1.3.1 .Đôi nét về cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn Dƣơng Hƣớng
3.1. Nghệ thuật tạo dựng xung đột
3.1.2 Xung đột bên trong
Xung đột bên trong đó chính là những mâu thuẫn, những sự dằn vặt, day dứt diễn ra bên trong nội tâm, tư tưởng của nhân vật. Với việc xây dựng những xung đột bên trong, nhà văn đã khai thác tính cách và chiều sâu tâm lý của nhân vật từ đó đi lí giải những nguyên nhân tự thân của nhân vật dẫn đến số phận bi kịch của họ.
Việc xây dựng xung đột bên trong xuất phát từ quan niệm con người đa phiến, từ góc nhìn của nhà văn đối với nhân vật, nhà văn quan sát, soi chiếu nhân vật từ nhiều góc độ chiều kích khác nhau để từ đó đi sâu khám phá bản chất bên trong con người. Trong tác phẩm tự sự, nhất là đối với một thể loại tự sự cỡ lớn như tiểu thuyết, nhân vật được khắc họa đầy đặn cả ngoại hình lẫn nội tâm bên trong. Nhân vật không chỉ được miêu tả về ngoại hình, quan trọng hơn nó hiện lên chân thực qua sự miêu tả tâm trạng của nhà văn. Ở cấp độ cao hơn, “nhân vật còn được thể hiện qua mâu thuẫn xung đột, sự kiện. Các mâu thuẫn xung đột bao giờ cũng có tác dụng làm nhân vật bộc lộ cái phần bản chất sâu kín nhất của nó”. Dương Hướng không dừng lại miêu tả những biểu hiện bên ngoài của hiện tượng, mà cố gắng lách vào sâu bên trong nhân vật để tìm ra cái nguyên nhân ẩn kín, để phơi bày những xung đột nằm sâu bên trong tâm hồn nhân vật để đưa đến cái quyết định ứng xử, hành động mang tính sai lầm bi thảm.
Vạn trong Bến không chồng là một trong những nhân vật mang trong mình những xung đột tinh thần ghê gớm. Cuộc đời Vạn là một chuỗi những bi kịch. Có nhiều nguyên cớ dẫn đến những bi kịch trong cuộc đời Vạn, ngoài nguyên nhân do chiến tranh, do xung đột dòng họ thì điều quan trọng hơn lại là những mâu thuẫn xung đột bên trong nhân vật. Đó là mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm, giữa lí tưởng và dục vọng bản năng. Là một chiến sĩ trở về từ chiến trường Điện Biên với những huân chương lấp lánh trên ngực, Vạn mang trong mình một lí tưởng anh hùng, lí tưởng của người chiến sĩ cộng sản. Là một con người, Vạn cũng có những dục vọng bản năng nhưng Vạn đã kìm nén, cưỡng lại nó một phần vì lí tưởng Đảng, lí tưởng cộng sản. Anh không dám đương đầu
với dư luận, không dám bước qua những định kiến cổ hủ để sống thật với lòng mình. “Tôi yêu chị đấy, từ lâu rồi, chị có dám không? Không! Không bao giờ lại xảy ra điều khủng khiếp ấy. Trên đời này còn bao nhiêu chuyện ràng buộc: danh dự, uy tín...” [13,tr.151]. Tình yêu là thứ tình cảm đẹp nhất thượng đế ban tặng cho con người ấy vậy mà Nguyễn Vạn lại cho là điều khủng khiếp! Chính cái vỏ bọc vẻ vang là lính Điện Biên, là người “vẻ vang nhất làng Đông” đã trói buộc tư tưởng Vạn. Anh không dám đáp ứng nhục vọng của mình chỉ vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của người chiến sĩ Điện Biên. Cái danh của người chiến sĩ Điện Biên quá lớn, đến nỗi Nguyễn Vạn không dám chút bỏ để tìm đến hạnh phúc nơi tâm hồn mình "...kỷ vật duy nhất của thời ấy còn lại là những tấm huân chương nằm im lìm trong chiếc túi bạt treo ở góc nhà và một chiếc áo lính đã rách nhưng Vạn vẫn cố giữ lấy nó vá đi vá lại không biết bao nhiêu lần. Đi đâu Vạn cũng thích khoác chiếc áo lính ấy như muốn nhắc nhở người làng Đông hãy nhớ tới Vạn là ai” [13,tr.288]. Vẻ đẹp của một thời hào hùng đã ngự trị mãi trong lòng Vạn khiến anh tự hào với vẻ đẹp hào nhoáng ấy mà đóng chặt cửa lòng với tất cả những người phụ nữ (vẫn còn hai người đàn bà- mụ Hơn và chị Nhân sẵn sàng cùng Vạn đi nửa đoạn đời còn lại, nhưng lòng kiêu hãnh đã bóp chết tình cảm đó từ trong trứng nước). Niềm tin từng khiến Vạn quên đi hạnh phúc cá nhân, hy sinh mù quáng cho nó bây giờ đây có nguy cơ lung lay. Không phải từ sự đổi thay trong nhận thức của người làng Đông mà ngay trong nhận thức của Vạn. Vạn cố níu kéo cái quá vãng ấy trong cảm giác chua xót trào dâng. Lí tưởng cả đời Vạn theo đuổi giờ đây dường như quay trở lại cào xé, phản bội Vạn. Vạn cô độc, khổ sở vì hụt hẫng hoang mang. Đã có lúc Vạn trở thành biểu tượng sống của cả dân làng Đông thì giờ đây Vạn như đi bên lề cuộc đời vậy, không ai nhớ tới Vạn. Và chỉ tới lúc ấy Vạn mới chợt nhận ra Vạn cần một gia đình biết bao “Đến bây giờ Vạn mới tiếc mình không lấy vợ sớm” [13,tr.277]. Nỗi khổ hàng ngày anh phải đấu tranh vật vã mình mẩy với nó chính là lúc phần “con” trong Vạn thức dậy. Cái phần bản năng trước đây Vạn cố gắng nguôi quên trong bộn bề công việc làng xóm giờ đây thức dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết làm khổ anh. Niềm tin không đủ sức vực Vạn dậy,
anh tự thấy mình trở nên hư hỏng, sa đọa. Đó là một cuộc đấu tranh dai dẳng, không khoan nhượng và cuối cùng phần bản văng đã chiến thắng. Ấy là trong một đêm dông bão “Vạn buông thả cho thân xác tự do gây tội lỗi, tự do rên xiết trên thân thể rừng rực của người đàn bà. Lần đầu tiên trong đời Vạn thấy sung sướng cực độ và quên hẳn mình” [13,tr.291]. Xót xa thay sau cái lần đầu tiên và duy nhất đó anh được làm người- một con người đúng nghĩa, Nguyễn Vạn đã suy xụp tinh thần vì mặc cảm tội lỗi mà mình gây ra. “Qua cái đêm dông bão của cuộc đời, Nguyễn Vạn không còn dám nhìn vào bất cứ ai ở làng Đông. Vạn tự xấu hổ với cả đứa trẻ con tí teo. Ngày đêm thu mình trong ngôi nhà trên vườn ươm, với bao ý nghĩ vò xé trái tim Vạn... Nhục! Nhục nhã quá! Tồi tệ hơn cả lão Xung và mụ Hơn... Thế là hết! Vạn tưởng tượng rõ thấy mình là kẻ khốn nạn, sa đọa, hủy hoại cả cuộc đời tiết hạnh của Hạnh” [13,tr.292-293]. Xung đột lên đến đỉnh điểm là khi Hạnh dắt con về làng Đông với quyết tâm xây dựng mái ấm gia đình với Vạn. Trong cái đêm cuối cùng của cuộc đời, Nguyễn Vạn không tài nào xóa được mặc cảm có tội với Hạnh. Vạn đã trót là người tốt, sống cô đơn, anh không thể chấp nhận được thực tế “chú” lại có “con” với “cháu”. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới kết cục đau lòng của nhân vật này.
Dương Hướng đã để cho các xung đột cả bên trong và bên ngoài, cả xã hội và cá nhân, cả khách quan và chủ quan dồn đẩy để cuộc đời Vạn đi đến bi kịch. Nhân vật vì thế mà bộc lộ rõ ràng nhất, đầy đủ nhất và có sức ám ảnh sâu sắc trong lòng người đọc.
Nguyễn Khiên cũng là nhân vật mang trong mình xung đột. Là trưởng dòng họ Nguyễn ở làng Đông, ông Khiên là người mang nặng tư tưởng giáo lí Nho gia. Cái tư tưởng ấy ăn sâu vào trong con người ông, bộc lộ ở từng nếp sinh hoạt của ông cũng như cách ông giáo dục con trai. Khi Nghĩa còn nhỏ, ông đã mời thầy về dạy cho con nào đàn tranh, đàn bầu, thổi sáo- những thú vui tao nhã của Nho sĩ xưa. Ông kỳ vọng nhiều vào Nghĩa- cậu trưởng nam tương lai. Với ông, lời nguyền dòng họ về mối thù họ Vũ là điều thiêng liêng nhất, nghiêm ngặt nhất cho tất cả những người mang họ Nguyễn sống ở làng Đông. Vậy mà Nghĩa lại đi ngược lại điều cấm kị ấy. Bởi cuộc sống mới đã hình thành
trong tư tưởng, trong tâm hồn chàng trai trẻ những ước mơ, những cảm xúc mới. Hạnh đã lớn lên hồn nhiên bên chàng trai họ Nguyễn và đôi trẻ ấy đã gắn bó yêu thương nhau từ trong ánh mắt. Và Nghĩa mơ ước “anh sẽ trị vì dòng họ Nguyễn. Anh sẽ tuyên bố xóa bỏ lời nguyền độc của cụ tổ” [13,tr.79]. Ông Khiên hiểu điều đó nhưng ông không thể chấp nhận bởi như vậy là phạm vào lời nguyền của dòng họ. Ông hiểu những gì mà dòng họ và gia đình đối với Nghĩa, với Hạnh là không công bằng. Ông thương Nghĩa, thương Hạnh, thương cả ông và bà Khiên nhưng ông lại không thể vượt qua được những định kiến, lời nguyền của dòng họ, dư luận của xã hội. Cái xung đột trong tư tưởng ông chính là không đử sức vượt qua cái cũ, tư tưởng nho giáo, và cột chặt mình trước cái mới. Chính điều đó đã đẩy ông đến bi kịch. Đỉnh điểm của sự mâu thuẫn ấy là khi Nghĩa lẻn đi bộ đội. Điều đó làm cho ông Khiên buồn, thất vọng và đau đớn: “...thầy buồn vì con, mẹ con và tất cả mọi người không ai hiểu thầy... Thầy giận con, giận mẹ con đã coi thường thầy... Thầy thấy nhục nhã về việc con phải lẻn đi làm mọi người đã coi thầy là kẻ hèn nhát, ích kỷ, lạc hậu...” [13,tr.121]. Không vượt qua được những định kiến và lo sợ trước dư luận xã hội đã đẩy ông Khiên đến hành động đau xót. Ông về cõi trời mà lòng không hề thanh thản. Ngoài ra còn một số nhân vật khác: Hạnh, Nhân, Thương Huyền... cũng được xây dựng sinh động và sâu sắc thông qua những xung đột nội tâm.
Bằng việc tạo dựng những mâu thuẫn xung đột phức tạp, đa dạng, hiện thực cuộc sống nơi làng quê hiện lên đầy đủ với những gam mầu vốn có. Dương Hướng đã đi sâu thể hiện cuộc sống và số phận mỗi cá nhân trong sự tương tác với đời sống. Qua đó, người đọc thấu hiểu đồng cảm hơn với mỗi cuộc đời mỗi số phận con người trong sự thăng trầm của lịch sử.