Quan niệm về lao động sản xuất cải tạo tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Triết lý nhân sinh trong ca dao, tục ngữ Việt Nam (Trang 49 - 54)

CHƢƠNG 1 : MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG

2.2.2.Quan niệm về lao động sản xuất cải tạo tự nhiên

2.2. Quan niệm về cách ứng xử của con ngƣời với tự nhiên

2.2.2.Quan niệm về lao động sản xuất cải tạo tự nhiên

Con người sống gắn bó với giới tự nhiên, dựa vào tự nhiên và đối mặt với tự nhiên nhưng không phải lúc nào giới tự nhiên cũng chiều theo ý muốn của con người. Mối quan hệ giữa con người với giới tự nhiên thật sự là mối quan hệ máu thịt, không tách rời nhau. Trong mối quan hệ đó, con người luôn đứng ở vị trí trung tâm, nhận thức về giới tự nhiên, tác động và cải tạo giới tự nhiên nhưng không đối lập với giới tự nhiên. Tuy nhiên, do nhận thức còn hạn chế, công cụ lao động còn thô sơ, bản thân con người lại quá nhỏ bé nên trước vũ trụ bao là và bí hiểm khôn lường, con người không có khả năng chi phối tự nhiên, luôn lo sợ trước các hiện tượng tự nhiên. Do bất lực trước tự nhiên nên con người phải cầu viện đến sức mạnh của trời đất, từ đó họ luôn cho rằng có một thực thể tinh thần sinh ra và chi phối các sự vật, hiện tượng và cả bản thân họ. Chẳng hạn, trước hiện tượng lũ lụt, họ không thể giải thích tại sao lại có mưa nhiều đến thế, cuối cùng họ nghĩ rằng do con người đã làm điều gì đó sai trái với trời đất nên trời đất nổi giận trừng phạt. Rõ ràng, trong cách suy nghĩ

của người dân dù đã bộc lộ yếu tố thần linh chủ nghĩa, duy tâm và siêu hình nhưng những yếu tố tích cực vẫn là chủ đạo. Đó là tinh thần lạc quan, yêu đời, là ý thức về sự tác động của con người đến tự nhiên. Sự tác động đó mang tính chủ động, tích cực và sáng tạo. Vì thế, con người luôn thể hiện được vai trò trung tâm của mình, chủ động đối phó với những tình huống bất lợi và làm chủ bản thân mình, tác động một cách có ý thức nhằm tìm hiểu tự nhiên để thích nghi và cải tạo tự nhiên. Người lao động đã biết lợi dụng những điều kiện sẵn có trong tự nhiên để nâng cao thành quả lao động. Điều này cho thấy tư duy của con người vượt trước điều kiện kinh tế, xã hội lúc bấy giờ.

Nhờ lao động, con người đã đúc rút được những bài học kinh nghiệm quý báu, như Mác đã từng nói: Lao động sáng tạo ra chính bản thân con người. Qua lao động, con người làm cho giới tự nhiên bộc lộ ra những thuộc tính, những quy luật vốn có, đó là mối liên hệ phổ biến của sự vận động và phát triển không ngừng của các sự vật, hiện tượng trong thế giới tự nhiên.

Cuộc đấu tranh với tự nhiên của loài người diễn ra liên tục và nhờ có óc sáng tạo, nhờ sức lao động, nhờ có công cụ, loài người đã cung cấp cho mình ngày một đầy đủ tư liệu sinh hoạt vật chất. Ca dao có câu:“Ai ơi chớ bỏ ruộng

hoang/ Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu” [38, tr. 228].

Nơi hoang vu đã được bàn tay lao động biến đổi thành ruộng đất phì nhiêu, nhưng nếu chỉ bỏ hoang một thời gian, cỏ dại lại có thể mọc, ăn hết màu đất và đất cũng có thể khô cứng như thời chưa khai phá. Cho nên cần phải lao động liên tục mới cải tạo được thiên nhiên, sản xuất được những thứ của cải vật chất cần thiết như thức ăn, quần áo, giầy dép, nhà cửa...

Câu ca dao: “Ai ơi đã quyết thì hành/ Đã đẵn thì vác cả cành lẫn cây” [38, tr. 125] có nghĩa là muốn quyết định một việc gì thì phải thực hiện ngay, mà khi đã thực hiện thì thì làm đến đầu đến đũa. Nhưng nghĩa đen của nó nghĩa là việc đầu tiên của nó là khi con người ta đã dùng công cụ sản xuất để

lao động tức là đã hoạt động có ý thức, có mục đích như đánh ngã một cây ở rừng bằng một công cụ thì phải đem tất cả cành lẫn cây về làm vật dụng và làm củi, đó là việc chinh phục thiên nhiên của con người. Cũng như người nông dân, nhờ có kinh nghiệm về các loại gỗ, nên đã biến đổi từng loại gỗ ra công cụ thích ứng với công việc sản xuất: “Gỗ kiền anh để đóng cày/ Gỗ lim,

gỗ sến anh nay đóng bừa/ Răng bừa tám cái còn thưa/ Lưỡi cày tám tấc đã vừa luống to/ Muốn cho lúa nảy bông to/ Cày sâu bừa kỹ, phân tro cho nhiều” [38, tr. 216].

Tóm lại, loài người đã chế tạo được ra công cụ, những công cụ ngày một tinh xảo, lao động của loài người là một việc làm có mục đích, có ý nghĩa nên loài người đã chinh phục được thiên nhiên, bắt thiên nhiên phục vụ cho mục đích của mình. Sự tác động của loài người mang tính chủ động, sáng tạo nhưng phù hợp với các quy luật của tự nhiên. Việc nắm vững quy luật của tự nhiên không những giúp con người có được năng suất cao hơn trong lao động, sản xuất mà còn tạo cho con người có được sự tự do trước tự nhiên. Con người đã nắm được bản chất quy luật hiện tượng đó mang tính tự nhiên, theo quy luật tự nhiên chứ không phải do thần thánh tạo ra. Việc nắm được các quy luật của tự nhiên để tác động vào tự nhiên một cách có mục đích nhằm tạo ra ngày càng nhiều của cải phục vụ cho đời sống của con người, cho sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Trong quá trình lao động và sản xuất ấy, hết thế hệ này đến thế hệ khác, trải qua hàng nghìn năm, tổ tiên chúng ta đúc rút được nhiều kinh nghiệm rất quý, lại có thêm thói quen trong việc làm nên dần dần cải tiến được công cụ lao động và cải thiện cuộc sống. Óc sáng tạo của người lao động ngày một mở mang trong quá trình sản xuất nên có thể nói quá trình lao động là sáng tạo. Chỉ nhờ sức lao động của mình, nhờ sự bền bỉ trong đấu tranh của mình mà xã hội ngày một tiến lên.

2.2.3. Mối quan hệ tác động qua lại giữa con người với tự nhiên

Trải qua hàng nghìn năm lao động và sản xuất, hết thế hệ này đến thế hệ khác, con người đã đúc kết được những kinh nghiệm quý báu, nhờ vậy óc sáng tạo của con người cũng được mở mang hơn. Ca dao, tục ngữ đã phản ánh được giá trị của lao động và phản ánh được mối quan hệ tác động qua lại giữa con người với tự nhiên.

Mặc dù cuộc sống còn lệ thuộc nhiều vào tự nhiên nhưng nổi trội vẫn là tinh thần con người hướng tới việc từng bước làm chủ tự nhiên. Xuất phát từ mục đích thiết thực là làm thế nào để cây lúa cho năng suất cao, người nông dân ý thức được rằng họ không thể trông chờ vào sự may rủi hay nhờ vào đấng tối cao, thần linh nào cả mà phải do nỗ lực của bản thân. Vì vậy họ đã dồn hết tâm sức, trí tuệ và sự cần cù để tìm ra những biện pháp tối ưu trong lao động sản xuất. Chính trong lao động vất vả, người nông dân đã đúc kết được những kinh nghiệm quý báu về thời tiết, khí hậu, đất đai, nhờ thế họ hiểu được tự nhiên, tuân theo tự nhiên để có được mùa màng bội thu. Đây là một vấn đề lớn mang tính triết lý nhân sinh sâu sắc.

Tính triết lý trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên còn được thể hiện ở chỗ trong điều kiện kinh tế xã hội của nền nông nghiệp lúa nước, trải qua nhiều thiên tai và tri thức khoa học chưa được phổ biến nhưng người nông dân vẫn lạc quan, yêu cuộc sống, tin tưởng và làm chủ bản thân mình:

“Rủ nhau đi cấy đi cày/ Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu/ Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” [38, tr. 231]

Hay: “Trâu ơi, ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/

Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây, trâu đấy, ai mà quản công/ Bao giờ cây lúa còn bong/ Thời còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn” [38, tr. 231]. Sự lạc quan, yêu lao động giúp cho con người dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn hướng đến những điều tốt đẹp.

Đồng thời, con người cũng ý thức được khi đã là một phần của giới tự nhiên thì mọi hoạt động của con người không tách ra khỏi thế giới tự nhiên mà gắn kết chặt chẽ với giới tự nhiên. Con người sống gắn bó với tự nhiên, dựa vào tự nhiên và đối mặt với tự nhiên, vì không phải lúc nào tự nhiên cũng chiều theo ý muốn của con người. Trong mối quan hệ với tự nhiên, con người luôn đứng ở vị trí trung tâm, nhận thức về giới tự nhiên, tác động và cải tạo giới tự nhiên nhưng con người không thể đối lập với giới tự nhiên, bởi có lẽ ông cha ta đã ý thức được rằng “chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược đi thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên” [31, tr. 655], nếu đối lập với tự nhiên thì đến một lúc nào đó, sự tổn thương của tự nhiên tích tụ bởi những tác động theo chiều hướng xấu hoặc quá giới hạn tự nhiên cho phép sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Như một quy luật vay trả, khi đó con người sẽ phải gánh chịu sự trả thù của tự nhiên: “không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với giới tự nhiên. Bởi vì, cứ mỗi lần ta đạt được một thắng lợi, là mỗi lần giới tự nhiên trả thù lại chúng ta” [31, tr. 654]. Vì thế, trong quá trình lao động, người Việt xưa từng bước ý thức về việc cần thiết phải nhận thức được những quy luật của giới tự nhiên để phục vụ cho cuộc sống của mình, đồng thời đề cao quy luật của giới tự nhiên.

Như vậy, thông qua ca dao, tục ngữ, cha ông ta đã gửi gắm những triết lý trong quan niệm về cách ứng xử của con người đối với tự nhiên. Trước hết đó là biểu hiện của một trình độ nhận thức nhất định về giới tự nhiên trong điều kiện khoa học chưa phát triển. Đồng thời, thể hiện được tinh thần yêu lao động, khả năng khám phá và chinh phục giới tự nhiên của loài người. Thông qua đó, cha ông ta cũng gửi gắm những lời nhắn nhủ của mình tới thế hệ con cháu mai sau trong cách ứng xử với tự nhiên đó là phải biết tôn trọng tự nhiên, từ đó xây dựng được lối ứng xử phù hợp nhất với tự nhiên.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Triết lý nhân sinh trong ca dao, tục ngữ Việt Nam (Trang 49 - 54)