B. PHẦN NỘI DUNG
2.2. Một số kiểu nhân vật tha hóa trong sáng tác của Hồ Anh Thái
2.2.6. Nhân vật biến dạng
Một trong những vấn đề được văn xuôi Việt Nam sau đổi mới 1986 quan tâm là tình trạng cô đơn của con người. Nó nằm trong mạch cảm hứng khám phá số phận con người của mỗi nhà văn. Từ góc độ khoa học nhân văn, cô đơn là một trạng thái đáng thương của con người, đồng thời cũng là ý thức đặc biệt về giá trị của mỗi cá nhân. Với cảm quan hậu hiện đại, Hồ Anh Thái cũng quan tâm đến con người cô đơn.
Cái cô đơn mà Nguyễn Huy Thiệp nói đến chủ yếu là cái cô đơn bản thể luận. Cái cô đơn của Phan Thị Vàng Anh là cô đơn vì không có điểm tựa tinh thần. Đối với họ cuộc sống lúc nào cũng đơn điệu, buồn chán, nhạt nhẽo. Cái cô đơn của Phạm Thị Hoài nói đến là cái cô đơn gắn liền với ấn tượng về một thế giới khủng hoảng, con người tha hoá, vong bản, mất khả năng giao tiếp. Ở đó khuôn mặt riêng của mỗi người bị xoá nhoà, đó là những con người
không có mặt. Còn cái cô đơn trong sáng tác của Hồ Anh Thái gắn với nhân vật “biến dạng” vì biến dạng được coi là biểu trưng của tha hóa.
Trên thế giới, nhân vật biến dạng từng xuất hiện trong văn học. Nhân vật chào hàng Grêgor Xamxa biến thành con côn trùng khổng lồ trong Biến dạng của Franz Kafka, hay cả thành phố biến thành tê giác trong vở kịch phi lí Tê giác của nhà văn Pháp gốc Rumani là Eugène Ionesco.
Trong văn học Việt Nam, việc xây dựng nhân vật biến dạng chưa phổ biến. Ta mới chỉ bắt gặp kiểu nhân vật biến dạng trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu trong Phiên chợ Giát, nhưng với hình thức khác, đó là lão Khúng mơ thấy mình biến thành con bò Khoang Đen.
Nếu trong văn học dân gian, nhân vật biến hoá chủ yếu do sự tác động của phép màu bên ngoài thì trong sáng tác của Hồ Anh Thái, sự biến dạng của nhân vật lại bắt nguồn từ những nguyên nhân nội tại của chính bản thân nhân vật. Cho nên nhân vật biến dạng của anh thường cô đơn giữa cuộc đời và cô đơn với chính mình.
Mười lẻ một đêm là sự biến dạng của nhân vật người cá, con trai riêng của ông Víp. Sở dĩ nó có tên là người cá là bởi vì ngay từ lúc nó được sinh ra đã bị tật nguyền “đôi chân của nó dính làm một từ trên xuống đến tận mắt cá. Chỉ có hai bàn chân là tách rời. Hai chân mà là một” [88, tr. 293,294]. Ông bố thì choáng váng, bà mẹ kinh hãi đã bỏ đi biệt tăm. Nó chỉ còn lại hai người thân trên đời: bố và mẹ kế. Nhưng ông bố lại bị cuốn theo bởi những cuộc ngoại giao của bậc Cốp, Víp còn mẹ kế lại bị xoáy vào cuộc tình của “mười lẻ một đêm”, người ta quên rằng nó vẫn đang sống và nó hoàn toàn bị bỏ rơi. Cuộc sống của người cá chỉ gói gọn trong bốn bức tường nên người cá nhân vật cô đơn. Người cá bị bỏ quên và cô đơn ở chính ngôi nhà của mình. Làm bạn và hiểu được nó có lẽ chỉ có con chó của người hàng xóm. Đó là cái cô đơn, xa lạ của con người ngay trong đời sống thường nhật. Cảm giác cô đơn của con người về thế giới còn được tác giả đẩy lên một mức cao hơn, đó là cô
đơn với chính mình. Cô đơn quá nên nó cố bò ra ngoài và rơi xuống bể bơi. Người cá chết vì gặp nước, chết trong sự cô đơn và vô tình của người đời. Nhưng đó vẫn chưa phải là bi kịch, mà bi kịch lớn nhất của người cá là ở chỗ: thể xác một nửa là vật nhưng tinh thần của người cá vẫn còn là người, đó mới là bi kịch thảm khốc của người cá. Sự bi đát không phải vì người cá là một con vật. Cái bi đát của người cá là vì người cá không phải hoàn toàn là con vật mà cũng không phải hoàn toàn là con người. Người cá ở chính giữa nửa người nửa vật và không biết mình thuộc về đâu.
Truyện ngắn Món tái dê (tập truyện Mảnh vỡ của đàn ông) là sự kiện giám đốc Diên biến thành dê khi đang xem phim khiêu dâm. Ông nghiêm nghị, răn đe mọi người không nên xem những bộ phim khêu gợi nhưng bản thân ông lại thích “loại phim cởi mở, có gì thì cởi hết ra, mở hết ra. Trải đời rồi, vững vàng rồi, có xem loại phim cởi mở cũng chẳng hư được” [81, tr.301]. Một lần đến nhà cấp dưới của mình để xem phim khiêu dâm, giám đốc bỗng biến thành một con dê và phải sống cô đơn trong chuồng lợn bỏ không ở sau nhà cấp dưới. Người vợ giám đốc nhận ra chồng mình không khó khăn gì vì hơn hai chục năm chung sống, bà luôn nhìn thấy ông ấy như bây giờ, như trong cái chuồng lợn này và ông ta luôn là “một con dê dạn dĩ, không biết sợ người với chòm râu quằm quặp” [81. tr.308]. Từ nhân vật giám đốc biến thành dê, Hồ Anh Thái cho thấy sự đồi trụy, sự thoái hóa biến chất của một bộ phận giới lãnh đạo.
Trong Vẫn tin vào chuyện thần tiên (tập truyện Tự sự 265 ngày) là chuyện “biến dạng” của anh chàng Khoa. Anh sang Mĩ thực tập sáu tháng và một buổi sáng thức dậy, anh hoảng hốt khi thấy mình biến thành người Mĩ, cũng mắt xanh mũi lõ như Tây. Chính tình huống dở khóc dở cười này khiến anh phải cô đơn ngay giữa một gia đình người Việt muốn giữ bản sắc dân tộc. Anh tan tành dự định lấy vợ vì gia đình cô người yêu chỉ chấp nhận cho con cháu lấy một anh chàng người Việt chính gốc chứ nhất định không cho pha tạp vì đã có gương nhỡn tiền. Thất vọng, anh trở về nước và lại cô đơn ngay
chính trên quê hương mình. Với vẻ bề ngoài, mọi người tưởng anh là Tây chính gốc nên những người bán hàng rong ở bờ Hồ đã bám theo mời chào khiến anh phải chạy trốn. Sau khi cứu người kiến trúc sư, anh trở thành chuyên gia kiến trúc người Pháp để đánh giá những công trình kiến trúc pha tạp đủ Đông, Tây, kim, cổ. Nhưng cũng từ đây vợ con của người kiến trúc sư mà anh cứu đã săn đuổi, quyến rũ anh bằng được để sang Tây và anh một lần nữa anh lại phải chạy trốn. Từ nhân vật Khoa, người đọc có thể liên hệ đến nhân vật Grêgor Xamxa trong tác phẩm Biến dạng của Franz Kafka. Tuy nhiên mỗi thời kì khác nhau nên mỗi nhà văn có một thông điệp khác nhau.
Thời đại Kafka sống là thời đại mà hiểm họa chiến tranh đang rình rập, nền kỹ trị đã tha hóa nhân phẩm và xóa dấu lương tri. Con người sống trong thời đại ấy, cảm thấy mình đã đánh mất chiếc chìa khóa để mở cánh cửa cuộc đời. Con người trở nên bơ vơ, lạc lõng, không phương phướng, không nơi bấu víu. Họ lạc vào nỗi lo âu và sự tha hóa, của trạng thái phi lí toát lên từ lời kêu cứu của con người và sự lặng im của đời sống.
Thời đại mà Hồ Anh Thái sống là thời đại của văn minh vật chất. Con người bị cuốn vào vòng xoáy vô tình của cuộc đời và cuộc sống với những biến thái đã ảnh hưởng tới mỗi con người. Vật chất đã làm đạo đức con người suy thoái. Trong tốc độ của sự tha hóa đó, con người cũng biến dạng, không còn là chính mình. Cho nên sự biến dạng này là hình ảnh đầy chất huyền thoại, kì ảo phản ánh sự tha hóa của con người trong xã hội hiện đại.
Chính vì thế, chu kì hóa thân của Grêgor Xamxa khác hẳn chu kì hóa thân của nhân vật Khoa. Chu kì của con bọ Grêgor Xamxa là khép kín, vô vọng: từ con người thành con bọ rồi cái chết. Còn nhân vật Khoa của Hồ Anh Thái vẫn hi vọng. Anh hi vọng một ngày kia sự thần kì nào đó sẽ đưa anh trở lại làm người.
Tiểu kết: Hồ Anh Thái nói nhiều đến cái ác, cái bản năng thú tính của con người. Những ham muốn bản năng, lối sống thực dụng đã làm băng hoại giá trị đạo đức con người, khiến con người đánh mất lương tri. Tâm hồn con
người đã biến thành những bóng ma, quỷ dữ, đang dần trở thành loài thú lớn nhất. Sự tha hóa của con người đã trở thành một vấn đề nhức nhối của xã hội và cộng đồng.
Tác giả vạch ra mặt trái của con người hiện tại: sự xuống cấp về nhân cách, đạo đức của nhiều lớp người, lối sống buông thả của những kẻ có tiền, sự thiếu trách nhiệm của con người, sự dung túng của xã hội, những bất công trong cuộc sống và đặc biệt là thói dâm ô, dục tính của con người được tác giả khai thác như là nguyên nhân của cái ác, cái xấu. Tác giả không ngần ngại phê phán những con người bất chấp tất cả luân thường, đạo lí để thỏa mãn nhu cầu thấp hèn của mình.
Cái đẹp, cái thiện đang dần vắng bóng, thay vào đó là cái xấu, cái ác, cái phi đạo đức… Với thiên chức của người cầm bút, Hồ Anh Thái không thể đứng ngoài cuộc và nhìn với thái độ dửng dưng trước suy thoái của đạo đức. Trang viết của Hồ Anh Thái đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trước sự xuống cấp của nhân cách con người. Đồng thời, nhà văn giúp độc giả nhìn rõ hơn thực tế cuộc sống của xã hội Việt Nam trong thời đổi mới. Con người phải luôn cảnh giác và tránh xa cái phi đạo đức, phi nhân cách, đồng thời lên án, phê phán những hiện tượng xấu xa, bỉ ổi, những việc làm sai trái.
Dựng lên các chân dung biếm họa, tác giả cho thấy nhãn quan sắc bén và sự nhạy cảm về cái ác, cái xấu, sự giả dối của con người. Cái xấu ngự trị trong hầu khắp phạm vi đời sống xã hội. Có thể nói, xã hội Việt Nam hôm nay được Hồ Anh Thái miêu tả một cách khách quan và trung thực.
Song song với việc dựng lên chân dung cái ác, cái xấu, cái phi đạo đức nhà văn giúp độc giả nhìn rõ hơn thực tế cuộc sống của xã hội Việt Nam trong thời kì đổi mới, hội nhập. Bên cạnh việc phát triển nền kinh tế, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc phát triển con người toàn năng vừa có tài vừa có đức.
Chƣơng 3.
NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT THA HÓA TRONG SÁNG TÁC CỦA HỒ ANH THÁI
Ðối tượng chung của văn học là đời sống nhưng trong đó con người luôn giữ vị trí trung tâm. Khi miêu tả về con người, người viết cần phải biết cảm nhận và có các phương tiện, biện pháp nhất định. Điều này tạo ra tính độc đáo và chiều sâu của hình tượng con người trong văn học. Quan niệm nghệ thuật về con người là sự lý giải, cắt nghĩa, sự cảm nhận về con người đã được hóa thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cho các hình tượng nhân vật trong đó.
Một tác phẩm văn chương hậu hiện đại trước hết phải chuyên chở cảm quan hậu hiện đại. Cảm quan này được chuyển hóa vào trong văn học với những quan niệm nghệ thuật mới về con người và những cách nhìn mới về hiện thực. Nếu văn học hiện đại đề cao lí trí con người thì trong văn học hậu hiện đại, các nhà văn lại đi vào khám phá chiều sâu vô thức, bản năng tính dục của con người. Tương ứng với những cách nhìn mới về con người, văn học hậu hiện đại còn có những cách nhìn mới để phát hiện bản chất của hiện thực cuộc sống.
Chủ nghĩa hậu hiện đại là trào lưu tư tưởng – văn hoá – triết học và nghệ thuật nổi lên ở phương Tây từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Đỉnh cao của văn học hậu hiện đại là những năm 70, 80 của thế kỉ XX, với hàng loạt các kỹ thuật sáng tác và tư tưởng văn nghệ mới để phản ứng lại các quy chuẩn của văn học hiện đại, trong khi đó cũng phát triển thêm các kỹ thuật và giả định cơ bản của văn học hiện đại. Văn học hậu hiện đại đã trở thành một trào lưu có mặt hầu khắp các nền văn học thế giới, không riêng gì ở Mĩ và châu Âu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chủ nghĩa hậu hiện đại nói chung và văn học hậu hiện đại nói riêng vẫn còn là một điều mới mẻ và có phần xa lạ.
Từ nửa sau thế kỉ XX, văn học thế giới chuyển qua giai đoạn hậu hiện đại. Văn học Việt Nam, tuy là hơi muộn so với nhiều nước trên thế giới, nhưng không thể tránh khỏi ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại. Các khuynh hướng tiếp nhận ảnh hưởng chủ nghĩa hậu hiện đại trong nền văn học Việt Nam đương đại khá đa dạng. Các tác giả sáng tác có chủ đích viết theo những cảm thức, sử dụng có dụng công các thủ pháp nghệ thuật của chủ nghĩa hậu hiện đại, nhưng cũng có thể do ảnh hưởng gián tiếp qua đời sống văn hoá cộng đồng trong thời kỳ hội nhập mà các thủ pháp nghệ thuật hậu hiện đại đã thẩm thấu tự nhiên vào tác phẩm của các tác giả dưới dạng một vài yếu tố.
Trên văn đàn, công chúng đều thấy dấu vết hậu hiện đại có ở hầu hết các thể loại. Hoặc đã trở thành những thủ pháp nghệ thuật sử dụng quen thuộc, góp phần tạo nên phong cách, hoặc chỉ dừng lại như những yếu tố hậu hiện đại. Cho đến nay đã có hàng trăm tác giả và tác phẩm chịu ảnh hưởng của khuynh hướng này. Chưa thể khẳng định một cách chắc chắn rằng đã có một trào lưu văn học hậu hiện đại với đầy đủ ý nghĩa của khái niệm này trong văn học Việt Nam, nhưng có thể tìm thấy những dấu hiệu, những yếu tố của nó trong sáng tác của nhiều cây bút như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tư, Võ Thị Xuân Hà… và Hồ Anh Thái là một trong những nhà văn tiêu biểu.
Đọc Hồ Anh Thái, độc giả có thể thấy nghệ thuật xây dựng nhân vật tha hóa của Hồ Anh Thái theo kiểu truyền thống nhưng đó là truyền thống đã được cách tân cho phù hợp với văn học hậu hiện đại. Trong Chiêm nghiệm chắt lắng từ những chuyến đi, Nguyễn Đăng Điệp đã khẳng định: “Cũng như nhiều nhà văn khác, Hồ Anh Thái đang cuốn mình vào quá trình đổi mới văn chương bằng việc nỗ lực thoát khỏi lối tự sự đơn điệu, kể lể dài dòng, nhạt nhẽo. Độ sắc trong trang viết của Hồ Anh Thái bộc lộ ra ở chỗ anh dám nhìn thẳng vào những “mảnh vỡ”, những bi kịch nhân sinh, mổ xẻ nó bằng
cái nhìn trung thực, táo bạo (…) Sức hút của văn phong Hồ Anh Thái còn nằm ở chỗ anh biết phủ lên thế giới nghệ thuật của mình những màu sắc tượng trưng, siêu thực và gắn với nó là khả năng tổ chức nhiều kiểu giọng điệu khác nhau: khi hài hước châm biếm, khi lạnh lùng soi xét, khi u uất trĩu buồn” [85, tr.272,273].
Với những cách tân nghệ thuật cho phù hợp với văn học hậu hiện đại, những góc khuất của đời sống được nhà văn lật tẩy, những vấn đề thẳm sâu trong tâm thức của con người cũng được khám phá và mổ xẻ. Cũng như một số nhà văn khác, tác phẩm Hồ Anh Thái cũng mang dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại. Để chuyên chở, thể hiện thái độ hậu hiện đại, Hồ Anh Thái đã vận dụng một số thủ pháp của văn chương hậu hiện đại để xây dựng nhân vật tha hóa như: Bút pháp mờ hóa nhân vật; Phương thức đặt tên nhân vật; Xây dựng nhân vật bản năng; Giọng điệu chủ yếu là giễu nhại… Đi tìm các biện pháp nghệ thuật xây dựng nhân vật tha hóa trong sáng tác của Hồ Anh Thái là góp phần tìm hiểu nghệ thuật xây dựng nhân vật trong toàn bộ sáng tác của nhà văn nói riêng và những dấu hiệu hậu hiện đại trong việc xây dựng nhân