9. Kết cấu của Luận văn
2.1. Tình hình quản lý chất lượng ở Việt Nam hiện nay
2.1.1. Khái quát chung về quản lý chất lượng ở Việt Nam
Trong thời kỳ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, vấn đề chất lượng được đề cao, được coi là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong thực tế, hàng hóa sản xuất ra theo kế hoạch định sẵn, dù tốt hay xấu đều được tiêu thụ, phân phối, người sản xuất không lo đầu vào và đầu ra. Việc quản lý chất lượng tại các doanh nghiệp được các phòng kiểm tra chất lượng sản phẩm thực hiện với nhiệm vụ là phân loại các sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng hay phế phẩm.
Ngày nay, nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần cùng với quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế, sự cạnh tranh diễn ra quyết liệt đã không còn chỗ đứng cho những sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Trước sức ép của hàng nhập ngoại và của người tiêu dùng trong nước, buộc các nhà kinh doanh cũng như các nhà quản lý không còn con đường nào khác là phải coi trọng vấn đề bảo đảm và nâng cao chất lượng. Chất lượng cũng là nhân tố cơ bản để giải quyết sự tồn tại hay tiêu vong của một tổ chức và đó là sự hưng thịnh hay suy vong của một nền kinh tế.
Trong thập niên cuối thể kỷ XX, Việt Nam thực sự đổi mới cả về tư duy, nhận thức lẫn hành động, nền kinh tế chuyển sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Biểu hiện cụ thể là một loạt các chính sách quản lý, trong đó có những văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến chất lượng được ban hành, thay thế cho những văn bản không còn phù hợp. Cả cơ quan quản lý nhà nước, nhà sản xuất, kinh doanh đều có cải tiến bước đầu về kiểm soát chất lượng, nhằm tạo ra bước chuyển biến, cải thiện tình hình yếu kém về chất lượng và quản lý chất lượng.
Trong những năm gần đây, chúng ta đã có nhiều cố gắng trong lĩnh vực quản lý chất lượng, các tổ chức đã chú trọng hơn trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam đã từng bước chiếm lĩnh được thị trường, được người tiêu dùng trong nước cũng như tiêu dùng nước ngoài chấp nhận, một số mặt hàng như cà phê, chè, hạt điều, gạo, cao su, hàng thủy sản… đạt giá trị xuất khẩu cao. Với xu hướng tự do thương mại trên thế giới và việc xóa bỏ hàng rào phi thuế quan, chúng ta chỉ có một con đường duy nhất để giải quyết bài toán tồn tại và phát triển là phải nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.