Truyền thông đại chúng giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước trong thực thi chức năng, nhiệm vụ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của truyền thông đại chúng trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở việt nam hiện nay (Trang 50 - 56)

nhà nước trong thực thi chức năng, nhiệm vụ

Trong những năm qua, TTĐC đã thể hiện vai trò giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước trong thực thi chức năng, nhiệm vụ góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật” để thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đi thẳng vào những vấn đề bức xúc trong xã hội, TTĐC đã đưa tin, phản ánh thực trạng hoạt động của các cơ quan QLNN và đã nhận được sự ủng hộ hưởng ứng của đông đảo quần chúng nhân dân. Thông qua hoạt động TTĐC, công chúng theo dõi, giám sát hoạt động của các cơ quan QLNN.

- TTĐC cung cấp thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Với lợi thế các chương trình trực tiếp trên các đài phát thanh và truyền hình, các sự kiện quan trọng về chính trị - xã hội đều được chuyển tải đến cho công chúng từ xa trong lúc sự kiện đang diễn ra. Đây là một kênh giám sát rất hiệu quả đối với người dân. Lúc này TTĐC chính là cầu nối trực tiếp để người dân giám sát, theo dõi những nội dung liên quan đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội mà họ đang quan tâm. Các chương trình tường thuật trực tiếp các phiên chất vấn của đại biểu quốc hội đối với các thành viên Chính phủ trong các cuộc họp Quốc hội trên đài phát thanh và truyền hình luôn được đông đảo người dân chú ý theo dõi. Qua đó cử tri cả nước và kiều bào ở nước ngoài nắm được tình hình hoạt động của các cơ quan nhà nước, chất lượng hoạt động của các thành viên Chính phủ. Đồng thời đây cũng là kênh thông

tin quan trọng giúp cử tri cả nước kiểm tra các đại biểu Quốc hội thực hiện chức năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, các báo đài đều lấy ý kiến, kiến nghị của đại diện cử tri cả nước về những dự án luật sắp được ban hành để Quốc hội thảo luận trước khi thông qua, hay những thắc mắc liên quan đến các vấn đề quan trọng của đất nước để những người lãnh đạo các Bộ, ngành giải đáp trước Quốc hội. Việc truyền hình trực tiếp các phiên họp Quốc hội đã giúp nhân dân có thể biết được các hoạt động đang diễn ra trong Quốc hội, qua đó có thể theo dõi và giám sát đối với những hoạt động này.

Truyền hình và phát thanh trực tiếp các phiên họp chất vấn của Quốc hội đã và đang ngày càng được xã hội quan tâm. Từ kỳ họp thứ 6, 7, 8 Quốc hội khóa XI, tại các phiên họp chất vấn, lần đầu tiên còn có sự tham gia trả lời trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ (được truyền hình trực tiếp). Điều đáng nói là tại các kỳ họp này, lần đầu tiên hai chuyên đề giám sát về giáo dục và đầu tư xây dựng được truyền hình trực tiếp (hai vấn đề gây bức xúc nhất hiện nay). Đây chính là bước đổi mới trong cung cấp thông tin đến cử tri cả nước về hoạt động của Quốc hội, giúp cho Quốc hội ngày càng gần dân hơn; các hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai và minh bạch hơn. Đến nay, các hoạt động đó vẫn được duy trì, chất lượng, quy mô ngày càng mở rộng và cũng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đồng bào cả nước nhiều hơn. Hai kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XIII trong năm 2011 được coi là những kỳ họp công khai, minh bạch nhất về những vấn đề của quốc gia, được truyền hình trực tiếp, báo đài cập nhật thông tin nhanh chóng, kịp thời.

Từ đầu năm 2012, vào các tối chủ nhật, chương trình thời sự của VTV phát sóng chuyên mục “Người dân hỏi, bộ trưởng trả lời”. Trong chương trình này, lần lượt các bộ trưởng trả lời các câu hỏi, giải đáp các vấn đề bức xúc của công chúng về cách điều hành của các cơ quan trực thuộc lĩnh vực họ

quản lý. Đây là một trong những thành công của các cơ quan TTĐC góp phần buộc các quan chức Chính phủ, các cơ quan nhà nước phải nâng cao chất lượng hoạt động, giảm dần các hành vi quan liêu, tiêu cực, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng công cộng.

- TTĐC giám sát quá trình thực thi các chính sách, pháp luật của các cơ quan nhà nước từ việc hoạch định chính sách cho đến khi chính sách được áp dụng vào thực tiễn.

Mặc dù không trực tiếp tham gia vào các quá trình phân tích chính sách như các cơ quan QLNN, song TTĐC có những đóng góp không nhỏ vào quá trình này. Thông qua TTĐC, các chính sách của các cơ quan QLNN được kiểm định, khảo sát bởi dư luận xã hội. Đại diện cho nguyện vọng của nhân dân, TTĐC theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá quá trình thực hiện chủ trương, chính sách, luật pháp để kịp thời phát hiện những nơi làm đúng, làm hay để biểu dương, khích lệ và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời cũng sớm phát hiện những “trục trặc”, những nơi làm dở, làm sai, những nơi vi phạm chủ trương, chính sách, luật pháp và từ thực tiễn đó, các cơ quan nhà nước có những biện pháp khắc phục và hoàn thiện để các chính sách phát huy hiệu quả. Bên cạnh việc tham gia xây dựng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước từ khi còn khởi thảo, TTĐC đã định hướng dư luận xã hội nhằm xây dựng, phản biện để góp phần hoàn thiện chúng từ khi bắt đầu đến lúc thực thi. Ngoài ra, TTĐC cũng thể hiện vai trò của mình trong việc phát hiện, tố cáo, phê bình và đưa ra công luận những sai sót trong việc thực thi pháp luật của một bộ phận lãnh đạo các cấp.

Chuyên mục “nghiên cứu và trao đổi” trên các tạp chí (Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Nhà nước và pháp luật) với những bài bình luận, phân tích, đánh giá, tổng kết các chủ trương, chính sách, đã cung cấp cho công chúng biết những nơi, những địa phương thực hiện tốt những chính sách, pháp luật của

Nhà nước. Có thể coi đây là một kênh thông tin quan trọng cung cấp cho công chúng những kiến thức về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, giúp cho công chúng có cách nhìn, cách đánh giá, cách hiểu và vận dụng những chủ trương, chính sách, pháp luật đó vào cuộc sống, từ đó góp phần tham gia vào việc hoàn thiện chính sách để chính sách phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Chính sách cấp phép để các cá nhân, doanh nghiệp khai thác khoáng sản có nhiều vấn đề cần phải nhất quán và thống nhất để tránh dẫn đến tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản tràn lan, khó kiểm soát và hậu quả là tàn phá môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống dân sinh. Trước thực trạng đó, TTĐC đã vào cuộc đưa tin, phản ánh hết sức phong phú, sinh động nỗi bức xúc của nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng, từ đó đã tác động đến các cơ quan nhà nước - những nhà hoạch định chính sách khiến họ phải thu hồi lại giấy phép khai thác khoáng sản. Những vấn đề này được phản ánh rõ nét trong những năm qua, đặc biệt vào năm 2010 trên internet (như trang điện tử

Dân trí, Vietnamnet,…) và các phương tiện TTĐC khác (báo Lao động, báo

Nhân dân, đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật…).

Trên báo Nhân dân số 19875 (tháng 1 năm 2010) với bài “Xử lý nghiêm việc khai thác than trái phép tại xã Tỉnh Nhuệ (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ)” đã phản ánh tình trạng khai thác than trái phép gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, điều kiện canh tác nông nghiệp của người dân. Tiếp đến là hàng loạt bài viết trên báo

Lao Động: “Bới tung rừng Phia Oắc (số 61/2010), “Bạc mặt vì có vàng” (số 65/2010), “Kon Tum “nóng” với đào đãi vàng sa khoáng: chính quyền xem nhẹ”, “Xẻ thịt vườn quốc gia Ba Bể (số 72/2010), “Ào ạt xẻ núi, đào than tại Đại Lộc (Quảng Nam), “Móc ruột tài nguyên, tận diệt môi trường” (số

75/2010)… và hàng loạt các bài viết phóng sự khác đã phản ánh tình trạng khai thác trái phép các nguồn khoáng sản như: than, vàng, bôxit, titan, nhôm… làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, hệ sinh thái và đời sống dân sinh, mục tiêu hướng tới là phê phán chính quyền địa phương chưa làm tốt chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền.

Trong những năm qua, vấn đề ùn tắc, tai nạn giao thông ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được coi là một trong những vấn đề nan giải, chưa có cơ quan, đơn vị nào đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng đó. Với đề xuất thay đổi giờ làm, giờ học ở các bậc học của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải được coi là giải pháp có tính đột phá đang được cả nước quan tâm và có nhiều thái độ khác nhau về chính sách này. Diễn biến về quá trình thực thi chính sách đó đang được các phương tiện TTĐC phản ánh, đưa tin, góp phần vào việc hoàn thiện chính sách và đem áp dụng thực tiễn.

Chuyên mục “Từ nghị quyết đến cuộc sống” trên kênh VTV1 được đánh giá là một trong những chương trình thành công và thu hút được đông đảo nhất sự quan tâm của khán giả xem truyền hình. Chương trình này mang đến cho công chúng cách nhìn, cách đánh giá việc thực thi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong thực tiễn như thế nào, từ đó có biện pháp khắc phục và hoàn thiện để đường lối, chính sách đó được áp dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả.

Các chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các đài phát thanh- truyền hình địa phương thu hút được sự quan tâm theo dõi của một lượng lớn khán giả. Từ đây các tin tức liên quan đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại… được liên tục cập nhật đến khán thính giả trong và ngoài nước. Việc thông tin đầy đủ các sự kiện chính trị - xã hội của đất nước, các đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, những phát ngôn chính thức của các đồng chí lãnh đạo cấp cao trong các bản

tin thời sự đã giúp cho người dân hiểu và giám sát được hoạt động của các cơ quan nhà nước, đồng thời thể hiện được mong muốn, nguyện vọng của mình với Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh những đóng góp tích cực của TTĐC trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, TTĐC còn có những đóng góp không nhỏ trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước thúc đẩy quá trình đổi mới cải cách hành chính. Quá trình này đang được TTĐC từng bước đẩy mạnh thông qua việc đa dạng hóa nội dung và hình thức thông tin, chủ động đưa các tin bài được ghi nhận và phản ánh từ nhiều nguồn, nhiều chiều một cách thường xuyên hơn nhằm tạo ra một cơ chế quản lý, giám sát bằng thông tin đối với việc thực thi các mệnh lệnh của các cơ quan nhà nước, góp phần tạo ra một môi trường có các thủ tục hành chính ngày càng thông thoáng. Những thông tin do báo chí phản ánh về những thủ tục gây phiền hà, hành dân, doanh nghiệp… đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ đạo xử lý kịp thời, giúp lấy lại lòng tin của nhân dân và doanh nghiệp. Từ năm 2001 - 2010 Tạp chíQuản lý nhà nước đã đăng tải hàng trăm bài liên quan đến cải cách hành chính, chiếm đa số tổng các bài đã đăng, tiêu biểu là: “Công tác tiếp dân và xử lý đơn thư ở Lâm Đồng, thực trạng và giải pháp” (số 2/2006), “Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa ở Ủy ban nhân dân cấp xã, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa... (số 2/ 2006), “Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở Bắc Giang (2/2006), “Cải cách hành chính ở Việt Nam - thành tựu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới”… Tạp chí Cộng sản đăng các bài: “Cải cách thủ tục hành chính từ khi Việt Nam gia nhập WTO đến nay” (số 1/2009), “Cải cách thủ tục hành chính và cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” (số 3/2010)… được dư luận đánh giá cao và có tác động lớn đến các cơ quan công quyền.

Những đóng góp và thành quả mà TTĐC đạt được trong việc góp phần giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước trong thực thi chức năng, nhiệm

vụ là không nhỏ. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế hiện nay do những điều kiện khách quan và chủ quan, hoạt động của TTĐC vẫn còn nhiều hạn chế. TTĐC chưa thực sự đạt tới trình độ xã hội hóa thông tin mà thực tiễn đòi hỏi, mới dừng lại chủ yếu ở những thông tin có tính thời sự. Một trong những lý do quan trọng là do trình độ lý luận và kinh nghiệm của các nhà báo, cán bộ nhân viên, biên tập viên chưa thực sự ngang tầm với nhiệm vụ, trong khi đó môi trường pháp luật lại thiếu đồng bộ. Hiện nay ở nước ta sự thiếu vắng một hành lang pháp lý chặt chẽ đã gây trở ngại không nhỏ đối với đội ngũ những người làm công tác báo chí, truyền thông, không khuyến khích họ phát huy khả năng và nâng cao trách nhiệm trong công tác. Mặt khác, do trình độ dân trí chưa cao, người dân chưa ý thức một cách đầy đủ về những quyền lợi chính đáng của mình, trong đó có quyền sử dụng phương tiện TTĐC như một công cụ thể hiện quản lý nhà nước, chưa thực sự tạo ra một sức ép đối với hoạt động TTĐC do đó, một số cơ quan TTĐC mới chỉ dừng lại ở mức độ truyền tải những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước chứ chưa chú trọng tới việc truyền tải thông tin phản hồi từ phía nhân dân. Đây là một trong những cản trở đối với quá trình quản lý và ra chính sách vì các cơ quan chức năng thiếu thông tin sát thực, phản ánh đúng tình hình đời sống kinh tế - xã hội thực tế hiện nay. Do đó, để góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý của nhà nước, các phương tiện TTĐC cần phải phát triển theo hướng chuyển phát thông tin nhiều chiều, nhằm tạo ra một cơ chế “giám sát và cân bằng” giữa những mệnh lệnh của nhà nước và thông tin của xã hội để góp phần chủ động hơn vào việc định hướng dự báo tổng kết thực tiễn để xuất hiện quá trình hoạch định chính sách với tư cách một người tham dự thực sự.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của truyền thông đại chúng trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở việt nam hiện nay (Trang 50 - 56)