TRÊN CẤU TRÚC CÚ PHÁP CỦA CÂU VỚI VỊ TỪ TRAO/TẶNG
4.2.2 Khi Tiếp thể đƣợc chọn làm Vật đƣợc định vị
Trường hợp này giữa tiếng Anh và tiếng Việt có sự khác biệt hết sức rõ ràng. Trong tiếng Anh, khi NP thể hiện Tiếp thể được đưa lên đầu câu, thông thường cấu trúc bị động được sử dụng, ví dụ:
- I was given a job by Mr. Smith.
(Tôi được cho một công việc bởi ông Smith.)
- The girl was presented with a million roses by the artist. (Cô gái được tặng triệu bông hồng bởi chàng hoạ sĩ.)
Tác thể thường vắng mặt, và khi có mặt thì Tác thể luôn được thể hiện trong một giới ngữ với tác tử đánh dấu by. Lúc này TR là Tiếp thể, được định vị theo LM Đối thể. Rõ ràng khi Tác thể là một đối tượng bất định hoặc không có tầm quan trọng thoả đáng, nó không thể làm chức năng Mốc định vị LM cho Vật được định vị TR được. Do vậy, nó không xuất hiện. Chỉ khi nào nó có một số đặc trưng như tính khả định (identifiability) hoặc tính cụ thể (specificity), giúp cho nó có một độ nổi bật (prominence) nhất định thì nó mới có thể làm LM và xuất hiện trong câu ở giới ngữ với by. Cũng dễ thấy rằng người phát ngôn quan tâm nhiều hơn tới đoạn cuối của sự tình trao/tặng: Tiếp thể có được cái gì, chứ không phải đoạn đầu của sự tình: ai là Tác thể thực hiện hành động trao/tặng. Do vậy người phát ngôn đã chọn Tiếp thể làm TR và Đối thể làm LM. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, để nhấn mạnh, người phát ngôn chọn Tiếp thể làm TR nhưng vẫn sử dụng cấu trúc chủ động, ví dụ:
Ba Lan, quê hương ông, ông tặng trái tim.
- To his wife he bequeathed half the fortune, the other half he divided equally between his two sons.
Vợ ông, ông để lại một nửa gia tài, nửa kia ông chia đều cho hai đứa con trai.
Trái lại, trật tự Tiếp thể + Tác thể + Đối thể lại là trật tự phổ biến trong tiếng Việt, cho dù Tác thể có thể có tính bất định, ví dụ:
- Mái trường phượng vĩ dâng hoa.
(Hoàng Dương - Hướng về Hà Nội)
- Người bố mẹ nào có con vào ban xoè thì được quan cho của.
(Tô Hoài - Truyện Tây Bắc)
- Chính tôi được người ta trả nhầm cho vài hào.
(Nam Cao - Nhỏ nhen)
- Làm thân con gái, không bao giờ được làng chia phần ruộng.
(Tô Hoài - Truyện Tây Bắc)
Có thể thấy rằng trong tiếng Việt, dù Tác thể hay Tiếp thể được chọn làm TR, sự tương tác giữa Tác thể và Tiếp thể vẫn là yếu tố mang tính cố hữu (inherent), đương nhiên, có tính chất của một hành động khuôn mẫu (schematic act) đối với người Việt cho nên Tiếp thể thường được đặt ở vị trí gần Tác thể hơn so với Đối thể. Đó cũng là cách tri nhận thông thường của người Việt đối với sự tình trao/tặng, cho nên cách diễn đạt như của tiếng Anh:
*Làm thân con gái, không bao giờ được chia ruộng bởi làng. *Người bố mẹ nào có con vào ban xoè thì được cho của bởi quan.
khá xa lạ và khó chấp nhận đối với người Việt. Song nếu đổi lại trật tự một chút:
- Làm thân con gái, không bao giờ được ruộng làng chia. - Người bố mẹ nào có con vào ban xoè thì được của quan cho.
thì dễ chấp nhận hơn đối với người Việt. Như vậy có thể nói trật tự O3