Nghệ thuật xây dựng nhân vật bản năng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhân vật tha hóa trong sáng tác của Hồ Anh Thái (Trang 103 - 105)

B. PHẦN NỘI DUNG

3.6. Nghệ thuật xây dựng nhân vật bản năng

Hầu hết chúng ta đều cho rằng những hành động của ta đều có chủ ý, đều xuất phát từ ý muốn của ta. Còn bản năng là khi ta thực hiện một cách hoàn hảo, tự nhiên, không cần học tập, không cần suy nghĩ. Hành vi do bản năng được thực hiện do một sự thúc đẩy tự nhiên từ chính nhu cầu bên trong của mình.

Bản năng là khuynh hướng vốn có của một sinh vật đáp lại một tác động hay điều kiện cụ thể. Đối với loài người, bản năng dễ thấy nhất khi quan sát những hành vi về thân thể, xúc cảm hoặc giới tính, bởi chúng đã được xác định rõ ràng về mặt sinh học. Vì thế khi nói đến bản năng, trước hết phải nói đến bản năng tính dục của con người. Con người bản năng từng xuất hiện trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao. Trong đó, con người bản năng trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng gắn với cái dâm của con người. Nếu như xây dựng con người bản năng trong văn học giai đoạn 1930 – 1945 phải chịu khá nhiều sức ép từ dư luận thì trong thời kì đổi mới, con người bản năng bước vào văn học một cách đường hoàng nhất. Nhà văn không chỉ khám phá phần đẹp đẽ ở con người mà còn đi sâu vào khám phá những ham muốn dục vọng, những góc tối trong con người bấy lâu còn khuất lấp.

Văn học thời kì đổi mới đã xuất hiện con người bản năng trong sáng tác của Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thế Hùng… Hồ Anh Thái cũng góp phần làm nên phong cách nghệ thuật này khi xây dựng thành công kiểu nhân vật tha hóa do bản năng dục tính của mình. Chính kiểu nhân vật bản năng đã giúp Hồ Anh Thái thể hiện được rõ hơn những góc khuất của tâm hồn con người, từ đó

góp phần nâng tầm nghệ thuật cho mỗi tác phẩm của mình. Trong không ít sáng tác của mình, ngoài việc trân trọng những bản năng tự nhiên, chính đáng của con người, Hồ Anh Thái còn miêu tả tính dục như là thứ bản năng xấu, khiến con người sa vào những hành vi tội lỗi hoặc gặp phải những bi kịch.

Tường trong Người đàn bà trên đảo phải sống trong khung cảnh cô quạnh đã làm sống lại bản năng dục vọng trong con người Tường. Anh không chỉ ươm giống đồi mồi trên đảo Cát Bạc mà anh còn trở thành người “gieo giống” cho những người đàn bà trong Đội Năm ở gần đó. Ham muốn bản năng đã đẩy Tường đến bờ vực của sự suy đồi.

Tiểu thuyết Đức phật, nàng Savitri và tôi, nàng Savitri với cá tính mạnh mẽ luôn muốn tháo cũi sổ lồng để thoát ra khỏi những khuôn phép và đối lập với các giáo điều của Bà la môn đã trở nên lạc hậu. Con người nàng đầy sức sống, đầy bản năng, đầy đam mê nhục cảm và đầy khao khát dục lạc. Thậm chí, Savitri còn theo đuổi dục lạc đến già.

Bộ ba Cốc, bóp, Phũ trong Cõi người rung chuông tận thế cũng là những nhân vật sống theo bản năng. Sống dư giả tiền bạc khiến bản năng thấp hèn của những nhân vật này càng có điều kiện bộc lộ. Cốc là bản năng nhục dục thấp hèn, Bóp lại tìm khoái cảm trong việc bóp cổ các con vật và nhìn những con vật trong con giãy chết. Còn Phũ thì trong hơn hai mươi năm của cuộc đời đã sống cuộc sống của một trăm linh một thằng đàn ông đạo đức suốt đời chỉ biết có một người đàn bà. Đó là bản năng thú tính của ba nhân vật. Ham muốn bản năng đã đẩy bộ ba này thành những con quỷ chuyên gieo rắc tội ác cho con người.

Nhân vật bà mẹ trong Mười lẻ một đêm cũng là bản năng ham mê dục vọng. Với cách sống có phần “hoang dã”, bà sống buông thả bản năng dục vọng thấp hèn của mình. Chàng trai nào bà cũng rủ rê rồi tìm cách chiếm đoạt, không kể đó là người nhiều tuổi hay ít tuổi, nghề nghiệp miễn là bà được thỏa mãn. Bà và người tình có thể hành động ở bất cứ chỗ nào, miễn là

bà được đáp ứng về dục vọng. Bản năng thấp hèn của một con cái được tác giả phơi bày bằng câu nói đầy sắc dục của bà mẹ: “Thôi về làm gì, ở lại đây mà ngủ cho vui” [88, tr.72]. Lời nói này cho thấy bản năng hoang dâm vô độ của nhân vật bà mẹ nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh lí đồi bại của mình.

Có thể nói Hồ Anh Thái đã dựa trên tư tưởng nhân bản rất sâu sắc khi đề cập đến vấn đề con người bản năng. Nhà văn tỏ ra rất thông cảm, thậm chí là trân trọng những khát khao tự nhiên nhưng chính đáng của con người. Tuy nhiên, ngòi bút của Hồ Anh Thái cũng không ngần ngại phê phán những con người bất chấp tất cả luân lí, đạo đức để thỏa mãn nhu cầu dục vọng thấp hèn của mình.

Cách xây dựng nhân vật bản năng của Hồ Anh Thái có ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh vì theo thuyết hiện sinh, tiền đề cho con người bản năng chính là quyền tự do lựa chọn theo cách riêng của mình, không theo bất cứ một khuôn mẫu sẵn có nào, do vậy, con người phải chịu trách nhiệm về tương lai của mình. Cái chỉ đạo, dẫn dắt sự lựa chọn của cá nhân chính là yếu tố bản năng trong con người. Bản năng ấy thúc đẩy và dẫn dắt con người hành động. Chỉ có hành động dựa vào bản năng mới tạo nên sự tự do tuyệt đối cho con người. Chủ nghĩa hiện sinh chối bỏ quan điểm về khuôn mẫu lý tưởng của Con Người viết hoa, hoặc của nhân loại, trong đó mỗi người chỉ là một hình ảnh của con người phổ quát.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhân vật tha hóa trong sáng tác của Hồ Anh Thái (Trang 103 - 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)