Cấu trúc hình thức thể lục bát

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Thơ lục bát từ truyền thống đến hiện đại (Trang 47 - 54)

Chƣơng 1 TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

2.2. Đặc trưng thể loại của thơ lục bát

2.2.1. Cấu trúc hình thức thể lục bát

2.2.1.1. Khuôn khổ của thơ lục bát

Đúng như tên gọi của nó, ‘lục bát’ là cách gọi của tiếng Hán Việt, nghĩa là

‘sáu tám’. Đó là thể thơ liên tiếp gồm các câu thơ mở đầu là câu lục (6 chữ) và tiếp đến là câu bát (8 chữ) xen kẽ nhau và kết thúc bằng câu bát (8 chữ). Cấu trúc hình thức của lục bát gồm hai dòng trong một khổ với tiếng cố định: dòng 6 tiếng (câu lục) và dòng 8 tiếng (câu bát). Một đơn vị tế bào, chỉnh thể tối thiểu của lục bát gồm một cặp 6 tiếng + 8 tiếng, được hoàn chỉnh về mặt ngữ nghĩa và cấu âm theo chiết đoạn trong quy luật hòa thanh của âm nhạc. Vì vậy, lối lục bát ca dao chỉ cần một cặp 6/8 cũng có thể diễn tả được đầy đủ quy luật và ý nghĩa của một tứ thơ:

Muốn cho biển hẹp như ao

Bắc cầu đòn gánh mà trao nhân tình

Bài thơ lục bát thường được mở đầu bằng câu sáu chữ và kết thức bằng câu tám chữ và cũng không bị giới hạn bởi số câu. Do vậy, có những bài thơ ngắn chỉ gồm hai câu nhưng cũng có những bài thơ dài đến hàng ngàn câu như Thiên Nam ngữ lục gồm 8.136 câu, Truyện Kiều gồm 3.254 câu. Quá trình sắp xếp của các dòng 6/8 được ấn định dù là một âm hình so le về số lượng âm tiết nhưng vẫn đảm bảo đều đặn về tiết điệu và âm vị học: sự đối lập cao thấp, trầm bổng của trọng âm, kéo theo luật bằng trắc, cách vận động

đều đặn của nhịp thơ cũng như hiệp vần đảm bảo sự tương đồng trong chuỗi những dị biệt về âm vị học. Đặc biệt, lục bát sử dụng các hình thức điệp nối kết các ngữ đoạn với nhau để đảm bảo về ngữ pháp âm thanh, nhạc điệu của thơ là “sự đồng vọng” của một chuỗi sóng âm mang lại chức năng thi ca và cảm xúc thẩm mỹ. Thông qua những âm hình cơ bản đó, có thể kết luận rằng lục bát chính là thể thơ nhạc cổ điển mẫu mực có giai điệu, tiết tấu hài hòa, nhịp phách rõ ràng, ngôn từ trong sáng, ý nghĩa sâu sắc.

2.2.1.2. Luật bằng trắc trong thể lục bát

Thể lục bát có quy luật thơ rõ ràng và chặt chẽ, theo nguyên tắc, đối với mỗi bài thơ thường bao gồm một hoặc nhiều cặp các câu lục bát, mỗi cặp tuân theo quy luật sau đây (b = bằng; t = trắc):

- Câu lục: b B t T b B - Câu bát: b B t T b B t B

Cách sắp xếp, vị trí của hai câu phải được đặt ở giữa dòng. Câu bát bao giờ cũng tịnh tiến ra ngoài hai chữ so với câu lục. Quy luật bằng trắc cũng quy định những chữ viết hoa trong câu phải đúng nguyên tắc và ngược lại đối với các chữ còn lại thì có thể không theo quy luật. Chính vì vậy, đối với thơ lục bát, dân gian thường cho rằng chỉ cần tuân thủ „chẵn bó buộc, lẻ tự do’. Có thể lấy ví dụ ở hai câu thơ tuân theo quy luật đó trong Truyện Kiều:

Long lanh đáy nước in trời

Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng

Tuy nhiên, cũng có thể các câu lẻ của câu lục và câu bát không tuân theo quy luật âm bằng trắc như đã nói ở trên. Ví dụ như, cũng trong Truyện Kiều: Được lời như cởi tấc son

Vó câu rong ruổi nước non quê người

Điều này cho thấy, nguyên tắc các âm bằng trắc của các chữ lẻ được tùy tiện mà vẫn đảm bảo quy luật nói trên.

2.2.1.3. Cách gieo vần

Trong quan niệm về cấu tạo của thơ ca, vần (hay vận) đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là những thể thơ cổ điển. Vần (vận) có thể được hiểu đó là những tiếng có cùng thanh. Muốn gieo vần buộc phải hiệp vận (nghĩa là sử dụng đúng vận từ); chẳng hạn: hòn, non, mòn, con... Cũng có một số trường hợp gieo vần không đúng cách thì bị lạc vận, ví dụ như gieo vần mưa/mây. Nếu gieo vần nhưng không hiệp vần thì gọi là cưỡng vận, ví dụ: tin/tiên. Tùy theo các thanh (dấu) kèm theo vần mà có thể xếp nó thuộc vần bằng hay vần trắc, chẳng hạn: vần “an”, “an”, “àn” là vần bằng, “án”, “ản”, “ãn”,“ạn” là vần trắc.

Riêng đối với thể lục bát người ta thường sử dụng cách gieo vần bằng là phổ biến kết hợp với gieo vần chân và vần lưng. Sự hiệp vần được tạo ra bởi tiếng cuối cùng của câu lục hiệp vần với tiếng thứ 6 của câu bát, tiếng thứ 8 của câu bát lại hiệp vần với tiếng 6 của câu lục tiếp theo, tạo thành một chuỗi liên tiếp. Hai phép gieo vần chân - lưng được đối đắp đều đặn chính là nét đặc sắc trong cách biến đổi âm điệu của câu bát.

Mỗi câu thơ đều có sự sắp xếp gieo vần theo lối vần chính và vần phụ. Vần chính là vần gieo ở câu trước, vần phụ là vần gieo ở câu sau. Câu sau cũng có thể cùng vần với câu trước, nghĩa là cả hai cùng thuộc vần chính. Đối với những câu trong cùng một đơn vị câu có cả vần lưng và vần chân giống nhau thì được gọi là phong yêu (lưng ong). Tuy nhiên, để câu thơ mượt mà và trau chuốt thì tuyệt đối nên tránh sử dụng phong yêu. Để khắc phục lạc vận và lân vận hay vần thông đòi hỏi trong thơ lục bát các vần của câu phải nối tiếp nhau và là cùng vần (vần chính).

2.2.1.4.Luật phối thanh

Luật phối thanh được gọi là sự kết hợp giữa các thanh bằng và trắc trong câu thơ lục bát. Các tiếng chẵn (2) và (6) phải là thanh bằng, chúng đối nhau qua thanh trắc (4); đến câu bát lại có thêm một nhịp bằng, nhưng bằng (6) và

bằng (8) phải đối nhau về âm vực trầm (thanh huyền), bổng (thanh ngang). Chẳng hạn như bốn câu thơ đầu trong bài Ngậm ngùi của Huy Cận:

Nắng chia nửa bãi chiều rồi Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu Sợi buồn con nhện giăng mau Em ơi hãy ngủ, anh hầu quạt đây

Câu thứ hai, „đôi‟ là thanh phù bình (tiếng không dấu) và „rầu‟ là thanh trầm bình (tiếng có dấu huyền). Câu thứ tư, „hầu‟ là thanh trầm bình và „đây‟ là thanh phù bình.

Hình thức và cấu trúc của thể lục bát hoàn chỉnh có nguyên tắc rõ ràng quy định ba vị trí gần như tuyệt đối phải tuân thủ trong luật phối thanh là tiếng thứ 4 - vần trắc, tiếng thứ 6 - vần bằng và tiếng thứ 8 vần bằng (nhưng đối thanh ở dòng bát). Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và biến đổi của lục bát, bên cạnh sự phổ biến tiếng thứ 6 là vần bằng thì một số ít lời ca dao ở vị trí này vẫn sử dụng vần trắc. Tác giả Vũ Ngọc Phan trong toàn bộ công trình sưu tập

Tục ngữ, ca dao dân ca Việt Nam khi khảo sát đã chỉ ra 5 lời ca dao dạng nói trên; ví dụ:

Em thương, không thương nỏ biết Em thốt nhiều lời thảm thiết hơn thương

Mặt khác, trong lục bát vần trắc thường chỉ tồn tại ở một dòng câu trong một đơn vị tác phẩm, do bản thân tiếng thứ 8 dòng bát đã bắt buộc quay về với vần bằng:

Tò vò mà nuôi con nhện Đến khi nó lớn, nó quện nhau đi Tò vò ngồi khóc tỉ ti

Nhện ơi, nhện hỡi, nhện đi đằng nào?

Do xuất xứ từ ca dao mà có sự hiện tồn ít ỏi của lục bát vần trắc trong một đơn vị thơ và đa số ca dao chính là phần lời cơ bản của dân ca.

Nghiên cứu Truyện Kiều của Nguyễn Du, có thể thấy trong tổng số 3.254 câu lục bát, ông cũng chỉ 7 lần sử dụng vần bằng ở tiếng thứ tư. Đối với ca dao, do số lượng rất nhiều cho nên chúng tôi chưa thể thống kê được có bao nhiêu câu lục bát sử dụng vần bằng ở tiếng thứ tư, nhưng một điều chắc chắn là không nhiều. Với số lượng ít ỏi các dòng lục bát sử dụng vần bằng ở tiếng thứ tư cũng là cơ sở cho chúng ta thấy được dấu hiệu sót lại của quá trình chọn lọc và hoàn thiện quy luật phối thanh hài hòa, thanh thoát, nhịp nhàng của thể thơ lục bát hiện đại.

2.2.1.5. Nhịp thơ

Nhịp thơ cũng là một trong những đặc trưng cơ bản của thể lục bát. Sự tiếp biến, luân chuyển linh hoạt, đều đặn của vần điệu và âm vực giữa các thanh điệu một cách hài hòa, nhịp nhàng trầm bổng khiến cho người đọc thấy cuốn hút và say mê. Thuật ngữ rhythm (nhịp điệu) được bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ là rhythmos, có nghĩa là thủy triều. Đây là cách ám chỉ vòng tuần hoàn lên xuống đều đặn trong những khoảng cách nhất định. Là thể thơ coi trọng thanh bằng, lục bát luôn lấy thanh bằng làm chính cho nên tạo ra được độ mềm mại của âm điệu một cách hiệu quả nhất. Ở các vị trí thứ 6, thứ 8 của câu lục và câu bát luôn được ổn định nhưng vẫn đảm bảo sự tuần hoàn cho các thanh điệu để tạo thành nhịp thơ.

Đặc thù của lục bát thường ngắt nhịp chẵn và chỉ có một loại nhịp cơ bản nhằm tạo ra âm luật cho câu. Mỗi nhịp lục bát sẽ gồm hai tiếng, các nhịp hai âm tiết kết hợp với nhau sẽ tạo ra dòng bát. Nhịp của lục bát gồm hai tiếng, nghĩa là các dòng lục bát dựa trên sự tổ hợp trực tiếp từ các nhịp gồm hai âm tiết:

Cày đồng/ đang buổi/ ban trưa

Mồ hôi/ thánh thót/ như mưa/ ruộng cày (Ca dao)

Cách ngắt nhịp nói trên trong thực tế không phải lúc nào cũng được sử dụng ở thơ lục bát. Khi cần sự phá cách khỏi những quy chuẩn máy móc của lục bát, người ta thường cách tân lối ngắt nhịp đó theo hướng tự do, cởi mở hơn sao cho có thể bộc lộ được cảm xúc và tư duy một cách hiệu quả nhất qua lời thơ. Trong công trình Thơ ca Việt Nam - hình thức và thể loại, để có thể nhận diện nghiên cứu và phân loại thơ lục bát, các tác giả đã chia dòng 6 chữ của lục bát có 6 dạng ngắt nhịp phổ biến và dòng 8 chữ của lục bát có 10 dạng ngắt nhịp phổ biến.

Nhịp lẻ ở câu lục cũng thường xuất hiện trong lục bát truyền thống, ví dụ: “Người lên ngựa/ kẻ chia bào” (Truyện Kiều); đối 6 tiếng đầu trong câu bát cũng hay được các thi nhân sử dụng, ví dụ: “Rằng vâng lệnh/ ngự một lòng/ kính thay” (Nam Hải Quan Âm Phật sự tích ca). Trong lục bát hiện đại, cách ngắt nhịp 3/3/2 ở câu bát cũng có thể cho thấy sự phóng túng, hay đó là một thủ pháp nghệ thuật để nói lên cảm xúc, tiếng lòng của thi nhân:

Dòng nước chảy, tiếng chèo bơi

Gió bên sông/ quyện tiếng người/ bên sông

(Nhớ quê - Chu Long) 2.2.1.6. Đối

Trong quy luật của thơ lục bát không có quan niệm sự cần thiết phải có đối. Nhưng do đặc điểm phổ biến làm nên sắc thái cho thể thơ này chính là tiểu đối và đối thanh ở hai tiếng thứ tư hoặc thứ sáu với tiếng thứ tám của của câu bát, nghĩa là, khi sử dụng một tiếng có thanh huyền thì tiếng còn lại bắt buộc phải là thanh ngang và ngược lại. Không chỉ dừng lại ở đối thanh, đối âm mà còn cả đối ý và có khi đối cả ý lẫn thanh. Ví như cách đối nội bộ trong một dòng thơ sau đây:

Chồng yêu cái tóc nên dài

Cái duyên nên đẹp / cái tài nên khôn (Ca dao)

Mai cốt cách / tuyết tinh thần

Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười (Truyện Kiều)

Nghệ thuật đối đã phát huy tác dụng biểu đạt ý nghĩa và làm trong sáng, mượt mà cho các câu lục bát. Đôi khi, thi sĩ muốn tạo ra sự cân xứng giữa các đối tượng, hoặc liệt kê hay nhấn mạnh một hiện tượng, sự việc… người ta cũng tăng cường sử dụng hình thức đối này.

2.2.1.7. Cấu tứ

Tứ thơ chính là ý tưởng bao quát của toàn bài thơ biểu hiện trong sự liên kết những cảm xúc, suy nghĩ và hình ảnh, biểu hiện trong dạng cấu tạo và phát triển của hình tượng thơ. Còn cấu tứ là cách cấu tạo, tổ chức sự vận động của tứ thơ. Đối với lục bát, tứ thơ thường là ý tưởng, sắc thái cụ thể của đời sống qua các hình ảnh và sự việc, sự kiện hay tâm trạng mà thi sĩ lựa chọn để bộc bạch. Chẳng hạn, trong bài ca dao Tát nước đầu đình, tứ thơ cụ thể là mượn hình ảnh chiếc áo bị bỏ quên trên cành sen, để cấu tứ vận động tới lời xin áo, ý muốn trả công khâu áo, rồi lời tỏ tình và cầu hôn. Một tứ thơ có thể có nhiều cấu tứ khác nhau nhằm chuyển tiếp hoặc muốn nói một ý nghĩa mới. Có những hình ảnh cùng được sử dụng nhưng lại mang những cấu tứ khác nhau, ví như cùng hình ảnh tằm với tơ, ca dao viết:

Đã sinh ra kiếp con tằm

Dẫu không nhả kén cũng nằm trong tơ Truyện Kiều lại viết:

Dù cho sông cạn đá mòn

Con tằm đến thác hãy còn vương tơ

Sự vận động lời, ý và ý nghĩa khác nhau của câu thơ là hoàn toàn phụ thuộc vào cấu tứ.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Thơ lục bát từ truyền thống đến hiện đại (Trang 47 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)