Những tồn tại và hạn chế

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Sử dụng thiết chế tài chính để nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng hàng hóa sau công bố chất lượng trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội (Trang 56 - 59)

9. Kết cấu của Luận văn

2.3. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân hạn chế kết quả quản lý nhà

2.3.1. Những tồn tại và hạn chế

Việc quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa sau công bố chất lượng trong những năm gần đây đã ngày càng được chú ý. Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa sau công bố chất lượng còn không ít những hạn chế. Luận văn hệ thống thành 4 điểm như sau:

Thứ nhất, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật còn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước sau công bố chất lượng. Với một số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành nhưng phạm vi và mức độ điều chỉnh về lĩnh vực chất lượng hàng hóa, sản phẩm vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Các văn bản quy phạm pháp luật quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa tương đồng giữa các lĩnh vực. Một số ngành hàng chưa có đủ hệ thống văn bản để quản lý toàn bộ chuỗi sản xuất. Ví dụ như trong lĩnh vực quản lý chất lượng mũ bảo hiểm, theo quy định hiện hành, các loại mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm không phải tuân thủ các quy định về quy chuẩn kỹ thuật của mũ bảo hiểm. Các loại mũ này không phải chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, không gắn dấu hợp quy CR. Vì vậy, không thể áp dụng Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 để xử phạt vi phạm hành chính trong sản xuất, kinh doanh loại mũ này. Sự thiếu đồng bộ, thiếu tính kết nối giữa các quy định về quản lý chất lượng dẫn đến việc xử lý vi phạm chất lượng hàng hóa khó thực hiện.

Các chế tài xử lý vi phạm về chất lượng hàng hóa chưa đầy đủ, chưa có chế tài bắt buộc các cơ sở sản xuất phải áp dụng và thực hiện các quy chuẩn bắt buộc về điều kiện đảm bảo chất lượng hàng hóa cũng như chế tài đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không đáp ứng yêu cầu.

Việc công bố chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp có được thực hiện hay không, công bố bao nhiêu phần trăm vẫn còn là một vấn đề chưa thống kê được và việc giải quyết hiệu quả vẫn còn bỏ ngỏ. Chất lượng khi công bố, lưu thông hàng hóa sau công bố, bảo đảm chất lượng hay không vẫn là một bài toán nan giải và chưa có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về nội dung và mắt xích của chuỗi quản lý này.

Thứ hai, hệ thống tổ chức bộ máy quản lý chất lượng hàng hóa sau công bố vẫn còn nhiều bất cập. Bộ máy tổ chức quản lý chất lượng hàng hóa ở cấp trung ương đã được hình thành nhưng ở địa phương còn chưa đồng bộ. Hình thái tổ chức chưa bảo đảm thẩm quyền và nguồn lực triển khai nhiệm vụ. Hệ thống thanh tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa chưa hình thành đầy đủ gây khó khăn cho hoạt động quản lý.

Việc phân công chưa có sự thống nhất về lợi ích giữa việc hoạch định chính sách, thực hiện chính sách và giám sát kết quả. Các cơ quan quản lý về chất lượng hàng hóa cùng lúc vừa chịu trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn, thực hiện và giám sát thực hiện tiêu chuẩn, từ đó, dẫn đến trình trạng che đậy hoặc không báo cáo kịp thời những vấn đề bất cập do không muốn bộc lộ những yếu kém trong triển khai và thực hiện tiêu chuẩn.

Phân cấp quản lý giữa các cấp trong hệ thống còn có điểm cần làm rõ để thuận lợi cho việc thực hiện; một số lĩnh vực chưa phân cấp mạnh cho địa phương. Quản lý là quá trình bao gồm nhiều hoạt động nhằm huy động các nguồn lực để đạt được mục tiêu. Quan hệ phối hợp giữa trung ương và địa phương; giữa các tổ chức và đơn vị quản lý chất lượng hàng hóa là khâu mấu chốt trong triển khai các chương trình kiểm soát, giám sát và thực hiện các hoạt động phân cấp quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa nhưng thực tiễn đang là mối quan hệ lỏng lẻo và yếu nhất trong toàn bộ chuỗi quan hệ quản lý hiện có.

Thứ ba, thiếu nguồn lực quản lý chất lượng hàng hóa sau công bố. Về nhân lực, lực lượng cán bộ chuyên trách quản lý chất lượng hàng hóa còn mỏng, ở nhiều đơn vị chủ yếu là kiêm nhiệm. Chưa có hệ thống tiêu chuẩn

chức danh làm căn cứ tuyển dụng, đào tạo chuẩn hóa đội ngũ cán bộ. Việc triển khai đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về chất lượng hàng hóa hiện nay chủ yếu mang tính tự phát, chưa tập trung, thường dựa trên lợi ích và đề xuất của địa phương, từ đó hạn chế trong việc sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cũng như gây khó khăn cho tài trợ quốc tế đối với hoạt động hỗ trợ đào tạo. Cán bộ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Hà Nội là một ví dụ về sự thiếu và yếu, không được cập nhật và đào tạo để đáp ứng các hoạt động và đổi mới của lĩnh vực hội nhập này. Chưa có hệ thống đào tạo chuyên ngành về quản lý chất lượng.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đầu tư, cơ sở vật chất phục vụ cho quản lý chất lượng hàng hóa còn thiếu. Diện tích làm việc, diện tích phòng kiểm nghiệm, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ về cả danh mục thiết bị và công suất. Đây vẫn là một hạn chế của Chi cục, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội cũng như ở hầu hết các đơn vị được đảm trách nhiệm vụ quản lý chất lượng hàng hóa. Việc đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa còn hạn chế. Việc tiếp cận các công nghệ mới chưa kịp thời và đón đầu do hạn chế về kinh phí đầu tư.

Thứ tư, về thông tin, truyền thông, đào tạo và tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn và quy chuẩn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hoạt động tiêu chuẩn và chất lượng là hoạt động nghiệp vụ và kỹ thuật có tính đổi mới và cập nhật khá liên tục. Do đó, công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ kỹ thuật và phương pháp tiếp cận, triển khai vào thực tế từng ngành, từng địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, hoạt động này còn khá hạn chế và chưa được chú ý thực hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, việc thông báo, phổ biến tiêu chuẩn quốc gia thông qua tổ chức, phổ biến, hướng dẫn áp dụng là công việc của Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc chính phủ. Tuy nhiên, hoạt động này

được thực hiện rất hạn hẹp và chưa có nhiều đổi mới về phương pháp, cách thức triển khai.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Sử dụng thiết chế tài chính để nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng hàng hóa sau công bố chất lượng trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội (Trang 56 - 59)