Lục bát truyện thơ Nôm

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Thơ lục bát từ truyền thống đến hiện đại (Trang 94 - 98)

Chƣơng 3 GIÁ TRỊ CỦA THƠ LỤC BÁT TRUYỀN THỐNG

3.3. Thơ lục bát truyền thống những trường hợp điển hình

3.3.3. Lục bát truyện thơ Nôm

Trong văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX, lục bát truyện thơ Nôm tương đối phổ biến và được sử dụng rộng rãi tạo nên một hiện tượng đặc sắc cho văn học dân tộc.

Lục bát truyện thơ Nôm với đặc điểm nổi bật của nó là tính chất tự sự, được sử dụng nhằm thay thế cho văn xuôi, đồng thời cũng là một cách để đưa ngôn ngữ dân tộc bước đến một giai đoạn phát triển mới. Bằng những nội dung phản ánh chân thực hiện tại khách quan của đời sống theo cách đặc biệt, truyện lục bát thơ Nôm cho thấy những sáng tạo tài tình của người Việt. Đây là hình thức dùng thể thơ bản địa để chép truyện, sử dụng âm vận dân gian, gợi khả năng ghi nhớ cao, kết hợp lối truyền khẩu. Đặc tính nghệ thuật của thể truyện thơ Nôm lục bát là hàm súc mà dân dã đã tạo ra hiệu ứng tốt, khiến nó nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong đời sống quần chúng. Truyện thơ Nôm lục bát đã tạo được những thành công nhất định trong nền văn học dân tộc. Tiêu biểu cho những đóng góp này phải kể đến các tác phẩm diễn ca lịch sử như Thiên Nam ngữ lục, tính chất tự sự được biến đổi, vận động liên tục cho phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ cộng đồng.

Xuất hiện và đi vào thơ Nôm, thể lục bát chữ Nôm được ra đời nhằm làm phù hợp với điều kiện lịch sử xã hội đương thời. Mặc dù, lục bát vốn không được trí thức nho gia Việt Nam do chịu ảnh hưởng của văn học Trung Hoa thừa nhận và quan niệm là Thi; bởi số âm tiết dài ngắn trong các câu của thể

lục bát không đều, nhất là sử dụng vần nên nó không tránh khỏi sự xa lạ trong quy thức truyền thống thể loại thi ca.

Vốn là thể thơ có nguồn gốc dân ca, được người Việt sáng tạo và biến đổi trong quá trình tiếp biến văn hóa để duy trì và bảo lưu, giữ gìn bản sắc dân tộc, lục bát chấp nhận đi theo lối bình dân, thiết thực, dung dị và quần chúng. Lục bát thơ Nôm phản ánh những nội dung gắn liền với cuộc sống làng quê và những con người chân lấm tay bùn, chịu thương, chịu khó, một nắng hai sương, suốt đời lam lũ nhưng vẫn mong mỏi thể hiện được ước muốn, khao khát và kiếm tìm lẽ sống, hệ giá trị truyền thống cũng như sự bình yên trong tâm hồn, lối sống và phong cách quê hương. Có thể kể đến các tác phẩm lục bát truyện thơ Nôm như Phan Trần, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Tống Trân - Cúc Hoa, Phạm Công - Cúc Hoa, Thạch Sanh, … Đặc điểm của thể loại lục bát truyện thơ Nôm thường mang các chủ đề về tình yêu đôi lứa và thân phận người phụ nữ, những vấn đề đấu tranh cho công lý xã hội v.v… Lục bát truyện thơ Nôm có sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ bác học:

- Mắt trông mả mẹ xót xa

Anh em nước mắt nhỏ ra ngùi ngùi

(Phạm Công - Cúc Hoa)

- Đàn kêu ai chém đại bàng

Đem nàng công chúa dưới hang mà về Đàn kêu: Hỡi Lý Thông kia

Cớ sao bội nghĩa lại thì vong ân Đàn kêu sao ở bất nhân

Biết ăn quả lại quên ân người trồng (Thạch Sanh)

Trong Tổng tập văn học Việt Nam (Lê Văn Quán sưu tầm và biên soạn, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2000), khi nói về thể lục bát truyện Nôm, tác

giả cho rằng, thể lục bát là hình thức dân tộc đại chúng, nhưng nhiều khi còn thô sơ, thiếu chải chuốt, có trường hợp (như Phạm Công - Cúc Hoa) gieo vần ở chữ thứ tư của câu bát như trong vè:

Chiêm Thành các nước vân vi

Hoặc có điều gì, Trạng bỏ cho ai Có khi dùng hư từ để gieo vần:

Chim kêu phượng hót nhiều bề

Đi bốn ngày thì đến chợ Phú Xuân Thậm chí có trường hợp ép vần:

Phạm Công bước tới thưa bày:

Của tôi đi tạm, bên trường thầy ta

Do tính chất chân thực, gần gũi và nhẹ nhàng, sinh động theo lối ngôn từ mộc mạc, nhưng vẫn đậm chất nhạc, chất họa cùng với lời lẽ hàm súc, thể thơ lục bát không chỉ được dùng để ca ngợi tình yêu lứa đôi, tình cảm quê hương, đất nước mà còn nhanh chóng phổ biến và được đông đảo quần chúng nhân dân đón nhận.

Thể lục bát cũng là phương tiện diễn giải, chuyển dịch, chuyển ngữ, những văn bản có nội dung hàm súc của thơ ca bác học được hóa thân trong ngôn ngữ dân gian, khiến cho chúng gần gũi, quen thuộc với người bình dân Việt Nam. Với kiểu cách này, lục bát xuất hiện trong các sách từ tôn giáo, phương thuật, lý số, đến các tác phẩm văn chương. Một số tác phẩm in vào giai đoạn cuối của truyện thơ Nôm, trước khi xuất hiện chữ Quốc ngữ hoàn toàn thay thế chữ Hán, chữ Nôm, đầu thế kỷ XX, vẫn còn mang màu sắc ấy đậm nét. Quá trình dân gian hóa thơ lục bát đã được các trí thức nho sĩ vận dụng, tiêu biểu là tác giả Thiếu nữ hoài xuân tình thi. Chức năng diễn giải của thơ lục bát cho đến thập niên thứ 10 - thế kỷ XX đã tạo thành truyền thống đặc sắc cho thể thơ này. Sở dĩ có sự duy trì và củng cố như thế bởi xuất phát từ

phản ứng của thơ ca dân tộc đối với quá trình du nhập văn hóa phương Tây vào Việt Nam.

Với đặc trưng bản địa đậm nét và đặc sắc, thể lục bát lại trải qua quá trình quy cách hóa trở thành thể thơ hoàn chỉnh đáp ứng nhu cầu kiến tạo văn hóa dân tộc, đảm bảo tính chất của thể văn đa chức năng biểu đạt, đồng thời còn khẳng định: giới trí thức nho sĩ Việt, trước và trong thời khoảng thế kỷ XVIII - XIX, không hề quan niệm thể văn vần lục bát chỉ nằm trong phạm trù khái niệm Thi.

Đối với truyện thơ Nôm, mặc dù trong lịch sử văn học không lưu giữ được nhiều nhưng nó vẫn là một mảng di sản tương đối nổi trội, tạo được nét chấm phá cho văn học Việt Nam. Tất nhiên, do tính chất quần chúng, phổ biến cũng như sự hấp dẫn của chúng mà nhân dân ta luôn có ý thức bảo tồn và lưu giữ. Đó không chỉ là sự lưu giữ những tạo tác độc đáo của tư duy, của tiết tấu, âm vận, mà quan trọng hơn, còn lưu giữ những giá trị đạo đức và lối sống của dân tộc.

Truyện thơ Nôm Việt Nam là tiếng hồn của dân tộc, con người Việt Nam, có kết cấu, hình thức đặc thù về nội dung, cốt truyện, những mô thức dân gian. Lục bát là phương tiện thể hiện tâm hồn, tính cách dân tộc của truyện thơ Nôm, lối vận dụng này tạo nên kết cấu và môtíp, tính năng tự sự và miêu tả của các tác phẩm, làm nên tính đặc thù dân tộc. Những giá trị nghệ thuật của diễn ca được kết hợp với lục bát dân gian cho thấy đó là sự kết hợp giữa văn hóa, văn học dân tộc với văn hóa, văn học Trung Quốc của truyện thơ Nôm trong tiến trình diễn biến văn hóa. Lối sáng tạo ấy tồn tại cho đến tận ngày nay, giới học giả vẫn không hề phủ nhận những giá trị nghệ thuật đích thực và đặc sắc đó, ngược lại, họ vẫn không ngừng sáng tạo, khai thác, phát triển để tạo ra những sáng tác nghệ thuật đích thực, đậm đà bản sắc dân tộc. Truyện thơ Nôm gắn liền với lối diễn đạt văn vần lục bát có tính đặc sắc và độc lập cao, đa cấu trúc, loại hình đã ảnh hưởng trực tiếp đến lịch sử, văn hóa,

đời sống dân tộc, đồng thời cũng đạt đến đỉnh cao phát triển nghệ thuật trong một giai đoạn lịch sử cụ thể. Thể truyện thơ độc đáo đó đáp ứng nhu cầu tình cảm, thẩm mỹ, trí tuệ, tâm hồn của người Việt, thấm đượm văn hóa - văn học và mang một phong cách rất Việt Nam, có sức sống bền bỉ, trường tồn mãi với thời gian, không gian và giúp bao thế hệ tiếp bước truyền thống, kết nối hiện tại, nắm giữ tương lai.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Thơ lục bát từ truyền thống đến hiện đại (Trang 94 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)