Vai trò của truyền thông đại chúng trong kiểm soát quyền lực nhà nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của truyền thông đại chúng trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở việt nam hiện nay (Trang 35 - 41)

1.3.2. Vai trò của truyền thông đại chúng trong kiểm soát quyền lực nhà nước nhà nước

Trong nền chính trị hiện đại, TTĐC tham gia vào việc kiểm soát QLNN với đặc thù riêng là thông qua hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của mình. Xét về nội dung cũng như hình thức thì việc giám sát QLNN của TTĐC khác hẳn với các cơ quan công quyền có chức năng thực hiện quyền giám sát QLNN. Hầu hết các quốc gia dân chủ trên thế giới đều xác định TTĐC là một phương tiện quan trọng trong việc thực thi dân chủ và kiểm soát QLNN. Truyền thông tự do là phương tiện quan trọng để cung cấp thông tin cho nguời dân và thúc đẩy trách nhiệm chính trị. Điều này không những đảm bảo cho công chúng được thông tin một cách đầy đủ và chính xác về những gì đang xảy ra, mà còn hỗ trợ cho các nỗ lực giám sát xã hội và các hoạt động kiểm soát quyền lực mang tính nhà nước đối với hoạt động của các cơ quan công quyền.

Thông qua việc đưa tin, TTĐC là một trong những cầu nối giữa người dân và chính quyền. Với việc tuyên truyền chính sách của nhà nước đi vào cuộc sống, phát hiện và biểu dương những nhân tố mới, cổ vũ những phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát hiện và có thái độ đối với các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng…, TTĐC thể hiện vừa là chủ thể quan trọng, vừa là phương tiện thực hiện các mục tiêu chính trị.

Vai trò của TTĐC trong kiểm soát QLNN được thể hiện rõ trong những nội dung sau:

- Thứ nhất, TTĐC giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước trong thực thi chức năng, nhiệm vụ.

Dựa trên sức mạnh của mình, TTĐC giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước trong thực thi chức năng, nhiệm vụ bằng cách kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chính sách của đảng cầm quyền và nhà nước về tổ chức bộ máy nhà nước, về hoạt động hoạch định và thực thi chính sách. Để đáp ứng mục đích và yêu cầu của nhiệm vụ này, TTĐC phải phát hiện và công bố kịp thời những sai lầm, khuyết điểm, những khó khăn, ách tắc trong việc chỉ đạo và thực hiện các quyết định quản lý của các cơ quan nhà nước. Hoạt động của các cơ quan nhà nước đều được TTĐC kịp thời phản ánh trên công luận. TTĐC đăng tải, phổ biến, giải thích chính sách của nhà nước, các cấp, các ngành cho các tổ chức và các thành viên xã hội biết, hiểu, nhận thức và hành động trong thực tiễn. Đồng thời, TTĐC cũng cung cấp cho các cơ quan nhà nước những ý kiến phản hồi của công chúng về những vấn đề từ hoạch định chính sách cho đến các vấn đề nhạy cảm, xã hội bức xúc để các cơ quan nhà nước điều chỉnh cho phù hợp.

Theo các nhà phân tích, “không chỉ hoạt động với tư cách là một công cụ kiểm soát quyền lực, TTĐC còn là diễn đàn chính trị cho công chúng và các nhà lãnh đạo, kết nối người dân với các nhà chính trị nói chung và các nghị sỹ quốc hội nói riêng” [1, tr.136]. Thông qua và bằng hoạt động chuyên môn của mình, TTĐC là một phương tiện hữu hiệu góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh. Thông qua TTĐC, công chúng thực hiện quyền biết, làm, bàn và kiểm tra đối với các hoạt động của nhà nước, đấu tranh chống lại các hiện tượng tiêu cực, lạm quyền, tham nhũng, lãng phí trong các cơ quan nhà nước, từ đó góp phần xây dựng một nhà nước pháp quyền dân chủ, của dân, do dân, vì dân. Như vậy, TTĐC đã tạo điều kiện cho cả người dân và các cơ quan nhà nước cùng bày tỏ những mối quan tâm của mình về các vấn đề quốc gia đại sự.

- Thứ hai, TTĐC phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật của công chức nhà nước.

Trên cơ sở giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước trong thực thi chức năng, nhiệm vụ, TTĐC góp phần phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật của công chức nhà nước. Mục đích của cuộc đấu tranh này là nhằm khẳng định bản chất ưu việt của chế độ, phát hiện và nhân rộng các yếu tố tích cực, điển hình, nhân tố mới, đồng thời loại bỏ khỏi đời sống xã hội những hiện tượng có hại cho lợi ích của đất nước và nhân dân. “Một khi TTĐC phát hiện các nghị sỹ quốc hội có những điều khuất tất, họ có quyền điều tra, tìm kiếm sự thật và công bố sự thật đó trước công chúng” [1, tr.134].

Các hành vi vi phạm pháp luật của công chức nhà nước có thể kể đến các hiện tượng như: quan liêu, tham nhũng, lãng phí, lợi dụng chức quyền, ức hiếp dân chúng… Hầu hết các hiện tượng này đều được TTĐC phát hiện, điều tra, phản ánh một cách hiệu quả góp phần làm lành mạnh xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân vào chế độ chính trị, vào sự lãnh đạo của đảng cầm quyền và quản lý của nhà nước. TTĐC đã đi tiên phong trên mặt trận đầy khó khăn này. Nó được coi là “mũi nhọn”, là một trong những công cụ, phương tiện hữu hiệu giữa cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng.

Theo tinh thần đó, TTĐC tiến hành cuộc đấu tranh này một cách thường xuyên, kiên trì, cương quyết, dũng cảm và trách nhiệm trước nhân dân. Bằng các địa chỉ, tên người, số liệu, tư liệu cụ thể, xác thực, TTĐC đã nêu công khai trên công luận những vụ việc tiêu cực để dư luận biết, lên án, giúp các cơ quan chức năng điều tra, xử lý; giúp các tổ chức và cá nhân tự sửa chữa sai phạm của mình. Thực tế cho thấy nhờ có sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả của TTĐC mà nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, phản động… được đưa ra ánh sáng, xử lý kịp thời, đúng pháp luật.

- Thứ ba, TTĐC phản ánh thái độ của nhân dân đối với các tổ chức, cơ quan nhà nước.

Các tổ chức, cơ quan nhà nước là những cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân ủy quyền. Do vậy, nhân dân có quyền theo dõi, phát hiện, nhận xét, phản biện và kiến nghị; nhân dân có quyền có thái độ khen - chê, yêu - ghét, đồng tình - phản đối đối với các hoạt động của các tổ chức cơ quan nhà nước. TTĐC phản ánh thái độ, yêu cầu của nhân dân về chất lượng hoạt động của các cơ quan quyền lực, về trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của cán bộ nhà nước. Sự hoạt động hiệu quả của các cơ quan quyền lực, sự hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ nhà nước là điều kiện đảm bảo cho sự vận hành tốt của xã hội. Ý kiến của nhân dân về những hoạt động này vừa thể hiện tinh thần trách nhiệm công dân, trình độ dân chủ hóa đời sống xã hội, vừa có vai trò giám sát, cảnh báo để ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm xem xét những kiến nghị của nhân dân, giải quyết, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật và thông báo kết quả xử lý cho nhân dân, lựa chọn tiếp thu những sáng kiến của nhân dân, phối hợp, giúp đỡ, hướng dẫn, động viên và bảo vệ nhân dân khi họ thực hiện quyền giám sát của mình. Để làm được điều đó không phải ai khác mà chính TTĐC làm tốt hơn cả vai trò này. TTĐC là phương tiện, cầu nối giữa các tổ chức cơ quan nhà nước với nhân dân. Đường lối chính trị, chính sách pháp luật của các đảng và của nhà nước trong việc lãnh đạo, quản lý đất nước phải được xã hội nắm bắt, hiểu và tuân thủ để cùng góp sức xây dựng một đất nước ổn định, phát triển. Ngược lại, những suy nghĩ, mong muốn của người dân cũng cần được các cơ quan cấp trên nắm bắt để kịp thời bổ sung, hoàn thiện các chính sách và đường lối lãnh đạo đất nước, chứ không phải là thông tin một chiều từ trên xuống dưới. Do vậy, TTĐC có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chuyển tải những thái độ của công chúng đến với các

cơ quan QLNN làm cho các cơ quan này hoạt động một cách đúng mục đích và hiệu quả. Thông qua việc TTĐC kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, công chúng phát hiện ra các hành vi vi phạm pháp luật của công chức, từ đó có thái độ đối với những hoạt động đó, làm cho việc thực thi chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước đúng mục đích và đạt được hiệu quả.

Nói tóm lại, TTĐC là phương tiện đặc biệt quan trọng trong việc đặt ra và giải quyết một số loạt công việc ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có kiểm soát QLNN. Với sức mạnh và ảnh hưởng to lớn, với sự phong phú và sinh động của hàm lượng thông tin, với sự tác động nhiều chiều và đa dạng, TTĐC tác động cả chủ thể quản lý và khách thể quản lý.

TIỂU KẾT

Như vậy, toàn bộ các vấn đề liên quan trực tiếp đến kiểm soát QLNN, TTĐC, vai trò của TTĐC trong chính trị nói chung và trong kiểm soát QLNN nói riêng đã được tác giả luận giải. Khi đặt TTĐC trong mối quan hệ với kiểm soát QLNN chúng ta thấy vị trí, vai trò của nó là rất quan trọng. Tuy sự giám sát này không mang tính QLNN nhưng nó có tác dụng hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện các phương thức kiểm soát QLNN. Đây là những tiền đề có tính chất cơ sở chung, cần thiết cho việc tìm hiểu, phân tích thực trạng và những vấn đề đặt ra trong việc sử dụng hệ thống phương tiện TTĐC trong kiểm soát QLNN ở nước ta.

Chương 2

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của truyền thông đại chúng trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở việt nam hiện nay (Trang 35 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)