CẤU TRÚC NGHĨA BIỂU HIỆN RÚT GỌN VÀ MỞ RỘNG CỦA CÂU VỚI VỊ TỪ TRAO/TẶNG
3.3.1 Chu tố Mặc định
Về nội dung nghĩa cơ bản nhất, cả send trong tiếng Anh và gửi trong tiếng Việt đều giả định rằng hành động trao/tặng xảy ra thông qua một đối tượng trung gian nào đó. Đối tượng trung gian này có nhiệm vụ nhận vật trao/tặng từ người gửi, sau đó chuyển vật trao/tặng qua một khoảng cách hoặc phương tiện nhất định rồi mới có thể trao cho người nhận. Như vậy, về thực chất có tới hai cuộc trao/tặng xảy ra, cuộc thứ nhất diễn ra giữa người gửi với đối tượng trung gian, cuộc thứ hai giữa đối tượng trung gian với người nhận. Tuy nhiên, cả hai cuộc trao/tặng này chỉ được thể hiện như một sự tình duy nhất bằng vị từ send/gửi. Ba diễn tố trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu, như đã phân tích, là Tác thể, Tiếp thể và Đối thể. Vậy đối tượng trung gian được thể hiện như thế nào, đảm nhiệm vai nghĩa gì ở đây?
Trong tiếng Anh, đối tượng trung gian này thường chỉ được thể hiện bằng một giới ngữ, ví dụ:
(i) I sent the EC the translated version of the draft 5-year socio- economic development plan for the period 2006 – 2010 by Express Mail Service (EMS).
Tôi gửi cho Uỷ Ban Châu Âu bản dịch Dự thảo Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 5 năm 2006 – 2010 qua/bằng Dịch vụ Chuyển phát nhanh EMS.
(ii) I will send you the contract through email. Tôi sẽ gửi cho anh bản hợp đồng qua thư điện tử.
(iii) I have sent you the gift through Mr. Brown. Tôi vừa gửi cho anh món quà qua ông Brown.
Có thể cho rằng EMS, email trong hai ví dụ (i) và (ii) thể hiện công cụ hay phương tiện thực hiện hành động send/gửi, do vậy chúng đảm nhận vai Công cụ hoặc Phương tiện. Nhưng trong (iii) không thể nói Mr. Brown là công cụ hay phương tiện được. Mặt khác, cũng một sự tình như trong (iii) có thể được diễn đạt theo nhiều cách khác, sử dụng những vị từ khác, ví dụ:
(iii.a) I have asked Mr. Brown to give the gift to you. Tôi đã nhờ ông Brown chuyển món quà cho anh.
(iii.b) Mr. Brown will give you the gift for me.
Ông Brown sẽ chuyển món quà tới anh hộ tôi.
hoặc Ông Brown sẽ giúp tôi chuyển món quà tới anh.10
Rõ ràng trong cả hai trường hợp (iii.a) và (iii.b) Mr. Brown là những diễn tố thực sự: trong (iii.a) Mr. Brown là Tiếp ngôn thể (theo thuật ngữ của Hoàng Văn Vân, 2005), còn trong (iii.b) Mr. Brown là Tác thể. Trong tiếng Việt, cách diễn đạt như
- Tôi vừa gửi cho anh món quà qua ông Brown
không phải là phổ biến, thậm chí còn bị coi là bất khả chấp. Sự tình như thế thông thường được diễn đạt là:
- Tôi vừa gửi ông Brown món quà cho anh
hoặc - Tôi vừa gửi ông Brown cho anh món quà.
Ngay cả trường hợp (i) và (ii) cũng thường được diễn đạt trong tiếng Việt là:
10
Ở đây thời của động từ không được chú trọng nhiều mà chúng tôi chỉ cố gắng diễn đạt sự tình thật rõ ràng. Thực chất, send/gửi trong những trường hợp như thế này không thông báo sự tình đã hoàn tất hay chưa, tức là vật trao/tặng đã đến được đích cuối cùng hay chưa. Nó chỉ đơn thuần thông báo người gửi đã thực hiện hành động đó, và vật trao/tặng đã dịch chuyển ra khỏi phạm vi kiểm soát - sở hữu của người gửi rồi. Trong thực tế nhiều thư tín, bưu phẩm đã gửi đi nhưng bị thất lạc, không đến được tay người nhận, hoặc người được nhờ không trao nó cho người nhận. Do vậy, với trường hợp (iii.b) chúng tôi dùng thời tương lai để thể hiện sự tình.
(i.a) Tôi gửi EMS cho Uỷ Ban Châu Âu bản dịch Dự thảo Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 5 năm 2006 – 2010.
(ii.a) Tôi sẽ gửi thư điện tử cho anh bản hợp đồng.
hoặc (ii.b) Tôi sẽ email [cho] anh bản hợp đồng
trong đó vị từ gửi được thay bằng email, một vị từ mới xuất hiện trong “thời đại @” gần đây.
Về cú pháp, ngữ đoạn ông Brown đứng ngay sau vị từ gửi, chiếm vị trí đáng ra là của Tân ngữ chứ không phải là một giới ngữ đứng sau các thành phần khác như trong tiếng Anh. Theo các nguyên tắc khai triển hay phóng chiếu (projection principles) của nhiều nhà cấu trúc luận như Chomsky, Haegeman, Pinker, chỉ có những bổ ngữ (complement) hay tham tố (argument) mới có thể được khai triển vào vị trí này trên cấu trúc cú pháp. Như vậy, ông Brown rất có thể là một tham tố trong cấu trúc tham tố (arrgument structure) của vị từ. Ông Brown không phải là một Diễn tố, một tham thể bắt buộc trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu như Tác thể, Tiếp thể hay Đối thể, nhưng cũng không hoàn toàn tuỳ nghi giống những Chu tố hay Cảnh huống như Thời gian, Lý do, v.v.. Đây là một loại tham thể riêng biệt, khác với Chu tố hay Cảnh huống ở chỗ nó được giả định cụ thể trong ngữ nghĩa của vị từ. Điều đó cũng có nghĩa là nó có một vị trí mặc định (default) trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu. Để phân biệt, tham thể này được tạm gọi là Chu tố Mặc định (Default Circumstants), còn các Chu tố theo cách hiểu thông thường được gọi là Chu tố Phi Mặc định (Non-default Circumstants).
Chu tố Mặc định này đảm nhiệm vai nghĩa gì? Như đã phân tích, đối tượng trung gian này tham gia vào hai cuộc trao/tặng khác nhau trong cùng một sự tình gửi: nó là đối tượng tiếp nhận vật trao/tặng từ người gửi, và là đối tượng thực hiện việc trao vật trao/tặng cho người nhận. Nó là Tiếp thể trong
cuộc trao/tặng thứ nhất và đồng thời là Tác thể trong cuộc trao/tặng thứ hai. Tuy là Tiếp thể, nó không có quyền sở hữu đối với vật trao/tặng; quyền đó thuộc về người nhận. Nó chỉ có quyền kiểm soát tạm thời đối với vật trao/tặng mà thôi. Xét về mặt không gian, vật trao/tặng dịch chuyển từ người gửi tới đối tượng trung gian này và đó chỉ là một nơi „trú ngụ‟ tạm thời; nó sẽ tiếp tục dịch chuyển tới đích cuối cùng là người nhận. Xét về mặt thời gian, quá trình dịch chuyển của vật trao/tặng cũng diễn ra lần lượt bắt đầu từ người gửi đến đối tượng trung gian rồi đến người nhận. Cách tri nhận sự tình theo không gian và thời gian như thế dẫn tới một trật tự hình tuyến như đã thấy:
- Tôi gửi ông Brown món quà cho anh.
hay - Mẹ tôi gửi bà Thanh cho tôi hai đồng.
Vai trò Tác thể của ông Brown hay bà Thanh trong cuộc trao/tặng thứ hai, hay giai đoạn hai của sự tình gửi không rõ rệt như vai trò Tiếp thể trong cuộc trao/tặng thứ nhất, do vậy vai nghĩa của đối tượng này được tạm gọi là Tiếp thể trung gian để phân biệt với Tiếp thể đích thực, có quyền kiểm soát - sở hữu thực sự đối với vật trao/tặng. Vả lại, thuật ngữ Tiếp thể trung gian cũng giúp phân biệt ông Brown, bà Thanh với thư điện tử hay EMS bởi ông Brown, bà Thanh là những đối tượng có đặc trưng [+Người], trong khi thư điện tử và EMS là những đối tượng [-Người].
Việc gọi vai nghĩa của đối tượng này là Tiếp thể còn có một nguyên do nữa là khả năng thay thế: đối tượng này hoàn toàn có đủ tư cách để thay thế cho Tiếp thể đích thực khi Tiếp thể đích thực không xuất hiện, không xác định hoặc chính Tác thể sẽ lấy lại quyền kiểm soát – sở hữu đối với vật trao/tặng. Tính chất trung gian, hay ý nghĩa quyền kiểm soát tạm thời, nơi „trú ngụ‟ tạm thời của đối tượng này đối với vật trao/tặng có thể thấy trong những ví dụ như:
thực là không có, nhưng nếu anh túng thì .... (Nam Cao – Chí Phèo) hoặc
- Cô ấy gửi con bà cụ An.
Dễ thấy tôi chỉ tạm thời giữ tiền của Binh Chức hay bà cụ An chỉ coi sóc đứa bé cho cô ấy chứ không phải là Tiếp thể thực sự, có quyền sở hữu - kiểm soát thực sự đối với tiền hay đứa bé. Binh Chức sẽ yêu cầu Bá Kiến trả lại tiền;
Cô ấy sẽ yêu cầu bà cụ An trao lại đứa bé vào một thời điểm nào đó, tức là vật trao/tặng sẽ trở lại trong phạm vi kiểm soát - sở hữu của người sở hữu chính danh.
Tuy nhiên, ở đây có thể nảy sinh một vấn đề: làm thế nào để phân biệt Tiếp thể chính danh với Tiếp thể trung gian trong những trường hợp chỉ có một Tiếp thể xuất hiện như:
- Chị ấy gửi tiền tôi. - Họ gửi tiền tôi.
- Em gửi bác hai chục gọi là tiền chè nước.
- Họ sẽ gửi cho Điền những bức thư xinh xinh ướp nước hoa.
- Mẹ tôi không gửi cho tôi lấy một lá thư, nhắn người thăm tôi lấy một lời và gửi cho tôi lấy một đồng quà.
Có thể giải thích rằng khi chỉ có một Tiếp thể xuất hiện, việc phân biệt Tiếp thể chính danh và Tiếp thể trung gian không thực sự cần thiết; việc phân biệt này chỉ cần thiết khi cả hai cùng xuất hiện để thấy rõ Tiếp thể nào là diễn tố, Tiếp thể nào là chu tố mặc định trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu và từ đó xác định tư cách cú pháp của chúng trong câu. Tất nhiên với những trường hợp cụ thể, rất giống nhau như Chị ấy gửi tiền tôi và Họ gửi tiền tôi cần phải dựa vào nhiều yếu tố khác như ngữ cảnh, quan hệ giữa các đối tượng mới có thể xác định rõ tôi là Tiếp thể trung gian hay Tiếp thể chính danh được. Hai trường hợp cụ thể này tiếp tục chứng minh khả năng thay thế cho Tiếp thể
chính danh của Tiếp thể trung gian, và cũng khẳng định vị thế Chu tố Mặc định của nó so với các Chu tố Phi Mặc định. Ở hai trường hợp sau cùng trong 5 ví dụ trên, sự hiện diện của cho đánh dấu vai Đắc lợi thể cùng với các quan hệ giữa những đối tượng họ và Điền, mẹ tôi và tôi giúp cho việc xác định Tiếp thể dễ dàng hơn: Điền và tôi là Đắc lợi thể, do vậy chúng hẳn là Tiếp thể chính danh, đối tượng có quyền sở hữu - kiểm soát thực sự đối với vật trao/tặng chứ không phải là một đối tượng trung gian nào cả. Trường hợp Em gửi bác hai chục gọi là tiền chè nước là nhằm tạo ra một tác động dụng học: phép lịch sự. Ý nghĩa gián tiếp của gửi tạo ra một khoảng cách nào đó giữa Tác thể và Tiếp thể, làm cho việc trả tiền lịch sự hơn, trang trọng hơn, dễ được chấp nhận hơn đối với người nhận khoản tiền đó. Rõ ràng là yếu tố dụng học này phải dựa vào ngữ nghĩa của vị từ gửi, tức là nghĩa nghĩa học (semantic meaning) hay nghĩa từ vựng (lexical meaning) có tác động quyết định tới nghĩa dụng học (pragmatic meaning).
Có thể có ý kiến cho rằng trong những trường hợp như
- Tôi gửi ông Brown món quà cho anh.
thì anh chỉ đơn thuần là Đắc lợi thể, người được hưởng lợi từ vật trao/tặng; vai Đắc lợi thể này không phải là một diễn tố mà chỉ là chu tố, nó có thể vắng mặt mà không ảnh hưởng tới tính toàn vẹn về nghĩa cũng như về cấu trúc cú pháp của câu. Tuy nhiên, khi không có sự hiện diện của anh, ông Brown
được nâng cấp (promoted) thành Tiếp thể và có thể được hiểu là kiêm cả vai Đắc lợi thể. Khi đối tượng anh xuất hiện với giới từ cho, anh là Đắc lợi thể, là người tiếp nhận cuối cùng và có quyền sở hữu - kiểm soát “hợp pháp” đối với vật trao/tặng, vậy anh phải là Tiếp thể chính danh, còn ông Brown chỉ là trung gian mà thôi.
Một số nhà cú pháp học có thể lập luận rằng món quà đó có thể dành cho chính ông Brown hoặc cho một người nào đó, và cho anh chỉ làm rõ thêm
món quà đó dành cho ai, tức là cho anh chỉ là một thành phần phụ, bổ nghĩa cho danh từ trung tâm món quà trong cả danh ngữ món quà cho anh chứ không phải là một thành phần độc lập, có tư cách tương đương với món quà. Nếu những quan điểm trên đây được chấp nhận thì rõ ràng tư cách Tiếp thể của ông Brown lại càng được khẳng định. Tuy nhiên, nếu theo con đường từ cú pháp đến nghĩa, khi chỉ thấy cho anh là thành phần phụ trong danh ngữ
món quà cho anh, và từ đó tuyên bố anh không có tư cách tương đương như
món quà thì chưa thoả đáng. Như đã phân tích, hai đối tượng ông Brown và
anh là những tham thể thực thụ trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu và hoàn toàn có thể thay thế được cho nhau:
- I send Mr. Brown the gift.
Tôi gửi (cho) ông Brown món quà
(nếu món quà dành cho chính ông Brown)
- I send you the gift.
Tôi gửi (cho) anh món quà.
Khi cả hai đối tượng cùng xuất hiện thì Tiếp thể chính danh, đồng thời là Đắc lợi thể - người hưởng lợi hợp pháp đối với vật trao/tặng phải được đánh dấu bằng cho, còn Tiếp thể trung gian được đánh dấu bằng một tác tử (particle)
zêrô. Kết quả khảo sát cho thấy không có trường hợp nào cả hai đối tượng này đều được đánh dấu bằng cho:
*Tôi gửi cho ông Brown món quà cho anh.
Trong tiếng Anh cũng không có trường hợp nào như: *I send through Mr. Brown the gift for you.
Như vậy, dù theo quan điểm nào trong những quan điểm trên đây thì cũng có thể thống nhất được rằng trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với vị từ send/gửi, ngoài ba diễn tố Tác thể, Tiếp thể và Đối thể còn có các Chu tố Mặc định và Chu tố Phi Mặc định. Chu tố Mặc định này có thể đảm nhiệm
vai nghĩa Phương tiện (Means) hoặc Công cụ (Instrument) khi nó có đặc trưng [-Người], còn khi nó có đặc trưng [+Người], vai nghĩa của nó là Tiếp thể Trung gian (Intermediary Recipient). Bảng 7 thể hiện cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với một vị từ trao/tặng cụ thể là send/gửi có thể được bổ sung như sau: Diễn tố Chu tố 1 2 3 Chu tố Mặc định Chu tố Phi Mặc định Tác thể Chủ thể Nguồn Địa điểm Công cụ Tiếp thể Đích Nghiệm thể Địa điểm Đắc lợi thể Thụ thể Đối thể Tạo thể Công cụ
Tiếp thể trung gian Phương tiện Công cụ Thời gian Phương thức Lý do v.v..
Bảng 8: Cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với vị từ send/gửi
Trên thực tế, kết quả khảo sát cho thấy Chu tố Mặc định không chỉ có mặt trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với vị từ send/gửi mà còn với một số vị từ khác trong số các vị từ mang ý nghĩa trao/tặng, ví dụ:
- Bà trao anh gói quà cho các cháu. - Bà đưa anh gói quà cho các cháu.
- Bộ Y tế đã cấp Viện Lao Trung ương đủ cơ số thuốc cho bệnh nhân.
Ngoài Chu tố Mặc định này, trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với vị từ trao/tặng, đặc biệt là send/gửi, còn có những Chu tố Mặc định khác nữa, như sẽ được tiếp tục trình bày và thảo luận dưới đây.