Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong những năm gần đây

Một phần của tài liệu địa vị pháp lý của cơ quan hải quan trong tố tụng hình sự (Trang 44 - 48)

biên giới trong những năm gần đây

Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, tình hình kinh tế, chính trị - xã hội nước ta có những chuyển biến mạnh mẽ. Nền kinh tế có nhiều khởi sắc và đạt được những thành tựu quan trọng, chính trị - xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng an ninh được tăng cường, đời sống nhân dân được cải thiện. Nước ta đã có quan hệ kinh tế với tất cả các nước trên thế giới. Hàng năm có hàng triệu lượt khách du lịch vào Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm tăng trưởng mạnh mẽ.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nền kinh tế thị trường cũng nảy sinh không ít những tiêu cực tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có tình trạng buôn lậu và tệ nạn tham nhũng gia tăng. Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa không chỉ mang tính chất cá nhân, đơn lẻ như trước đây, mà phát triển mang tính chất có tổ chức, đường dây khép kín,

chặt chẽ, có sự móc nối, tham gia của một số cán bộ, công chức tha hóa, biến chất trong các cơ quan Nhà nước, lực lượng có chức năng phòng, chống buôn lậu như Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội biên phòng, Công an...

Các thế lực thự địch luôn tìm mọi cách vận chuyển trái phép hàng hóa, ngoại hối, vũ khí, tài liệu phản động, văn hóa phẩm đồi trụy qua biên giới để chống phá, lật đổ chính quyền nhân dân, dưới các chiêu bài "chống tham nhũng", "dân chủ", "nhân quyền" để tuyên truyền chia rẽ nội bộ, kích động nhân dân lật đổ chính quyền.

Lợi dụng chính sách mở cửa nền kinh tế của đất nước, nhiều nhóm tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia đã vào Việt Nam núp dưới hình thức đầu tư, du lịch để tiến hành "rửa tiền", đầu tư bất hợp pháp, lừa đảo... Các nhóm tội phạm nước ngoài cũng sử dụng lãnh thổ Việt Nam làm địa điểm trung chuyển hàng hóa, nhập cư bất hợp pháp, buôn lậu hàng hóa, ma túy, vũ khí.

Mặt khác, các nước có chung đường biên giới với Việt Nam đều có chính sách phát triển kinh tế vùng biên, đối diện với các cửa khẩu của Việt Nam là các chợ biên giới tương đối sầm uất, các kho hàng được tập kết để sẵn sàng vận chuyển trái phép vào Việt Nam (như khu vực đối diện với gò Tà Mâu ở An Giang, khu vực đối diện cửa khẩu Mộc Bài...). Vì vậy, với sự phát triển của các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, du lịch thì tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đường bộ ngày càng phức tạp.

Do Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan năm 2005 tạo thông thoáng hơn trong quá trình làm thủ tục hải quan, một số doanh nghiệp đã bắt đầu lợi dụng các ưu đãi về miễn kiểm tra hải quan đối với chủ hàng chấp hành tốt pháp luật hải quan để gian lận thương mại, trốn thuế, với các thủ đoạn như giả mạo hồ sơ giấy tờ, khai đúng mặt hàng nhưng khai sai thuế suất v.v... Tình hình lợi dụng việc áp dụng trị giá tính thuế theo Điều 7 - Hiệp định GATT/WTO để trốn thuế ngày càng trở nên đáng lo ngại. Mặt

hàng vi phạm chủ yếu là những loại hàng có thuế suất cao như ô tô, xe máy, linh kiện, phụ tùng, máy móc. Hiện tượng khác đáng lo ngại là việc lợi dụng hình thức chuyển khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại. Đối tượng buôn lậu đã sử dụng thủ đoạn làm giả hồ sơ hải quan để lấy hàng từ cửa khẩu nhập về thẳng kho mà không làm thủ tục hải quan; khai báo sai số lượng, chủng loại; lợi dụng cơ quan Hải quan không giám sát trực tiếp khi hàng vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến nơi làm thủ tục, không quy định thời gian, tuyến đường nên đã phá niêm phong hải quan để lấy hàng hóa.

Tại địa bàn một số tỉnh biên giới đường bộ, tình trạng cư dân biên giới lợi dụng tiêu chuẩn hàng hóa trao đổi được miễn thuế xuất nhập khẩu theo Quyết định 254/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để buôn lậu. Đặc biệt, đối tượng buôn lậu thuê mướn dân cư biên giới (cả người già, trẻ em), chia nhỏ lô hàng để lợi dụng tiêu chuẩn miễn thuế (500.000/lượt) vận chuyển hàng lậu qua biên giới, sau đó vận chuyển vào nội địa.

Hoạt động xuất lậu xăng dầu qua biên giới đường bộ và lợi dụng hình thức tạm nhập - tái xuất trên tuyến biển cũng diễn biến phức tạp, nhất là vào thời điểm khi giá xăng dầu tại các nước láng giềng tăng mạnh theo thị trường thế giới trong khi giá xăng dầu tại Việt nam được nhà nước hỗ trợ nên thấp hơn. Mức chênh lệch này càng cao thì hoạt động xuất lậu càng sôi động.

Tại vùng biển Đông Bắc hoạt động xuất lậu than, quặng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Khu vực biển miền Trung tình trạng vận chuyển gỗ trái phép có chiều hướng gia tăng. Số gỗ được thu gom từ việc khai thác gỗ trái phép từ các rừng Quảng Bình, biên giới Việt - Lào, vận chuyển bằng đường sông, đường bộ về tập kết ven biển miền Trung, chờ thời cơ thuận lợi để xuất lậu sang Trung Quốc.

Tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng với nhiều phương thức hoạt động liều lĩnh và rất tinh vi. Các loại ma túy được vận chuyển vào Việt

Nam qua các tuyến: biên giới Việt Nam - Lào chủ yếu là hêrôin, thuốc phiện. Gần đây xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp dạng ATS, chất gây nghiện và hướng thần. Địa bàn trọng điểm là các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị; tuyến biên giới Việt - Trung chủ yếu là chất gây nghiện, ma túy tổng hợp Diazepam dạng viên nhộng và ống nước được vận chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam; hêrôin, thuốc phiện, cần sa có nguồn gốc từ vùng "tam giác vàng" được vận chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc, địa bàn hoạt động là Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn. Trên tuyến biên giới Tây Nam với địa bàn trọng điểm là Long An, Kiên Giang và Tây Ninh, các chất ma túy được vận chuyển qua biên giới chủ yếu là hêrôin, thuốc phiện, cần sa. Ma túy được vận chuyển qua đường Hàng không - Bưu điện chủ yếu là hêrôin, ma túy tổng hợp và các chất gây nghiện hướng thần với thủ đoạn hết sức tinh vi. Trên tuyến biển và cảng biển, qua một số vụ do cơ quan Hải quan và Cảnh sát các nước đó phát hiện với số lượng vận chuyển lớn có cảng đi từ Việt Nam, có thể trong thời gian tới đây là một trong những tuyến tiềm ẩn trọng điểm về vận chuyển ma túy với số lượng lớn. Ngoài ra, hiện nay việc sản xuất, chế biến, chưng cất ma túy đó xuất hiện tại nước ta, nhưng nguyên liệu, dụng cụ, tiền chất, kể cả sách hướng dẫn chủ yếu được đưa từ nước ngoài vào.

Kết quả phát hiện, bắt giữ các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới từ năm 2006 đến hết tháng 6 năm 2010 của ngành Hải quan như sau (xem Phụ lục 3).

Qua nghiên cứu các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới mà cơ quan Hải quan phát hiện năm 2009 thì có khoảng 85% là nam giới, còn nữ giới chỉ chiếm khoảng 15%. Trong đó, trẻ em (dưới 14 tuổi) chiếm khoảng 10,3%; người đủ từ 14 đến 18 chiếm khoảng 15,2%; người trên 60 tuổi chiếm 3,1%, còn lại là người từ độ tuổi từ 18 đến 60; Số người mang quốc tịch Việt Nam, chiếm khoảng 87%, Việt kiều hoặc người Việt Nam ở nước ngoài, chiếm khoảng 11%, còn lại 2% là người nước ngoài.

Một phần của tài liệu địa vị pháp lý của cơ quan hải quan trong tố tụng hình sự (Trang 44 - 48)