Đặc điểm truyền thông đại chúng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của truyền thông đại chúng trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở việt nam hiện nay (Trang 41 - 44)

Hiện nay, ở nước ta đã hình thành một hệ thống TTĐC hoàn chỉnh với bốn loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, đảm nhiệm chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của tổ chức Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội, vừa là diễn đàn của nhân dân. Chỉ trong vài năm trở lại đây, hệ thống TTĐC nói chung và báo chí nói riêng đã trở thành một lực lượng hùng hậu. Tính đến nay, cả nước có 706 cơ quan báo chí với 1.016 ấn phẩm, trong đó có 194 cơ quan báo (81 ở trung ương, 113 ở địa phương), 592 tạp chí (475 ở trung ương và 117 ở địa phương); 67 đài phát thanh- truyền hình, trong đó có 2 đài quốc gia, 1 đài truyền hình kỹ thuật số, 64 đài cấp tỉnh. Ngoài hệ thống truyền hình quảng bá, hệ thống truyền hình trả tiền ở nước ta phát triển mạnh bằng nhiều loại hình công nghệ truyền dẫn như cáp, vệ tinh, số mặt đất và đang bước đầu thử nghiệm công nghệ IPTV. Trong lĩnh vực thông tin điện tử, cả nước có 61 báo điện tử và tạp chí điện tử, 191 mạng xã hội, hơn 1.000 trang thông tin điện tử tổng hợp1

Lực lượng phóng viên cả nước phát triển hùng hậu, với gần 17.000 người được cấp thẻ hành nghề, hàng nghìn phóng viên đang hoạt động báo chí chuẩn bị đến thời hạn cấp thẻ.

Thể loại TTĐC ngày càng phong phú. Diện mạo báo chí có nhiều tiến bộ theo hướng ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp. Bên cạnh một số loại hình

báo chí truyền thống như báo in, báo nói, báo hình, gần đây xuất hiện thêm báo điện tử, truyền hình cáp, bằng ưu thế của công nghệ, phát triển với tốc độ cực nhanh, mức tăng trưởng từ 60 - 70%/năm. Bắt đầu từ năm 1997, báo điện tử ở nước ta được chính thức hòa mạng Internet. Hơn 10 năm qua, báo điện tử đã phát triển mạnh mẽ trở thành công cụ hiệu quả trong việc thông tin tuyên truyền các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước tới nhân dân trong nước và quốc tế. Đến nay, số người sử dụng Internet của Việt Nam gần bằng 25% số dân, một mức khá cao ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung. Hằng ngày, một khối lượng lớn thông tin đa dạng từ các tờ nhật báo, các đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử với khả năng truyền tải rộng lớn, đã thu hút đông đảo công chúng không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài. Sự ra đời và phát triển vượt bậc của báo mạng điện tử cùng với khả năng tích hợp nhiều loại hình báo chí trên một thiết bị truyền thông hiện đại đã tạo ra khả năng to lớn cho việc truyền tải, thu nhận thông tin của các cơ quan báo chí và công chúng cả nước. Có thể nói, sự bùng nổ thông tin được dự báo khi bước vào thế kỷ XXI đã trở thành hiện thực trên đất nước ta.

Với những con số trên đây đã nói lên sự lớn mạnh của TTĐC Việt Nam trong gần 90 năm kể từ khi tờ báo cách mạng đầu tiên ra đời - báo Thanh niên (tháng 6/1925). Điều đó không chỉ nói lên sự phát triển khoa học và công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu xã hội mà còn thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với lĩnh vực báo chí, thông tin. Báo chí không những đã tuyên truyền, cổ động, góp phần tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước mà còn trở thành một nguồn thông tin dồi dào, mang hơi thở cuộc sống, góp phần giúp cho các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội, khoa học - kỹ thuật, văn hóa - nghệ thuật, đối ngoại,… kiểm nghiệm hiệu quả và phát hiện những vướng mắc trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách ở các ngành, các cấp, các địa phương.

Sự phát triển và mở rộng sự ảnh hưởng xã hội của báo chí đã góp phần nâng cao dân trí, thu hút sự quan tâm của họ tới các vấn đề chung của đất nước và quốc tế. Sự mở rộng các quan hệ kinh tế, chính trị, ngoại giao kéo theo sự mở rộng, khai thác, trao đổi thông tin trong và ngoài nước. Điều đó dẫn đến sự đa dạng hóa thông tin chuyển tải trên hệ thống báo chí. Hầu như mọi thông tin về các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của thế giới, khu vực và trong nước đều được cập nhật và phản ánh trên các phương tiện TTĐC. Theo khảo sát thực tế, TTĐC Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đã vượt xa các kênh thông tin khác như hành chính, giáo dục, giao tiếp xã hội… để chiếm vai trò là kênh thông tin lớn nhất, với khoảng 70% lượng thông tin được cung cấp cho công chúng. Không chỉ thế một số lĩnh vực như thời sự, chính trị, xã hội, dự báo biến đổi khí hậu, thời tiết, thiên tai… TTĐC đã giữ ưu thế tuyệt đối trong cung cấp thông tin [28, tr.41].

Đội ngũ những người làm TTĐC tăng nhanh về số lượng, có bước trưởng thành về chính trị, tư tưởng và nghiệp vụ. Từ năm 1986, bước vào thời kỳ đổi mới, đội ngũ cán bộ báo chí từ Trung ương đến địa phương đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Năm 1993, nước ta chỉ có hơn 1000 nhà báo, đến nay số người được cấp thẻ nhà báo là trên 17.000 người.

Nhìn chung, phần lớn các cơ quan TTĐC đã hoạt động đúng định hướng chính trị, đúng pháp luật, thực hiện tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các đoàn thể quần chúng, vừa là diễn đàn cùa nhân dân. TTĐC đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đồng thời phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước; góp phần tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cổ vũ, động viên phong trào thi đua yêu nước,

phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, chống “diễn biến hòa bình”, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. TTĐC cũng đã góp phần tích cực làm cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và nhân dân thế giới ngày càng hiểu rõ hơn đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, thành tựu đổi mới của nước ta. Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao những đóng góp quan trọng của báo chí trong các thời kỳ cách mạng trước đây và trong hơn 25 năm đổi mới vừa qua.

Có thể nói rằng, chưa bao giờ TTĐC nước ta đạt được trình độ phát triển cao như hiện nay, cả về số lượng, chất lượng, loại hình, công nghệ - ký thuật và đội ngũ những người làm TTĐC, và cũng chưa bao giờ vai trò, vị thế xã hội của TTĐC được xác định một cách rõ ràng như hiện nay. TTĐC đã và đang đóng vai trò rất quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, vào xây dựng và bảo vệ chế độ chính trị, cũng như nâng cao vai trò, quảng bá thương hiệu Việt Nam trong khu vực và trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của truyền thông đại chúng trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở việt nam hiện nay (Trang 41 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)