Về số lượng tham thể trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với vị từ thuộc nhóm trao/tặng, nói chung đa số các tác giả đều nhất trí cho rằng nhóm vị từ này là nhóm tam trị, tức là trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu phải có ba tham thể bắt buộc (diễn tố) thể hiện ba đối tượng tham gia sự tình trao/tặng là người cho, người nhận và vật trao/tặng. Tuy nhiên có phải lúc nào những vị từ thuộc nhóm này cũng chỉ kết hợp với ba tham thể hay không, có thể ít hơn hay nhiều hơn ba tham thể không? Đây là một vấn đề cơ bản được quan tâm khảo sát trong nghiên cứu này, trên cơ sở quan niệm mở về ngữ trị của Đinh Văn Đức và Lyons, bao gồm kết trị có tính hằng thể, và diễn trị có tính chất động. Cụ thể là: vị từ trao/tặng được gọi là vị từ tam trị với nghĩa chúng có kết trị 3, nhưng ba diễn tố của chúng có thể là những tham thể gì, đặc trưng ra sao, quan hệ của chúng như thế nào, diễn trị của chúng có khả năng biến thiên đến đâu, chúng có thể kết hợp với bao nhiêu tham thể khác, v.v. là những điều cần phải được nghiên cứu.
Việc phân định diễn tố với chu tố là cần thiết để thấy được những vai nghĩa nào thể hiện những đối tượng bắt buộc tham gia trong sự tình với những vai nghĩa thể hiện những đối tượng không bắt buộc. Luận án cũng thống nhất với sự phân định diễn tố và chu tố như nhiều tác giả đã đề xuất. Song trong
thực tế ngôn ngữ tự nhiên, nhiều hiện tượng có những mức độ biến thiên khác nhau (gradience) trong một chuỗi liên tục (continuum) chứ không phải lúc nào chúng cũng diễn ra trên thế lưỡng cực (bipolar) âm - dương, đúng - sai như lôgíc hình thức; chẳng hạn như không nóng chưa chắc đã phải là lạnh mà giữa nóng và lạnh còn có hàng loạt các mức nhiệt độ khác nhau, gây ra cảm giác khác nhau đối với các cá thể tri nhận (individual conceptualizers) khác nhau. Nói cách khác, trong ngôn ngữ tự nhiên luôn luôn có vô số vùng mờ, khó phân lập (fuzzy zones).
Trong sự phân định các vai nghĩa cũng vậy. Frawley công nhận rằng giữa các vai này không có những đường ranh giới rõ nét mà có những vùng mờ, giao thoa nhau, chồng lấp lên nhau, giống như các vùng màu trong quang phổ Mặt trời. Ví dụ: trong thang độ tác nhân (agency scale) có những chỗ giao thoa giữa các vai, tạo điều kiện cho chúng có thể được nâng cấp (promoted) hay giáng cấp (demoted). Quan sát Dao trong Dao làm đứt tay bé à? (mẹ hỏi con). Trong câu này Frawley coi Dao là Chủ thể (Author), cao hơn vai Công cụ (Instrument) nhưng vẫn chưa phải là Tác thể (Agent) bởi vì nó trực tiếp thực hiện hành động nhưng không có nét [+Người] và cũng không có nét [+Chủ ý] (volition). Tuy nhiên, cần phải bổ sung vào cách phân loại của Frawley một điểm rất quan trọng mà nhiều tác giả như Cao Xuân Hạo (1992) đã nhấn mạnh: một vai nghĩa mà một tham thể nào đó đảm nhiệm có thể đứng ở vị trí diễn tố trong cấu trúc tham tố của một vị từ này nhưng có thể chỉ là chu tố trong cấu trúc tham tố của một vị từ khác. Ví dụ, trong
-Hôm qua là chủ nhật.
thì chủ nhật là một diễn tố thực sự, còn trong
- Tôi đi Cửa Lò về hôm chủ nhật.
Như vậy có nghĩa là không thể nhất loạt coi Tác thể, Thụ thể hay Tiếp thể luôn luôn là diễn tố, và liệt Thời gian, Cách thức hay Phương tiện vào hạng chu tố mà phải tuỳ thuộc vào từng vị từ hay nhóm vị từ cụ thể, phải xem những đối tượng nào được giả định một cách tất nhiên, đối tượng nào không được giả định một cách tất nhiên trong “khung vị ngữ” (theo thuật ngữ của Cao Xuân Hạo) hay trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu. Vị từ giả định những đối tượng nhất định, với những đặc trưng nhất định được phép tham gia cùng nó vào cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu. Nói cách khác, vị từ có những tiêu chí lựa chọn nghiêm ngặt. Ví dụ vị từ đá giả định phương tiện để thực hiện hành động phải là chân của một đối tượng [+Động vật tính], nghĩa là phương tiện chân là một chu tố có tính mặc định (default) trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu. Tư cách của nó hơn hẳn nhiều chu tố khác như Thời gian, Địa điểm, Phương thức. Mặc dầu vậy, không phải lúc nào nó cũng được thể hiện hiển ngôn trên cấu trúc cú pháp mà trong hầu hết các trường hợp nó được „hòa đúc‟ vào trong vị từ đá. Nó chỉ xuất hiện hiển ngôn khi phương tiện có tính cụ thể hoặc được nhấn mạnh ở một mặt nào đó, ví dụ Roy Kean đá bóng bằng má ngoài chân trái vọt xà ra ngoài cầu môn. Nghiên cứu này không quan tâm nhiều đến những chu tố đương nhiên, có mặt trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với mọi vị từ, ví dụ như các chu tố
Thời gian: lúc 4 giờ chiều ngày 20/11 trong buổi chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam,
Địa điểm: tại nhà hàng Nam Hải,
Mục đích: để thầy phấn khởi trước thành công của học trò mình
trong câu như Anh ta tặng sách cho thầy giáo cũ qua một người bạn lúc 4 giờ chiều ngày 20/11 trong buổi chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại nhà hàng Nam Hải với lòng biết ơn thầy để thầy phấn khởi trước thành công của học trò mình (ví dụ của Đào Thanh Lan, 2005). Bất kỳ một hành động nào
cũng phải xảy ra vào một thời điểm hay trong một quãng thời gian nào đó, ở một không gian nào đó, theo một cách thức nào đó, với một mục đích nào đó, vì một lý do nào đó, v.v. Vấn đề được tập trung khảo sát là những chu tố được giả định trong ngữ nghĩa của vị từ, có tư cách hơn hẳn những chu tố bình thường như vừa dẫn. Trong số những chu tố này có một số chu tố có khả năng thay thế cho một diễn tố nào đó trong những trường hợp nhất định. Những chu tố nào có khả năng đó sẽ được chỉ ra trong luận án này.
Tư liệu được khảo sát trong luận án là các câu trong tiếng Việt và tiếng Anh có vị ngữ là vị từ mang ý nghĩa trao/tặng, như một số ví dụ đã nêu ở trên. Các tư liệu này được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, nhằm đảm bảo tính xác thực (authenticity) và đa dạng (diversity) cũng như giá trị (validity) của tư liệu khảo sát. Luận án không thực hiện đối chiếu tiếng Việt với tiếng Anh hay một thứ tiếng nào khác mà chỉ nêu ra một số ví dụ để liên hệ, so sánh khi cần thiết mà thôi.
Cấu trúc ngữ nghĩa của câu vốn rất phức tạp, chúng tôi chưa có điều kiện bao quát hết được; do vậy luận án này chỉ tập trung vào cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu mà thôi.
Cần nói thêm rằng từ đây trở đi thuật ngữ „tham thể - participant‟ được dùng để gọi tất cả mọi thực thể (đối tượng) tham gia sự tình mà vị từ mô tả. Như vậy, thuật ngữ „participant – tham thể‟ ở đây không trùng với thuật ngữ
„participant‟ (đối lập với non-participant) mà Frawley (1992) đã sử dụng. Thuật ngữ „participant – tham thể‟ trong luận án bao hàm cả participant và
non-participant của Frawley, tức là gồm cả diễn tố và chu tố. Đây cũng là điểm khác biệt giữa thuật ngữ tham thể trong luận án này với thuật ngữ tham thể của Diệp Quang Ban (2004) (ông dùng tham thể để chỉ diễn tố, còn chu tố
được ông gọi là Cảnh huống). Cách gọi này trong luận án phù hợp với những quan điểm mới đây về vai nghĩa (Gildea và Jurafsky, 2002, Gasser, 2003;
García-Miguel và Albertuz, 2005): tất cả đều được gọi là participant – đối tượng tham gia sự tình; sau đó tùy từng mức độ tham gia mà chúng được chia thành core participant – tham thể lõi/nòng cốt, basic participant – tham thể cơ bản hay như vẫn thường gọi là diễn tố, và peripheral participant – tham thể ngoại vi hay chu tố theo cách gọi thông thường. Còn thuật ngữ „tham tố‟
được dùng để dịch thuật ngữ argument trong argument structure – cấu trúc tham tố bởi vì argument chỉ tương ứng với diễn tố chứ không bao gồm cả chu tố.