thần, cả lực lượng và thế trận được huy động trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân đều do nhân dân đóng góp, xây dựng.
- Nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân có sức mạnh tổng hợp do nhiều yếu tố tạo thành
Đây là đặc trựng thể hiện nội dung, các yếu tố cấu thành sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân của nước ta được xây dựng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, tinh thần, kinh tế, văn hoá, tư tưởng, khoa học, quân sự, an ninh… đối ngoại. Sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân là sức mạnh tổng hợp được tạo thành bởi tiềm lực mọi mặt của đất nước, bởi mọi nguồn lực như tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính cả ở trong nước, ngoài nước, của dân tộc và của thời đại. Trong đó, sức mạnh do những yếu tố bên trong của dân tộc giữ vai trò quyết định. Sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân là cơ sở, tiền đề và là biện pháp để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
- Nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được xây dựng toàn diện và từng bước hiện đại
Đây là đặc trưng thể hiện nội dung, phương hướng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân phù hợp với đặc điểm tình hình của đất nước, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Xây quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân toàn diện và hiện đại là tất yếu khách quan, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được xây dựng toàn diện trên các nội dung cả về đường lối, chiến lược, kế hoạch phòng thủ quốc gia, lực lượng, tiềm lực, thế trận, cơ sở vật chất dự trữ… về quốc phòng và an ninh.
Xây dựng các lực lượng, tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân phải căn cứ vào đặc điểm yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tình hình phát triển của đất nước để từng bước hiện đại hóa nền công nghiệp quốc phòng, sản xuất kết hợp mua sắm vũ khí trang bị nhằm từng bước hiện đại hóa Lực lượng vũ trang nhân dân. Một số lực lượng của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân xây dựng tiến thẳng lên hiện đại.
- Nền quốc phòng toàn dân gắn chặt với nền an ninh nhân dân
Đây là đặc trưng thể hiện mối quan hệ và yêu cầu trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân đều nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh là cơ sở để giữ vững hòa bình, ổn định, ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức và quy mô của kẻ thù xâm lược, làm cơ sở để xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh. Xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh để giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực phản động, bảo vệ đất nước an toàn, ổn định, phát triển bền vững. Đây là cơ sở để củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Mặt khác, kẻ thù xâm lược và các thế lực phản động thường xuyên cấu kết, chi viện, phối hợp để chống phá nước ta. Chúng tiến hành “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ để làm đất nước suy yếu, mất ổn định từ bên trong, tạo cớ để can thiệp, tấn công xâm lược từ bên ngoài.Nền quốc phòng toàn dân gắn chặt với nền an ninh nhân dân là yêu cầu tất yếu xuất phát từ vị trí vai trò của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Xuất phát từ mục tiêu, yêu cầu, đối tượng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
3.2. Nội dung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân
3.2.1. Xây dựng lực lượng quốc phòng, an ninh
Lực lượng quốc phòng, an ninh là những con người, tổ chức đảm bảo cho các hoạt động đáp ứng yêu cầu của quốc phòng và an ninh. Lực lượng quốc phòng, an ninh bao gồm lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quản lý. Đảng ta xác định: “Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt”1. Xây dựng lực lượng quốc phòng, an ninh tập trung xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang nhân dân.
3.2.1.1. Xây dựng lực lượng chính trị
Xây dựng lực lượng chính trị trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân bao gồm xây dựng các tổ chức và quần chúng nhân dân. Xây dựng các tổ chức là tiến hành xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, các tổ chức tự quản và các tổ chức khác hợp pháp của Nhân dân vững mạnh, phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Xây dựng lực lượng toàn dân.Thực hiện tuyên truyền, giáo dục, vận động Nhân dân phát huy quyền làm chủ và nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
3.2.1.2. Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân
Lực lượng vũ trang nhân dân gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ. Thực hiện:“ xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng: hải quân, phòng không - không quân, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật, cảnh sát biển, tình báo, cơ yếu, an ninh, cảnh sát cơ động, kỹ thuật nghiệp vụ, an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống… Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng ngày càng cao; xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, coi trọng lực lượng dân quân tự vệ biển và dân quân tự vệ ở các địa phương trọng điểm”2.
3.2.2. Xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh
3.2.2.1. Tiềm lực quốc phòng, an ninh
Tiềm lực quốc phòng, an ninh là khả năng về nhân lực, vật lực, tài chính, tinh thần ở trong nước và ngoài nước có thể huy động để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được thể hiện ở trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng tập trung ở tiềm lực chính trị, tinh thần; tiềm lực kinh tế; tiềm lực khoa học, công nghệ; tiềm lực quân sự, an ninh. Xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh là tập