Xung đột bên ngoài

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) số phận con người trong tiểu thuyết của dương hướng (Trang 91 - 97)

1.3.1 .Đôi nét về cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn Dƣơng Hƣớng

3.1. Nghệ thuật tạo dựng xung đột

3.1.1 Xung đột bên ngoài

Xung đột bên ngoài là sự đụng độ của hai thế giới quan (địch- ta), của thái độ khác nhau đối với lao động (tiến bộ- bảo thủ), của những quan điểm đối lập nhau về nếp sống gia đình, của những tư tưởng ích kỉ cá nhân với quyền lợi chung của cộng đồng... Qua các xung đột này, Dương Hướng lí giải các nguyên nhân xã hội dẫn đến những khổ đau, bất hạnh, những bi kịch của con người.

Xung đột đầu tiên phải kể đến đó là xung đột giai cấp trong cải cách ruộng đất. Phải đến sau năm 1986 văn học mới có điều kiện phản ánh chân thực bức tranh toàn cảnh về nông thôn như từng diễn ra trong lịch sử. Một loạt những tác phẩm như Mảnh đất lắm người nhiều ma, Cuồng phong, Ma làng... là những thước phim cận cảnh phản ánh trung thực xung đột giai cấp trong cải cách ruộng đất ở những khía cạnh khác nhau. Mảnh đất lắm người nhiều ma

của Nguyễn Khắc Trường thể hiện xung đột giai cấp trong gia đình, dòng họ Vũ Đình một cách sâu sắc. Vẫn là hình ảnh con người và mảnh đất thôn quê quen thuộc, làng Giếng Chùa là nơi diễn ra cải cách, mâu thuẫn đấu đá không chỉ diễn ra giữa các dòng họ, các thành phần giai cấp mà nó tồn tại ngay trong nội bộ gia đình. Trong cải cách ruộng đất, ông Vũ Đình Đại, bố của Phúc, bị quy là địa chủ. Phúc là bí thư chi đoàn xã đã được kết nạp Đảng từ hồi còn là du kích. Để tỏ rõ mình không bị giai cấp địa chủ nhuốm đen, mình đã li khai nguồn gốc xuất thân không dính dáng đến kẻ bóc lột và được đồng chí Hùng Cường (cán bộ đội) tuyên dương “có tinh thần kiên quyết từ bỏ giai cấp phi vô sản, tự nguyện phục vụ sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nông” [46, tr.21], đêm nào Phúc cũng tổ chức thanh niên đi cổ động “Đả đảo tên địa chủ bóc lột Vũ Đình Đại! Kiên quyết đánh đổ tên địa chủ Vũ Đình Đại” [46, tr.21]. Người đọc không khỏi bị ám ảnh bởi cuộc đấu tố giữa cha con Phúc. Vì lợi ích cá nhân mà Phúc sẵn sàng đấu tố cả đấng sinh thành ra mình. Cũng tương tự, trong tác phẩm Cuồng phong của Nguyễn Phan Hách, vì lợi ích cá nhân, vì sự sợ hãi bị liên lụy nên Nguyễn Đức Hàm đã từ bỏ người mẹ ruột của mình. Ở một khía cạnh khác, dù cũng có sự đấu tranh nội tâm vật vã nhưng rốt cuộc ý thức giai cấp cực đoan mù quáng đã khiến nhân vật Vũ Hùng tuyên bố ly dị vợ để trở về với giai cấp của mình. Cũng vì lợi ích bản thân, Vũ Hùng đã không

dám đứng lên chống lại những tư tưởng lạc hậu, tầm nhìn hạn hẹp của những người nông dân trực tiếp lãnh đạo công cuộc cải cách ruộng đất để bảo vệ người ân nhân đã cưu mang, đùm bọc mình từ tấm bé.

Trở lại với tiểu thuyết của Dương Hướng, người đọc cảm nhận không khí ngột ngạt, bức bối rối loạn của thời kì cải cách ruộng đất ở làng quê xưa. Trong công cuộc đấu tố địa chủ để thay đổi ngôi vị cho người lao động nghèo theo kiểu “Bao giờ dân nổi can qua- Con vua thất thế lại ra quét chùa”, Dương Hướng đã tái hiện lại chân thực “ngày hội” của bần cố nông làng Đông, làng Đoài đưa địa chủ Hào và ông Hoàng Kỳ Bắc ra đấu tố. Cải cách ruộng đất hiện lên một cách sinh động với những biến đổi không ngừng của lịch sử. Cải cách ruộng đất được ví như một cơn “cuồng phong” của lịch sử làm biến đổi xã hội, làm cho giá trị đạo đức gia đình truyền thống bị đảo lộn, tình mẫu tử thiêng liêng cũng bị băng hoại. Vì lợi ích cá nhân, vì ý thức giai cấp mù quáng mà Ngô Quất (Trần gian người đời) sẵn sàng đấu tố cả người đẻ ra mình. Cũng vì lợi ích của cá nhân và tầm nhìn hạn hẹp mà Đào Kinh không những đấu tố mà còn trực tiếp nã đạn vào Hoàng Kỳ Bắc- người đã cưu mang đùm bọc mẹ con hắn. Xung đột giai cấp đã kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng, làm cho nông thôn Việt Nam bị đảo lộn những chân lí, những giá trị tinh thần, phá vỡ luân thường đạo lí truyền thống, xóa bỏ tình mẫu tử thiêng liêng, tình làng nghĩa xóm tốt đẹp ngàn đời của người Việt. Cải cách ruộng đất vốn là một chủ trương đúng đắn của Đảng, nhưng trong qua trình thực thi nó đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng dẫn đến bước ngoặt làm cho bộ mặt nông thôn trở nên tiêu điều, bao gia đình điêu đứng, bao cảnh ngộ bi hài, nhiều số phận bị dập vùi một cách oan ức. Cải cách ruông đất chính là nguyên cớ dẫn đến cảnh ngộ bi thảm của gia tộc Hoàng Kỳ: Hoàng Kỳ Bắc bị xử chết, vợ ông chết theo còn gia đình thì tan nát. Gia đình mụ Hơn trở thành nạn nhân thê thảm và đau khổ nhất: bố chồng (địa chủ Hào) bị xử bắn, chồng mụ (thằng Công) vì uất ức mà tự vẫn, con trai mụ thì bị những đứa trẻ con các ông bà nông dân đánh đập hành hạ. Với độ lùi về thời gian, Dương Hướng có điều kiện để nhìn nhận lại quá khứ và

hơn thế ông nhìn thẳng vào hiện thực sai lầm... Không phủ định sạch trơn quá khứ mà để cho cuộc sống được nhìn một cách đầy đủ và trọn vẹn hơn.

Đi liền với công cuộc cải cách ruộng đất là vấn đề hợp tác hóa ở nông thôn. Trong tác phẩm Dưới chín tầng trời, Dương Hướng đã đặt ra sự mâu thuẫn, xung đột trong phương thức sản xuất cũ và mới, những bất cập trong phương thức làm ăn tập thể của thời kì hợp tác xã nông nghiệp ở nông thôn Việt Nam. Những mâu thuẫn xung đột này có căn nguyên từ tình hình hiện thực. Công cuộc cải cách ruộng đất đã đặt lên vị trí lãnh đạo của những người thuộc tầng lớp bần cố nông- những người quanh năm không đủ ăn, hạn hẹp về nhận thức và nghèo nàn về kiến thức như chủ tịch Đột, Tý Hin, Đào Kinh... Họ không có năng lực gì ngoài lòng nhiệt tình thái quá và sự thiển cận khi thực thi mệnh lệnh của cấp trên một cách máy móc, giáo điều. Dưới chín tầng trời đã phản ánh trung thực về sự thất bại của mô hình hợp tác xã nông nghiệp theo lối bao cấp. Phương thức sản xuất của thời kì hợp tác xã nông nghiệp đã bộc lộ những yếu kém trong cơ chế quản lí của những người lãnh đạo như Đào Kinh. Là một cán bộ quan liêu lại háo danh hãnh tiến, Kinh đã thực thi một cách máy móc, rập khuôn những “chủ trương, chính sách của Đảng”. Kinh đưa ra những “quyết sách cứng rắn”, “chủ trương tập thể hóa triệt để mọi ngành nghề, trại lợn tập thể, trại gà tập thể, trâu bò kho giống tập thể tuốt” [14, tr.115], tìm mọi cách bất chấp cả những trò ma mãnh làm ăn điêu trá thổi phồng thành tích để được cấp trên khen ngợi “làng Đoài dẫn đầu phong trào hợp tác xã, bằng khen, giấy khen treo đầy văn phòng chủ nghiệm” [14,tr.115]. Thành tích thì dẫn đầu toàn huyện, nhưng cuộc sống của bà con nông dân thì “đói vàng mắt”. Rõ ràng phương thức sản xuất này đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục, nó đã làm mất đi niềm tin của nông dân với đường lối lãnh đạo của Đảng. “Điểm thì nhiều, nhưng thóc lại ít, dân bắt đầu hoang mang, tháng ba ngày tám nhà nào cũng hết thóc đói vàng mắt” dẫn đến tình trạng dân “đói ăn vụng túng làm liều”, “mọi người xoay ra ghen ghét đố kị, ganh tị lẫn nhau. Trại chăn nuôi gà lợn ngày một xuống cấp... Hiện đại hóa, xã viên chả thấy sướng mà còn khổ hơn bởi công chi cho máy cày quá lớn... Thật ngược đời, đi làm hợp tác ngày

công chỉ được lạng thóc, cô Lùn bỏ đi mót ngày lại được năm cân... cả làng nhà nào cũng có người đi mót.... cấm đi mót thì chạy chợ... cấm chợ nhà thì dậy sớm đi chợ huyện” [14,tr.116]. Kiểu làm ăn hợp tác xã không phù hợp với nhu cầu thiết thực của đời sống, lối làm ăn tập thể kiểu “cha chung không ai khóc” khiến người nông dân không còn hăng hái sản xuất vì ruộng là của chung của hợp tác xã, của tập thể chứ không phải của riêng cá nhân nào. Chính cách làm ăn đó đã dẫn tới đời sống của người nông dân nghèo đói phải bỏ làng đi như mấy mẹ con bà Cháo. Mâu thuẫn với lối làm ăn tập thể của hợp tác xã nông nghiệp, Yến Quyên đã trăn trở day dứt và nhận ra thực trạng “nếu cứ giữ cung cách làm ăn như hiện nay thì năng xuất lúa không những không tăng mà còn giảm. Dân mình sẽ còn đói to. Tất cả những biện pháp cứng rắn ta áp đặt vào từng nhà, từng người dân là phản tác dụng. Bà con đi làm hợp tác ngày công được một lạng thóc thì sống sao nổi” [14,tr.118], và tìm ra nguyên nhân, ngọn nguồn của đói nghèo “Đó là cơ chế quan liêu hình thức ưa thành tích”. Yến Quyên đã nhận ra được những yếu kém, hạn chế của phong trào hợp tác hóa. Với tư cách là chủ nhiệm hợp tác xã, cô đã tìm ra cách xây dựng, phát triển nông thôn mới, với phương thức sản xuất mới là giao khoán sản phẩm cho xã viên: “Cách tốt nhất là phải trả lại ruộng đất về cho người nông dân tự lo liệu, cày cấy và nộp sản phẩm cho nhà nước... điều này tôi đã nung nấu và khẳng định từ cuộc sống thực tế của người nông dân làng này” [14,tr.194]. Phương thức sản xuất thức thời, nhạy bén của Yến Quyên đã gặp phải sự phản đối của những người lãnh đạo cấp trên, họ cho đó là “đi ngược lại đường lối chính sách của Đảng. Trở lại lối làm ăn cá thể, trở lại kiểu phát canh thu tô của chế độ cũ” [14,tr194]. Chính xung đột này đã dẫn đến bi kịch của Yến Quyên. Vì đi trước thời đại nên cô đã bị cô lập, bị cách chức và bị bánh xe lịch sử nghiền nát.

Hơn tất cả, cái xung đột mà nhà văn Dương Hướng muốn nhấn mạnh trong tác phẩm Bến không chồng có lẽ lại là xung đột gia tộc dòng họ. Viết về vấn đề này đã được nhiều nhà văn khai thác khá sâu và khá kĩ, tiêu biểu như

Ma làng của Trịnh Thanh Phong, Đắc đạo của Tạ Duy Anh, Thủy hỏa đạo tặc

Trường... Nhưng nếu như xung đột dòng họ trong các tác phẩm của các nhà văn khác là sự tranh giành quyền lực, địa vị, chức danh thứ bậc trong làng xã thì tiểu thuyết Bến không chồng của Dương Hướng lại được khai thác ở tầng vỉa khác. Xung đột giữa hai dòng họ Nguyễn- Vũ lại được bắt đầu từ câu chuyện đau lòng xảy ra của đôi trai gái để lại mối thù hận và lời nguyền ngấm ngầm đời đời không quên. Thế rồi như một duyên nghiệp, trai gái hai họ đời này qua đời khác vẫn lại quyến luyến nhau để rồi dẫn đến bi bịch trong cuộc đời nhiều số phận con người. Điển hình là những mối tình giữa Nghĩa- Hạnh, Vạn- Nhân...

Là những người thanh niên trẻ tuổi còn đầy niềm tin và nhiệt huyết, bước đầu Hạnh và Nghĩa đã dũng cảm bước qua lời nguyền độc của dòng họ để đến với nhau. Nhưng sau bao sóng gió cuộc đời, Nghĩa và Hạnh đã trải bao gian nan cho lửa thử vàng cuối cùng họ đành buông xuôi bất lực đầu hàng số phận. Dẫu biết nguồn cơn sâu xa chính là do chiến tranh đã cướp đi khả năng làm cha của Nghĩa, tuy nhiên xung đột dòng họ lại là tác nhân quan trọng. Ở một hoàn cảnh đáng được thông cảm, chị Nhân không dám mạnh dạn quan hệ với Vạn, còn Vạn thì nửa cuộc đời vẫn đi bên cạnh chị Nhân mà không dám thổ lộ tình cảm của mình. Mối thù dòng họ đã bủa vây chị Nhân, cả Vạn tạo ra giữa hai người một khoảng cách nhất định. Lẽ ra họ có thể đến với nhau, nương tựa vào nhau trong quãng đời còn lại nhưng một thứ đạo đức khắc kỉ vô hình ngự trị trong con người ở nông thôn hàng ngàn năm khiến cho họ không thoát ra khỏi. Sức mạnh của định kiến lớn hơn người ta tưởng, bởi nếu một người phụ nữ cam chịu như chị Nhân không dám vượt qua đã đành, nhưng còn Vạn- một người lính vào sinh ra tử, một người đã từng đi đó đây, hiểu cuộc đời và hiểu con người vậy mà cũng đành buông xuôi trước những định kiến, trước hạnh phúc của mình. Cả đời không vượt qua được những định kiến và nhận thức ấu trĩ cực đoan, để rồi sau một phút lầm lỡ phải đi quyên sinh. Cái giá ấy quá đắt gây bao xót xa trong lòng người đọc. Như vậy xung đột dòng họ trong tiểu thuyết của Dương Hướng cuối cùng vẫn là những xung đột nan giải cho dù tình yêu người với người thật nồng đượm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) số phận con người trong tiểu thuyết của dương hướng (Trang 91 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)