B. PHẦN NỘI DUNG
3.2. Nghệ thuật đặt tên nhân vật
Ngay từ khi được sinh ra ai cũng có một tên riêng cho mình. Tên dù đẹp, dù xấu, dù dài, dù ngắn… thì đó vẫn là một cái tên dùng để nhận dạng một con người cụ thể. Trong tác phẩm văn học thì tên gọi của nhân vật còn mang ý nghĩ và chức năng khác nhau. Tên gọi là một trong những yếu tố tạo nên hình tượng nhân vật, trong đó thể hiện những đặc điểm, tính cách nhân vật. Tên nhân vật thường phản ánh phong cách nhà văn và không khí của tác phẩm. Nghĩ ra một cái tên cho nhân vật là một công việc vừa vất vả, vừa thú vị của nghề văn. Khi nhà văn đặt tên cho nhân vật tức là nhà văn đã ý thức, có quan niệm về con người. Cho nên các nhà văn đều cũng ít nhiều trăn trở với
việc đặt tên nhân vật của mình. Chúng là kết quả của sự lựa chọn có chủ ý, là một trong những biểu hiện nhất quán nằm trong thi pháp riêng của mỗi nhà văn. Tuy nhiên, không phải tất cả các tên gọi của nhân vật đều trực tiếp gửi gắm quan niệm của nhà văn. Nhưng đa phần tên gọi nhân vật đều thể hiện rõ dụng ý nghệ thuật, quan điểm, thái độ, tư tưởng của tác giả.
Trên thế giới, một số nhà văn đã sử dụng kí hiệu để đặt tên cho nhân vật của mình như nhân vật Josep K trong Lâu đài, nhân vật K trong Vụ án
của nhà văn Franz Kafka; nhân vật AQ trong AQ chính truyện của văn hào Lỗ Tấn.
Trong văn học Việt Nam, một số nhà văn có ý thức khi đặt tên nhân vật. Về nhân vật Trạch Văn Đoành trong truyện ngắn Đôi móng giò, Nam Cao đã đánh giá: “Ngay cái tên cũng khó nghe rồi. Thà cứ là Kèo, là Cột, hay là Hạ, là Đông. Là gì cũng còn dễ nghe. Nhưng hắn ta lại là Trạch Văn Đoành. Nghe như súng thần công. Nó chọc vào lỗ tai” [60, tr. 132, tập 1]. Đúng là một cái tên vô tiền khoáng hậu. Cái tên Bá Kiến, Lí Cường trong Chí Phèo cũng vậy. Bá Kiến phải chăng thể hiện cái “cao kiến” của một kẻ thống trị nhà nghề, còn Lí Cường thì tác giả ngầm chỉ cho độc giả tính chất “hữu dũng vô mưu” của hắn: Cường nghĩa là sức mạnh?
Thế giới nhân vật trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, ta cũng rất ấn tượng với những cái tên lố lăng, quái dị hay rởm đời: Xuân tóc đỏ, Típ – phờ – nờ (TYPN), Văn Minh, Phó Đoan, cậu Tú Tân, cảnh sát Min – đơ, Min – toa, ông Phán mọc sừng, lang Tỳ, lang Phế... Ông TYPN là biệt danh, là tên viết tắt của „tôi yêu phụ nữ”. Nhưng tên gọi TYPN vừa chỉ đặc điểm dễ nhận ra, dễ ghi nhớ vừa kèm theo thái độ trào phúng, giễu cợt của tác giả. Bà Phó Đoan là tên gọi mang ý nghĩa đoan chính nhưng thực ra bà không đoan chính và sống buông thả.
Nhưng có lẽ trong giới nhà văn, Nguyễn Minh Châu là nhà văn chi chút tên các nhân vật của mình nhất. Trong Mảnh trăng cuối rừng, có những cái
tên đọc lên thấy rất ấn tượng. Chị của nhân vật Lãm là Tính, cái tên đã ngụ ý những sắp đặt tính toán mai mối. Anh lính tên Lãm có nghĩa là ngắm nhìn là thưởng lãm. Cô gái mà người chị mai mối có tên là Nguyệt nghĩa là trăng, lại chính là cô gái đi nhờ xe đang ngồi bên Lãm, trong một đêm trăng đường rừng, mà anh chưa thể nhận ra. Trong Chiếc thuyền ngoài xa, tên các nhân vật cũng được Nguyễn Minh Châu gia công, thiết kế một cách rất tỉ mỉ như Phùng, Đẩu, Phác: Phùng nghĩa là gặp gỡ, kết quả của sự kiếm tìm cái đẹp, chân lý nghệ thuật và chân lý cuộc sống. Đẩu có một nghĩa là cái đấu để đong thóc gạo, phải chăng thể hiện vai trò “cầm cân nẩy mực” trong cán cân công lý vì anh ta là chánh án tòa án huyện, còn Phác nghĩa là mộc mạc, chất phác – những phẩm chất của người dân quê.
Tất nhiên, có nhiều nhân vật có những cái tên có vẻ ngẫu nhiên, song chính đó cũng là một thủ pháp nghệ thuật, để phản ánh cuộc sống như nó vốn có. Đây cũng là thủ pháp được sử dụng khá phổ biến trong văn học hiện đại.
Khác với nhà văn cùng thời, Hồ Anh Thái vận dụng thành công thủ pháp đặt tên nhân vật tha hóa. Với những nỗ lực tìm tòi, đổi mới, nhà văn đã khoác cho nhân vật của mình khả năng tự biểu hiện. Từ những cái tên này, người đọc có thể hình dung được bản chất, đặc điểm về tính cách, lối sống của nhân vật mà chưa cần đi sâu vào tìm hiểu lời nói, hành động của nhân vật. Dấu hiệu về tên nhân vật của Hồ Anh Thái được nhen nhóm từ năm 1990 trong tập truyện Lũ con hoang với tên nhân vật nam giới là Mèo Đực (ám chỉ hay đi tán tỉnh phụ nữ). Từ năm 1996 trở lại đây nghệ thuật đặt tên nhân vật của Hồ Anh Thái thực sự đậm nét qua tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế, tiểu thuyết Mười lẻ một đêm tập truyện ngắn Tự sự 265 ngày, tập truyện ngắn Bốn lối vào nhà cười, và một số truyện ngắn gần đây.
Cách đặt tên nhân vật thường đem đến những nhân vật độc đáo cho người đọc. Những nhân vật tha hóa trong sáng tác của Hồ Anh Thái thường
mang những vần “trắc”, ngay cả những nhân vật không tên cũng được gọi bằng những từ nhân xưng mang vần trắc như: gã, hắn, nó, thị…
Tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế, bản chất, đặc điểm của nhân vật hiện lên qua tên gọi như: Cốc, Phũ, Bóp. Chỉ bằng cái tên, người đọc có thể hình dung ra cái xấu xa của các nhân vật này. Cốc được tác giả giải thích: “Nó tên là Công. Lũ bạn gọi nó là Cốc. Cốc đọc chệch đi thì được một cái tên Mỹ - Cock. Cock là con gà trống, vừa có ý nghĩa là cái vật ngọ nguậy giữa đôi chân một gã trai. Cả hai nghĩa đều đúng với thằng Cốc” [78, tr.8]. Còn Bóp thì chỉ qua cái tên người đọc cũng thấy cái tên mang tính chất lập dị. Người đọc vừa ghê, vừa sợ với tính lập dị của Bóp khi tác giả miêu tả hành động của Bóp với con dê: “ Nó buông cặp sừng trên đầu con dê, luồn đôi bàn tay quanh cái cổ đen nhánh. Thoạt đầu có vẻ giống như một cử chỉ âu yếm. Thình lình con dê giật nảy lên. Bốn chân khua khoắng. Thế là thằng Bóp đã bắt đầu bóp. Thằng Bóp đang bóp. Thằng Bóp đã bóp xong” [78, tr.47,48]. Còn Phũ thì có gì đó rất phũ phàng. Hành động của Phũ đối với ông thầy bói và mụ Tì trong nhà chứa và hành động trả thù cho hai thằng bạn khiến độc giả thấy tính người trong Phũ là một con số không tròn trịa.
Trong Mười lẻ một đêm ta bắt gặp nhân vật: Họa sĩ Chuối hột, Giáo sư Khỏa và giáo sư Xí. Được gọi là Họa sĩ Chuối Hột vì họa sĩ có sở thích quái đản là khỏa thân trồng chuối. Còn giáo sư Khỏa thì có bệnh cười vô tiền khoáng hậu. Từ cái tật ấy, tác giả còn cho đọc giả thấy sự đê tiện nữa của giáo sư khi hướng dẫn luận văn cho nữ sinh viên. Khi cô sinh viên ra về phải khẩn khoản xin lại thầy cái chân. Còn giáo sư Xí thì thích tè bậy vào chân một công trình văn hóa ngày ngày hai lần và bao giờ cũng khoan khoái, thỏa mãn.
Không chỉ đặt tên hiểu theo nghĩa xuôi, hồ Anh Thái còn đặt tên nhân vật theo cách ngược nghĩa với tên gọi. Trong Đức phật, nàng Savitri và tôi, Savitri có nghĩa là “nữ thần đồng trinh” nhưng nàng là hiện thân của sự ham muốn dục vọng. Ham muốn đó được cụ thể hóa qua ham muốn xác thịt.
Ngoài vị tiểu vương già và Raja, Savitri còn vô số người tình thoáng qua. Thậm chí cho đến già, nàng vẫn chỉ đuổi theo khoái lạc thân xác.
Cũng trong tiểu thuyết này, nhân vật Ahimsaka có nghĩa là “không sát sinh” nhưng Ahimsaka lại là kẻ độc ác, giết người không ghê tay. Chuỗi tràng hạt trên cổ làm bằng một nghìn lẻ một ngón tay út của nạn nhân là minh chứng rõ nhất cho sự độc ác của Ahimsaka. Vì thế người ta gọi Ahimsaka là Anguli Mala vì Mala là tràng hạt, Anguli là ngón tay út.
Ngoài nghệ thuật đặt tên nhân vật như vậy, Hồ Anh Thái còn đặt tên nhân vật theo nghề nghiệp, chức vụ. Những nhân vật giàu có, tác giả gọi là Đại Gia, nhân vật quyền lực gọi là ông Víp, ông Cốp, ông Kễnh hoặc đặt tên theo nghề nghiệp như: anh họa sĩ, cô nhà báo, anh luật sư, anh thư kí, anh nhà thơ, ông giáo sư, ông nghị viện, bà viện sĩ, nghiên cứu một, nghiên cứu hai… Hoặc có những nhân vật được tác giả gọi bằng cái tên chung chung như: chàng, anh, nàng, người đàn bà, bà mẹ… Với cái tên như vậy, độc giả có thể hình dung ra nhân vật với đủ mọi tật xấu khiến nhân vật trở nên dị hợm, méo mó và tức cười.
Nguyên nhân sâu xa của những cái tên đầy ấn tượng mà Hồ Anh Thái sáng tạo là sự ý thức về hiện thực xã hội, thời đại. Khả năng tự biểu hiện của những cái tên này rất lớn, người đọc đã có thể hình dung được bản chất, đặc điểm nổi bật về tính cách, lối sống mà chưa cần đi sâu vào tìm hiểu nhân vật. Hồ Anh Thái đã có dụng ý xây dựng nhân vật có tính chất đại diện cho một loại người nào đấy trong xã hội.
Cuộc sống hiện đại với vô vàn những công việc khác nhau, con người không đủ thời gian để quan tâm và nhớ đến cả cái tên của một người cụ thể. Việc ghi nhớ cái tên cũng mang tính thực dụng. Vì thế tên gọi không có giá trị. Con người chỉ có giá trị khi gắn với vị trí nào đó và người khác chỉ nhớ đến họ qua vị trí của họ. Sự xóa nhòa tên gọi như một cách định danh chung cho con người trong thời đại mới.
Cách đặt tên nhân vật như vậy có tác động lớn bởi nó thực sự đã động chạm đến nhiều con người trong xã hội, đến nhiều người đọc vì có thể thấy bóng dáng mình trong đó. Với tầm bao quát rộng lớn về đời sống, với kiểu gọi tên nhân vật độc đáo đã đem lại một ấn tượng như thật. Dường như nhà văn muốn xóa nhòa cá tính của từng nhân vật để chỉ ra đặc tính chung của một loại người. Từ đó nhà văn dẫn người đọc đi tới nhận thức về cuộc sống. Đây là một thủ pháp độc đáo được Hồ Anh Thái sử dụng thành công. Đó là những con người thiếu bản sắc, sống hời hợt, nhợt nhạt, dễ hòa tan, thể hiện sự nhố nhăng lai tạp, nhiều thói xấu của đời sống hiện đại. Cách đặt tên nhân vật trong sáng tác của Hồ Anh Thái thể hiện bước chuyển về mặt bút pháp và xu hướng tiếp cận với tiểu thuyết thế giới hiện đại.