B. PHẦN NỘI DUNG
2.1. Nhân vật tha hóa trong tác phẩm văn học
2.1.2. Kiểu nhân vật tha hóa trong văn học
2.1.2.1. Quan niệm tha hóa trong lịch sử triết học.
Trên thế giới, khái niệm “tha hóa” bắt đầu được hình thành trong chủ nghĩa duy tâm cổ điển Đức như một phạm trù triết học khi họ phê phán các quan hệ phong kiến. Trong số các nhà triết học Đức thìJohann Gottlieb Fichte (1762-1814) là người đầu trên dùng khái niệm “tha hóa”. Ông cố gắng dựa vào khái niệm đó để diễn đạt sự kiện sinh ra “không phải Tôi”, xa lạ và đối lập với “Tôi là Tôi”. Điều này nói lên rằng ngay từ khởi đầu, bằng hoạt động của mình, con người đã sáng tạo ra chính mình.
Tuy Johann Gottlieb Fichte là người đầu tiên dùng khái niệm tha hóa nhưng một trong những nhà tư tưởng đầu tiên của nhân loại khai sinh ra khái niệm “tha hóa” với tư cách là một phạm trù triết học lại là Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770 – 1831). Trong tác phẩm “Lôgíc học và hiện tượng học tinh thần”, ông đã chỉ ra vòng tròn tha hóa. Tinh thần tha hóa thành giới tự nhiên, giới tự nhiên tha hóa thành xã hội, xã hội lại tha hóa và trở về với tinh thần. Đó là quá trình tự tha hóa để biến thành cái khác, cái đối lập, sự phủ định rồi lại trở về với bản nguyên.
Còn Ludwig Andreas Feuerbach (1804 – 1872) thì cho rằng, con người là sản phẩm của tự nhiên, bản chất của nó là tổng thể các khát vọng, nhu cầu, ham muốn và khả năng tưởng tượng của chính mình, đồng thời ông khẳng định con người có sự thống nhất hữu cơ với tự nhiên. Ông cho rằng, tôn giáo là bản chất con người đã bị tha hóa. Về cơ bản quan niệm của Feuerbach không làm lệch cách hiểu ấy, song ông thiên về ý nghĩa “đánh mất”, sự tự đánh mất của cá nhân trong sinh hoạt tôn giáo, nói cách khác, ông đã biến khái niệm tha hóa hay tự tha hóa như khách quan hóa ý niệm, thành tha hóa như một hiện tượng xã hội.
Sau này Karl Heinrich Marx (1818–1883), đã vận dụng khái niệm “tha hóa” của tiền nhân và nhất là của Hegel để xem xét quá trình tha hóa của lao động. Tha hóa chính là sự đánh mất giá trị, bản chất thông thường, vốn có của sự vật, hiện tượng, cả trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Karl Marx rất chú ý đến việc phân tích sự tha hóa. Xuất phát từ chỗ tha hóa biểu hiện từ những mâu thuẫn của một giai cấp phát triển nhất định trong xã hội do sự phân công lao động có tính đối kháng đẻ ra và gắn liền với chế độ tư hữu. Trong điều kiện đó, các quan hệ xã hội được hình thành một cách tự phát và vượt khỏi sự kiểm soát của con người, còn những kết quả và sản phẩm hoạt động thì bị tha hóa khỏi các cá nhân và các tập đoàn xã hội được thể hiện ra là do những người khác hoặc do những lực lượng siêu nhiên áp đặt. Ông thừa nhận sự tha hóa của lao động với tư cách là cơ sở của tất cả mọi hình thức tha hóa khác. Trong đó có cả những hình thái tha hóa về tư tưởng đã cho phép hiểu được ý thức bị bóp méo, sai lầm là kết quả của những mâu thuẫn đời sống xã hội hiện tại. Việc chỉ ra tha hóa ở khía cạnh đời sống có tính loài của con người cho phép Karl Marx làm rõ bản chất của xã hội với hệ thống các thiết chế đan xen và tác động lẫn nhau, trong đó có hoạt động chủ đạo, chi phối tất cả những quan hệ khác.
Chủ nghĩa hiện sinh xuất hiện đầu tiên ở Đức vào cuối những năm 20 – 30 và phát triển mạnh vào những năm 50 – 60 của thế kỉ XX. Người xây dựng cơ sở quyết định cho chủ nghĩa hiện sinh phát triển là Martin Heidegger (1889-1976), Karl Theodor Jaspers (1883-1969).
Chủ nghĩa hiện sinh lấy con người làm trung tâm, làm đối tượng và mục tiêu để hướng tới. Triết học hiện sinh coi con người là một nhân vị, nhờ đó mà con người mang một bộ mặt riêng biệt, khác với mọi tính cách mang tính phổ quát. Con người tự do lựa chọn cách sống, thái độ sống của mình, nghĩa là con người có ý thức để trở thành hiện sinh. Con người hiện sinh là con người tỉnh ngộ, dám nhìn thẳng vào sự thật với nhãn quan và khả năng của cá nhân mình. Thuyết hiện sinh cho rằng tha nhân là yếu tố cấu tạo tôi, sống là sống với người khác, tôi không thể sống riêng lẻ mà luôn luôn liên hệ với người khác. Tôi không thể sống hay suy tưởng mà không có người khác và người khác cũng là những chủ thể có tự do như tôi.
Về luân lý, chủ nghĩa hiện phủ nhận sự tồn tại phổ biến của những nguyên tắc đạo đức. Chủ nghĩa hiện sinh cho rằng, tự do là bản chất của sự hiện sinh của cá nhân con người. Giá trị hiện sinh của cá nhân được thể hiện trong sự lựa chọn tự do của cá nhân. Tự do của cá nhân không phục tùng Thượng đế hoặc bất cứ quyền uy nào và cũng không chịu sự ràng buộc của bất cứ tính tất yếu khách quan nào. Tự do của con người là tuyệt đối. Tuy vậy, thế giới đang diễn ra lại không làm sâu sắc thêm cái bản thể tự do của con người mà còn đi ngược lại nó, làm mất đi nhân vị và bản sắc riêng của mỗi cá nhân. Xã hội làm cho các hoạt động của cá nhân trở nên nhàm chán và vô vị. Khi con người hiện sinh bị xã hội cùng với các thiết chế của nó tha hóa, con người càng cảm thấy cô đơn.
Về quan điểm lịch sử xã hội, chủ nghĩa hiện sinh xuất phát từ tự do cá nhân tuyệt đối, cho rằng chỉ có cá nhân mới là hiện sinh chân thực, xã hội chỉ là một phương thức hiện sinh của cá nhân, hơn nữa là phương thức hiện sinh
không chân thực. Khi xã hội và cá nhân có liên hệ chặt chẽ thì sự tồn tại của cá nhân sẽ không còn là cá nhân thực sự mà là cá nhân đã bị đối tượng hóa, bị mất cá tính do bị ràng buộc với người khác và với xã hội. Do đó, tồn tại xã hội đã bóp chết hiện sinh chân chính của con người. Để khôi phục sự hiện sinh của mình, con người cần thoát khỏi sự ràng buộc của những người khác và xã hội. Xã hội chính là sản vật tha hóa của con người, bản thân nó không phải là cái tồn tại khách quan tự thân phát triển theo quy luật, mà chỉ là một mớ ngẫu nhiên những con người bị tha hóa.
Con người theo chủ nghĩa hiện sinh là con người nhập cuộc, cho nên mới xuất hiện cái gọi là “tha nhân”. Sự hiện hữu của “tha nhân” là tội tổ tông, là nguồn gốc của sự tha hóa của con người. Cho nên “tha nhân” gắn chặt với thân phận con người vì “tha nhân” chính là kẻ tranh chấp với cái tôi chủ thể, vì thế “tha nhân” làm cái tôi bị tha hóa. Chủ nghĩa hiện sinh cho rằng tha hóa là hiện tượng vĩnh cửu vì nó thuộc về bản chất con người và quan tâm đến hình thức tha hóa của con người.
2.1.2.2. Một số định nghĩa về tha hóa.
Ở Việt Nam hiện nay, từ “tha hóa” thường được dùng để chỉ những gì thuộc về con người và các hoạt động liên quan đến con người, theo hướng ngày càng trở nên xấu đi. Với cách hiểu này, tha hóa thuộc về nhân tố chủ quan, gắn liền với chủ thể nhận thức và hoạt động thực tiễn là con người.
Đất nước ta đến năm 1865 mới có Gia Định báo. Lúc này, các khái niệm học thuật phương Tây mới bắt đầu xuất hiện nhiều hơn vào nước ta. Tuy nhiên nhiều khái niệm triết học phương Tây chưa thể xâm nhập vào sinh hoạt tinh thần của người Việt. Cuốn từ điển lớn như An Nam – Pháp của Jean Francois Marie Génibrel (1851-1914) xuất bản năm 1898, có ghi nhận và giải nghĩa các từ “tha nhân, tha hương”, “tha phương”; “tha bang dị cảnh” ... nhưng chưa hề có từ “tha hóa”.
Trong hồi ký Đời viết văn của tôi của Nguyễn Công Hoan, có một mục đặt tên là “Việt Nam nhị thập thế kỷ xã hội ba đào ký”, nhà thơ Tản Đà nói rằng mục này đăng những bài viết về những “cảnh xuống” của con người (bản in lần đầu của Nhà xuất bản Văn học 1971, tr.138). Từ “cảnh xuống” đó, Tản Đà và Nguyễn Công Hoan dùng để chỉ sự tha hóa của con người. Như vậy, “cảnh xuống” có thể coi là tiền thân của “tha hóa” sau này.
Hiện nay, từ “tha hóa” có nhiều khái niệm. Trong đời sống cộng đồng, tha hóa là một khái niệm có ý nghĩa đạo đức nói về những trường hợp người bị biến chất, bị mất đi những phẩm chất tốt đẹp vốn có của mình trước đây. Trong nghiên cứu khoa học – xã hội, tha hóa là một khái niệm có ý nghĩa triết học, nói về một hiện tượng, một quy luật diễn ra theo chiều hướng xấu đi trong đời sống xã hội.
Trong cuốn Từ điển Pháp – Việt (NXB Khoa học xã hội, bản in lần thứ 4, năm 1997, trang 51) do Lê Khả Kế chủ biên thì “tha hóa là làm xa lánh, làm mất đi, chuyển nhượng”.
Trong cuốn Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam (NXB TP.HCM năm 2000, trang 1663), Nguyễn Lân viết: “tha hóa: ( tha là khác, hóa: là biến thành) biến chất đi thành ra xấu”.
Trong Từ điển tiếng Việt (Trung tâm từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2000) do Hoàng Phê chủ biên định nghĩa: “tha hóa (con người) là biến chất thành xấu đi; biến thành cái khác đối nghịch lại”.
Trong cuốn Từ điển Việt – Anh (NXB Thế giới, năm 2004, trang 1836) của Bùi Phụng thì tha hóa“là suy đồi, hư hỏng, thối nát”.
Trần Đức Thảo trong công trình nghiên cứu Vấn đề con người và chủ nghĩa lí luận không có con người cũng cho rằng sự tha hóa của con người có nghĩa là sự phủ định con người, tức con người bị đặt trong tình trạng bất nhân và ở đâu có sự phủ định con người, có sự chà đạp lên sự sống, khát vọng, ước mơ chính đáng, tốt đẹp của con người thì ở đó có sự tha hóa.
Tha hóa thường được xem xét về mặt ý thức xã hội, đặc biệt là về tư tưởng chính trị và đạo đức, là do chúng biến thành cái khác theo hướng tiêu cực so với trước. Người ta không nhắc đến sự tha hóa của sự vật – hiện tượng ngoài con người mà tha hóa được dùng để chỉ những gì thuộc về con người và các hoạt động của con người. Tha hóa thuộc nhân tố chủ quan, gắn liền với chủ thể nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người.
Như vậy, tha hóa là suy thoái, tội lỗi, đánh mất giá trị, đánh mất bản chất thông thường, chất người vốn có của mình, tự biến mình thành kẻ khác và do đó đánh mất chính mình, xóa bỏ những giá trị độc đáo của con người và của cá nhân. Chủ thể con người có thể bị tha hóa hoặc tự tha hóa. Nhưng dù thế nào thì tha hóa là quá trình con người bị mất đi bản chất vốn có của mình làm cho cho mình trở nên xa lạ với chính mình và những người xung quanh, là xu hướng tội lỗi, bị khinh bỉ và nguyền rủa.
2.1.2.3. Nhân vật tha hóa trong văn học.
Sự phát triển khoa học kỹ thuật ở các nước tiên tiến ở phương Tây vào đầu thế kỷ XIX, sự hình thành và thống trị của chủ nghĩa tư bản trên các nước Tây Âu phát triển như Anh, Pháp dẫn đến sự thay đổi sâu sắc bộ mặt xã hội do sự phân hóa đẳng cấp. Sự thay đổi đó đã kéo theo sự thay đổi về văn hóa tinh thần, đồng thời với nó là sự khủng hoảng về tư tưởng xã hội và đạo đức con người. Xã hội tư bản và các tiêu cực của nó đã làm tha hóa con người. Thế giới mà con người tạo ra càng văn minh thì sự tha hóa càng có nguy cơ nảy nở. Danh vọng, vật chất, tiền tài đã biến con người trở nên lạnh lùng, tàn nhẫn. Sự bừng ngộ này trở thành ấn tượng mạnh trong sáng tạo của nhà văn. Vì thế, nhân vật tha hóa trong lịch sử văn học thế giới gắn liền với sự xuất hiện của trào lưu văn học hiện thực phê phán.
Chủ nghĩa hiện thực phê phán xuất hiện ở Pháp, Anh, Nga và cả ở phương Đông sau này, nhưng tiêu biểu và đầu tiên là chủ nghĩa hiện thực phê phán Pháp hình thành vào khoảng năm 1830. Nó đã phản ánh những biến
động cách mạng, những tư tưởng lớn của thời đại. Cho tới ngày nay, văn học hiện thực đã cung cấp cho kho tàng văn học loài người hàng loạt những tác gia và tác phẩm xuất sắc, hết sức phong phú và đa dạng, đặc biệt là về thể loại tiểu thuyết. Tiểu thuyết hiện thực phê phán bộc lộ rõ khả năng mô tả chân thực cuộc sống theo quan điểm lịch sử với một bức tranh khái quát xã hội rộng lớn, vẽ lên những quan hệ đấu tranh phức tạp giữa những lực lượng xã hội khác nhau. Cũng chính xã hội đó đã đẻ ra những con người tha hóa trong xã hội.
Văn học hiện thực phê phán xuất hiện như là một trào lưu sở trường về việc mô tả cái xấu, cái ác. Trong văn học hiện thực phê phán, nhân vật chính thường không phải là nhân vật chính diện. Các nhân vật nổi tiếng thường là nhân vật phản diện, nhân vật tha hóa. Vì thế, nhân vật tha hóa xuất hiện thường gắn liền với những tên tuổi lớn của văn học thế giới. Các nhà văn đã cảnh báo về sự tha hóa của con người.
Marie – Henri Beyle, được biết đến với bút danh Stendhal (1783 – 1842) được coi như nhà văn chuyển tiếp giữa lãng mạn và hiện thực. Trong tiểu thuyết của ông, các nhân vật trung tâm một mặt thể hiện những hoài vọng về cái đẹp, sự hoàn thiện và lý tưởng về con người có ý chí muốn vượt qua những thử thách để khẳng định mình. Mặt khác, thực tại xã hội nghiệt ngã với những quan hệ tính toán lọc lừa đã đẩy các nhân vật của ông đi vào tha hóa như Julien Sorrel trong Đỏ và đen
Honoré de Balzac (1799 – 1850) là nhà văn hiện thực phê phán. Tác phẩm của ông phản ánh sự tha hóa của con người trong xã hội khi mà đồng tiền chi phối tất cả giá trị đạo đức và các mối quan hệ xã hội. Đó là cuộc tranh đấu thầm lặng nhưng gay gắt giữa cái thiện và cái ác, giữa cái cao cả và cái thấp hèn diễn ra trong nội tâm của con người. Những nỗi khổ đau, những tấn bi kịch xảy ra cho nhiều người, ở nhiều hoàn cảnh trong một xã hội mà đồng tiền là chân lý đã đẩy con người đến bờ vực của sự tha hóa như Vautrin,
Anastasie và Delphine trong Lão Gôriô; Rastignac trong Bước thăng trần của đời kĩ nữ, Miếng da lừa; Lucien Chardon trong Vỡ mộng, Bước thăng trần của đời kĩ nữ…
Vấn đề tha hóa trong tác phẩm của Franz Kafka (1883 – 1924) lại là một căn bệnh xã hội. Nó len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống như một thứ thuốc độc, phá hủy bản chất và cuộc sống của con người. Con người tha hóa đó không chỉ là sự biến đổi xấu đi về nhân tính mà nhân vật còn bị biến dạng, lột xác, vật hóa như Gregor Xamxa trong Biến dạng .
Đó còn là sự tha hóa của Raxcônnhicốp trong Tội ác và trừng phạt của Đôxtôiepxki; Paven Sisikôp trong Những linh hồn chết của Gôgôn; Heathcliff trong Đỉnh gió hú của nữ văn sĩ Emili Brontë; Claude Frollo trong
Nhà thờ Đúc Bà Paris, Thénardier trong Những người khốn khổ của Victor Huygo; Blifin trong Tôm Jôn – đứa trẻ vô thừa nhận của nhà văn Henry Findinh, Rebecca trong Hội chợ phù hoa của William Makepeace Thackeray…
Trong văn học Việt Nam, nhân vật tha hóa thực sự xuất hiện cùng với trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945. Trong xã hội thực dân nửa phong kiến, tình trạng con người tha hóa diễn ra khắp nơi, diễn ra ở mọi đối tượng. Hiện thực xã hội đen tối đó được các nhà văn phản ánh đậm nét như