B. PHẦN NỘI DUNG
2.2. Một số kiểu nhân vật tha hóa trong sáng tác của Hồ Anh Thái
2.2.5. Nhân vật sống nhẫn tâm, độc ác
Với ý thức viết về cái ác cũng là một sự thức tỉnh nhân tính, Hồ Anh Thái đã nhìn thẳng vào “những điều trông thấy” để nói lên tiếng lòng của một nhà văn. Qua đó báo động khẩn thiết về sự gia tăng cái ác đang xuất hiện ở khắp nơi. Đưa bản tính độc ác, tàn nhẫn của con người lên trang văn, nhà văn đã khắc vào tâm trí độc giả về sự khô kiệt nhân tính của con người trong xã hội hiện nay.
Trong “Người và xe chạy dưới ánh trăng” đó là sự độc ác của Khuynh. Anh không những là một cán bộ tha hóa mà anh còn là một người chồng vô lương tâm, vô trách nhiệm. Thời thanh niên, Khuynh là người lãng mạn, thích ôm đàn đi hát “Thiên thai”, “Suối mơ” và tán tỉnh các cô gái. Anh thường chú ý đến những “cô gái ngon lành như trái hồng chín” [83, tr.122], sẵn sàng “ngứa nọc châm hoa rồi chạy làng” [83, tr.138]. Con người lạnh lùng, nhẫn tâm, độc ác, thiếu tình người của Khuynh được tác giả đẩy lên trong mối quan hệ với người vợ cũ. Suốt những năm tháng vào trong tuyến lửa, Khuynh không một lần nhớ đến vợ con. Thậm chí khi có người hỏi, Khuynh cũng không nhớ đứa con gái năm nay bao nhiêu tuổi. Khi biết tin vợ con chết trong một trận bom, mọi người an ủi, chia buồn, nhưng thực ra họ đã nhầm. Sự thật tàn nhẫn được tác giả phơi ra trần trụi: “Anh Chín tưởng
Khuynh đau đớn về vợ con? Không đâu, khi đơn vị chuyển đi, Khuynh cảm thấy như trút được gánh nặng, và đã để vợ con ở lại. Cũng là trong suốt mấy năm ở tuyến lửa, Khuynh ít nghĩ tới họ” [83, tr.129]. Khi từ tuyến lửa trở về, nghe tin vợ con bị bom chết, Khuynh vẫn dửng dưng vì cái chết của vợ con đã giải thoát cho anh những day dứt, bất an về vợ con vì anh đâu có yêu người đàn bà kia. Không ai hiểu được Khuynh ngoại trừ bà mẹ, bà biết: “Con bà nếu làm chồng làm cha sẽ là một người chồng người cha dửng dưng, lạnh lẽo. Nếu là một người yêu sẽ là một người yêu ích kỷ, không bao giờ yêu hết mình, ngoại trừ nỗi đam mê xác thịt cuồng bạo” [83, tr.131]. Khuynh sống ích kỉ và trống rỗng tình người. Hơn ai hết, anh là người nhận ra điều đó. Cái ác trong người Khuynh đang sưng tấy như một khối u ác tính.
Sau những mất mất của cuộc sống khi bị vợ thứ hai hành hạ, bị con khinh bạc, bị mất công việc, Khuynh ấm ức, hận đời và tìm cách báo thù. Khuynh càng trở nên lạnh lùng tàn nhẫn đáng sợ. Khuynh muốn huỷ diệt những mầm mống gây ra nỗi đau cho cuộc sống của mình. Khuynh đã bắn chết con chim sáo, con chim sâm cầm khi tưởng tượng đến người vợ ghê gớm của mình là một hành động mất tính người. Thế nhưng, báo thù được rồi, bắn được con chim, Khuynh không cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm. Có lẽ bao nhiêu năm Khuynh đã bắn nhầm mục tiêu, đã giết oan những sinh vật vô tội. Cái chết của con chim chứng minh sự tê liệt bản tính người, sự độc ác trong con người Khuynh. Những giọt nước mắt của anh ở cuối truyện không khác gì những giọt nước mắt của nhân vật ông “cậu” trong truyện Nước mắt đàn ông của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. Cả hai đều bất lực trước gia đình, trước người vợ đanh ác và người con hư hỏng.
Trong truyện còn là sự độc ác của Diệu, người vợ thứ hai của Khuynh. Ngay từ bé Diệu đã theo bon trẻ con trong phố vào bến xe bán nước. Nó sẵn sàng làm cẩu thả, làm bố láo để bán cho khách hay sẵn sàng rằn mặt đứa nào dám tranh cướp khách với mình. Lớn lên, thói chua ngoa, đanh đá, độc địa
của Diệu lặn vào trong, hóa thành thói độc địa thâm trầm khiến người đời khó phát hiện, đôi khi người ta nhầm tưởng con bé nết na, dịu dàng. Diệu ý thức được sự thua kém của mình về hình thức với bạn bè nên Diệu ghét cay ghét đắng những anh chàng đẹp mã. Ghét nhưng lại thầm yêu. Ý thức được sự thua thiệt đã biến thành nỗi hận thù, thành ý chí để Diệu dựng lên một lớp kịch mà trong đó mình vừa là đạo diễn vừa là diễn viên chính. Với thủ đoạn thô sơ nhưng với những giọt nước mắt cay đắng đã trở thành một thứ vũ khí hữu hiệu đánh lừa được Khuynh – một kẻ lão luyện tình ái, một tay bợm già, một kẻ dạn dày yêu đương. Những lời đối thoại với Khuynh không phải của một đứa trẻ mà là của một kể đầy mưu mô, toan tính, xảo quyệt là lời nói của một người đàn bà quái nhân, sẵn sàng làm mọi chuyện khuynh đảo. Suốt mười tám năm chung sống với nhau, Diệu đầu độc chồng bằng những cơn ghen có chu kì, lại hay ghen bóng ghen gió. Mỗi lần như vậy, Diệu lại hành hạ chồng bằng những móng vuốt vằn ngang vằn dọc trên lưng, trên ngực chồng. Những vằn ngang, vằn dọc mà Diệu để lại trở thành tác phẩm hội họa có một không hai trên lưng và ngực Khuynh. Khuynh căm phẫn bỏ đến nhà người bạn thì mấy ngày sau Diệu lại tìm đến và xoen xoét: “em nhỡ mồm, chỉ hơi nặng lời một chút, anh ấy bỏ đi ngay. Đàn ông mà tự ái với một việc cỏn con. Thế nào, hết giận em rồi chứ, ra đèo em về nào” [83, tr.144] rồi khoác tay chồng ra khỏi nhà bạn như một cặp vợ chồng hạnh phúc. Những lời nói của Diệu khiến những người xung quanh nhầm tưởng rằng đây là một gia đình hòa thuận và cô ta là một người vợ hiền lành, nhân hậu. Nhưng khi vừa về đến nhà “Diệu lập tức đóng cửa lại. Một trận mưa móng tay kèm theo những tiếng rít qua kẽ răng tái diễn” [83, tr.144]. Những vết cào cấu trên lưng chồng chính là tác phẩm hội họa tuyệt vời mà Diệu vẽ lên tấm lưng khốn khổ của Khuynh sau cơn cảm hứng nghệ thuật hết mình của Diệu. Nhưng đối với con, Diệu lại luông chiều quá mức, không những bắt chồng đi xin cho con không phải đi bộ đội mà ngay cả con phạm tội thuê người rạch mặt nhân tình của chồng, Diệu
cũng đồng tình: “Sa ơi, thế là con đã giúp mẹ, đã trả thù cho mẹ” [83, tr.256]. Diệu tìm đủ mọi cách cho con lấn trốn khỏi sự truy bắt của công an. Nuôi dạy con không đúng cách, chính là liều thuốc độc giết con và giết chính bản thân mình.
Khác với cung cách chiều con vô bờ bến của Diệu, nhân vật Tường trong cùng tiểu thuyết lại là một người cha độc ác. Tường tự cho mình cái quyền được dùng vũ lực để giáo dục con cái. Con anh rất sợ những hành động dã man của anh. Cứ nhắc đến ông bố là nó vô cùng sợ hãi vì mỗi lần đánh con, Tường đều lấy dao ra dọa chặt chân, chặt tay con. Lợi nói với em nó rằng: “ông này ác lắm, mình có mọc được chân tay, cũng không đủ cho ông ấy chặt đâu” [83, tr.94]. Mỗi lần nhắc đến Tường, thằng Đức cháu anh luôn hằn chứa một vết nhức và hình dung ra bộ mặt dữ tợn của bác Tường và nó sợ “vì thái độ giông bão, vì tiếng gầm thét của bác Tường” [83, tr.95]. Những trận đòn mà bác Tường dành cho anh Lợi đã gieo vào lòng Đức một cảm xúc u ám. Tâm hồn trong sáng của Đức đã bị che nặng bởi những trận đòn kinh khủng mà anh Lợi phải gánh chịu.
Người đàn bà trên đảo là câu chuyện về đội nữ sản xuất số Năm trên đảo Cát Bạc. Những cô gái trên đảo không có chồng đã là một sự mất mát, bất hạnh lớn lao cho những người có thiên chức làm mẹ. Nhưng người có chồng như Thắm thì có kém gì sự bất hạnh của những người không có chồng. Không có chồng thì khổ nhục, nhưng có chồng mà không có con lại càng khổ nhục, ê chề hơn. Chồng Thắm, có dáng người vừa lùn vừa lẻo khẻo, yếu bóng vía, ngay từ nhỏ đã ốm đau quặt quẹo, tiêu tan mất khí lực của người đàn ông chỉ cần sả vào mặt là đã quay cuồng đầu óc dứng không vững. Bản thân Thắm đã chịu khổ nhục như vậy nhưng mẹ chồng Thắm lại là người vô lương tâm. Bà không những không thông cảm cho người con dâu chịu bao nhiêu thiệt thòi, trái lại bà lại rất cay nghiệt. Sau một thời gian lấy chồng, Thắm không có hiện tượng gì của thai nghén hay có con, bà mẹ chồng biến mình thành một người
mẹ chồng cay nghiệt. Ban đầu bà chỉ ấm ức, bực bõ, chì chiết con dâu: “Cây không trái, gái không con là giống điếc mù điếc tịt, là quân ăn hại đái nát” [82, tr.21]. Bà rêu rao trong lâm trường bộ có bao nhiêu cô gái muốn lấy con bà, thế mà con bà lại đâm đầu lấy cái thứ diều tha quạ mổ về làm vợ. Sau hai năm, bà chửi vỗ mặt cô con dâu một cách thậm tệ và độc ác: “từ dạo rước cái con điếc đặc ấy về nhà phải mua mấy cái cóng nước giải rồi. Nó chỉ đái vỡ cóng, chứ có đẻ nổi đâu” [82, tr.159]. Không chỉ chửi để cho con dâu nghe thấy mà đi đâu bà cũng chỉ nói chuyện ấy. Bà còn độc ác khi trắng trợn bảo con trai bỏ vợ để lấy một cô vợ khác giống tốt, cứ dẫn về ở trong ngôi nhà này. Nếu không được thì gửi một đứa con. Bà còn nhắm sẵn cho con bà một cô gái khác. Những lời nói của mẹ chồng sắc nhọn như những mũi kim găm vào đầu cô, đâm nhức nhối trong lòng cô con dâu. Cô con dâu bị o ép, bị dồn tới tận cùng của sự tuyệt vọng. Chính mẹ chồng đã đẩy cô con dâu đến những ý nghĩ dại dột hoặc là đâm đầu xuống sườn Tây tự tử hoặc là phải chứng minh cho mẹ chồng thấy mình có khả năng mang thai, có khả năng sinh nở và làm mẹ. Không chỉ bà mẹ nhẫn tâm, độc ác mà bà còn đẩy cô con dâu vốn hiền lành vào vòng xoáy tội lỗi khi trốn nhà, trốn chồng ra sườn Tây gặp Tường để chứng minh mình có khả năng làm mẹ.
Trong sương hồng hiện ra là sự độc ác của anh chồng mang tên Tạ. Với mã cao lớn và đầy vẻ trí thức nhưng cả đời chưa đọc hết một cuốn sách, Tạ đã lừa và lấy được Hồng. Khi lấy nhau xong, mã bề ngoài của anh chồng tan biến. Thay vào đó là anh chồng không nghề nghiệp lại say mê đánh bạc, đánh đề và be bét rượu chè và “có lần Tạ thua đề, anh phải gán trả ti-vi, tủ lạnh, phải trèo lên mái nhà, dỡ hết ngói để bán. Vợ chồng con cái chui rúc vào trái nhà chỉ chừng sáu mét vuông, bên cạnh một nền nhà đá hoa trống hoác” [82, tr.284,285]. Không những vậy, anh còn thường xuyên đánh đập, hành hạ vợ. Có hôm “chị vừa hét lên, thì anh ta giật phăng cái ghế băng, làm hai ông khách uống nước ngã dúi vào góc quán, rồi ném cái ghế vào chân chị
đang bỏ chạy. Chân bị gãy, chị phải bó bột, nằm liệt hơn một tháng trời” [82, tr.285]. Không chịu được người chồng vũ phu, vô nhân tính, chị toan thắt cổ tự tử. Anh chồng cắt dây cứu vợ bằng chính con dao đã chém vợ sượt qua vai. Hành động dã man, vô nhân tính của anh đối với vợ và những bi kịch gia đình đau lòng sau những vụ bạo hành ấy là hồi chuông cảnh tỉnh mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm.
Mẹ của Yến trong tác phẩm cùng tên lại là kiểu tha hóa khi đối xử vô tâm, tàn nhẫn và lạnh lùng với chồng con. Chị cố tạo dựng cho mình một phong cách cố định, một chuẩn mực bất biến, một đường hướng duy nhất, rồi kiên quyết không đi chệch. Chị sẵn sàng li thân với chồng vì chồng là người thiếu tham vọng. Đối với con, chị bắt chúng phải vào khuôn khổ do chị sắp đặt. Lên năm tuổi, chị bắt con gái phải ngủ riêng trên một chiếc giường cá nhân, mặc dù con bé vô cùng sợ bóng đêm “con bé thút thít, biết mẹ đang ở không xa nó, nhưng không dám gào khóc vì sợ mẹ hơn cả sợ bóng đêm” [82, tr.297]. Lớn lên, con gái đem lòng yêu Đô, chị cũng tìm đủ mọi cách để ngăn chặn tình yêu đó. Nếu chị không sắp đặt gọn gàng việc của con gái thì nó sẽ là tấm gương cho hai thằng em tung rào, phá lưới, thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của chị. Chị “muốn được hưởng niềm vui thấy mình là người sắp đặt đường hướng cho mọi người” [82, tr.294]. Đối với thằng Hải, con trai út, chị cũng có quan điểm giáo dục cứng nhắc. Nó bị cảm, nhờ mẹ xin cô giáo cho nghỉ học. Chị sờ chán con, cho uống thuốc rồi cho ăn phở nóng toát mồ hôi. Thằng bé đang hỉ hửng vì được ăn ngon thì mẹ nó đã nghiêm khắc cho nó vào khuôn khổ: “Bây giờ thì con tự tới trường” [82, tr.297]. Sau niềm vui ngắn ngủi, thằng bé lại tủi thân quay trở về lấy sách vở đi học vì mẹ không thông cảm cho mình. Với chị, như thế con cái sẽ cứng rắn hơn, biết chế ngự chỗ mền yếu của bản thân.
Hoàng tử Ahimsaka (nghĩa là không sát sinh, không bạo lực) trong tiểu thuyết Đức phật, nàng Savitri và tôi là người trí tuệ, thông thái. Chỉ vì lòng
đố kỵ của đám bạn học, sự không công tâm của thầy dạy, sự khước từ của người cha và gia đình, thái độ ruồng rẫy của người yêu là nguyên nhân đẩy Ahimsaka vào biển thù hận và ngày càng xa cách loài người. Và Ahimsaka không thể vượt qua hoàn cảnh của bản thân mặc dù yêu thương và hận thù có khi chỉ cách nhau trong gang tấc. Ahimsaka trở thành tên sát thủ kinh hoàng Anguli Mala. Tướng cướp Anguli Mala chuyên giết người cướp của khét tiếng ở Kosala. Mỗi lần cướp của, Ahimsaka đều giết hết không chừa một ai sống sót, rồi chặt ngón tay út của nạn nhân để xâu thành vòng cổ. Những xác chết được dọn dẹp bởi bầy chim kền kền làm bạn của anh. Người ta gọi anh là Anguli Mala vì Mala là tràng hạt, Anguli là ngón tay út và Anguli Mala là kẻ sát nhân có cái tràng hạt làm bằng một nghìn lẻ một ngón tay út.
Luật sư trong SBC là săn bắt chuột là người táng tận lương tâm khi lừa mẹ kí vào tờ khai nhận huy hiệu năm mươi năn tuổi Đảng để lấy nhà rồi bán cho Đại Gia. Anh ta mong mẹ chết không khác gì nhân vật Đoài mong bố chết để bớt đi gắng nặng, để không phải chăm lo khi ông ốm đau trong Không có vua của Nguyễn Huy Thiệp. Luật sư nhẫn tâm chà đạp mẹ già đến chết rồi làm cho mẹ một đám tang thật to, rồi vẽ chân dung, làm thơ nhớ mẹ. Đây là một bức biếm họa mà Hồ Anh Thái đã vẽ về đám tang mẹ của Luật Sư: “Đám ma to thật là to, ò e í e ò. Cán sự sáu bằng gỗ loại tốt. Com lê đỏ phủ vải điều thêu chim công. Đội kèn thuê từ Sài Gòn ra. Mẹ già như chuối chín cây. Bọn hàng xóm xuyên tạc bài hát. Mẹ già như chuối chín cây. Gió lay mẹ rụng lăn quay ra vườn” [84, tr.260]. Anh làm cho mẹ một đám tang hoành tráng nhưng đó lại là một đám tang không niềm thương xót. Nếu Vũ Trọng Phụng cho thấy cái chết của cụ cố Hồng mang lại niềm hân hoan cho người thân và những người đưa tiễn thì cái chết của bà mẹ mang lại niềm vui lớn cho luật sư. Cái chết của bà đã hóa giải được mọi xung đột giữa hai người vốn tồn tại từ lâu. Với trái tim vô cảm, lạnh lùng, luật sư là một chân dung biếm họa sâu sắc về sự tán tận lương tâm con người.
Nhẫn tâm và độc ác nhất phải kể đến nhân vật Bóp trong Cõi người rung chuông tận thế Bóp có sở thích bóp cổ các con vật để tìm khoái cảm cho mình. Nó không thèm giằng co, vật lộn lôi thôi với con vật, Bóp “siết chặt hai bàn tay quanh cổ con khỉ. Nấc ằng ặc. Giãy đành đạch. Lưỡi thè lè