Con người sống không thể tách rời với tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Triết lý nhân sinh trong ca dao, tục ngữ Việt Nam (Trang 44 - 49)

CHƢƠNG 1 : MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG

2.2.1.Con người sống không thể tách rời với tự nhiên

2.2. Quan niệm về cách ứng xử của con ngƣời với tự nhiên

2.2.1.Con người sống không thể tách rời với tự nhiên

Cha ông ta từ rất lâu đã nhận thức một cách tự giác rằng tự nhiên đã cung cấp cho con người những thứ cần thiết cho cuộc sống, con người cần phải sống gắn bó với tự nhiên, dựa vào tự nhiên. Điều này được minh chứng trong kho tàng ca dao, tục ngữ khi mà cha ông ta dành một khối lượng lớn các câu ca dao, tục ngữ, đặc biệt là tục ngữ để đề cập đến giới tự nhiên. Điều đó cho thấy người Việt Nam luôn xem tự nhiên và mối quan hệ với tự nhiên là một trong những mối quan tâm hàng đầu của mình.

Trong xã hội xưa, con người chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, kết hợp với nghề chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp và săn bắn, hái lượm, do vậy mà nền nông nghiệp trở nên phổ biến và phát triển. Đây chính là lý do giải thích tại sao trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam lại đề cập nhiều đến lao động sản xuất, trong đó phần lớn là những câu ca dao, tục ngữ nói về các hiện tượng tự nhiên, về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên.

Trong quá trình lao động, bằng việc tác động vào giới tự nhiên, con người đã hiểu rõ vai trò quan trọng mang tính chất quyết định của giới tự nhiên đối với sự sống còn của họ. Mặc dù con người chưa hiểu được họ là một bộ phận, một sản phẩm đặc biệt của tự nhiên, gắn liền với tự nhiên nhưng họ ý thức được rằng giới tự nhiên cung cấp cho họ những gì cần thiết cho cuộc sống như nước, không khí, đất, mà nếu thiếu chúng thì con người không thể tồn tại được.

Người lao động luôn mong muốn mưa thuận, gió hòa để có một vụ mùa bội thu. Để đạt được mong muốn đó, họ cần phải có sự ủng hộ của tự nhiên. Chính vì vậy con người dần ý thức được rằng để nâng cao hiệu quả lao động thì cần phải hiểu tự nhiên. Trải qua những năm tháng lao động vất vả, các hiện tượng tự nhiên cứ lặp đi lặp lại và nhờ vậy, con người dần dần tích lũy được những kiến thức về các hiện tượng của tự nhiên, đúc kết được thành kinh nghiệm phục vụ cho sản xuất.

Là một khu vực nhiệt đới lắm mưa nhiều nắng, Việt Nam có được những đặc ân từ thiên nhiên nhưng đồng thời phải hứng chịu nhiều thiên tai, bão lũ. Hơn thế nữa, xuất phát từ nền nông nghiệp lúa nước nên thời tiết, đặc biệt là những cơn mưa giữ một vai trò quan trọng trong đời sống của người dân Việt. Mưa không chỉ mang tính chất quyết định con đường làm ăn mà còn thật sự là khởi nguồn cho mọi của cải và ấm no của người nông dân: “Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy bát cơm đầy/ Lấy khúc cá to” [38, tr. 90].

Do vậy, trong tục ngữ hay ca dao, mưa trở thành đối tượng được quan sát một cách kỹ càng từ dấu hiệu dự báo thời điểm cơn mưa sắp xuất hiện cho đến “dung mạo” của từng cơn mưa: “Tháng ba mưa đám, tháng tám mưa

Bắt đầu từ việc phân loại các cơn mưa bằng những liên tưởng mộc mạc đầy hình tượng, người nghệ sĩ dân gian đã nỗ lực nắm lấy cái hữu hình của thực thể này trong bàn tay, bởi lẽ cha ông ta đã quan sát thiên nhiên để nắm lấy quy luật: “Sao mau thì mưa, sao thưa thì nắng” [38, tr. 222].

Đây là một câu tục ngữ hết sức đặc sắc bao gồm có 2 vế, mỗi vế gồm 4 chữ đối nhau: chữ nắng vần với chữ vắng, cách gieo vần của cha ông ta khiến cho câu nói trở nên dễ nhớ và dễ cảm. “Mau” có nghĩa là nhiều, là dày, “sao mau” là nhiều sao, dày sao và sao xuất hiện sớm, mọc sớm. Về mùa hè, trời vừa chập tối nhiều sao sáng xuất hiện trên bầu trời xanh trong là tín hiệu cho nhân dân ta biết được ngày mai và những ngày sắp tới trời sẽ nắng, từ đó nhân dân chủ động sắp xếp công việc làm ăn, cày bừa, cấy hái… “sao thưa” là vắng sao, ít sao trên bầu trời, đó là hiện tượng cho biết trời sắp mưa. Như vậy, câu tục ngữ này là một kinh nghiệm rất hay và bổ ích về dự báo thời tiết mùa hè, giúp cho người nông dân có thể sắp xếp được công việc của mình sao cho phù hợp tránh những rủi ro, thiệt hại có thể xảy đến.

Tương tự như thế, đã có rất nhiều câu tục ngữ thể hiện những kinh nghiệm quý báu mà cha ông ta đã rút ra thông qua một thời gian dài quan sát các hiện tượng thiên nhiên: “Trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa”; “Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”; “Mống bên đông, vồng bên tây/ Chẳng mưa dây thì bão giật”; “Ráng vàng thì nắng, rang trắng thì mưa” [38,

tr. 222-223].

Nhờ có những hiểu biết trên mà con người có thể tránh được nhiều tác hại do tự nhiên gây ra đối với đời sống cũng như đối với sản xuất, cũng có thể lợi dụng chúng để phục vụ cho lợi ích của mình.

Như vậy, ngay từ buổi bình minh, con người đã khẳng định được khả năng trí tuệ của mình. Những kinh nghiệm ấy xét trên lĩnh vực khoa học thì nó chỉ là việc dự báo thời tiết một cách đơn thuần nhưng xét trên một góc độ

khác thì đó là cả cách nhìn, đánh giá, nhận xét tinh tường của thế hệ trước mà cho đến ngày nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Nó thể hiện cách nhìn, cách cảm, cách nhận biết của người nông dân về những hiện tượng diễn ra quanh mình.

Người Việt xưa cũng rất tinh tế trong việc chú ý đến những loài động vật gần gũi với cuộc sống như kiến, cóc, ếch, én, chuồn chuồn... Ông cha ta hiểu rằng, tạo hóa đã ban cho loài vật một phản xạ dự báo thời tiết, dù chúng không biết nói nhưng những giác quan của chúng cực kỳ nhạy bén.

Trong các loài côn trùng thì kiến là loài rất dễ thay đổi nếp sống khi độ ẩm không khí thay đổi, vì thế, khi quan sát sự thay đổi của các đàn kiến, nhân dân ta đã đúc rút ra những kinh nghiệm dự báo thời tiết: “Kiến đen tha trứng

lên cao/ Thế nào cũng có mưa rào rất to” [38, tr. 226].

Kiến là loài côn trùng sợ nước sống ở dưới đất, trên các cành cây, khe nứt của tường, nếu độ ẩm không khí thay đổi, ắt trời sắp mưa nên kiến phải di cư để lánh nạn, đặc biệt là kiến đen, kiến lửa, kiến mối. Vì thế, mỗi khi trời sắp mưa ta thường thấy kiến đen tha mồi, tha trứng từ thấp lên cao, kiến lửa bò từng đàn ra khỏi hang, hay khi trời sắp mưa, kiến cánh vỡ tổ bay ra khắp nơi, đó là hiện tượng mà ai cũng có thể thấy được. Thông qua hiện tượng tự nhiên này, ông cha ta đã rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm đầy quý báu.

Bên cạnh đó, việc quan sát những loài động vật có cánh để dự báo về thời tiết cũng là điều mà cha ông ta thường xuyên làm, nhất là với loài chuồn chuồn. Thông qua việc quan sát rất nhiều lần, người dân khẳng định rằng: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm” [38, tr. 237].

Kinh nghiệm mà cha ông ta rút ra hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ, chuồn chuồn là loài có cánh rất mỏng, nếu không khí có độ ẩm cao thì không thể bay được, nếu độ ẩm không khí thấp thì chúng bay lên cao rất dễ dàng. Và đặc biệt hơn, những khi gió to, khí áp giảm, các loài có cánh khó tồn tại nên

chuồn chuồn phải đi di cư để tránh gió, đặc biệt là gió bão: “Tháng tám heo

may, chuồn chuồn bay thì bão” [38, tr. 237].

Trải qua thời gian, cha ông ta đã biết ứng dụng những kinh nghiệm đã nhận thức được về giới tự nhiên để phục vụ cho công việc sản xuất cũng như trong chăn nuôi. Thời xưa, từ gieo hạt cho đến lúc gặt hái, người dân lúc nào cũng lo lắng, vì khi thì bão lụt, khi thì hạn hán, ít khi được “trời êm, bể lặng”. Bởi vậy họ luôn phải chú ý đến thời tiết nông vụ: “Mồng chín tháng chín có

mưa/ Thì con sắm sửa cày bừa làm ăn/ Mồng chín tháng chín không mưa/ Thì con bán cả cày bừa đi buôn”; “Muốn ăn lúa tháng năm/ Trông trăng rằm tháng tám/ Muốn ăn lúa tháng mười/ Trông trăng mồng mười tháng tư”; “Trăng mờ tốt lúa nỏ/ Trăng tỏ tốt lúa sâu”; “Đom đóm bay ra, trồng cà, tra đỗ/ Tua rua bằng mặt, cất bát cơm chăm” [38, tr. 235-237].

Trong thời kỳ mà khoa học chưa phát triển, chưa có những dự báo chính xác về thời tiết thì người nông dân lúc nào cũng canh cánh nỗi lo về mùa vụ. Chỉ khi nào trời thật sự yên, biển thật sự lặng, thì người nông dân mới “yên tấm lòng”: “Người ta đi cấy lấy công/ Tôi nay đi cấy còn trông

nhiều bề/ Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm/ Trông cho chân cứng đá mềm/ Trời êm, bể lặng mới yên tấm lòng” [38, tr. 226].

Bài ca dao vừa là một phép so sánh giữa những người đi làm thuê, với những người cày cấy chính thửa ruộng của mình, đồng thời cũng chính là lời khẳng định những lo lắng, trăn trở của người nông dân một nắng, hai sương. Yếu tố thời tiết quá quan trọng và gần như chi phối toàn bộ hoạt động sản xuất của người dân. Khi chưa cầy cấy xong thì người nông dân còn phải “trông trời, trông đất, trông mây”, rồi lại “trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”. Nỗi lo ấy chỉ có thể tạm được gác lại khi mà mùa vụ này trời

được lặng, biển được êm. Và có lẽ, khi còn gắn bó với đồng ruộng thì nỗi lo lắng của người nông dân không bao giờ là hết cả.

Thông qua việc phân tích những kinh nghiệm của cha ông ta đúc rút ra qua việc quan sát khí tượng, hay những kinh nghiệm ứng dụng trong việc sản xuất nông nghiệp ta nhận thấy mối quan hệ gắn bó mật thiết, máu thịt giữa con người với thiên nhiên. Xét cho cùng thì xã hội loài người là bộ phận phát triển cao tách ra từ thế giới tự nhiên và là một bộ phận khăng khít với thế giới tự nhiên. Xã hội loài người phát triển theo những quy luật riêng của mình, nhưng không hoàn toàn tách ra khỏi thế giới tự nhiên. Bản chất của con người vừa mang tính xã hội, vừa mang tính tự nhiên. Nói cách khác, bản chất con người là một thực thể tự nhiên phát triển hình thành trên cơ sở tự nhiên trong mối quan hệ đặc thù- mối quan hệ xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Triết lý nhân sinh trong ca dao, tục ngữ Việt Nam (Trang 44 - 49)