Nhân vật tham lam của cải, vật chất

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhân vật tha hóa trong sáng tác của Hồ Anh Thái (Trang 59 - 62)

B. PHẦN NỘI DUNG

2.2. Một số kiểu nhân vật tha hóa trong sáng tác của Hồ Anh Thái

2.2.3. Nhân vật tham lam của cải, vật chất

Sống trong một xã hội mà thước đo giá trị đạo đức được tính bằng đồng tiền thì sự băng hoại đạo đức của con người ngày càng lớn. Với sự nhạy bén của một cây bút, Hồ Anh Thái đã phanh phui, lật tẩy bản tính tham lam của con người khi chạy theo những giá trị vật chất vì tham lam cũng là căn tính “thâm căn cố đế” của con người. Tham lam dễ khiến con người đánh mất lòng thiện, con người trở nên tàn nhẫn và lạnh lùng.

Diệu trong Người và xe chạy dưới ánh trăng có chồng là trợ lí Bộ trưởng, tiền không thiếu nhưng chị ta luôn là kẻ tham lam. Kẻ tham lam bao giờ cũng đầy mưu ma trước quỷ còn cái thiện lại thường ngây thơ và cả tin. Thói tham lam của Diệu thể hiện trong dùng lời lẽ ngon ngọt, cùng với đó là lợi dụng lòng tốt và sự ngây thơ để âm mưu chiếm đoạt nửa căn phòng đã mượn của Mỵ. Không những vậy, Diệu còn tham mua hàng rẻ, hàng ế, hàng kém chất lượng để dùng. Cô ta thoăn thoắt chọn mua chanh héo, mua rau già nói là để gội đầu và nuôi gà nhưng thật ra là để tống vào mồm chồng con. Nó trái ngược hẳn với kiểu cách ăn mặc, phương tiện sang trọng và những ngón tay móng son của nàng. Thói tham lam đã biến phu nhân của ông trợ lí Bộ trưởng trở thành kẻ lừa lọc, dối trá, mất hết nhân cách, đạo đức và danh dự.

Ông Quách Tiến Đặng là giám đốc Công ty Lương thực Tháng Mười trong tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo, lại lấy danh nghĩa là giám đốc mà tư lợi cá nhân. Ông hai lần kí lệnh xuất hàng chục tấn gạo không đúng nguyên

tắc để bỏ vào túi riêng. Khi bị phát hiện, ông tìm cách dụ dỗ, mua chuộc rồi diễn trò đạo đức giả để vu oan rồi thuê người thủ tiêu nhân chứng hòng che đậy sự phạm pháp của mình. Vì tham lam mà giám đốc đánh mất nhân tính, trở thành kẻ dối trá, độc ác, tàn nhẫn. Bị truy tố và tù tội là cái giá mà vị giám đốc phải trả cho tội lỗi của mình.

Nhân vật bà mẹ trong Mười lẻ một đêm không chỉ ham hố nhục dục vô độ, bà mẹ này còn là người tham lam của cải không khác gì thói dâm đãng. Sự tham lam của bà mẹ không kém gì sự đòi hỏi của nhục dục: “Năm lần lấy chồng, năm lần li dị, mỗi lần li dị được một cái nhà. Chồng đầu tiên được một cái nhà để xe. Chồng thứ hai được chia đôi căn phòng hai mươi sáu mét vuông. Chồng thứ ba căn hộ tập thể tầng hai. Chồng thứ tư được chín mét vuông phố cổ. Chồng thứ năm khá nhất, giáo sư viện trưởng, căn hộ chung cư chất lượng cao” [88, tr.62]. Sự tham lam của bà mẹ khiến cô con gái phải thốt lên: “Mẹ ngửi thấy mùi đàn ông và mùi đất đều chén được” [90, tr.68]. Nếu nhục dục làm nhân cách, phẩm chất đạo đức của bà suy đồi thì tham lam của cải biến nhân vật bà mẹ trở thành kẻ cơ hội, thực dụng.

Nhân vật Thế trong Cõi người rung chuông tận thế từng là cán bộ cao cấp thời chiến nhưng khi xã hội chuyển sang nền kinh tế thị trường, sẵn có tiền, Thế từ bỏ con đường chính trị và lao vào làm ăn bằng cách xây dựng khách sạn và nhất quyết làm giàu. Từ đây, Thế thể hiện sự khôn ngoan lọc lõi của một con cáo già trong việc làm ăn. Anh biết thao túng những thế lực có máu mặt, có chức sắc, vì thế trong kinh doanh, anh có một mạng lưới hậu thuẫn vô cùng vững chắc từ các vị phu nhân, những chính khách. Là một nhà kinh doanh nên anh có cái đầu luôn tỉnh táo, khôn ngoan, nắm bắt được cơ chế và sắp đặt mọi thứ theo ý cả mình. Vì thế “trong mọi tình huống nước sôi, lửa bỏng. Thế luôn là người lạnh, bình tĩnh, sáng suốt. Đường đi nước bước, cắt đặt công việc gọn. Xử sự đẹp” [78, tr. 29]. Cách hành xử của anh Thế

đúng là kiểu hành xử của một đại gia có máu mặt. Thế là kiểu nhân vật tha hóa của con người trong cuộc sống hiện đại.

Đạo sư trong “Đức Phật, nàng Savitri và tôi”, là người có thừa mưu mô, thủ đoạn để xác lập vị trí tối cao và có đầy đủ sự tham lam, tàn ác trong hành nghề. Là quốc sư triều đình, ông ta không từ bỏ một cơ hội nào để bày vẽ tế lễ vì tế lễ là dịp Đạo sư vơ vét tài sản của đất nước và con dân. Của cải trong các cuộc tế lễ được Đạo sư đem về để “xây dựng một dinh thự nguy nga ở gần hoàng cung(…). Thu nhập từ thuế má và những lễ tế tốn kém làm tăng đàn gia súc của ông. Bò cừu dê của nhà ông ngốn sạch những cánh đồng cỏ gần kinh thành” [80, tr.163]. Tham lam đã biến Đạo sư thành kẻ độc ác, tàn nhẫn, thành kẻ táng tận lương tâm.

Anh chàng họa sĩ trong truyện ngắn Trại cá sấu (tập truyện Bốn lối vào nhà cười) không chỉ có biệt tài biến tất cả những người đàn bà từng lên giường với chàng thành họa sĩ cho dù trước đó họ là cô bán phở, cô kế toán, cô y tá, cô ô sin mà anh còn rất biết cách kiếm tiền từ hội họa, biết làm cách nào để khách hàng “móc hầu bao” mua tranh của anh. Tranh của những kẻ bất tài nhân danh họa sĩ thì có thể được sản xuất theo dây chuyền và đem lại lợi nhuận tức thì vì nó bắt mắt, dễ nhìn và nó là sự giao duyên của sự sắp đặt và biểu diễn, trong khi đó tranh của những người thực tài thì úp vào tường chờ sự phán xét của công chúng và thời gian. Với những gì được chứng kiến, độc giả có thể thấy sự nhếch nhác, nhố nhăng của cái gọi là hội họa. Thứ hội họa đó đã bị pha tạp bởi lối sống cơ hội, thực dụng, bị rẻ rúng bởi đồng tiền.

Tham lam tiền bạc và của cải nhất có lẽ phải kể đến nhân vật luật sư trong SBC là săn bắt chuột. Anh không những là một kẻ đê tiện mà còn là một kẻ khát tiền, thèm tiền và tham tiền đến bệnh hoạn. Anh chính là môn đệ trung thành của đồng tiền. Anh không thích học thức, không mê công danh, suốt đời anh chỉ mê hình ảnh Bác Hồ trên đồng tiền và mê gương mặt lãnh tụ, gương mặt danh nhân nước Mỹ trên nền hoa văn đẹp như tiên trên nền đồng

đô la xanh. Anh thích tiền mới, thỉnh thoảng anh đóng cửa ngồi đếm tiền, nghe loạt soạt vui tai. Anh “đếm chậm rãi. Đếm nhẩn nha. Đếm nhấm nháp khoái cảm những đồng tiền chạy soàn soạt qua những ngón tay” [84, tr.251].

Thói tham tiền khiến anh nhẫn tâm đòi mẹ bằng hết khi mọi người đến thăm mẹ nằm viện. Tiền mọi người mừng tuổi mẹ, mừng tuổi con anh cũng lột không thiếu một xu. Lí do đơn giản là tất cả họ đều phải nhờ anh chứ họ không quen biết gì bà nên tất cả phải là của anh. Người mẹ không thể trách được người con nhẫn tâm vì anh thừa hưởng cái “gien” thích tiền từ bản thân bà. Chính bà đã dạy anh thói tham lam tiền bạc ngay từ khi anh còn bé vì với bà đời không cho không ai cái gì bao giờ. Cũng vì tiền mà anh lừa mẹ kí vào tờ khai nhận huy hiệu năm mươi năn tuổi Đảng để lấy nhà rồi bán cho Đại Gia. Vì tiền mà luật sư quên hết tình mẫu tử và bán mình cho qủy dữ. Vì tiền mà mẹ con xâu xé lẫn nhau, tình cảm mẹ con bị vứt bỏ không thương tiếc. Điều này chỉ có ở những con vật hoang dã. Với trái tim chưa từng dùng đến, Luật Sư là bức chân dung biếm họa sâu sắc về sự táng tận lương tâm của con người. Cõi người đã tận thế khi tình mẫu tử thiêng liêng được thay bằng công nghệ làm giàu một cách có văn hóa.

Cổ nhân dạy rằng: “Người tham lam sẽ muốn ngày càng nhiều, giống như con rắn muốn nuốt lấy cả con voi”. Con người nếu không biết bằng lòng thì sẽ không bao giờ cảm thấy đủ kể cả khi đã có một tài sản khổng lồ. Của cải thì hữu hạn, nhưng ham muốn giàu có của con người lại là vô hạn. Như vậy lòng tham của con người như giếng sâu không đáy. Lòng tham khiến con người bán rẻ lương tâm, mất dần nhân tính, mất lòng thiện và trở nên tha hóa. Sức mạnh của của cải vật chất khiến con người ngày càng tàn nhẫn, lạnh lùng và đang từng ngày giết chết con người.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhân vật tha hóa trong sáng tác của Hồ Anh Thái (Trang 59 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)