B. PHẦN NỘI DUNG
3.3. Nghệ thuật miêu tả ngôn ngữ nhân vật
Khái niệm ngôn ngữ nhân vật nhằm chỉ những lời nói của nhân vật trong tác phẩm. Lời nói đó phản ánh kinh nghiệm sống, t nh độ văn hóa, tư tưởng, tâm lí, thị hiếu... của cá nhân. Trong cuộc sống không thể có những người nói hoàn toàn giống nhau, không thể có những hành động, những câu nói mà đằng sau lại không có một lịch sử riêng. Vì vậy nhà văn cần phát hiện những nét riêng của ngôn ngữ nhân vật để thể hiện trong tác phẩm.
Trong các trào lưu văn học hiện thực, việc cá thể hóa nhân vật qua ngôn ngữ nhân vật được nhà văn đặc biệt quan tâm và thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, nhà văn có thể để cho nhân vật lặp đi lặp lại nhiều lần một số từ hoặc một số câu mà nhân vật thích, hoặc có thể để nhân vật sử dụng một số từ địa phương, từ nước ngoài, cách phát âm sai... Nhưng dù sử dụng cách nào thì ngôn ngữ của nhân vật cũng phải có sự chọn lọc nhằm đạt đến sự thống nhất giữa cá thể hóa và khái quát hóa, đồng thời cũng phải phù hợp với hoàn cảnh và tính cách của nhân vật. Ở cấp độ nhân vật, qua lời ăn tiếng nói, qua cách dùng từ, giọng điệu của một người, chúng ta có thể nhận ra nghề nghiệp, trình độ văn hóa, tính cách của con người ấy. Ngôn ngữ
của nhân vật văn học thành công thường được cá thể hóa cao độ, nghĩa là mang đậm dấu ấn của một cá nhân. Nhà văn có tài là người biết sống với nhiều nhân vật, nắm bắt được nhiều kiểu ngôn ngữ.
Trong các tác phẩm tự sự nói chung, lời nói của nhân vật thường chiếm tỉ lệ ít hơn so với ngôn ngữ người kể chuyện nhưng lại có khả năng thể hiện sinh động và khêu gợi cho người đọc hình dung về bản chất, tính cách của nhân vật. Ngôn ngữ nhân vật là một trong những yếu tố góp phần bộc lộ tính cách con người. Trong sáng tác văn học, ngôn ngữ nhân vật trở thành phương diện quan trọng trong việc biểu đạt tính cách và cá thể hóa nhân vật. Nhân vật tha hóa trong sáng tác của Hồ Anh Thái là tương đối nhiều nên anh rất chú ý đến việc cá thể hóa ngôn ngữ nhân vật.
Diệu trong Người và xe chạy dưới ánh trăng vừa có thứ ngôn ngữ ngọt nhạt. Trước những người bạn của chồng, Diệu tỏ ra là thùy mị nết na khi ăn nói đúng chừng mực. Những lời nói ngon ngọt này khiến người ngoài tưởng rằng đây là một gia đình hòa thuận, hạnh phúc và Diệu được tiếng là một người vợ hiền lành, nhân hậu. Nhưng khi một mình đối diện với chồng, con quỷ trong Diệu xuất hiện: “Muốn li dị à? Không thoát khỏi tay con này đâu. Đang giữ chức trưởng phòng có muốn lên cấp vụ hay thôi mà kiếm chuyện bỏ vợ? Tôi chỉ nói một câu với tổ chức là anh nghỉ chơi xơi nước ngay” [83, tr.144].
Mẹ đẻ của Yếu trong Trong sương hồng hiện ra lại có thứ ngôn ngữ lạnh lùng, vô cảm. Đối với Đô, bà có thứ ngôn ngữ khô khan đến mức tàn nhẫn. Bà hỏi Đô với những câu rất ngắn gọn và rõ nghĩa. Những câu hỏi đại loại “Anh Đô công tác ở đâu?”, “Thuyền trưởng ư?” hay “Chỉ có sáu thôi sao?” hoặc “Anh Đô đấy ư?” [82, tr.254,255,256]. Những câu hỏi hết sức khách sáo, thiếu thiện cảm đó khiến người trong cuộc thiếu tự chủ, bối rối và trở nên bé nhỏ. Thấy con gái đi chơi với Đô, người mẹ giận dữ thét lên, như một nữ tướng đột ngột nổi cơn thịnh nộ giữa ba quân. Đó là giọng nói của
một người quyền uy, muốn người khác phục tùng ý đồ của mình. Nhưng liền sau đó, người mẹ lại hạ giọng thương cảm “con vẫn khờ dại lắm, đâu đã phân biệt được người tốt kẻ xấu. Yêu ai và lấy ai phải do mẹ chọn lựa và sắp đặt” [82, tr.292]. Ngôn ngữ của bà tuy đã thay đổi nhưng đó vẫn là thứ ngôn ngữ của một người ra lệnh và rất cương quyết. Khi mẹ Đô đến gặp bà để xin làm lễ ăn hỏi và định ngày cưới cho đôi trẻ, bà không thèm nhìn mà chỉ buông ra những lời lạnh lùng: “Cô ấy không còn là con tôi nữa. Tôi không có trách nhiệm gì trong việc này” [82, tr.321]. Đây là bản tính của một con người cứng rắn đến cứng nhắc. Thứ đứng hàng đầu trong con người này không phải là tình cảm mà là những mệnh lệnh, những phục tùng, những khuôn phép để bắt người khác phải thực hiện.
Cốc trong Cõi người rung chuông tận thế có thứ ngôn ngữ bợm trợn khiến đối phương tá hỏa khi mời số mời số 12 một cách đê tiện: “Đêm nay em đừng về khách sạn, về nhà anh mà ngủ. Khiếp nói năng trắng trợn thế? Vậy phải nói thế đéo nào?(…) Có hay không, nói ngay? Một luồng hơi nước cáu kỉnh ập vào mặt số 12” [78, tr. 12]. Ngôn ngữ của nhân vật cho độc giả thấy đây là thứ ngôn ngữ của một kẻ đầu đường xó chợ chứ không phải của một siêu sao thanh lịch và cao quý trên màn bạc. Đó là thứ ngôn ngữ của một kẻ dám giết người chứ không chỉ đơn thuần là rạch áo tắm của một ngôi sao điện ảnh.
Phũ trong tác phẩm cùng tên cũng có thứ ngôn ngữ của một kẻ đầu đường xó chợ. Trước cái chết của Cốc, Thằng Phũ chửi rồi nghiến răng: “Mẹ nó. Đúng là nó” [78, tr.32]. Hay Phũ nói chuyện với ông thầy bói “Cái đồ thầy bói nói mò, tao không giết ai thì thôi nhá đứa nào giết được tao” [80, tr.69]. Hoặc với cô Tì chủ nhà chứa “ định lừa bố mày à, bố mày đi làm một quả để thi cuối năm cho son mà mày dám đưa sọt thủng” [78, tr.79].
Còn nhân vật bà mẹ trong tiểu thuyết Mười lẻ một đêm, cái dâm của bà được thể hiện qua lời nói. Câu nói đó được bà mẹ lặp đi lặp lại với các chàng trai là “Thôi về làm gì, ở lại đây mà ngủ cho vui” [88, tr.72].
Nhân vật tha hóa trong sáng tác của Hồ Anh Thái rất kiệm lời. Sự kiệm lời đó là dụng công của tác giả. Chỉ cần nhân vật nói vài ba câu, độc giả cũng có thể cảm nhận được bản chất thật của nhân vật.