Hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự về địa vị pháp lý của cơ quan hải quan

Một phần của tài liệu địa vị pháp lý của cơ quan hải quan trong tố tụng hình sự (Trang 75 - 79)

cơ quan hải quan

Xuất phát từ hoạt động đặc thù của cơ quan Hải quan là cơ quan thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, tình hình buôn lậu vũ khí, ma túy, chất cháy, chất nổ... có chiều hướng gia tăng, vì vậy ngoài thẩm quyền điều tra đối với tội buôn lậu và tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới cần quy định cho cơ quan Hải quan có thẩm quyền điều tra đối với các tội phạm về ma túy, các tội buôn bán hàng cấm như vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tội trốn thuế, các tội xuất nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, v.v… là những tội phạm thường xuyên xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về Hải quan.

Hải quan là cơ quan gác cửa nền kinh tế đất nước, là cơ quan đầu tiên đón khách và là cơ quan cuối cùng tiễn khách ra khỏi Việt Nam. Khi phát hiện tội phạm nếu không cho phép cơ quan Hải quan áp dụng các biện pháp ngăn chặn như tạm giữ người, bắt người, nếu để người đó xuất cảnh thì việc điều tra, truy tố rất khó khăn. Do vậy, Bộ luật tố tụng hình sự cần bổ sung quy định cho cơ quan Hải quan có quyền bắt người, tạm giữ người để kịp thời ngăn chặn người phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra sau này.

Mặt khác, theo quy định của Pháp lệnh Tổ chức hình sự hiện hành chỉ có Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu và cấp phó của những người nêu trên khi được phân công hoặc ủy nhiệm thực hiện các quyền hạn của cấp trưởng, mới có quyền tiến hành các hoạt động điều tra. Điều đó hạn chế rất nhiều trong hoạt động điều tra của Hải quan, bởi vì, một đơn vị hải quan chỉ có một cấp trưởng và từ một đến ba cấp phó giúp việc (trừ các Cục Hải quan lớn có thể có 5 cấp phó

giúp việc). Mọi hoạt động điều tra đều phải do cấp trưởng hoặc cấp phó tiến hành sẽ không đảm nhiệm hết các hoạt động điều tra từ lấy lời khai, tiến hành khám xét.... và bên cạnh đó hàng ngày phải giải quyết công việc của đơn vị. Vì vậy, đề nghị sửa đổi Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự theo hướng cho phép cán bộ Hải quan được tiến hành các hoạt động điều tra như lấy lời khai, tiến hành các hoạt động khám xét, đối chất, nhận dạng, yêu cầu các cơ quan tổ chức cung cấp tài liệu, chứng từ.

Vì vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 111 Bộ luật tố tụng hình sự, Điều 20 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự về thẩm quyền của cơ quan Hải quan theo hướng được áp dụng biện pháp bắt người, tạm giữ người và thẩm quyền được trực tiếp áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác mà không phải xin lệnh của cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền. Cơ quan Hải quan được khởi tố vụ án và tiến hành điều tra các tội về trốn thuế, ma túy, vũ khí, chất cháy, chất nổ... Cán bộ Hải quan được phân công tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật. Tóm lại Điều 20 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự nên được sửa đổi như sau:

1. Cơ quan hải quan trong khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện hành vi phạm tội được quy định tại các điều 153, 154, 161, 185, 186, 187, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật hình sự, thì Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu có quyền:

a. Đối với tội ít nghiêm trọng, trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng thì ra quyết định khởi tố vụ án, tiến hành khám người, đồ vật, khám phương tiện vận tải, nơi cất giấu hàng hóa; xét cần ngăn chặn ngay người có hành vi phạm tội chạy trốn thì tạm giữ người đó, lấy lời khai, thu giữ, bảo quản vật chứng và tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án; khởi tố bị can, hỏi cung bị can, khi cần thiết tiến hành thì trưng cầu giám định, tiến

hành các hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự;kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

b. Đối với những tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì ra quyết định khởi tố vụ án; tiến hành khám người, đồ vật, phương tiện vận tải, nơi cất giấu hàng hóa, xét cần ngăn chặn ngay người có hành vi phạm tội chạy trốn thì tạm giữ người đó, lấy lời khai, thu giữ, bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án

2. Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động điều tra, quyết định phân công hoặc thay đổi cấp phó và cán bộ trong việc điều tra vụ án hình sự, kiểm tra các hoạt động điều tra, quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, giải quyết tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Khi Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu vắng mặt thì một cấp phú được ủy nhiệm thực hiện các quyền hạn của cấp trưởng quy định tại khoản này và phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng về nhiệm vụ được giao.

3. Khi được phân công điều tra vụ án hình sự, Phú Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu có quyền áp dụng các biện pháp điều tra quy định tại khoản 1 Điều này.

Cán bộ được phân công điều tra có quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung bị can; thực hiện Lệnh khám người, đồ vật, khám phương tiện vận tải, nơi cất giấu hàng hóa, thu giữ, bảo quản vật chứng và tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án và tiến hành các hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và theo sự phân công thủ trưởng cơ quan.

4. Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu và cán bộ được phân công nhiệm vụ điều tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình.

Bộ luật tố tụng hình sự có hiệu lực từ 1/7/2004 và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự có hiệu lực từ ngày 1/10/2004, nhưng đến nay chưa có một văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể thẩm quyền điều tra của cơ quan Hải quan được thực hiện như thế nào. Do vậy, để hoạt động điều tra hình sự của cơ quan Hải quan có hiệu quả và đúng pháp luật, tránh làm oan người vô tội, cản trở hoạt động xuất xuất, nhập khẩu, Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Thông tư liên tịch với Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 về hoạt động tố tụng của ngành Hải quan: hướng dẫn trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động điều tra.

Trong nội dung Thông tư liên tịch cần phải quy định cụ thể các vấn đề: các hoạt động điều tra của cơ quan Hải quan như hỏi cung, lấy lời khai,

thu giữ vật chứng, tài liệu liên quan đến vụ án, trưng cầu giám định, đối chất, nhận dạng được áp dụng tương tự như hoạt động điều tra của Điều tra viên quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự (áp dụng tương tự như Chương X và chương XI Bộ luật tố tụng hình sự). Lệnh khám người, đồ vật, khám phương tiện vận tải, nơi cất giấu hàng hóa trong địa bàn hoạt động hải quan không

phải phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp (để bảo đảm thông quan nhanh chóng hàng hóa, phương tiện vận tải xuất khẩu, nhập khẩu). Thủ tục, trình tự tiến hành áp dụng theo quy định tại chương XII Bộ luật tố tụng hình sự. Mối quan hệ giữa cơ quan Hải quan với cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát nhân dân trong cung cấp, trao đổi thông tin. Mối quan hệ giữa cơ quan Hải quan với cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát nhân dân trong việc xác định hành vi vi phạm hành chính hay vi phạm hình sự. Mối quan hệ giữa cơ quan Hải quan với cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát nhân dân trong quá trình điều tra vụ án hình sự. Xây dựng các mẫu ấn chỉ trong hoạt động điều tra hình sự.

Theo quy định của Điều 95 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì khi tiến hành các hoạt động tố tụng, bắt buộc phải lập biên bản theo mẫu quy định thống nhất. Do vậy, Tổng cục Hải quan cần phải sớm ban hành mẫu ấn chỉ sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự để sử dụng thống nhất trong toàn ngành. Bên cạnh hoàn thiện các hệ thống pháp luật nêu trên, cần sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại, các văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính để làm cơ sở xác định một hành vi vi phạm pháp luật hải quan là vi phạm hành chính hay hình sự.

Một phần của tài liệu địa vị pháp lý của cơ quan hải quan trong tố tụng hình sự (Trang 75 - 79)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(106 trang)
w