Nguồn lợi thuỷ sản đầm phá và các vùng biển

Một phần của tài liệu Hải dương học Biển Đông ( Lê Đức Tố ) - Chương 4 ppt (Trang 30 - 34)

4. Một vấn đề quan trọng trong phương hướng phát triển nuôi trồng hải sản ở vùng ven biển phía bắc (và cả phía nam) là cấu tạo ra các mô

4.2.6. Nguồn lợi thuỷ sản đầm phá và các vùng biển

Với diện tích lớn, điều kiện thuỷ lý hoá thuận lợi cho sự phát triển của sinh vật di chuyển từ lục địa theo các sông và từ phía biển khơi theo nước triều, các đầm phá có một tiềm năng nguồn lợi thuỷ sản đáng kể vừa về trữ lượng tôm, cá, rong ... có thể khai thác hàng năm, vừa về sản lượng thuỷ sản có thể tạo ra bằng cách nuôi trồng.

Sản lượng thuỷ sản ở phá Tam Giang - Cầu Hai trong những năm gần đây có chiều hướng giảm sút từ 3.500 tấn năm 1960 chỉ còn 2.000- 2.500 tấn và thấp hơn nữa trong những năm gần đây. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân, song cần lưu ý tới hai nguyên nhân quan trọng cần được nghiên cứu giải quyết:

ảnh hưởng của qúa trình ngọt hoá : có những dẫn chứng cho thấy phá Tam Giang - Cầu Hai đang có xu hướng cạn và ngọt đi do tác dụng của các bồi tích từ các cửa sông đổ vào đây, đồng thời do hiện tượng lấp cửa thông với biển. Các qúa trình này thường dẫn đến sự nghèo đi cả về thành phần loài và sản lượng thuỷ sản. Vì vậy, trong phương hướng sử dụng phá Tam Giang - Cầu Hai và biện pháp ngăn qúa trình bồi lắng và ngọt hoá phải được đặt ra như những điều kiện bảo đảm cho ổn định nuôi trồng và cân bằng sinh thái ở đây.

Kỹ thuật khai thác lạc hậu và không đúng quy định đã làm tổn hại đến nguồn lợi : không kiểm soát kỹ thuật đánh bắt thuỷ sản hiện đang được sử dụng phổ biến với cỡ mắt lưới, khe đăng quá nhỏ, đánh bắt không phân biệt kích thước và mùa vụ, vớt rong trong đầm phá không hạn chế, chắc chắn làm ảnh hưởng đến trữ lượng tôm cá và rong. Vì vậy phải có các biện pháp kỹ thuật đánh bắt nhằm bảo vệ nguồn lợi.

Khả năng phát triển nuôi trồng ở các đầm phá đã được khẳng định. Các đối tượng nuôi trồng có triển vọng trước mặt là các loài tôm, cá, rong câu mặn lợ, phát triển tốt trong đầm phá cho tới nay. Trước hết cần có đầu tư thích đáng để có thể sử dụng hết diện tích nuôi tôm cá, rông câu đã được quy hoạch. Cần giải quyết tốt hơn các vần đề tuyển chọn giống, các chế độ bón phân , thu hái ... nhằm nâng cao năng suất nuôi trồng hơn hiện nay. Về lâu dài, để đưa sản lượng các thuỷ vực này lên cao hơn nữa, một mặt nên có những biện pháp kỹ thuật nuôi trồng tăng sản ở một số khu vực hẹp, mặt khác có những phương án lớn bổ sung thêm đối tượng nuôi trồng, nguồn giống nhân tạo nhằm tận dụng hết tiềm năng sinh học của toàn khối nước và nền đáy đầm phá, trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ hơn điều kiện môi trường sống, mô hình chuyển hoá vật chất năng lượng của đầm phá, để có thể xác định có căn cứ cơ cấu đối tượng nuôi trồng, khả năng sản lượng, các biện pháp kỹ thuật thích hợp để đạt năng suất cao, các biện pháp bảo vệ an toàn cho vật nuôi. Các vấn đề trên cần được giải quyết đầy đủ, đồng bộ với quan điểm công nghiệp nuôi trồng thuỷ sản trên quy mô diện tích lớn.

Cho tới nay vấn đề sử dụng các vũng biển phổ biến ở dọc ven biển miên Trung còn ít được đề cập tới. Hầu như các nghiên cứu, thảo luận, chủ yếu mới chỉ giới hạn ở các vùng nước lợ mặn bên trong để ngăn biển, vùng cửa sông. Các kết quả khảo sát sơ bộ trong thời gian qua về các vũng biển đã cho thấy ở một số vũng biển, năng suất sinh học sơ cấp - nguồn vật chất khởi đầu - tương đối cao hơn so với vùng biển xa bờ. Điều này liên quan tới vấn đề quan hệ thức ăn, chuyển hoá vật chất giữa các khâu từ thực vật tới động vật rồi tới sản phẩm sau cùng - trong các vũng biển nhiệt đới rất phức tạp, hệ số chuyển hoá không như những tính toán vốn có ở các vùng biển khác. Tuy nhiên, điều có thể khẳng định là ở các vùng biển có những cơ sở vật chất ban đầu có giá trị thức ăn (thực vật nổi, chất mùn bã trong nước và trong nền đáy) tương đối phong phú, có điều kiện sống ổn định, có nhiều cấu tạo thiên nhiên như hang đá, rạn san hô, thực vật ngập mặn ven biển ... là nơi ở tốt cho nhiều loài thuỷ sản. Vì vậy, hướng sử dụng có triển vọng đối với các vũng biển ở nước ta, bên cạnh việc tận dụng khai thác nguồn lợi thuỷ sản thiên nhiên, có thể nghiên cứu phát triển nuôi trồng các đối tượng thích hợp với điều kiện vũng vịnh như : cá lồng, trai, sò, vẹm, trai ngọc, tôm, hùm, hải sâm, rong mơ vốn không thích hợp trong

điều kiện môi trường đầm phá, cửa sông. Đây cũng là địa bàn để phát triển một số ngành công nghiệp nuôi trồng thuỷ sản như nuôi trai hầu (Ostreiculture) hiện nay còn chưa bắt đầu ở nước ta.

Về lâu dài, để nâng cao biện pháp sử dụng các vũng biển khai thác nguồn lợi sinh vật biển, cần suy nghĩ tới các phương án lớn, tạo nên những trữ lượng tôm, cá mới cho các vũng biển bằng các biện pháp tạo nguồn giống và nơi ở nhân tạo ở các vùng biển này.

4.3. Tài nguyên muối và các hoá phẩm biển

Muối là nguồn tài nguyên hết sức quan trọng đối với sản xuất và đời sống của xã hội.Cũng giống như lương thực, thực phẩm và nước uống, muối ăn (NaCl) được sử dụng trước hết như là một loại thực phẩm thiết yếu hàng ngày không thể thiếu được của mỗi người. Ngoài ra muối còn là nguồn nguyên liệu quan trọng của nhiều ngành kinh tế khác như : công nghiệp, nông nghiệp, y tế, quốc phòng và nhất là các ngành công nghiệp hoá phẩm khác : clo, axits clohyđric, xút, sôđa, các hợp chất magiê, natri cácbonát, natri clorats ... phục vụ cho nhiều ngành sản xuất như làm xà phòng, dệt vải, sản xuất giấy, thuộc da, luyện cao su, luyện kim, lọc dầu, làm thuỷ tinh, sản xuất dược liệu, thuốc trừ sâu, mì chính , vv...

ở nước ta cho đến nay vẫn chưa phát hiện thấy các mỏ muối có trữ lượng công nghiệp lớn trên đất liền nên về lâu dài biển được coi là nguồn nguyên liệu duy nhất để sản xuất muối ăn.

Vùng biển và bờ Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển sản xuất muối ăn và một số loại hoá phẩm khác từ nước biển. Suốt chiều dài trên 3.200 km bờ biển và quanh một số hải đảo hầu như nơi nào cũng có thể sản xuất muối. Dọc bờ biển có nhiều bãi rộng, nồng độ muối khá cao, trung bình trên dưới 30%o, điều kiện khí hậu nhiệt đới có số giờ nắng cao trên dưới 2.000 giờ, lượng bức xạ lớn ... là những điều kiện rất thuận lợi cho các nghề làm muối thủ công phát triển, đặc biệt vùng biển Trung Bộ, nhất là các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, là khu vực khá lý tưởng để phát triển sản xuất muối và các hoá phẩm biển qui mô lớn. Tại đây thời tiết nắng ấm quanh năm, số giờ nắng trung bình hàng năm từ 2.000-2.300 giờ,

lượng mưa thấp chỉ 1.300-1.500 mm/năm (riêng khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận chỉ có 600-800 mm/năm). Lượng bốc hơi lớn, từ 1.700-1.800 mm/năm, nước biển luôn có nồng độ muối cao và ổn định, trung bình 32- 34%o ... rất thích hợp cho việc sản xuất muối biển bằng phương pháp phơi nước năng suất cao. Tại khu vực này nhiều nơi đạt năng suất trung bình trên dưới 100tấn/ha. Sản lượng thường chiếm tới 30% tổng sản lượng muối của toàn quốc. Chất lượng muối ở đây cũng khá cao, ngoài việc cung cấp muối thực phẩm còn là nguồn nguyên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp hoá chất như chế xút, axit clohydric và một số loại hoá chất cơ bản khác. Có thể nói dọc bờ biển từ Móng Cái đến Hà Tiên địa phương nào cũng có khả năng phát triển sản xuất muối biển.

ở khu vực ven biển Nam Bộ chịu ảnh hưởng trực tiếp của các hệ thống sông nên nước biển có độ mặn thấp và biến đổi theo mùa rõ rệt. Về mùa mưa, nhiều nơi độ muối giảm xuống dưới 20%o, nên năng suất các đồng muối ở đây không cao (riêng các khu vực ven biển Đồng Nai, Vũng Tàu và Kiên Giang có độ muối khá cao và ổn định quanh năm). Tuy nhiên, vùng ven biển Nam Bộ lại có điều kiện khí hậu cận xích đạo với số ngày nắng rất cao, mùa mưa tập trung vào thời gian ngắn và ít bị ảnh hưởng của gió bão, rất thuận lợi cho việc sản xuất muối từ nước biển. Mặt khác, đất đai ở đây chủ yếu là các loài đất mặn, phèn, ít thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp nên vùng ven biển Nam Bộ có tiềm năng diện tích lớn để phát triển sản xuất muối biển.

Theo đánh giá sơ bộ tiềm năng diện tích để phát triển đồng muối vùng ven biển nước ta là khoảng 50.000 đến 60.000 hecta, trong đó tập trung phần lớn ở vùng biển Nam Bộ tới 60%. Trong tương lai nếu phát triển sản xuất, khai thác tối đa tiềm năng này, đồng thời kết hợp với các biện pháp nâng cao năng suất và chất lượng thì hàng năm có thể thu được trên dưới 4 triệu tấn muối biển, không những thoả mãn nhu cầu trong cả nước về muối thực phẩm và nguyên liệu cho công nghiệp hoá học mà còn có thể xuất khẩu.

4.4 . Điều kiện phát triển giao thông vận tải

Biển và bờ Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc phát triển giao thông vận tải và các dịch vụ hàng hải. Với hình thể đất nước hẹp

về chiều ngang và kéo dài trên 15 vĩ độ, nền kinh tế chủ yếu mới được phát triển ở hai đầu thì nhu cầu giao lưu kinh tế giữa hai miền là rất lớn và trục bắc - nam đã trở thành trục vận tải chính của đất nước, trong đó vận tải biển đóng vai trò rất quan trọng.

Nước ta có bờ biển dài, vùng biển rộng với nhiều cửa biển và các vũng vịnh lớn, kín gió, phân bố khá đều từ bắc xuống nam tạo nên một hệ thống cảng biển rộng khắp làm cơ sở cho việc phát triển ngành vận tải biển đa dạng bao gồm cả vận tải viễn dương, vận tải ven biển và vận tải pha sông biển. Mặt khác, vùng biển nước ta nằm án ngữ giữa tuyến giao lưu quốc tế xuyên đại dương, các đường hàng hải quốc tế chính thông thương giữa ấn Độ Dương với Thái Bình Dương cũng như giữa nhiều nước trong khu vực đều đi qua vùng biển của ta và rất gần bờ biển Trung Bộ, là động lực quan trọng thúc đẩy ngành vận tải biển và dịch vụ bằng hàng hải nước ta có điều kiện phát triển một cách toàn diện trong tương lai.

Hiện nay dọc bờ biển từ bắc vào nam, chúng ta đã xác định được rất nhiều địa điểm có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc xây dựng cảng biển, trong đó nhiều nơi có khả năng xây dựng cảng lớn nước sâu, phân bố trên từng khu vực cụ thể.

Một phần của tài liệu Hải dương học Biển Đông ( Lê Đức Tố ) - Chương 4 ppt (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)