Khái niệm, mục đích của kiểm soát quyền lực nhà nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của truyền thông đại chúng trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở việt nam hiện nay (Trang 25 - 27)

1.2.1.1. Khái niệm kiểm soát quyền lực nhà nước

Trong giới khoa học, có nhiều cách tiếp cận khác nhau về QLNN:

- Thứ nhất, QLNN là quyền lực chính trị của giai cấp cầm quyền được thực hiện bằng nhà nước. Nhà nước và giai cấp thống trị mặc dù có liên quan mật thiết với nhau nhưng chúng là những thực thể xã hội khác nhau, có quyền lực riêng. Quyền lực của giai cấp thống trị tồn tại trong quan hệ giữa nó với các giai cấp, tầng lớp khác; giữa nó với các tổ chức do giai cấp đó lập ra. Còn QLNN tồn tại trong quan hệ giữa nhà nước với các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

- Thứ hai, QLNN là khả năng sử dụng nhà nước để thực hiện ý chí của giai cấp thống trị (hoặc của nhân dân) buộc xã hội phải phục tùng ý chí đó. QLNN là khả năng của nhà nước buộc các cá nhân, tổ chức trong xã hội phải phục tùng nhà nước.

- Thứ ba, QLNN là quyền của giai cấp thống trị được thực hiện bằng nhiều công cụ khác nhau của một hệ thống chuyên chính do giai cấp đó lập ra.

Theo đó, các đảng phái chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội đều được gọi là QLNN. Nghĩa là, QLNN không phải được thực hiện trực tiếp bằng hệ thống chính trị mà là bằng những “công cụ” của hệ thống ấy.

Từ những cách tiếp cận khác nhau, có thể hiểu một cách chung nhất:

QLNN là quyền lực của giai cấp cầm quyền, được tổ chức và thực hiện thông qua bộ máy nhà nước. QLNN bao gồm ba bộ phận cơ bản: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp.

Đặc trưng của QLNN là vừa có tính công quyền (xã hội), vừa có tính chính trị (giai cấp), cho nên nhà nước có chức năng xã hội và chức năng chính trị. Nhà nước là cơ quan duy nhất trong xã hội được sử dụng phương tiện công, có đặc quyền sử dụng các công cụ bạo lực có tổ chức, như quân đội, cảnh sát, nhà tù. Nguồn gốc của QLNN là quyền lực nhân dân nhưng được tổ chức thành một bộ máy độc lập với nhân dân, trong các nhà nước trước đây nó thường đứng trên nhân dân. Bộ máy này thường xuyên đứng trước nguy cơ bị quan liêu hóa, lạm quyền, chuyên quyền… Vì vậy QLNN luôn luôn phải được kiếm soát.

Kiểm soát QLNN là một vấn đề phức tạp, vì vậy cần phải được tổ chức chặt chẽ và triển khai một cách hệ thống. QLNN cần phải được kiểm soát từ bên ngoài nhà nước và từ bên trong nhà nước. Kiểm soát từ bên ngoài là sự kiểm soát QLNN từ nhân dân và cộng đồng xã hội, kiểm soát từ bên trong là sự kiểm soát do nhà nước tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở tổng hợp những ý kiến khác nhau, có thể hiểu: Kiểm soát QLNN là hoạt động có chủ đích của nhà nước và xã hội, với tổng thể những phương tiện tổ chức và pháp lý thông qua các hình thức hoạt động như giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm sát, kiểm toán, tài phán nhằm hạn chế nguy cơ sai phạm cũng như những hiện tượng tiêu cực và hành vi vi phạm pháp luật

của các cơ quan nhà nước và của công chức nhà nước, đảm bảo cho QLNN được thực hiện đúng mục đích, khoa học, hiệu lực và hiệu quả.

1.2.1.2. Mục đích kiểm soát quyền lực nhà nước

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, mục tiêu lâu dài và triệt để của kiểm soát QLNN là loại bỏ những điều kiện xã hội đã sản sinh ra nhà nước, giai cấp. Đây cũng chính là quá trình khắc phục sự tha hóa của quyền lực, đưa QLNN trở về với đúng nghĩa chân chính là quyền lực của nhân dân, quyền lực công thực hiện chức năng công quản của xã hội.

Kiểm soát QLNN nhằm đảm bảo cho QLNN được sử dụng đúng mục đích, không bị lạm dụng, hướng tới ngăn chặn các hiện tượng, xu hướng quan liêu, độc tài trong bộ máy nhà nước, để hoạt động nhà nước không đi ngược lại ý chí của nhân dân. Khi QLNN càng tập trung thì khả năng kiểm soát nó càng khó. Nếu không có cơ chế kiểm soát tốt, nó sẽ trở thành rào cản của tự do và dân chủ, kìm hãm sự tiến bộ xã hội. Xã hội càng phát triển, QLNN càng lớn thì yêu cầu của kiểm soát QLNN càng tăng lên.

Kiểm soát QLNN là để đảm bảo cho nhà nước thực thi hiệu quả các chức năng của mình, để buộc các công chức nhà nước phải tuân thủ pháp luật, không vi phạm quyền công dân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của truyền thông đại chúng trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở việt nam hiện nay (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)