phá đền thờ đối với hung thần, gian thần…

Duy trì và bảo vệ chế độ quân chủ chuyên chế còn là nhiệm vụ quan trọng của hình luật nhà Lê sơ. Nhằm bảo vệ cho địa vị tối cao, vua được pháp luật bảo vệ một cách tuyệt đối nhất. Thông qua các quy định cụ thể về việc ngăn cấm và trừng trị các âm mưu và hành vi phạm tội cũng như các hình phạt tàn khốc tương ứng, Quốc triều hình luật đã trở thành công cụ hữu hiệu để trừng trị nghiêm khắc những người xâm phạm đến chế độ phong kiến, đến vương quyền, đặc biệt là sự an toàn, lợi ích của triều đại, của bản thân nhà vua cùng dòng dõi hoàng tộc. Điều này được thể hiện ở nhiều chương trong

Quốc triều hình luật 1 như: chương Danh lệ, chương Vệ cấm, chương Vi chế,

chương Đạo tặc, chương Trá ngụy và chương Tạp luật.

Theo đó, những hành vi chống lại nhà nước phong kiến, nhằm đe dọa hoặc xâm phạm đến tính mạng, tài sản và các quyền lợi khác của nhà vua được coi là những tội nặng nhất. Trong chương Danh lệ, tại điều 2 nói về Thập ác (mười tội ác lớn nhất), nếu vi phạm thì bắt buộc phải xử tử, có đến 4/10 điều liên quan trực tiếp đến nhà vua.

1. Mưu phản: không phục tùng vua, chống lại vua, mưu mô làm nguy hại đến xã tắc, hoàng tộc.

2. Mưu đại nghịch: mưu phá hủy tông miếu, lăng tẩm và cung điện nhà vua. 3. Mưu chống đối: mưu phản nước theo giặc.

4. Đại bất kính: ăn trộm đồ thờ trong lăng miếu, đồ ngự dụng, làm giả ấn tín của vua; chế thuốc ngự không theo đúng phương thuốc, bao gói đề lầm; nếu ngự thiện phạm vào những món ăn cấm; không giữ gìn thuyền ngự cho được chắc chắn; chỉ trích nhà vua và đối xử với sứ giả nhà vua không đúng lễ bề tôi.

Cùng với việc đề cao vị thế của vua thì những người thuộc dòng dõi hoàng tộc cũng được bảo vệ trong khuôn khổ nhất định. Chẳng hạn tại điều 3,

Quốc triều hình luật đã quy định chính sách hình sự đặc biệt (giảm nhẹ) cho 8

hạng người có đặc quyền, đặc lợi của triều đại nhà Lê. Trong đó phải kể đến những người thuộcgia đình hoàng tộc, những người kề cận bên nhà vua giúp việc lâu ngày và cả những người giúp việc của triều đại trước. Ngoài ra, những quan chức và con cháu các triều vua trước cũng thuộc đối tượng trên. Theo điều luật này, những người kể trên nếu phạm tội bị xử tử hình thì cơ quan nghị án không được quyết định xử tử hình mà phải trình lên nhà vua để vua xem xét và quyết định; nếu họ phạm vào các tội bị xử hình phạt nhẹ hơn thì đều được giảm tội theo quy định. Quy định này đã thể hiện sự tập trung quyền lực cao nhất vào nhà vua, không chỉ quyền lập pháp mà ngay cả quyền tư pháp cũng do vua phán xét.

Bên cạnh đó, việc bảo vệ sự an toàn của triều đại, hoàng thành, cung điện và nhà vua được đặc biệt chú trọng. Chẳng hạn, người không có chức phận gì mà tự tiện vào xung quanh thái miếu, cửa mộ vua, tự tiện vào cửa hoàng thành thì phải tội đồ, trượng hoặc giáng chức (các điều 50, 51); trèo qua tường điện hoặc trèo lên cao trông ngang vào cung điện nhà vua (các điều 52; 59) thì bị xử khổ sai đến bị chém; xông thẳng vào gần kiệu vua thì bị chém (Điều 65). Hay việc xâm hại đến khu lăng tẩm của vua cũng bị trừng trị nghiêm khắc (các điều 85, 86, 87)… Các quy định này cho thấy hoàng thành, cung điện và bản thân nhà vua luôn được bảo vệ một cách nghiêm ngặt. Đó được coi là biểu hiện tối thiểu của sự bảo vệ chế độ quân chủ chuyên chế.

Sau khi xảy ra những sự phế lập vua dễ dàng của các triều đại trước cùng với tư tưởng tôn quân quyền của Nho giáo đã đủ điều kiện để nhà nước ban hành bộ Quốc triều hình luật nhằm đảm bảo toàn diện cho tính mạng của nhà vua. Chẳng hạn, việc ra vào cung phải theo đúng quy định như hết giờ làm việc không được ở lại trong cung cấm (các điều 55, 56)… Thêm vào đó, việc thuốc thang và ăn uống của vua cũng phải cẩn trọng, bất cứ một nguy cơ nào đe dọa đến vua dù đã xảy ra hay chưa đều bị trừng trị ở những khung hình phạt cao nhất. Chẳng hạn, người nào tự tiện vào nơi sắc thuốc và nơi nấu ăn của vua; chế hay bốc thuốc vua dùng nhầm đơn, gói thì bị đày đi châu xa (các điều 51, 110). Những người làm thức ăn của vua mà lầm phải chịu tội đồ hay lưu, nếu cố ý thì xử tử hình (Điều 111). Hoặc trừng trị nghiêm khắc hành vi vô ý đem các thứ thuốc (thuốc lành, thuốc độc) đến sở ngự thì bị xử từ khổ sai đến chém (Điều 115)…

Để đảm bảo sự uy nghiêm nơi ở, làm việc của thiên tử, bộ luật còn đưa ra những điều ngăn cấm như: vào cung điện, hoàng thành không được đàn hát bừa bãi; bắt buộc phải xuống ngựa; trước và sau ngày hoàng đế lên ngôi một tháng, không nhà nào được cử hành việc tang (các điều 58, 82, 89). Hoặc

những hành vi đánh, cãi nhau; đùa cợt ngạo mạn vô lễ trong hoàng thành, cung điện đều bị trừng trị thích đáng (các điều 91, 95)…

Ngay cả các quan chức nếu có hành vi xâm phạm đến đồ dùng của nhà vua hay sự an toàn của vương quyền cũng bị nghiêm trị với hình phạt tàn khốc. Trong chương Vi chế, có quy định: người giữ xe và đồ dùng của nhà vua mà dám dùng hoặc giấu cho người khác mượn thì cả người giữ đồ và người mượn đều bị phạt đi đày hoặc chết (Điều 114). Người nào tiết lộ việc đại sự thì xử tội chém (Điều 116). Hay quy định hình phạt đối với hành vi vẽ và cất giấu chân dung các vua hoặc hoàng hậu bản triều (Điều 118)…

Trong bộ luật còn nhiều chương, nhiều điều luật quy định mà theo đó, những hành vi, hành động vi phạm và làm nguy hại đến những chuẩn mực đạo đức và trật tự xã hội phong kiến theo quan điểm Nho giáo: “tôn quân”, “trung quân”, “tam cương ngũ thường”, trật tự đẳng cấp… đều được coi là vi phạm nghiêm trọng địa vị, quyền lực tối thượng của nhà vua, xâm hại đến lợi ích, đến sự tồn tại của giai cấp thống trị, nhà nước phong kiến đều được xem là vi phạm nghiêm trọng pháp luật và bị trừng trị nghiêm khắc. Chẳng hạn, thái độ bất kính trong lời nói, xưng hô của quan chức khi tâu vua có thể bị phạt tiền, lưu hoặc tử hình (các điều 125, 126). Hay người nào nói những câu đùa bỡn, động chạm đến nhà vua thì phải tội đồ hay lưu (Điều 216). Đặc biệt, bộ luật trừng trị nghiêm khắc hành vi coi thường chiếu lệnh của nhà vua (Điều 220). Trong chương Đạo tặc, điều 411 đã quy định những kẻ mưu làm phản, mưu việc đại nghịch (phá hủy tông miếu, lăng tẩm và cung điện nhà vua) đều bị xử chém bêu đầu, kẻ tòng phạm phải tội chém… Kẻ mưu giết sứ giả của vua… thì bị xử phạt đi đày ở châu xa (Điều 418)…

Liên quan đến quyền lực và sự uy nghiêm của vua, pháp luật cũng quy định rõ. Trong các chương Đấu tụng, Trá ngụy và Tạp luật có nhiều điều luật thể hiện sự bảo vệ triệt để vương quyền và sự an toàn của kinh thành cũng

như nhà vua trước các hành vi xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm. Đặc biệt là các điều luật trong chương Trá ngụy, như điều 515 đã quy định: Những kẻ giả ấn của thái thượng hoàng, hoàng đế đều xử chém, làm giả ấn của hoàng thái hậu, hoàng hậu, hoàng thái tử hay vợ hoàng thái tử đều xử giảo (thắt cổ)…

Cùng với việc bảo vệ uy quyền, địa vị của vua thì việc bảo vệ tài sản, quyền sở hữu của vua cũng được pháp luật triều Lê quy định rõ. Tiêu biểu cho nhà nước phong kiến tập quyền là vua, bảo vệ vua cũng là bảo vệ nhà nước phong kiến và ngược lại. Theo đó, những ruộng đất công thuộc quyền sở hữu của nhà nước (vua là người đại diện) là tài sản lớn nhất của nhà nước phong kiến. Nhà vua có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với ruộng đất. Quyền năng sở hữu của vua được biểu hiện rõ ở tính tối cao và tính gián tiếp. Tính tối cao thể hiện ở quyền tuyệt đối của nhà vua trong việc quyết định số phận pháp lý của ruộng đất như: ban cấp cho ai, sử dụng vào mục đích gì, thu hồi đất và đặt ra các loại thuế. Còn tính gián tiếp thể hiện ở chỗ, nhà vua không trực tiếp sử dụng và quản lý mà phải thông qua đội ngũ quan lại và những người tá điền trực tiếp sử dụng đất; dưới triều Lê, ruộng đất công được nhắc đến với nhiều tên gọi khác nhau như: công điền, quân điền hay quốc khố điền. Trên cơ sở đó, Quốc triều hình luật có nhiều điều luật nhằm trừng trị những hành vi vi phạm quyền sở hữu ruộng đất của nhà vua.

Để nhận định, đánh giá về ruộng đất thì việc đo đạc ruộng đất được đặc biệt coi trọng. Nếu đo đạc không chính xác sẽ ảnh hưởng đến sự phân chia ruộng đất, giải quyết vấn đề nhân công cho nông nghiệp và ban thưởng ruộng đất của nhà nước. Điều 183 cho thấy thái độ trừng trị nghiêm khắc của nhà nước đối với hành vi phạm tội này: những người thuộc lại đi đo ruộng công hay tư nếu tự tiện thêm bớt diện tích thì phải chịu phục dịch trong quân đội.

Thêm nữa, nhà nước cũng nghiêm cấm và trừng phạt nặng những hành vi xâm lấn, chiếm đoạt ruộng đất công. Điều 342 quy định, việc bán ruộng đất

của công cấp cho hay ruộng đất khẩu phần thì xử 60 trượng, giáng chức… truy thu số tiền bán và ruộng đất sung vào của công; còn nếu đem cầm thì xử phạt 60 trượng và bắt chuộc. Hay việc bán ruộng đất cho người nước ngoài thì bị tội chém bởi nó xâm phạm đến an ninh và chủ quyền quốc gia (Điều 74). Bộ luật còn quy định hình phạt đối với việc lấn chiếm ruộng đất công, đây là hành vi xâm hại trực tiếp đến chế độ sở hữu và thu hẹp diện tích ruộng đất công của nhà nước. Như việc chiếm ruộng đất công quá số hạn định thì bị phạt tùy theo diện tích đất (một mẫu, mười mẫu), đồng thời tiền hoa lợi phải nộp vào của công (Điều 343). Việc lấn chiếm; dựng bia mốc giả để lạm chiếm ruộng đất công đều bị trừng trị (các điều 344, 533)...

Đặc biệt, nhằm bảo vệ chế độ sở hữu của nhà nước, của nhà vua, bộ luật còn đưa ra một số điều luật trừng trị nghiêm khắc những hành vi lấn chiếm đường quan lộ. Như điều 573 quy định rõ: những người làm nhà mở vườn mà xâm lấn vào đường quan lộ, thì xử biếm một tư, khai khẩn, trồng trọt (lấn chiếm) xử phạt 80 trượng và bắt sửa lại đường quan lộ như cũ, nếu làm bẩn thỉu đường quan lộ, thì phải phạt 50 roi… Điều này cho thấy, nhà nước thời phong kiến Lê sơ đã phải giải quyết những vấn đề tưởng như chỉ có ở thời kì cận - hiện đại như: mở vườn, xây nhà, xâm lấn đường xá, gây mất vệ sinh đường phố nơi công cộng.

Như vậy, dưới thời Lê sơ, bộ phận ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước mà vua đứng đầu giữ vai trò hết sức quan trọng, nó là cơ sở kinh tế chủ yếu của nhà nước phong kiến. Do đó, pháp luật triều Lê đưa ra nhiều điều luật nhằm bảo vệ sự sở hữu tối cao của nhà vua, khẳng định tính chất trung ương tập quyền của nhà nước phong kiến về mặt kinh tế.

Tóm lại, với mô hình xây dựng nhà nước quân chủ chuyên chế, quyền lực tập trung vào nhà vua, do vậy chính nhà nước, chế độ ấy ắt phải xây dựng một hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ mình. Quốc triều hình luật là bộ luật thể

hiện rõ nét tư tưởng tôn quân quyền, địa vị và vai trò của nhà vua được đẩy lên mức cao, nắm giữ quyền lực tuyệt đối. Vua trở thành biểu trưng của nhà nước phong kiến, của bộ máy quyền lực nhà nước cao nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng xây dựng bộ máy nhà nước thời lê sơ (qua quốc triều hình luật) (Trang 54 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)