B. PHẦN NỘI DUNG
3.4. Nghệ thuật miêu tả hành động nhân vật
Hành động nhân vật là khái niệm nhằm chỉ các việc làm của nhân vật trong quá trình ứng xử với các nhân vật khác và trong những tình huống khác nhau của đời sống. Ðây là phương diện đặc biệt quan trọng để thể hiện tính cách nhân vật vì việc làm của mỗi người là căn cứ quan trọng có ý nghĩa quyết định nói lên tư cách, lí tưởng, phẩm chất cũng như những đặc điểm thuộc về thế giới tinh thần của nhân vật. Trong các tác phẩm tự sự, tính cách nhân vật không phải ngay từ đầu đã được hình thành trọn vẹn. Chính hành động có tác dụng bộc lộ quá trình phát triển của tính cách. Thông qua hành động của nhân vật trong những tình huống khác nhau, người đọc có thể xác định được những đặc điểm, bản chất của nhân vật.
Trong khi xây dựng nhân vật tha hóa, Hồ Anh Thái chú ý xây dựng hành động của nhân vật. Hành động của nhân vật thường diễn ra rất nhanh. Chính vì thế vì bản chất của nhân vật được bộc lộ một cách chân xác và đầy đủ nhất.
Tường trong Người đàn bà trên đảo có những hành động bộc lộ rõ bản chất thèm khát xác thịt đến mức cuồng dại của mình. Nhiều người đàn bà đã từng qua tay Tường, nhưng chỉ cần hành động của Tường với Xuyến và Luyến, độc giả nhận ra ngay bản chất thật trong con người Tường. Tường “như một con diều hâu, Tường chồm dậy, tung hai cánh tay quắp chặt lấy thân người Xuyến. Cô hoảng hốt giãy giụa, nhưng không kịp” [82, tr.53], hoặc Tường “vồ lấy Luyến, bóp nghẹt ngay những phản ứng bản năng nữ
giới” [82, tr.84]. Đây là những hành động của một con thú săn mồi. Với những hành động như vậy, con mồi sẽ khó thoát khỏi nanh vuốt của con thú.
Diệu trong Người và xe chạy dưới ánh trăng có những hành động bộc lộ rõ bản chất của một người mất hết nhân tính. Đó là hành động giật cốc nước để tranh khách với một con bé bán hàng khác, hành động đá xô nước của một thằng dám chen ngang. Đặc biệt là hành động cào cấu chồng khi ghen bóng ghen gió.
Cốc, Bóp, Phũ trong Cõi người rung chuông tận thế, đều có những hành động tượng trưng cho bản chất của mình. Đó là hành động giẫm lên chân, luồn lưỡi dao vào người số 12 của Cốc. Hành động của Cốc khiến cô nàng hoảng sợ vì đây là hành động của kẻ đê tiện chứ không phải là hành động của một diễn viên, một siêu sao đang được ngưỡng mộ, là hành động theo đúng bản chất của một tên lưu manh sẵn sàng giết người chứ không phải chỉ là hành động hay lời nói suông Và dù cố gắng chống cự nhưng số 12 không thể thoát khỏi con mắt săn mồi của Cốc. Đó là hành động“ siết chặt cô gái vào bên sườn trong một cơn cảm khoái tột độ” [78, tr.19] khi gặp cô gái không quen biết ngoài đường. Nếu không có cơn đau đột ngột xảy ra, chắc chắn cô gái kia sẽ không thể cưỡng lại sức mạnh của một con đực mê gái. Gặp một cô gái tắm biển, Cốc tiến đến quặp chặt cô gái lại và nhanh chóng tụt“chiếc quần bơi của cô gái xuống ngang đầu gối” [78, tr.23] và “đôi bàn tay nó đang thao tác ở nơi sẽ biến phần thân dưới của cô gái thành nàng Êva” [78, tr.23]. Chỉ từng ấy hành động, độc giả cũng đủ thấy bản chất vừa lưu manh vừa dâm dục của một con đực sống buông thả, không coi pháp luật ra gì.
Bạn Cốc là Bóp cũng có hành động không kém cạnh. Bóp thường dùng hành động bóp cổ thay cho lời nói. Có thể nói, hành động bóp cổ là một khoái cảm ở nhân vật này. Đó là hành động bóp cổ người yêu, bóp cổ các con vật. Ngay trong việc giết cô gái Mai Trừng để trả thù cho bạn, Bóp cũng đưa ra
phương án thực hiện bằng hành động chứ không hề giải thích hay giảng giải để những người tham gia cuộc trả thù biết. Người tham gia phải từ hành động đó mà tự hiểu Bóp nói gì. “Thằng Bóp mở cái túi đựng vợt tennit, lấy ra một đôi găng tay mỏng màu da người. Một bình xịt thuốc mê và một cuộn dây. Có nghĩa nó chọn hình thức xử lí như là đã làm với con dê” [78, tr.49].
Phũ cũng vậy. Khi xem bói, nghe ông thầy phán, nó liền “thoi ngay một quả đấm vào giữa mặt ông thầy bói” [80, tr.69], rồi mới dùng đến lời nói. Phũ dẫn chú vào động gái, nó cũng dùng hành động thay lời nói. Qua lời của nhân vật Đông ta thấy Phũ chỉ dùng hành động: “thằng Phũ không thèm mặc cả, ra hiệu dẫn mối vào. Nó nắm vai đứa con gái quay đằng trước, hất đằng sau, bóp cằm cho nó ngửa lên để nhìn vào cặp mắt như cái cân tiểu li” [78, tr.78] của nó. Là hành động “túm tóc Yên Thanh dúi mặt cô ta vào bát canh măng to tướng” [78, tr.128]. Đó là những hành động của kẻ dám giết người chứ không chỉ là dọa nạt. Ở đây, phần con vật đang lấn át phần người trong con người.
Hành động ăn của giáo sư Xí trong Mười lẻ một đêm được tác giả miêu tả sắc nét trong cuộc hội thảo mà giáo sư không được mời: “Nhà văn hóa lớn đang vục đầu vào ăn. Nhai chòm chọp chèm chẹp. Những cái đĩa lớn đựng thức ăn chung cho bao nhiêu người giờ đây chỉ có một mình ông vung vẩy công phá” [88, tr.214]. Hành động đó của giáo sư đúng theo kiểu “tư cách mõ” của một kẻ vô văn hóa, của một người thiếu ý thức, một kẻ vô học chứ không phải của một vị được coi là đại trí thức trong xã hội.
Hành động của nhân vật đã thể hiện rõ con người với tất cả những xấu xa, đê hèn, đốn mạt, bần tiện và với tất cả những ham mê cuồng loạn, bệnh hoạn nhiều lúc trở thành thú vật. Miêu tả hành động nhân vật vừa sống động, vừa chân thực như thế cho thấy khả năng quan sát tinh tế, sắc sảo của Hồ Anh Thái. Anh nắm bắt được cái thần, bắt trúng vào huyệt của nhân vật để nhân vật hiện lên đúng với bản chất của mình.