1 Nghị quyết số 24, Hội nghị lần thứ 7, BCHTW Khóa XI.
7.1.2. Những yếu tố tác động đến việc hình thành nghệ thuật đánh giặc
7.1.2.1. Địa lí
Về vị trí địa lý, nước Nam giữ vị trí chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Đông Dương. Ở vùng đất có vị trí địa - chính trị, kinh tế nên nước ta luôn bị các thế lực đi chinh phục nhòm ngó, đe dọa, xâm lược. Vì vậy, dân tộc ta luôn có ý thức đề phòng, chuẩn bị mọi mặt để giữ nước từ sớm, từ xa. Thực tiễn lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn phải đứng lên chống lại thế lực xâm lược lớn. Quá trình đấu tranh giữ nước đã tôi luyện, hun đúc ý chí, tinh thần dân tộc, đúc kết kinh nghiệm, bài học nghệ thuật đánh giặc đặc sắc của dân tộc ta.
Về địa hình và khí hậu. Nước ta, với địa hình hơn ¾ là đồi núi, ao hồ kênh rạch, địa hình dốc thoải từ tây sang đông, chiều dọc dài, chiều ngang hẹp tạo nên địa thế đa dạng và hiểm trở. Nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng nóng, mưa nhiều, độ ẩm cao, thủy triều lên xuống trong ngày và có độ chênh cao, thời tiết khắc nghiệt. Trong quá trình giữ nước, cha ông ta đã dựa vào và khai thác triệt để các yếu tố về địa thế, địa hình, khí hậu thời tiết tạo nên “thiên thời”, “địa lợi” để đánh giặc. Sử dụng sức nhàn được chuẩn bị trước, đánh giặc từ xa đến không thông thuộc địa hình, không quen với khí hậu thời tiết – “dĩ dật đãi lao”. Dồn địch, buộc địch vào chỗ bất lợi để đánh.
7.1.2.2. Kinh tế
Nền kinh tế nông nghiệp, trồng trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt buộc con người phải năng động, dũng cảm, cần cù, thông minh, dựa vào nhau để bảo vệ thành quả lao động, bảo vệ cơ sở ruộng đất, cùng nhau xây hệ thống đê điều, tưới tiêu đã được kiến tạo qua nhiều thế hệ. Mỗi thành viên đều phải gắn bó với làng bản, quê hương, chung lưng đấu cật cùng chống thiên tai, cùng chống địch họa. Quá trình đó, nhân dân ta đã tích trữ lương lực, kinh tế đề phòng bị khi thiên tai, đây cũng là nguồn tích trữ bảo đảm về kinh tế để phòng địch họa.
Trong quá trình phát triển, dân tộc ta sớm nhận thức được quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước nên có nhiều tư tưởng, chủ trương và chính sách tiến bộ như “phú quốc, binh cường”, “nông binh bất phân”, “quân dân bất biệt”, “ngụ binh ư nông”, “khai hoang lập ấp nơi xung yếu”… để kết hợp xây dựng và chuẩn bị về kinh tế, đi đôi với củng cố quốc phòng làm nền tảng cho các cuộc đấu tranh chống xâm lược. Khi đất nước hòa bình thì vừa phát triển kinh tế đất nước, chăm lo nâng cao đời sống nhân dân vừa tích trữ lương thực, đúc rèn khí giới để phòng bị đất nước. Khi đất nước xảy ra chiến tranh, thì “vua tôi đồng lòng” vừa biết chăm lo giữ gìn bảo vệ kinh tế, vừa biết “chọn địch” - đánh vào kinh tế của địch, làm cho địch từng bước sa lầy và thất bại.
7.1.2.3. Chính trị, văn hóa – xã hội
Về chính trị. Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền được hình thành rất sớm trong lịch sử nước ta, cha ông ta luôn quan tâm xây dựng chính quyền vững mạnh mọi mặt, xác định chủ quyền lãnh thổ, tổ chức ra quân đội, đề ra các luật lệ, phép tắc để quản lý bảo vệ và xây dựng đất nước. Các nhà nước phong kiến Việt Nam có tư tưởng và chính sách tiến bộ, luôn gắn lợi ích quốc gia dân tộc với lợi ích của giai cấp cầm quyền và lợi ích của nhân dân; chăm lo bồi dưỡng sức dân, trọng dân, thân dân, tin dân, thực hiện nhiều chính sách như “khoan thư sức dân”, “việc nhân nghĩa cốt ở an dân” “tĩnh vi dân”, cứu nước gắn với cứu dân … tạo nên yếu tố “nhân hòa”, “vua tôi đồng lòng”, “tướng sỹ một lòng phụ tử”, “thù nhà nợ nước” là cơ sở động viên toàn dân xây dựng đất nước, đánh giặc giữ nước.
Về văn hóa – xã hội. Dân tộc Việt Nam ra đời, phát triển gắn với nền văn minh lúa nước và nghề đánh cá. Đây là cơ sở hình thành cộng đồng các dân tộc Việt Nam sống đan xen, đoàn kết, tương trợ, gắn bó v i nhau. Là cơ sở tạo nên truyền thống văn hóa với ý thức độc lập, tự chủ, tự tôn, tự hào dân tộc, hình thành luân lý, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “thương người như thể thương thân”, “nước mất nhà tan”… của người Việt Nam. Đây là cơ sở để tập hợp lực lượng, phát huy sức mạnh của nhân dân trong dựng nước và giữ nước với các kế sách “Trăm họ là binh, cử quốc nghênh địch, toàn dân giữ nước”, “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, ... trên nền tảng toàn dân đánh giặc với nghệ thuật “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”. Với ý thức dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ, dân ta sớm đã có ý thức tự đảm đương sự nghiệp giữ làng, giữ nước, vì quyền sống của giống nòi, của gia đình và bản thân, nên tinh thần sẵn sàng hy sinh chiến đấu đã thấm sâu vào mọi cộng đồng dân cư từ kinh kỳ đến làng xã. Văn hóa đó trở thành sức mạnh nội sinh, động lực được các triều đại phong kiến Việt Nam phát huy, xây dựng, vận dụng để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.