B. PHẦN NỘI DUNG
2.2. Một số kiểu nhân vật tha hóa trong sáng tác của Hồ Anh Thái
2.2.4. Nhân vật sống sa đọa
Hiện nay chúng ta đang phải chứng kiến một sự thực vô cùng nhức nhối trong xã hội, đó là lối sống sa đoạ, buông thả, đi ngược lại với đạo đức
truyền thống của dân tộc. Hoà vào dòng chảy cuộc sống thời hiện đại, Hồ Anh Thái đã bắt gặp hàng ngày những thói hư tật xấu, trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức của dân tộc. Tâm hồn con người giờ đây chỉ còn là những bóng ma, quỷ dữ. Nó làm cho tâm hồn con người bị nhiễm độc. Nhà văn cũng truy tìm trong cơ chế thị trường những nguyên nhân làm nảy sinh sự tha hóa trong đạo đức lối sống của con người và của cả xã hội.
Trong sáng tác của mình, Hồ Anh Thái đã dựng lên một loạt những bức chân dung nhân vật tha hóa do lối sống sa đọa. Đây là một trong những vấn đề ít được đề cập đến trong văn học hiện nay. Một trong số đó là những nhân vật mang danh trí thức.
Thường thì người trí thức là người có kiến thức, có đức cao, đạo trọng, có lí tưởng và được coi là lương tri của thời đại. Họ là những người chân chính, ngay thẳng, trọng danh dự, không tư lợi cá nhân, sống thanh cao và luôn băn khoăn về thời thế. Họ chính là mẫu hình lí tưởng để người đời noi theo. Giờ đây, người trí thức không còn được coi là người trong sạch, không nhận được nhiều sự trọng vọng như trước. Người trí thức không còn là người chỉ biết đọc sách thâu đêm, mà thay vào đó những vụ lợi, ích kỉ của bản thân và ngoài xã hội khiến họ đang dần tha hóa.
Người trí thức đi vào trang văn từ thời kì văn học Trung đại nhưng phải đến giai đoạn 1930 – 1945 thì người trí thức mới được khai thác nhiều trong văn học, đặc biệt là trong sáng tác của Nam Cao… Nhưng sau năm 1945, do hoàn cảnh lịch sử nên đề tài người trí thức bị thay thế bằng đề tài khác cần thiết hơn. Đến đầu những năm 80 – 90 của thế kỉ XX, người trí thức đã trở lại trong văn học với một diện mạo và tầm vóc mới. Người trí thức trong giai đoạn này được xoáy sâu vào những bi kịch tinh thần trầm trọng và quy mô hơn cả Sống mòn của Nam Cao. Nhà văn Ma Văn Kháng đã từng cay đắng mà thốt lên rằng chưa có thời buổi nào trí thức lưu manh hóa nhiều như thời
nay. Còn Nguyễn Huy Thiệp thì phát biểu: “Quân trí thức bây giờ toàn phường phàm phu tục tử” [61, tr. 45].
Nhân vật trí thức tha hóa trong sáng tác của Lê Minh Khuê là do quá trình “nếm trải” hoàn cảnh mang tính thử thách, họ không thể hoặc chưa thể vượt qua nên bị tha hóa. Người trí thức trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, thay vì định hướng cho xã hội, họ lại trở thành những người bất lực, yếm thế, thậm chí, có trường hợp còn trở nên lưu manh. Trong sáng tác của Nguyễn Đình Tú, tầng lớp trí thức chỉ thích phô diễn sex, phô diễn một lối sống vô luân bệnh hoạn… Trong sáng tác của Hồ Anh Thái, người trí thức tha hóa trong vòng xoáy của cuộc đời, của xã hội.
Theo thang nấc thang giá trị, giáo sư là người đức độ, phẩm chất thanh cao, như cây tùng cây bách, tầm hiểu biết sâu rộng. Nhưng trong tiểu thuyết,
SBC là săn bắt chuột, giáo sư lại là người vô đạo đức. Phát ngôn của giáo sư sặc mùi háo danh, rỗng tuếch. Bức chân dung biếm họa của giáo sư đã lột tả tận cùng sự đảo lộn mọi giá trị đạo đức. Giáo sư là người thích gió trời thông thoáng, hoang dâm vô độ và không bỏ lỡ cơ hội nào để “lên giường” với các cô gái. Họ có thể là sinh viên, là học viên cao học, là những nữ tiến sĩ hoặc là người phụ nữ nơi vườn hoang mà giáo sư gặp. Bà vợ ghê tởm ông vì “hễ có nữ sinh nào đến nhà là đều kết thúc trên chiếc giường hướng dẫn luận văn của ông” [84, tr.283]. Giáo sư tự biến mình thành kẻ sa đọa, thành kẻ bị ghê tởm. Cuối cùng giáo sư chết vì căn bệnh thế kỉ – si đa – do quan hệ tình dục vô độ với hàng trăm phụ nữ.
Trong Mười lẻ một đêm, giáo sư Xí là một nhà văn hóa lớn, có khả năng dùng tiếng Anh để giảng dạy nhưng giáo sư lại đi ngược lại với các chuẩn mực văn hóa. Giáo sư thích “tè” bậy một cách đều đặn ngày hai lần vào chân tượng đài công nông binh – một công trình văn hóa. Khi “tè” xong thì giáo sư lấy làm khoan khoái và thỏa mãm. Giáo sư cũng không phải là đại biểu của một hội nghị quốc tế nhưng ông vẫn đọc tham luận quá thời gian cho
phép, khiến ban tổ chức rơi vào tình thế khó xử. Ông ăn uống trong bữa tiệc chiêu đãi như một anh mõ trong truyện Tư cách mõ của nhà văn Nam Cao. Giáo sư đã tự biến mình thành trò bỉ ổi và lố bịch trong mắt người đọc. Đó chính là sự tha hóa, biến chất của giới lao động trí thức.
Nhân vật luật sư trong SBC là săn bắt chuột là điển hình của sự tha hóa trong giới luật sư. Trong cuộc sống, Luật sư có sở thích vô cùng kì quặc và quái đản vì anh đặc biệt có ấn tượng với những đám tang. Hễ nghe nói đi đám tang ai là lòng bỗng rạo rực hẳn lên. Ai rủ đi sinh nhật bạn bè hay đi đám cưới cũng không bao giờ hào hứng đến thế. Ấy thế mà nghe nói có người chết anh trở nên linh hoạt, năng động, tâm lý phấn chấn hẳn lên vì anh ta được xem: “Người chết sẽ mặc gì. Sẽ tô son màu gì. Tím tươi hay tím trầm. Phấn trắng đánh nhạt hay đánh dày, đánh dày thì mặt trắng lốp như tráng nước gạo. Quan tài đỏ hay quan tài trắng. Hay quan tài đánh véc ni đen hoa văn hay mạ vàng” [84, tr.239,240]. Sở thích quái đản này của luật sư ngay từ khi còn bé, thích đến nỗi luật sư có thể trảm tất cả những con búp bê để làm đám ma thổi kèn mồm rồi đem chôn. Luật sư chơi với những đám tang búp bê với trạng thái tâm lý dạt dào hưng phấn. Đây là một kiểu tha hóa rất mới tạo nên bức tranh biếm họa về nhân vật.
Họa sĩ chuối hột trong Mười lẻ một đêm là bức chân dung tha hóa trong giới họa sĩ. Họa sĩ với “bốn mươi tám cái xuân xanh là bốn tám mùa cởi mở” [88, tr.19]. Ai anh cũng “cởi mở” xong là chán. Thời trang yêu thích nhất của họa sĩ là “bộ cánh lúc lọt lòng” [88, tr.19]. Họa sĩ chuối hột có sở thích là khỏa thân bất lúc nào và bất cứ ở đâu. Thuở còn bé, cứ học về tụt hết quần áo rồi nhông nhông khắp nhà, nơi mà bà mẹ vẫn thắp hương niệm phật. Thích nhông nhông ngoài đường, khỏa thân ở trường, khỏa thân ở bãi tắm, biến bãi tắm thành nơi khỏa thân tập thể. Lớn lên, sở thích này vẫn không thay đổi. Anh thích khỏa thân tập Yoga khi mà cửa nhà anh mở thông thống ra ngoài. Sở thích của anh được tác giả phóng to đến cực đại khi anh “chống đầu xuống
đất hai chân dốc thẳng lên trời, thân người bóng nhẫy, trắng lôm lốp như thân chuối. Tất nhiên là chuối hột trổ hoa ở giữa lưng chừng trời” [88, tr.22]. Đây là sở thích có tính chất quái đản của họa sĩ.
Trong Cõi người rung chuông tận thế, độc giả bắt gặp cuộc sống sa đọa của những thanh niên thời mở cửa, sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức và nhân cách của lớp thanh niên với những âm mưu dục tính, những cuộc trả thù, những cuộc ăn chơi sa đọa, những cuộc chơi bời trác táng của Cốc, Phũ, Bóp và một phần của nhân vật Đông. Bộ ba Cố, Bóp, Phũ sống trong ốc đảo của những đứa trẻ dư thừa tiền bạc nhưng không có gốc dễ của tri thức khiến độc giả thấy hết sự độc ác của con người.
Nhân vật được tác giả nhìn thẳng vào đó là Cốc. Cốc có khuôn mặt của một siêu sao điện ảnh nhưng thật ra lại là một con quỷ đội lốt người. Với khuôn mặt ang ác, lạnh lùng và thói nhổ bọt vô tội vạ cùng với cái liếc xéo của số phận mà Cốc trở thành diễn viên điện ảnh. Khi trở thành một diễn viên có tiếng tăm, Cốc đã khiến hai đứa con gái cùng lớp phải đi nạo thai. Trong lần diễn với số 12, Cốc đưa ra lời đề nghị một cách khiếm nhã, trắng trợn và đầy tục tĩu: “Đêm nay em đừng về khách sạn, về nhà anh mà ngủ. Khiếp, nói năng trắng trợn thế? Vậy phải nói thế đéo nào?” [78, tr.12]. Lời mời mọc theo kiểu xã hội đen của Cốc khiến số 12 kinh hồn. Nàng không ngờ một siêu sao điện ảnh, thanh lịch, cao quý đang được mọi người ngưỡng mộ lại phát ngôn sặc mùi thô lỗ như thế. Hành động của Cốc với số 12 còn khủng khiếp hơn, khiến nàng dựng tóc gáy vì “đột ngột cô ta thấy bàn tay Cốc đang nắm tay mình nhẹ nhàng luồn váo đó một lưỡi dao cạo lành lạnh. Mày có muốn tao rạch bộ đồ tắm này, một đường sau lưng, một đường đằng trước” [78, tr.13]. Và dù phải chống cự nhưng số 12 không thể thoát khỏi con mắt săn mồi của Cốc, vì đó là giọng nói của một kẻ dám giết người chứ không chỉ rạch áo tắm. Đó là bản chất lạnh lùng đến mức tàn nhẫn của Cốc.
Còn Phũ, ngay từ lúc mới sinh Phũ đã không thèm cất tiếng khóc. Lớn lên nó sẵn sàng hùng hổ chiếm đoạt các cô gái. Khi đi tham dự hội hè cùng chú Đông, Phũ không để ý đến hội hè mà chủ yếu đi là để “bóp ngực, nắn eo” những cô gái trong lúc các cô gái đang mắc kẹt giữa đám đông. Trong chín năm làm đàn ông, với cuộc sống phóng đãng của mình, Phũ đã sưu tập được 101 chiếc quần lót của phụ nữ với đủ màu sắc: “Màu xanh thiên lý là cái đầu tiên biến Phũ thành đàn ông. Màu nâu có một bộ ngực đồ sộ. Mầu hồng thì vừa kéo Phũ vào vừa muốn đẩy nó ra. Màu da người thì làm nó đắm chìm suốt một đêm trắng u mê đến mức không nhớ nổi bao nhiêu lần” [78, tr.77]. Mới hai mươi tư tuổi nhưng Phũ đã sống đủ cuộc đời của một trăm linh một thằng đàn ông chung tình.
Với Cốc, Phũ, tác giả cho thấy sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức và nhân cách con người. Đó là lối sống ích kỉ, cá nhân, hưởng lạc, sống bất cần đời, không mục đích, không lí tưởng, sống buông thả theo dục vọng thú tính ngày càng xa rời con người. Họ sẵn sàng lao vào những trò chơi vô bổ, thú vui bệnh hoạn mà không hề tiếc tính mạng của mình. Họ phủ nhận đạo đức truyền thống, coi thường dư luận dẫn đến hậu quả là sự sa ngã, tuột dốc của chính bản thân. Những ham muốn bản năng, lối sống thực dụng đã làm băng hoại giá trị đạo đức con người. Con người đang dần bị tha hóa và đang dần trở thành loài thú lớn nhất. Đó cũng là lối sống của không ít con người hiện nay.
Cõi người rung chuông tận thế còn là đời sống của ngư dân của một bãi biển du lịch được tác giả lật tẩy ở góc nhìn đau đớn. Người đọc xót thương cho những thân phận nhỏ bé không đủ sức chống chọi với sức mạnh của đồng tiền. Đồng tiền đã đẩy con người tới lối sống sa đọa. Ban ngày họ là những người lương thiện làm ăn nhưng khi màn đêm buông xuống họ lại làm nghề buôn hương bán phấn: “Thực ra thì hương cũng chẳng có, phấn cũng chẳng có. Phần nhiều là mùi mắm muối dân chài thất thu một vụ cá, mùi mồ
hôi gay gắt đồng quê hạn hán, thậm chí có cả mùi sữa vú em hoi hoi con ơi con ở lại nhà. Tất cả đều được vụng về át đi bằng một thứ nước hoa rẻ tiền đồng hạng” [78, tr.15]. Chính cái nghèo khổ đã làm cho một bộ phận không nhỏ con người rơi vào tình trạng tha hoá. Hình ảnh những người đàn bà làm nghề “bán trôn nuôi miệng” vừa là nạn nhân vừa là tội nhân của một môi trường xã hội bị tha hóa.
Nhân vật Juhi trong tiểu thuyết Đức phật, nàng Savitri và tôi cũng điển hình của sự sa đọa về dục tính. Juhi suốt đời chìm đắm trong mê cung dục lạc. Nàng quan hệ tình dục với vô số những công tử, với hầu khắp những chàng trai con nhà quyền quý, nhất là quan hệ tình dục với Yasa. Juhi tham gia một cách tích cực trò chơi trốn tìm với các chàng trai mà phần thưởng cho người thắng cuộc chính là bữa tiệc tình dục trên thân thể mình. Trong số các chàng trai này thì phần lớn đều không sa lạ gì với Juhi vì Juhi “đã vào cuộc mây mưa với hầu hết trong số họ từ lâu” [80, tr.207]. Dục vọng biến Juhi thành kẻ sa đọa, mất hết nhân cách.
Nàng Yên Thanh – hoa hậu trường Hàng Hải – trong tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế là điển hình cho sự sa đọa. Không chịu học hành, Yên Thanh chỉ lao vào những cuộc chơi bời trác táng. Ở Yên Thanh, mọi chuẩn mực trong truyền thống đạo đức của con người đang bị chà đạp và méo mó. Đạo đức của Yên Thanh đang xuống cấp. Lối sống của Yên Thanh đang sa đọa. Nhân cách của Yên Thanh đang tha hóa. Yên Thanh là một con quỷ đội lốt người không hơn không kém. Bề ngoài Yên Thanh có một gương mặt đức mẹ đồng trinh không thể nào bắt bụi trần tục. Nhưng cũng với vẻ đẹp đó nàng đã “chiến đấu cùng lúc với ba gã con trai trần trụi mà vẫn thừa ra hai gã” [78, tr.110]. Vẻ đẹp của Yên Thanh chỉ là cái vỏ bề ngoài, còn chứa đựng bên trong là một lối sống bệnh hoạn. Sau này, khi đã ở cùng Đông, cô nàng vẫn không từ bỏ được thói nghiện đàn ông. Nàng vẫn nuôi trai trong ngôi nhà của Đông khi chàng vẫn lênh đênh trên biển. Đông hiểu “Yên Thanh không
thể sống nổi một tháng mà không có đàn ông” [78, tr.116]. Qua nhân vật Yên Thanh, tác giả cho thấy sự xuống cấp về đạo đức, nhân cách, phẩm chất của con người. Lối sống bệnh hoạn đã đẩy con người đến sự suy đồi tầm trọng.
Hồ Anh Thái đau xót trước chuẩn mực đạo đức xã hội đang mất đi. Bên cạnh nguy cơ gây biến dạng nhân cách con người, làm cho con người tha hóa, tác giả không quên nhắc tới những chuẩn mực trong truyền thống đạo đức đang bị dày xéo và trở nên méo mó. Rõ ràng, khi con người không làm chủ được mình, không chế ngự được bản năng của mình, để cho bản năng tung hoành thì con người chỉ là một con thú không hơn không kém.