Khái niệm triết lý và triết lý nhân sinh

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Triết lý nhân sinh trong ca dao, tục ngữ Việt Nam (Trang 34 - 39)

CHƢƠNG 1 : MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG

1.3.Khái niệm triết lý và triết lý nhân sinh

1.3.1. Khái niệm triết lý

Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Khoa học - Xã hội - Nhân văn - Viện ngôn ngữ (Nxb Từ điển Bách khoa, 2007), triết lý được hiểu theo hai nghĩa: Khi “triết lý” là một danh từ thì nó được hiểu là ý niệm của nhân loại. Triết lý cũng như bao nhiêu giá trị khác, phải biến đổi theo hoàn cảnh xã hội, theo phương tiện sinh hoạt của con người. Khi “triết lý” là một động từ thì được hiểu là: tỏ ý niệm của riêng mình về việc gì đó.

Văn hóa là cội nguồn nuôi dưỡng các triết lý, các tư tưởng và hệ thống triết học, là điều kiện tất yếu cho sự tồn tại và phát triển của các hệ thống triết học. Các triết lý, các hệ thống triết học là những bộ phận cốt lõi nhất trong nền văn hóa của một dân tộc. Xét trên nhiều khía canh, triết lý luôn ở tầm thấp hơn so với các hệ thống triết học, song nó cũng là chất liệu của các hệ thống triết học.

Các triết lý xuất hiện, phát triển và hoạt động trong đời sống xã hội và cá nhân, mỗi yếu tố đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên hệ với nhau. Trong các triết lý đã có thể hiện những quan niệm khác nhau về các yếu tố cơ bản và các mặt của hoạt động sống của con người: vị trí con người, các quan hệ xã hội, đời sống tinh thần và các giá trị của cuộc sống con người. Những quan niệm ấy ẩn chứa bên trong các nội dung, chương trình, phương thức hoạt động chung của xã hội và được cụ thể hóa bằng những quan niệm cụ thể hơn, định hướng cho những hoạt động của các cá nhân và cộng đồng.

Ca dao, tục ngữ Việt Nam và triết học là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau nhưng về phương diện nào đó lại rất gần gũi với nhau. Ca dao, tục ngữ là sự đúc kết những kinh nghiệm của con người trong quá trình lao động, sản xuất, mang tính triết lý cao. Do đó, nhiều người còn gọi ca dao, tục ngữ Việt Nam là triết lý dân gian hay triết học của nhân dân lao động Việt Nam.

Làm rõ mối quan hệ giữa triết lí và triết học, trong bài viết “Mấy suy

nghĩ về Triết học và triết lý” của tác giả Hồ Sĩ Quý trên Tạp chí Triết học số

3/1998, tác giả cho rằng: “… dù quan niệm khác nhau đến mấy, trước hết chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, nếu đã tồn tại với tính cách triết học thì đương nhiên triết học nào cũng trực tiếp hoặc kín đáo bộc lộ tính hệ thống của nó; tức là nó phải tồn tại ở trình độ một hệ thống, hoặc tiểu hệ thống những quan điểm, những quan niệm hoặc tư tưởng… có ý nghĩa phương pháp luận và thế giới quan (hoặc nhân sinh quan) và những vấn đề chung nhất của mọi tồn tại và của sự nhận thức cũng như đánh giá về mọi tồn tại đó. Như vậy, đụng đến triết học là đụng đến tính hệ thống của nó. Nói một cách khác, khi thuật ngữ triết học được sử dụng, tức là khi người ta buộc phải xem xét những tư tưởng, quan điểm… trong hệ thống nội tại của chúng. Không hoặc chưa thể được gọi là triết học nếu những tư tưởng, quan điểm, quan niệm… nào đó không (hoặc chưa) đạt tới trình độ tồn tại trong cấu trúc của một hệ thống xác định. Thông thường các tư tưởng, trường phái hoặc nền triết học điển hình bao giờ cũng đạt tới trình độ của những hệ thống chặt chẽ ở mức độ nhất định trong logic vốn có của chúng…Người ta khó có thể gọi một quan niệm dân gian, một thành ngữ hoặc tục ngữ cụ thể nào đó... là triết học được, dù rằng thành ngữ hoặc tục ngữ đó cũng chứa đựng những tư tưởng không kém phần sâu sắc về mặt nhân sinh quan hoặc về mặt phương pháp luận và thế giới quan” [42, tr. 56-57].

Như vậy theo Hồ Sỹ Quý những tư tưởng chứa đựng trong các thành ngữ, tục ngữ hoặc những khái quát đơn lẻ tương tự như vậy chỉ là những triết lý chứ không phải là triết học. Vậy, triết lý là gì?

Ông viết: “Mặc dù ở nước ta có một số người dịch philosophy là triết lý nhưng trong tiếng Việt, chúng ta đều biết triết lý và triết học là các khái niệm khác nhau, dùng để biểu đạt, phản ánh những đối tượng khác nhau. Nếu như

trong đời sống xã hội thuật ngữ triết học chỉ được sử dụng như một danh từ và đôi khi được sử dụng như một tính từ, thì triết lý thường xuyên được sử dụng với cả ba tư cách danh từ, tính từ và động từ. Về đại thể, triết lý có thể và nên được hiểu là những tư tưởng, quan điểm hay quan niệm… mang tính khái quát cao; được phản ánh một cách cô đúc dưới dạng các mệnh đề hoặc các phán đoán thường là trau chuốt về mặt ngôn ngữ; và được sử dụng trong đời sống xã hội với tính cách là những định hướng cho hoạt động của con người về mặt thế giới quan, phương pháp luận hoặc nhân sinh quan” [42, tr. 57].

Theo ông, bàn luận về giá trị của triết lý nói chung, triết lý dân gian nói riêng, người ta dễ dàng nhận ra điểm hạn chế của triết lý trong so sánh với triết học: “Nếu có thể đem so sánh với triết học thì triết lý luôn ở trình độ thấp hơn về tính hệ thống, độ toàn vẹn và khả năng nhất quán trong việc giải quyết vấn đề về mối quan hệ giữa tồn tại và tư duy. Nói một cách khác, nếu không phải là tất cả thì cũng là trong đa số các trường hợp, triết lý thường thiếu chặt chẽ hơn, phiến diện hơn và có khả năng chứa đựng mâu thuẫn so với triết học” [42, tr. 57].

Trong bài viết “Giá trị bền vững của triết lý dân gian trong toàn cầu hóa” của tác giả Tô Duy Hợp tham gia hội thảo quốc tế “Toàn cầu hóa:

Những vấn đề triết học ở châu Á - Thái Bình Dương” do Viện Triết học tổ chức tại Hà Nội, tháng 11 năm 2005, tác giả đã nêu cách hiểu của mình về triết lý nói chung, triết lý dân gian nói riêng: “Triết lý và triết học đều cùng một phạm trù, đó là thế giới quan và nhân sinh quan. Nhưng triết lý là thế giới quan kinh nghiệm nó khác với triết học = thế giới quan lý luận”, còn “Triết lý dân gian là một loại hình triết lý mang tính dân gian... Triết lý dân gian là tinh hoa của văn hoá dân gian”

Từ những quan điểm trên chúng ta có thể khẳng định rằng triết lý dân gian không phải là triết học nhưng lại có mối quan hệ gần gũi với triết học;

trong triết lý dân gian, trong ca dao, tục ngữ chứa đựng những yếu tố triết học. Giá trị của triết lý nói chung, triết lý dân gian nói riêng đã được kiểm nghiệm bằng chính sức sống lâu bền của nó. Và ngày nay, giá trị của nó đã được khoa học thừa nhận.

1.3.2. Triết lý nhân sinh

Triết lý nhân sinh là quan niệm về cuộc sống của con người: lẽ sống của con người là gì? Mục đích, ý nghĩa, giá trị của cuộc sống con người ra sao và sống như thế nào cho xứng đáng? Trả lời cho những câu hỏi đó là vấn đề nhân sinh quan. Khác với loài cầm thú, bất kì người nào cũng có quan niệm của mình về cuộc sống. Trong đời thường, đó là nhân sinh quan tự phát, “ngây thơ” của đại chúng, các nhà tư tưởng khái quát những quan điểm ấy nâng lên thành lý luận, tạo ra nhân sinh quan tự giác mang tính nguyên lý triết học. Nhân sinh quan phản ánh tồn tại xã hội của con người, nội dung của nó biểu hiện những nhu cầu, lợi ích, khát vọng và hoài bão của con người trong mỗi chế độ xã hội cụ thể…Chủ nghĩa Mác là khoa học về các quy luật phát triển của lịch sử, chỉ rõ hoạt động của con người có tác dụng cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội, và qua đó mà tự cải tạo, tự nâng mình lên, đó là nhân tố quyết định sự tiến bộ xã hội. Vì vậy, sứ mệnh của mỗi người là thúc đẩy những quá trình phát triển xã hội đã chín muồi, những hoạt động lao động sáng tạo và cải tạo xã hội, đem lại một xã hội tốt đẹp, tự do, ấm no, hạnh phúc cho mọi người, đồng thời qua đó mà hoàn thiện năng lực trí tuệ, tình cảm của bản thân mình.

Tóm lại, nói đến triết lý nhân sinh là nói đến quan niệm về sinh mệnh con người, cuộc sống của con người trong xã hội, mục đích và lẽ sống của con người. Vì vậy, triết lý nhân sinh trong ca dao tục ngữ Việt Nam chính là triết lý, là những kinh nghiệm ông cha ta đã đúc kết được về sinh mệnh con người, về cuộc sống của con người, mục đích và lẽ sống của con người trong

xã hội và về những ứng xử của con người trong mối quan hệ với tự nhiên và xã hội.

Tiểu kết chƣơng 1

Ca dao, tục ngữ Việt Nam là tấm gương phản chiếu đời sống kinh tế xã hội qua quá trình lịch sử. Trong ca dao Việt Nam, tư duy triết học được hình thành từ sự thể hiện tình cảm, thể hiện thế giới nội tâm bằng nghệ thuật ngôn từ, bằng hình tượng để tạo nên các triết lý sâu sắc. Ở tục ngữ, ta bắt gặp sự chắt lọc trí tuệ dân gian trước vũ trụ nhân sinh và về bản thân con người đã đạt được sự thâm diệu về nhận thức.

Thông qua việc phân tích các đặc trưng của ca dao, tục ngữ Việt Nam, ta nhận thấy ca dao, tục ngữ là một hình thức đặc thù của sự phản ánh hiện thực. Điều này có nghĩa là xét từ các đặc trưng đến tính chỉnh thể của ca dao, tục ngữ đều thấy nó là một bộ phận cơ bản, một nét chủ yếu trong diện mạo tinh thần của đất nước ta.

Mặt khác, ca dao, tục ngữ chính là sản phẩm tất yếu của lịch sử khi đã đạt đến một giai đoạn phát triển nhất định, và đứng về mặt lịch sử của tư duy, ca dao tục ngữ ra đời là kết quả của trình độ khái quát hóa, trừu tượng hóa tư duy của con người.

Chính vì thế, ca dao, tục ngữ là một di sản tinh thần quý báu, là kho tri thức về kinh nghiệm sống và đạo lý làm người, chứa đựng những triết lý nhân sinh sâu sắc mà ông cha ta để lại cho dân tộc.

CHƢƠNG 2

NỘI DUNG TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG CA DAO, TỤC NGỮ VIỆT NAM

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Triết lý nhân sinh trong ca dao, tục ngữ Việt Nam (Trang 34 - 39)