Điều kiện văn hóa tư tưởng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Triết lý nhân sinh trong ca dao, tục ngữ Việt Nam (Trang 28 - 34)

CHƢƠNG 1 : MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG

1.2.2.Điều kiện văn hóa tư tưởng

1.2. Những điều kiện hình thành ca dao, tục ngữ Việt Nam

1.2.2.Điều kiện văn hóa tư tưởng

Văn hóa Việt Nam thuộc loại hình văn hóa nông nghiệp lúa nước với một số đặc trưng, liên quan chặt chẽ với nhau. Trong cách ứng xử đối với thiên nhiên, do nông nghiệp lúa nước phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên cha ông ta đã hình thành ý thức rất tôn trọng, sống hài hòa với thiên nhiên, không dám ganh đua với thiên nhiên. Về nhận thức, nghề nông nghiệp lúa nước cũng phụ thuộc vào không ít các yếu tố như mưa, nắng, trời, đất,… và các yếu tố đó quan hệ khăng khít với nhau, do vậy cách tư duy tổng hợp, biện chứng ra đời. Tổ chức cộng đồng thể hiện trên hai khía cạnh là nguyên tắc tổ chức và cách thức tổ chức cộng đồng. Do làm nông nghiệp, sống cố định, lâu dài với nhau, nên đã hình thành nguyên tắc sống trọng tình, trọng đức, trọng văn trong đời sống của cha ông. Từ lối tư duy tổng hợp và biện chứng, luôn phải đắn đo cân nhắc của người làm nông nghiệp, cùng với lối sống tình cảm nên

đã dẫn đến cách tổ chức cộng đồng theo lối linh hoạt, luôn biến đổi cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Nguyên tắc sống trọng tình cảm và nhu cầu cuộc sống hòa thuận làm cho lối sinh hoạt của cha ông ta càng thấm đượm cách đối xử hòa hiếu với nhau trong cộng đồng mình và với cộng đồng khác. Chính điều này đã quy định triết lý hòa hiếu, quân bình, cương nhu nhưng hơi thiên về nhu, về tình. Xã hội Việt Nam truyền thống nhìn chung là xã hội nông nghiệp trồng lúa nước theo thời vụ, vì thế con người trồng lúa nước có nhiều đặc tính giống như nước, thường nghĩ về sự vận động theo chu kỳ, tuần hoàn, vòng tròn, điều này hoàn toàn khác với cách nghĩ của người sống trên thảo nguyên, sa mạc.

Mặt khác, lịch sử Việt Nam là lịch sử chiến thắng oanh liệt giặc ngoại xâm. Hiếm có dân tộc nào trên thế giới phải chống ngoại xâm nhiều lần như Việt Nam. Từ thế kỉ thứ III TCN cho đến nay, Việt Nam đã buộc phải thực hiện gần 20 cuộc chiến tranh lớn giữ nước và khoảng hơn 100 cuộc khởi nghĩa giành độc lập. Tổng số thời gian kháng chiến giữ nước và đấu tranh chống đô hộ ngoại bang với những cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng dân tộc đã trên 12 thế kỷ. Cuộc kháng chiến diễn ra trong so sánh lực lượng rất chênh lệch, trong hoàn cảnh chỉ có một cơ sở vật chất tương đối nhỏ bé, đất không rộng, người không đông, cuộc chiến đấu hết sức ác liệt. Do đó, con đường sống còn và chiến thắng của dân tộc ta là phải biết phát huy sức mạnh toàn dân, sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần của dân tộc. Truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường bất khuất được phát huy cao độ. Trong lịch sử Việt Nam, mô hình nhân cách đạo đức của người anh hùng cứu nước chống giặc ngoại xâm là mô hình mang tính phổ biến và được đề cao hơn cả. Hình tượng các vị anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung,… đã in đậm trong nền văn hóa đạo đức Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong thời cổ đại, Việt Nam không trải qua thời kỳ phát triển của chế độ chiếm hữu nô lệ. Xã hội phát triển qua nhiều giai đoạn kế tiếp nhau, ứng với mỗi giai đoạn lịch sử phát triển là một hình thái kinh tế - xã hội. Sự tiến triển của hình thái kinh tế - xã hội của mỗi nước mang những nét đặc thù có ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa, ý thức, quan niệm sống của Việt Nam cổ đại. Quan hệ nô tỳ tức chế độ nô lệ gia trưởng có phát triển trong mức độ nào đó nhưng không bao giờ trở thành quan hệ chi phối, thống trị xã hội, do đó để lại dấu ấn nhất định trong mối quan hệ cũng như tình cảm của con người. Chế độ phong kiến Việt Nam hình thành gắn liền với sự xuất hiện và thống trị của phong kiến phương Bắc và trưởng thành cùng với các trào lưu chống phong kiến phương Bắc, giành độc lập cho dân tộc. Trong thời kỳ thống trị của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa tư bản có nảy sinh và phát triển trong một mức độ nào đó, nhưng Việt Nam không trải qua một thời kỳ thống trị của chủ nghĩa tư bản. Do đó, chủ nghĩa dân tộc tư sản có ảnh hưởng nhất định, nhưng không giữ vai trò chi phối tư tưởng truyền thống của dân tộc.

Điểm cần chú ý là, Việt Nam nhìn chung nằm trong khung cảnh của phương thức sản xuất châu Á, thực ra gọi là phương thức sản xuất châu Á nằm ở giai đoạn quá độ từ cộng sản nguyên thủy lên chiếm hữu nô lệ. Ở châu Âu có trải qua một giai đoạn tương đối ngắn so với lịch sử, còn ở châu Á, nó ảnh hưởng dai dẳng, lâu dài cho đến tận thế kỷ XX.

Mặt khác, hệ tư tưởng phong kiến Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo. Đặc biệt từ thế kỷ XV về sau, chế độ phong kiến chuyển sang mô hình chế độ quân chủ Nho giáo với vai trò chi phối của hệ tư tưởng Nho giáo và nó có nhiều ảnh hưởng đối với đời sống văn hóa, tinh thần của Việt Nam. Tuy nhiên, mô hình lý tưởng về con người Nho giáo nhào nặn đã để lại dấu ấn rất đậm trong thế giới quan, nhân sinh quan, nền nếp tư duy, cung cách ứng xử của nhiều thế hệ. Có thể nói, chế độ phong

kiến Việt Nam dựa trên nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu tồn tại hàng ngàn năm đã xây dựng cho nó một trật tự, đó là trật tự khắt khe của những quan hệ gia trưởng, là trật tự nghiệt ngã. Nó mang đặc điểm hoài cổ, cực kì bảo thủ và trì trệ, nó đã tạo nên khuôn thước trật hẹp, gò bó mọi tư tưởng, tình cảm của con người.

Giai đoạn văn hóa Việt Nam hiện đại được hình thành dưới ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa Mác - Lênin. Với sự hội nhập sâu rộng vào nền văn minh thế giới hiện đại, đồng thời gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc, văn hóa Việt Nam hứa hẹn một đỉnh cao lịch sử mới. Có thể nói, xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam, đã có ba lớp văn hóa chồng lên nhau là lớp văn hóa bản địa, lớp văn hóa giao lưu với Trung Quốc và khu vực, lớp văn hóa giao lưu với phương Tây. Nhưng đặc điểm chính của Việt Nam là nhờ nguồn gốc văn hóa bản địa vững chắc nên đã không bị ảnh hưởng văn hóa ngoại lai đồng hóa, trái lại còn biết sử dụng và Việt hóa các ảnh hưởng đó làm giàu cho nền văn hóa dân tộc. Tất cả đã làm nên một nền văn hóa Việt Nam luôn có sự thống nhất trong tính đa dạng. Dân tộc Việt Nam vốn có nền văn hóa lâu đời, mang bản sắc riêng, đầy sức sống và đã từng có những mặt phát triển cao, ví dụ như nghệ thuật đúc trống đồng, các tri thức về nông nghiệp, y học, kỹ thuật quân sự,… Trong phong tục tập quán, có những phong tục tập quán mang bản sắc dân tộc, duy trì tinh thần cộng đồng trong dân tộc. Những thuần phong mỹ tục cùng với toàn bộ nền văn hóa ấy nói lên những nét hồn nhiên, chất phác, yêu đất nước, yêu con người, lạc quan yêu đời, đậm đà tình nghĩa.

Bên cạnh đó, xét về mặt tín ngưỡng dân gian thì ở Việt Nam, tín ngưỡng của người Việt cổ xưa đã bao hàm: tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng sùng bái tự nhiên và tín ngưỡng sùng bái con người. Con người cần sinh sôi, mùa màng cần tươi tốt để duy trì và phát triển sự sống nên đã nảy sinh tín ngưỡng phồn thực. Tín ngưỡng này tồn tại lâu dài, dưới hai dạng biểu hiện:

thờ sinh thực khí nam và nữ. Dấu tích trên còn để lại ở nhiều di vật tượng và chân cột đá, trong trang trí các nhà mồ ở Tây Nguyên, trong một số phong tục và điệu múa, rõ nhất là ở hình dáng và hoa văn các trống đồng cổ. Nông nghiệp trồng lúa nước phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên đã đưa đến tín ngưỡng sùng bái tự nhiên. Ở Việt Nam, đó là tín ngưỡng đa thần và coi trọng nữ thần, lại còn thờ cả động vật và thực vật, thực vật được tôn sùng nhất là cây lúa.

Ca dao, tục ngữ Việt Nam là một hình thức nghệ thuật độc đáo, gắn bó với nhân dân ta từ buổi sơ khai cho đến nay. Từ lúc hình thành cho đến nay, ca dao tục ngữ bao giờ cũng gắn liền mật thiết với mọi sinh hoạt của đời sống nhân dân Việt Nam. Thiên nhiên, công việc lao động, sinh hoạt hội hè, đình đám, các cuộc gặp gỡ giữa thanh niên nam nữ, những buổi tụ họp vui chơi của trẻ em,… là môi trường để nảy sinh các sáng tác văn học dân gian mà điển hình là sự xuất hiện của ca dao, tục ngữ. Ca dao, tục ngữ là một thể loại văn học dân gian truyền miệng, sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể, là tiếng nói chung của cả một cộng đồng chứ không phải của riêng một cá nhân cụ thể, nhằm mục đích phục vụ trực tiếp các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng. Có thể nói, ca dao tục ngữ là tiếng nói của con tim, khối óc, nên trong giao tiếp ai ai cũng thích truyền đạt cho nhau, do đó nó trở thành phổ biến. Tục ngữ và ca dao đã được truyền miệng và gọt dũa từ đời nọ qua đời kia nên câu văn rất tự nhiên, trong sáng và đã biểu lộ tính tình, phong tục tập quán của nhân dân ta một cách trong sáng và chân thực. Tuy nhiên, tính truyền miệng làm nảy sinh một hệ quả đó là tính dị bản trong tác phẩm văn học dân gian. Điều này cũng rất dễ hiểu bởi lẽ, Việt Nam dưới thời phong kiến, tới hơn 90% dân số nước ta bị mù chữ, cho nên truyền miệng chính là con đường, phương thức hữu hiệu nhất đáp ứng được những đòi hỏi sáng tạo và hưởng thụ nghệ thuật của họ.

Như vậy, từ những điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa - tư tưởng trên chúng ta thấy từ khi xuất hiện xã hội loài người, để tồn tại và phát triển, con người phải lao động kiếm sống và đấu tranh chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và những thế lực thù địch. Trong lao động và cuộc sống hàng ngày con người không ngừng tìm tòi và khám phá thế giới, trước hết là để thích nghi với môi trường sống, sau đó là để khai thác và cải tạo môi trường phục vụ cho cuộc sống của mình, đồng thời tích lũy những kinh nghiệm lịch sử, xã hội. Nhờ đó, loài người dần nắm vững ngày càng nhiều quy luật của các sự vật, hiện tượng khách quan, tích lũy, hệ thống hóa ngày càng nhiều kinh nghiệm phong phú, đa dạng trên mọi lĩnh vực hoạt động. Mặt khác, người dân Việt Nam còn phải chịu nhiều tầng áp bức trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, người nông dân luôn là những người thấp cổ bé họng, chịu nhiều thiệt thòi. Ai cũng biết được rằng trình độ giải thích thế giới của con người phụ thuộc vào trình độ tri thức của họ. Mà trình độ tri thức lại do trình độ sức sản xuất của xã hội quyết định. Cho nên chúng ta có thể kết luận rằng, ca dao, tục ngữ là một sản phẩm tất yếu của giai đoạn xã hội đương thời. Và đặc biệt hơn cả là dưới đời sống xã hội ngột ngạt, đầy rẫy những bất công và nhiều tầng áp bức mà con người chưa thể tự giải thoát nổi mình thì ca dao tục ngữ là cách giải quyết lý tưởng nhất cho con người về mặt tư tưởng. Bên cạnh đó,trong bản thân mỗi con người Việt Nam luôn chứa đựng tinh thần nhân văn cao cả. Trong cuộc sống, họ luôn mong muốn những điều tốt đẹp, luôn mong muốn sống một cuộc sống hài hòa với tự nhiên, có được sự thương yêu lẫn nhau giữa những con người sống trong cùng một xã hội. Tất cả những mong muốn đó đã được cha ông ta gửi gắm khéo léo trong những câu ca dao, tục ngữ phong phú và đa dạng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Triết lý nhân sinh trong ca dao, tục ngữ Việt Nam (Trang 28 - 34)