B. PHẦN NỘI DUNG
3.7. Nghệ thuật xây dựng nhân vật biến dạng
Ngoài những thủ pháp nghệ thuật tiêu biểu trên, Hồ Anh Thái còn sử dụng thủ pháp biến dạng để xây dựng nhân vật tha hóa,. Đây là thủ pháp mới mẻ và trong văn học Việt Nam rất ít nhà văn sử dụng thủ pháp nghệ thuật này. Hồ Anh Thái là nhà văn đi đầu trong việc đưa nhân vật biến dạng vào văn chương.
Nhân vật Khoa trong Vẫn tin vào chuyện thần tiên, một sớm thức dậy thấy mình biến thành một gã mắt xanh mũi lõ, nhân vật anh chàng người Việt
đã hoang mang cực độ, rồi trở nên cô độc và đau khổ ngay trên chính quê hương mình. Mọi sự nỗ lực của anh nhằm làm cho mọi người hiểu mình chỉ làm anh thất vọng. Hiện tượng biến dạng này đã phơi bày rõ cái tâm lý vụ lợi, sùng ngoại một cách mù quáng của không ít người. Đó chính là hệ quả của lối sống bắt chước Tây, giống Tây, mê Tây.
Sự kiện giám đốc Diên biến thành dê trong truyện Món tái dê, lại phản ánh một tình trạng tha hoá khác của con người thời hiện tại. Ở đó, giám đốc Diên tỏ ra bình tĩnh chấp nhận sự biến dạng của mình. Cái nhìn ấy cho thấy sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức, nhân cách của không ít người, đồng thời bộc lộ thái độ châm biếm sâu cay của nhà văn.
Trong Mười lẻ một đêm, thì đứa trẻ vừa được sinh ra cơ thể nó đã biến dạng. Hai chân của nó dính vào nhau như đuôi cá. Truyện đã xây dựng được một hình tượng đầy ám ảnh về thân phận con người. Con người phải sống kiếp cô đơn, lạc loài ngay trong ngôi nhà của mình. Cảm giác xa lạ của con người về thế giới còn được đẩy lên một mức cao hơn, đó là sự xa lạ với chính mình. Hình tượng người cá chính là biểu tượng bi đát về sự tha hoá, lạ hoá của con người.
Trong sáng tác của mình, tác giả miêu tả sự biến dạng của con người như là một phương tiện nghệ thuật để phản ánh hiện thực. Tác phẩm thể hiện sự chán ghét, khinh bạc của nhà văn đối với thế giới mà nhà văn gọi là tha hóa, đồng thời thể hiện sự mất niềm tin của nhà văn vào sự tồn tại của con người. Đó là cách thể hiện quan niệm của tác giả về con người. Con người là thực thể cô đơn nhỏ bé giữa một xã hội đầy phi lí.
Tiểu kết: Xây dựng nhân vật đòi hỏi một hành trình tìm tòi và sáng tạo. Mỗi nhà văn đều có những thủ pháp xây dựng nhân vật mang đậm cá tính sáng tạo của mình. Tiếp cận và vận dụng các thủ pháp văn chương hậu hiện đại để làm mới ngòi bút là xu hướng chung của các tác giả trưởng thành trong thời kỳ sau đổi mới. Hồ Anh Thái là một trong những nhà văn như thế. Để
xây dựng nhân vật tha hóa, Hồ Anh Thái đã mạnh dạn thể nghiệm những kĩ thuật mới của văn học hậu hiện đại. Sự cách tân này đem đến luồng gió mới táo bạo cho nền văn chương đương đại.
Với dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh, nhà văn đã để thể hiện sâu sắc nỗi lo âu, khắc khoải về số phận con người trong thời đại mới. Sử dụng kĩ thuật mờ hóa nhân vật khiến nhân vật dễ bị hòa tan trong cuộc sống và ai cũng thấy phần mình trong đó. Sử dụng ngôn ngữ và hành động của nhân vật để nhân vật tự bộc lộ mình, lột tả được một phần bản chất có thật của đối tượng, đồng thời là sự khám phá mới về chiều sâu tâm hồn con người. Sử dụng ngôn ngữ và hành động để lật tẩy bản chất thật của nhân vật mà không cần phải miêu tả tâm lí. Cách đặt tên nhân vật thể hiện quyền lực của nhà văn trong quan niệm về con người, đồng thời hé lộ cho độc giả thấy phần nào tính cách, số phận nhân vật. Giọng giễu nhại giúp nhà văn lật tẩy những chuyện hài hước, lố bịch, kệch cỡm đang tồn tại trong cuộc sống, đồng thời không chỉ thể hiện sự hoài nghi về các giá trị của đời sống mà còn là sự nghi ngờ chính những khả năng, sứ mệnh mà người ta thường đặt ra cho nó. Xây dựng con người biến dạng, nhà văn muốn thể hiện sự cô đơn của con người trong xã hội mà văn minh vật chất đang ngày càng thủ tiêu nhân tính con người.