Nghệ thuật mờ hóa nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhân vật tha hóa trong sáng tác của Hồ Anh Thái (Trang 83 - 88)

B. PHẦN NỘI DUNG

3.1. Nghệ thuật mờ hóa nhân vật

3.1.1. Không lai lịch.

Sau 1975, nhất là từ sau đổi mới 1986, với quan niệm mới về con người và hiện thực, văn học đã tìm đến những lối viết khác với truyền thống. Thủ pháp phi điển hình hóa được coi là một cách thức làm mới của văn xuôi. Qua khảo sát tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, chúng tôi nhận thấy, mờ hóa lai lịch, ngoại hình là một trong những thủ pháp quan trọng trong việc miêu tả nhân vật tha hóa của nhà văn gốc Nghệ này.

Lai lịch là phương diện đầu tiên góp phần hình thành đặc điểm tính cách, chi phối đường đời của nhân vật cũng như mục đầu tiên ta thường khai trong bản “sơ yếu lí lịch” chính là tên tuổi, quê quán, hoàn cảnh sống, thành

phần xuất thân, hoàn cảnh gia đình… Tuy nhiên, không phải nhà văn nào cũng chú ý đến việc xây dựng lai lịch của nhân vật. Nhân vật có lai lịch hay không có lai lịch, tất cả tùy thuộc vào dụng ý của nhà văn trong việc khắc họa số phận và tính cách của nhân vật.

Hồ Anh Thái có biệt tài trong việc sử dụng các chất liệu dân gian để xây dựng nhân vật. Nhân vật tha hóa trong sáng tác của Hồ Anh Thái thường không có lai lịch hệt như trong truyện cổ. Cái “giấy khai sinh” mà tác giả bạ cho nhân vật cũng không đủ để cho độc giả hình dung một cách đầy đủ nguồn gốc, gia đình, thân phận… của một nhân vật. Nhân vật trong tác phẩm của Hồ Anh Thái được “thiết kế” khá đơn giản chứ không đậm đặc sự kiện trong cuộc đời.

Xét trong tất cả các nhân vật tha hóa trong sáng tác của Hồ Anh Thái, chúng ta thấy chỉ có cô đồng Si trong Trong sương hồng hiện ra được tác giả bạ cho một phần lại lịch “Bà Si là con thứ sáu trong một gia đình có bố là phu xe thời Pháp thuộc. Mẹ là nặc nô đi đòi nợ thuê” [82, tr.276] và khi lên tám tuổi “bố mẹ đưa nó đến ở đợ cho cô đồng Nhỡ” [82, tr.277]. Nhưng từng đó không đủ để xây dựng cho nhân vật một lí lịch rõ ràng. Dường như tác giả cố ý giản lược đến mức tối đa lai lịch nhân vật, làm cho nhân vật hiện lên mang tính khái quát. Tác giả thường dựng chân dung nhân vật bằng kĩ xảo làm mờ, làm nhòe, tẩy trắng mọi đường viền lịch sử, lai lịch nhân vật. Không có nhân vật tha hóa nào được tác giả bạ cho một “sơ yếu lí lịch” đầy đủ như nhà văn Nam Cao bạ cho Chí Phèo. Nhân vật đôi khi không được giới thiệu một cách cụ thể, không được mô tả kĩ càng nên rất dễ tan biến, buộc người đọc phải thận trọng theo dõi để tránh sự nhầm lẫn. Họ xuất hiện khá đột ngột và không xuất xứ. Họ như vô tình bị ném ra giữa cuộc đời. Chính vì thế mà ai cũng có thể thấy một phần nào của mình trong đó.

Với thủ pháp này, độc giả thấy con người đang có nguy cơ bị nhòe mờ, bị tẩy trắng, bị mờ mờ nhân ảnh trong vòng xoáy gấp gáp của cuộc sống hiện đại là một dấu hiệu tha hóa đáng báo động đối với mỗi chúng ta.

3.1.2. Không ngoại hình.

Bên cạnh việc mờ hóa lai lịch thì ngoại hình nhân vật tha hóa cũng được tác giả giản lược đến mức tối đa. Không miêu tả ngoại hình cũng là một biện pháp xây dựng nhân vật tha hóa của Hồ Anh Thái. Ðây là yếu tố quan trọng góp phần cá tính hóa nhân vật.

Ngoại hình là dáng vẻ bên ngoài của nhân vật bao gồm y phục, cử chỉ, tác phong, dáng vẻ... Trong mỗi thời đại, ở mỗi phương pháp sáng tác, ngoại hình nhân vật được miêu tả bằng những cách thức khác nhau. Trong văn học dân gian, các tác giả dân gian khi xây dựng nhân vật thường ít chú ý nhiều đến ngoại hình. Trong văn học Trung đại, ngoại hình nhân vật thường mang tính chất ước lệ, công thức tiêu biểu cho từng tầng lớp người trong xã hội. Đến văn học hiện đại, ngoại hình nhân vật thường được các nhà văn xây dựng với nhiều dáng vẻ khác nhau, chân thực và cụ thể hơn.

Khi xây dựng ngoại hình nhân vật, nhà văn cần thể hiện những nét riêng biệt, cụ thể của nhân vật nhưng qua đó, người đọc có thể nắm bắt được những đặc điểm chung của những người cùng nghề nghiệp, tầng lớp, thời đại... Những nhân vật thành công trong văn học từ xưa đến nay cho thấy nhà văn bao giờ cũng chọn lựa công phu những nét tiêu biểu nhất để khắc họa nhân vật.

Trong văn học, nhà văn miêu tả ngoại hình nhân vật để cá thể hóa nhân vật, để nhân vật không thể lẫn với các nhân vật khác và qua vẻ bề ngoài mà phần nào hé mở tính cách, bản chất của nhân vật ấy. Một nhà văn có tài thường chỉ qua một số nét khắc họa, vài nét chấm phá có thể giúp người đọc hình dung ra diện mạo, tư thế cùng bản chất của một nhân vật

Nếu tiểu thuyết truyền thống thiên về mô tả kĩ lưỡng các chi tiết mặt mũi đầu tóc thì tiểu thuyết sau 1975 lại không coi trọng việc miêu tả nhân dạng nhân vật. Các nhân vật như cái bào thai trong Thiên thần sám hối, con cú trong Thoạt kỳ thủy, cô gái điên, hắn trong Đi tìm nhân vật, bốn người

đàn ông trên chiếc xe trâu trong Những đứa trẻ chết già, những hồn ma trong

Người đi vắng, Kim trong Ngồi … đa số hiện diện trong hình hài của kí ức, không diện mạo, không lai lịch, thậm chí có nhân vật giữ vị trí quan trọng trong tác phẩm.

Trong sáng tác của Hồ Anh Thái, độc giả thấy, anh không chú trọng đến việc miêu tả ngoại hình nhân vật. Điều này không có nghĩa là Hồ Anh Thái không xem trọng việc miêu tả ngoại hình nhân vật vì có miêu tả ngoại hình nhân vật hay không phụ thuộc vào quan điểm, mục đích sáng tác của nhà văn. Cố ý xóa bỏ dấu hiệu nhận biết trong việc tái tạo diện mạo nhân vật cũng là một biện pháp nghệ thuật trong việc xây dựng nhân vật tha hóa của nhà văn Hồ Anh Thái.

Trong sáng tác, nhân vật của Hồ Anh Thái dường như không có ngoại hình, không diện mạo, không dáng điệu, không trang phục cụ thể… Nhân vật của anh về ngoại hình gần như “nhẵn như chùi”. Không có khuôn mặt như một con vật lạ của Chí Phèo, không có cái mặt mỉa mai của hóa công như Thị Nở trong Chí Phèo, không có cái mặt đầy thịt như của Nhi trong Nửa đêm, không béo tròn béo trục, mặt rỗ như tổ ong, mắt trắng, môi thâm như mụ Lợi trong Lang giận.

Một số ít nhân vật trong sáng tác của Hồ Anh Thái có diện mạo cụ thể. Có “một bộ mặt tầm thường, một hình dáng khô khẳng” [83, tr.141] của Diệu trong Người và xe chạy dưới ánh trăng. Dáng vóc “cao một mét bảy lăm. Gương mặt trái xoan nhẹ nhõm, cặp mắt bồ câu to sáng và hàng mi đen rợp” [82, tr.23] của Tường trong Người đàn bà trên đảo. Gương mặt mê hồn và đều “cao trên dưới mét thước tám, tràn đày dục vọng, tràn đầy sức sống” [78, tr.97] của bộ ba Cốc, Bóp, Phũ trong Cõi người rung chuông tận thế… Nhưng đó cũng chỉ là những nét phác thảo đơn giản của nhà văn về nhân vật. Từng đó chưa đủ để vẽ ra diện mạo một nhân vật cụ thể, không đủ sức mạnh để nhấn sâu vào tâm thức độc giả ấn tượng về ngoại hình nhân vật, ngược lại

nhân vật hiện lên chung chung, mờ mờ. Với cách viết như vậy, nhân vật luôn lưu lại trong lòng độc giả ấn tượng về nhân vật như những mảnh vỡ và thiếu màu sắc nổi trội của cá tính. Phải chăng con người đang bị xóa mờ đi trước tốc độ phát triển chóng mặt của khoa học kĩ thuật. Phản ánh điều này, độc giả có thể thấy nguy cơ đánh mất cái tôi, nhòe mờ nhân vị của con người thời hậu hiện đại.

3.1.3. Không đời sống nội tâm.

Tâm lí là khái niệm nội tâm nhằm chỉ toàn bộ những biểu hiện thuộc cuộc sống bên trong của nhân vật. Ðó là những tâm trạng, những suy nghĩ, những phản ứng tâm lí, cảm giác, cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ... của nhân vật trước những cảnh ngộ, những tình huống mà nó gặp phải trong cuộc đời.

Sự biểu hiện hợp lí và sâu sắc nội tâm nhân vật góp phần rất lớn tạo nên sức sống của nhân vật. Một nghệ sĩ tài năng thường là một bậc thầy trong việc nắm bắt và diễn tả tâm lí con người. Miêu tả chân thực, tinh tế đời sống nội tâm nhân vật là chỗ thử thách tài nghệ nhà văn. Ðể làm được điều đó, nhà văn phải hiểu sâu sắc cuộc sống, con người, nắm bắt được những biểu hiện và diễn biến dù nhỏ nhặt nhất đời sống bên trong của nhân vật. Theo L. Tônxtôi thì mục đích chính của nghệ thuật là nói lên sự thật về tâm hồn con người, nói lên những điều bí ẩn không thể diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường.

Trái ngược với quan niệm của L. Tônxtôi là quan niệm của Pôspêlôv. Trong cuốn Dẫn luận nghiên cứu văn học, Pôspêlôv cho rằng các nhà văn hài hước và các nhà văn châm biếm hầu như không thể hiện thế giới nội tâm nhân vật hoặc chỉ thể hiện ở một mức ít ỏi. Như vậy, việc miêu tả hay không miêu tả tâm lí nhân vật phụ thuộc vào quan điểm của nhà văn về nhân vật.

Hồ Anh Thái được xếp vào kiểu nhà văn xây dựng nhân vật tha hóa không có đời sống nội tâm. Chính cách xây dựng này lại làm nên sự đa dạng trong thế giới nhân vật của Hồ Anh Thái. Có lẽ hệ thống nhân vật tha hóa trong sáng tác cuả Hồ Anh Thái chỉ có vợ chồng Khuynh – Diệu trong Người

và xe chạy dưới ánh trăng và Tường trong Người đàn bà trên đảo là có chút ít đời sống nội tâm. Có nghĩa là có biểu hiện của đời sống nội tâm. Tác giả để cho Diệu suy tính về những mưu mô, để cho Khuynh tự nhìn nhận lại cuộc sống trỗng rỗng và bế tắc của mình. Để cho Tường ý thức về sự tha hóa của mình. Còn những nhân vật tha hóa khác, không một nhân vật nào có đời sống nội tâm.

Xóa bỏ tính cách tâm lý nhân vật trước hết nhà văn chặt đứt mọi mối liên hệ của nhân vật, tẩy trắng giọng điệu người kể chuyện. Với cách xây dựng nhân vật như vậy, các nhà tiểu thuyết hậu hiện đại xé nát mọi đường viền tính cách, tâm lý của nhân vật. Nhân vật ở đây không chịu sự quy định của những quy luật tâm lý hay những quyết định luận xã hội như trong tiểu thuyết cổ điển. Thay vì miêu tả tâm lý nhân vật, tiểu thuyết hiện đại thiên về gợi mở tâm lý ở bạn đọc, di chuyển trọng tâm của tiểu thuyết từ nhân vật sang bạn đọc.

Với thủ pháp này, Hồ Anh Thái để cho nhân vật của mình tự bộ lộ bản chất của mình qua ngôn ngữ, hành động. Nhân vật không cần giấu giếm, không phải che đậy bản tính thật của mình trước mọi người. Nhờ đó mà bản chất của nhân vật hiện lên rõ ràng và chân thật nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nhân vật tha hóa trong sáng tác của Hồ Anh Thái (Trang 83 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)