Diễn tố thứ nhất

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu có vị ngữ là vị từ mang ý nghĩa trao tặng (Trang 77 - 82)

TRONG CẤU TRÚC NGHĨA BIỂU HIỆN CỦA CÂU VỚI VỊ TỪ TRAO/TẶNG

2.3.1 Diễn tố thứ nhất

Đối với các loại vị từ hành động, tham thể đầu tiên phải có mặt trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu chỉ đối tượng người/vật thực hiện hành động do vị từ thể hiện. Cụ thể là với vị từ trao/tặng, tham thể đầu tiên chỉ người/vật thực hiện hành động trao/tặng. Tham thể này cần có những đặc trưng gì để có thể tham gia vào cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với tư cách là diễn tố thứ nhất, và những đặc trưng đó cho phép nó đảm nhận những vai nghĩa nào, tức là những quan hệ như thế nào với vị từ và các tham thể khác trong cấu trúc ngữ nghĩa ấy?

Trước hết, người/vật muốn thực hiện được hành động thì phải có năng lực thực hiện được hành động ấy, mà năng lực thực hiện hành động vốn gắn liền với đặc trưng [+Động vật] ([animate]), bởi chỉ có động vật là có khả năng tự khởi xướng, thực hiện hành động. Các thực thể phi động vật tính không có khả năng này. Điều đó có nghĩa là diễn tố thứ nhất phải có đặc trưng [+Động vật]. Hơn thế nữa, hành động trao/tặng là một hành động có chủ đích nên tham thể thứ nhất này lại càng không thể không có đặc trưng [+Động vật], vì chỉ có động vật mới có thể thực hiện hành động một cách có chủ đích. Đặc

trưng [+Động vật] bao hàm ý nghĩa [±Người], tức là diễn tố thứ nhất có thể là người hoặc [động] vật, nhưng thông thường là người. Ví dụ:

- Dòng máu cha vừa cho, Tổ quốc vua Hùng cho. - Chim tặng lời reo ca.

- He presented her with a million roses.

Chàng tặng nàng triệu bông hồng.

- Kepi gave me enough warmth to survive the snowy night outside their house.

(Con chó Kêpi cho tôi đủ hơi ấm để sống sót qua cái đêm tuyết rơi ngoài nhà họ)

Con Kêpi giữ ấm cho tôi qua được cái đêm tuyết giá ngoài nhà họ.

(Héctô Malô – Không gia đình)

Đặc trưng thứ nhất kéo theo đặc trưng thứ hai cần có đối với diễn tố thứ nhất là [+Kiểm soát]. Muốn thực hiện được hành động có chủ đích, người/vật khởi xướng và thực hiện hành động phải kiểm soát được hành động của mình, quản lý được diễn tiến của hành động, làm cho nó được thực hiện trọn vẹn, thành công. Đồng thời, kiểm soát ở đây còn bao hàm quyền mà người/vật thực hiện hành động được hưởng đối với đối tượng tác động của hành động, tức là vật trao/tặng. Do vậy, đặc trưng [+Kiểm soát] đi liền với đặc trưng thứ ba là đặc trưng [+Sở hữu]. Người ta không thể cho một người khác cái mà họ không có quyền kiểm soát hoặc không có quyền sở hữu ít nhiều. Ví dụ:

- Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền đó có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

- Vợ Tài lần lượt ra đưa bát, đĩa, thìa cho từng người. Khách ăn xong, lại ra đưa tăm, mời nước từng người.

(Tô Hoài – Truyện Tây Bắc)

- I always give way to the cyclists and pedestrians.

Tôi luôn nhường đường cho người đi xe đạp và người đi bộ. - The Trustees [of Boston University] hereby confer upon Dong Quang Lam the Degree of Master of Education.

Hội đồng Quản trị [Đại học Boston] nay cấp cho Lâm Quang Đông bằng Thạc sĩ Giáo dục.

Các cứ liệu cho thấy diễn tố thứ nhất đảm nhiệm vai Hành thể (Actor) có đầy đủ đặc trưng và những ý nghĩa kéo theo (entailment) của Tác thể (Agent) như [+Người], hoặc chí ít là [+Động vật], [+Chủ ý], [+Trách nhiệm], v.v.. chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 75%, trong khi vai Hành thể không đủ những đặc trưng ấy, ví dụ không có đặc trưng [Người] hay [Động vật] [Chủ ý], không phải là nguyên do trực tiếp của hành động trao/tặng và chỉ có thể coi là Chủ thể (Author), chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng 5% mà thôi. Chẳng hạn:

Tác thể (Agent)

- Cụ đưa luôn cho anh đầy tớ năm đồng. (Nam Cao - Chí Phèo)

- Hắn tặng Thúy những thứ quà đắt tiền.

(ví dụ của Nguyễn Thị Thu Hảo)

- Hổ biếu ta nửa con nai làm cái Tết (Tô Hoài - Truyện Tây Bắc)

- The teacher gave the girl a book.

Thầy giáo đưa cho cô bé cuốn sách.

Chủ thể (Author)

Bà đã cho con một sự giáo dục tuyệt vời. (với nghĩa có thể không trực tiếp dạy dỗ con cái mà chỉ tạo điều kiện cho chúng được đến trường và ăn học tử tế, ngoài việc răn dạy chúng ở nhà).

- Extracurricular courses such as Drama, Web Design, Art and Music give students opportunities to explore their creative side.

Các môn học ngoại khoá như Sân khấu, Thiết kế Trang Web, Nghệ thuật và Âm nhạc cho sinh viên cơ hội khám phá trí sáng tạo của mình.

Cá biệt có trường hợp vai Công cụ cũng tham gia, ví dụ:

-Đàn anh đã cho tôi dòng sông mang cánh buồm khát vọng.

(Trần Tiến - Mặt trời bé thơ)

-The car with automatic gears gave him more freedom and convenience.

Chiếc xe hơi với bộ số tự động cho anh ta tự do thoải mái hơn. - The flying shuttle gave a considerable increase to productivity, yet a massive layoff to the workers.

(Con thoi bay cho sự tăng đáng kể về sản lượng, nhưng sự sa thải hàng loạt đối với công nhân)

Con thoi bay làm sản lượng tăng đáng kể, nhưng lại khiến công nhân bị sa thải hàng loạt.

Như vậy, diễn tố thể hiện đối tượng đầu tiên tham gia vào hành động trao/tặng là Hành thể (Actor), và cả ba vai chủ yếu thuộc loại này là Tác thể (Agent), Chủ thể (Author) và Công cụ (Instrument) đều xuất hiện trong các cứ liệu được khảo sát với tỷ lệ khác nhau, trong đó cao nhất, chiếm ưu thế nhất là Tác thể (75%), trong khi vai Chủ thể chỉ chiếm 5% và Công cụ chưa đến 1%. Điều này cũng minh chứng cho Thang bậc Động vật tính (Animacy

Hierarchy) mà một số tác giả đã chỉ ra đối với các vai thuộc loại Hành thể (Actor) (Frawley 1992, Palmer 1994, Saeed 1997, Levin 2005, v.v.)

Hành động trao/tặng còn là một hành động chuyển vị – gây ra sự di chuyển đối với một đối tượng khác – đối tượng tác động của hành động, tức là vật trao/tặng. Người cho tác động tới vật trao/tặng khiến nó di chuyển tới một đối tượng tiếp nhận. Như vậy, trong sự di chuyển của vật trao/tặng, người cho đóng vai trò là tác nhân gây ra chuyển động, đồng thời là điểm xuất phát của chuyển động của vật trao/tặng. Khi không có ba đặc trưng nói trên, diễn tố thứ nhất chỉ là điểm xuất phát thuần tuý của vật trao/tặng mà thôi. Nói cách khác, ba đặc trưng nói trên thoả mãn các tiêu chí cần thiết để diễn tố thứ nhất đảm nhận vai nghĩa Tác thể (Agent) - người khởi xướng, thực hiện và kiểm soát hành động; còn ý nghĩa điểm xuất phát cho phép tham thể thứ nhất kiêm cả vai nghĩa Nguồn (Source), và khi không phải là Tác thể, tham thể thứ nhất chỉ là Nguồn, hoặc thậm chí chỉ là Địa điểm mà thôi. Ví dụ:

- Cây cho trái và cho hoa. - Sông cho tôm và cho cá.

- This land gives a very good crop of corn. (Đất này cho một vụ ngô rất tốt) Đất này được mùa ngô.

- The sun gives warmth.

Mặt trời cho hơi ấm.

Trong các nghiên cứu về vai nghĩa từ trước tới nay, vai Nguồn được hiểu rất rộng. Cụ thể trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với vị từ trao/tặng, vai Nguồn có thể là điểm xuất phát trong lộ trình dịch chuyển của vật trao/tặng, ví dụ:

- Ông quăng cho hắn năm đồng bạc. - Tom threw Mary the ball.

Tôm ném cho Mary quả bóng.

- [You] Hand me your paper and I‟ll correct it for you!

[Cậu] Đưa bài đây để tôi chữa cho!

Trong

- Anh bộ đội đến nhà cho em lòng dũng cảm.

- Người mẹ ấy lần này còn đem cho tôi những cảm xúc và những ý nghĩa sâu mạnh hơn.

- Cái buồn phải nhường chỗ cho những cái lo. - Heating gives metals more durability.

Nhiệt luyện cho kim loại độ bền cao hơn.

Nguồn lại là một đối tượng có tác động kích thích về tinh thần để tạo ra một vật trao/tặng trừu tượng lòng dũng cảm trong Tiếp thể em, hoặc là nguồn năng lượng để tạo ra đặc tính độ bền lớn hơn trong Tiếp thể kim loại, hoặc người mẹ là nguyên nhân dẫn tới những cảm xúc và những ý nghĩ sâu mạnh, hoặc những cảm giác thay thế nhau như cái buồncái lo. Nguồn cũng có thể chỉ đơn thuần là một địa điểm, vùng không gian mà ở đó vật trao/tặng được tạo ra, ví dụ:

- Đồng ruộng cho bông lúa.

- The Opera House gives “The Swan Lake” tonight. (Nhà hát lớn cho “Hồ Thiên nga” tối nay) Tối nay ở Nhà hát lớn diễn vở “Hồ Thiên nga”.

Các ví dụ trên cho thấy sự đa dạng về vai nghĩa mà diễn tố thứ nhất có thể đảm nhận.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu có vị ngữ là vị từ mang ý nghĩa trao tặng (Trang 77 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(191 trang)