Lục bát Đồng Đức Bốn

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Thơ lục bát từ truyền thống đến hiện đại (Trang 145 - 166)

Chƣơng 4 TIẾP BIẾN CỦA THƠ LỤC BÁT HIỆN ĐẠI

4.3. Thơ lục bát hiện đạ i những hiện tượng tiêu biểu

4.3.6. Lục bát Đồng Đức Bốn

Trong những năm 60, 70 của thế kỷ XX, trên thi đàn Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những sáng tác nhỏ, lẻ của Đồng Đức Bốn. Ông chỉ thực sự khẳng định được tên tuổi của mình đối với độc giả ở giai đoạn những năm 90. Mặc dù thời gian sáng tác không dài, vẻn vẹn trong 15 năm, tác giả cũng cho ra đời 6 tập thơ (trong đó 80% là thơ lục bát): Con ngựa trắng và rừng quả đắng

(1992), Chăn trâu đốt lửa (1993), Trở về với mẹ ta thôi (2000), Cuối cùng vẫn còn dòng sông (2000), Chuông chùa kêu trong mưa (2002), Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc (2006). Lục bát của Đồng Đức Bốn vốn chân thật nhưng vô cùng đa sầu, đa cảm, xen lẫn giữa những yêu thương chất chứa là buồn đau vô vọng u uất ẩn hiện. Người thi sĩ ấy quan niệm lục bát có thể biến hóa vạn năng, góp phần giải cứu con người, là chỗ dựa tinh thần để mỗi người có thể băng qua mọi sóng gió, đau khổ của cuộc sống nhân sinh, cõi lòng trần thế:

Đưa em qua trận bão người Bằng câu lục bát của trời cho anh

(Đưa em qua trận bão người)

Đến với lục bát, Đồng Đức Bốn đã khẳng định được mình, tìm thấy bản thân mình trong mỗi tác phẩm, đó là dáng dấp của một thi sĩ tài hoa, liên tục viết đều đặn, khỏe tay, chắc chắn. Sự ổn định trong mạch nguồn sáng tác ở từng tập thơ của ông cho thấy tính bền vững và trung thành đối với lục bát. Chỉ có thể là lục bát mới cho ông được tuôn trào cảm hứng, được thỏa sức thổ lộ tình yêu đối với quê hương, cuộc sống, con người, xóm làng, thôn dã dưới con mắt của cái tôi tự cảm, ngạo nghễ, trầm tư: “hiểu tôi là ngọn núi cao/

thương tôi có một ngôi sao cuối trời”… Những hình ảnh thơ quen thuộc của Đồng Đức Bốn được lặp lại theo lối viết tự nhiên, bằng giọng điệu vừa chua xót vừa kiêu bạc, đầy ấn tượng. Tác giả cũng có những đóng góp, tìm tòi nhất định trên suốt chặng đường hoạt động nghệ thuật của mình. Ông vẫn trung thành tuyệt đối với khuynh hướng dân gian trữ tình đằm thắm, nhưng triệt để biến hóa bằng nhiều ngôn từ đặc sắc, tươi mới. Sự hòa hợp quen thuộc của đời sống hàng ngày với bức tranh, màu sắc, âm thanh, hình ảnh của ca dao, dân ca ở Đồng Đức Bốn vừa cụ thể vừa khái quát, ẩn ý, cho thấy quan điểm, nhãn quan sâu sắc của tác giả khi phản ánh cuộc sống, con người:

- Nhà ta nắng dột vào trưa

Con nằm chiếu rách để mưa trùng trình (Con ơi)

- Vớt buồn trên mặt sông trôi

Bây giờ vẫn một mình tôi giữa dòng (Sang sông)

Lục bát như chính cuộc đời ông, các biểu tượng mượt mà của ca dao như chính hơi thở, tâm hồn đa chiều của cảm xúc trong cấu trúc mỗi câu thơ:

Ngõ như một đoạn dây diều

Để tôi thắc thỏm lo chiều không cao Tiếng chim thành tiếng võng đào

Ngẩn ngơ tôi mắc trên rào đợi em (Ngõ quê)

Cách sáng tạo đặc trưng cho hình ảnh, âm thanh thơ Đồng Đức Bốn còn ở chỗ phản ảnh chân thật cuộc sống và những trăn trở của người thi sĩ mưu sinh giữa cuộc đời:

Tôi vừa lo được miếng cơm Thì mất tí lửa tí rơm gầy lò Tôi vừa vượt bão mưa to Chân đã phải lội đi mò sông sâu

Chất dân gian, hơi thở đời thường chứa chan, thấm đẫm ngôn ngữ thơ ca lục bát của Đồng Đức Bốn. Kiểu đối đáp, chào hỏi, đặt câu trong ca dao trở thành quen thuộc (Ai? Biết đâu? Sao? Bao nhiêu?... ), đôi khi hỏi chỉ để mà hờn trách, để mà thổ lộ cảm xúc, tấm lòng, không mong mỏi sự đáp lời, đó là một cách nhằm xoáy sâu vào lòng người đọc tạo ấn tượng mạnh:

- Bây giờ mưa gió về đâu? Để tôi nhớ mãi một màu tóc xưa

(Mưa gió về đâu)

- Đã qua chín nhớ mười thương

Bao nhiêu hoa ở chiến trường còn thơm?

(Đứng trong cơn bão mà trông)

Lối ví von, so sánh, ẩn dụ, dụng ý tinh tế trong cách bày tỏ cảm xúc hàng ngày của người Việt Nam cũng được Đồng Đức Bốn đưa vào thơ của mình hết sức đặc biệt:

- Thập thò trong bụi tre gai Hoa dong riềng của nhà ai nở hồng Nhà ai có gái chưa chồng

Nhìn màu hoa để ngóng trông người về

(Hoa dong riềng)

- Tia chớp như sợi chỉ mềm Tôi ngồi khâu áo trả đền cho em

(Chạy mưa không chạy qua rào)

Các câu ca dao quen thuộc như “Đã yêu thì yêu cho chắc/ Đã trục trặc thì trục trặc cho luôn” hay thành ngữ “Bao giờ cho đến tháng mười” được thơ lục bát Đồng Đức Bốn tái hiện trong một màu sắc mới:

Đã yêu thì nói một lời

Kẻo không tháng chín tháng mười lại mưa (Nước chảy qua sân)

Thông qua lối lạ hóa, mờ hóa, ảo hóa, nhà thơ đã biến những hình ảnh dân gian hiện đại trở nên lung linh, đa nghĩa hơn trong mỗi từ ngữ của các câu

thơ. Với sự nhạy bén trong tâm hồn, cảm xúc của ông bắt nguồn cho những liên tưởng tinh tế, thi vị. Từ một đêm trằn trọc, nằm ngắm bầu trời sao và nghĩ suy về lòng người, tình người để thấm thía những đau khổ của nhân thế, những vì tinh tú lấp lánh, long lanh xa xa trên bầu trời cũng giống như từng giọt lệ cuộc đời, để từ đó mạch nguồn xúc cảm cứ trào dâng, ám ảnh, khiến nhà thơ thốt lên:

Đêm nằm sao dột tứ tung

Tưởng đâu nước mắt người dưng lại về (Nhà quê)

Có lúc thi nhân mượn hình ảnh cánh diều để nói về những thăng trầm, bay bổng của tình yêu lứa đôi, những khúc tình ca mây gió:

Không em ra ngõ kéo diều

Nào ngờ được mảnh trăng chiều trên tay

(Sông Thương ngày không em)

Trong khi tuyệt đối tuân thủ mọi niêm luật, vần đối trong lục bát cổ truyền ca dao, Đồng Đức Bốn cũng sáng tạo cho mình một hình thức thể loại khác biệt. Ông đã sáng tạo, phá cách về cấu trúc thơ để xây dựng nên những biến thể của riêng mình. Có lúc thi sĩ lấy câu bát để bắt đầu cho một bài thơ:

Bỗng dưng tôi gặp mùa thu trở về Dẫu lòng còn những tái tê

Dẫu đời còn những đam mê chưa thành (Thăm mộ Nguyễn Du) Có lúc dùng câu bát mở đầu nhưng lại kết thúc bằng câu lục:

Khi xa thì nhớ đứng trông lại buồn… …Đã qua nhiều những chông gai Thì sau cái chết ban mai phải hồng Cuối cùng vẫn còn dòng sông

Có khi một cặp lục bát cũng làm nên một bài thơ:

Tôi ngồi khóc một dòng sông

Dòng sông không chết bởi giông bão còn (Khóc một dòng sông)

Có khi là sự kết hợp giữa tiêu đề là câu lục nhưng nội dung lại là câu bát: Chiều nay hồ Tây có giông

Tôi ngồi trên sóng mà không thấy chìm

Sự phối điệu truyền thống được kết hợp với những sáng tạo riêng của thi nhân góp phần đạt đến trình độ biểu tả tinh tế hơn những diễn biến của mạch nguồn cảm xúc là điều mà chúng ta thường gặp trong thơ Đồng Đức Bốn. Ở đó thấp thoáng là bóng dáng của người mẹ lam lũ, hiền hậu, cần cù, giàu đức hy sinh, hay tâm trạng trầm lắng, buồn thương được bộc lộ qua lối sử dụng thanh bằng của nhà thơ:

Cả đời ra bể vào ngòi

Mẹ như cây lá giữa trời gió rung Cả đời buộc bụng thắt lưng Mẹ như tằm nhả bỗng dưng tơ vàng

(Trở về với mẹ ta thôi)

Cách đối xứng, hài hòa trong thơ lục bát truyền thống được tạo nên do lối ngắt nhịp chẵn, nhịp đôi. Đây là thủ pháp nghệ thuật hiệu quả tối ưu để thi sĩ giãi bày suy tư, tình cảm, tâm trạng của mình. Không vượt ra khỏi những định lý thi ca thông thường ấy, ở Đồng Đức Bốn có sự tuyệt đối trung thành theo lối truyền thống đó. Tuy nhiên, khi cần diễn tả tâm trạng bức bách, dứt khoát, khó chịu, tác giả cũng không ngần ngại vận dụng kiểu đảo phách, đổi nhịp: - Làm phúc/ tuy/ chửa gặp may

Nhưng/ không khóc mướn/ thương vay/ hộ người

(Chuông chùa kêu trong mưa) Cả một cuộc đời dành cho thơ ca, trong những tháng ngày cuối cùng của mình, Đồng Đức Bốn vẫn như “tằm nhả tơ”, bòn rút ruột gan, tâm hồn mình

miệt mài sáng tác. Bài thơ cuối cùng của ông là Mẹ ơi, dù chưa kịp đưa vào tuyển tập Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc nhưng cũng nhanh chóng được đông đảo người đọc đón nhận, bài thơ tạo ấn tượng mạnh bởi tấm lòng chân thành, da diết và sâu lắng:

Bây giờ con chẳng có gì Cúi đầu lạy mẹ con đi về trời Chỉ xin mẹ một tiếng cười Và câu hát thuở mẹ ngồi ru con Chỉ mong trái đất vẫn tròn Biết đâu mẹ lại gặp con có ngày Cõi người nhiều nỗi đắng cay Cho nên Phật vẫn ngàn tay kêu cầu Cõi người còn lắm bể dâu

Con lấy lục bát bắc cầu đi qua Tin rằng sông lắm phù sa Cho nên đời vẫn nở hoa bốn mùa Bây giờ trời đổ cơn mưa

Xa xa đã tiếng chuông chùa gọi con

Lục bát của Đồng Đức Bốn chính là một biểu tượng sinh động cho sức sống hiện đại, khẳng định vị thế cao của kho tàng lục bát đương thời. Đó là một phong cách mới, một tâm hồn mới, một tiếng nói mới, nổi lên vắt giữa hai bờ thế kỷ XX và XXI của nền văn học hiện đại Việt Nam.

Tiểu kết chƣơng 4

Với phương châm đổi mới khá toàn diện, lục bát hiện đại đã không ngừng đáp ứng nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ và thỏa mãn đòi hỏi về biểu hiện tư tưởng, tình cảm của con người Việt Nam trong mỗi giai đoạn phát triển khác nhau. Lục bát luôn mở rộng nội dung, bám sát mọi mặt đời sống, cách tân hình thức ở nhiều phương diện: ngôn ngữ, giọng điệu, nhịp điệu, cấu trúc câu thơ, dòng thơ v.v… Sự tiếp biến truyền thống và hiện đại thể hiện rõ ở những trường hợp điển hình: lục bát Tản Đà, lục bát Thơ mới và Nguyễn Bính, lục bát Tố Hữu, lục bát Bùi Giáng, lục bát Nguyễn Duy, lục bát Đồng Đức Bốn. Các tác giả có ý thức tìm về với lục bát như một sự trân trọng truyền thống dân tộc, đồng thời góp phần làm cho lục bát có một gương mặt mới mẻ hơn trong nhịp sống hiện đại. Thể lục bát vẫn giữ được những chuẩn mực của âm luật và phong cách đã có từ xưa nhưng cũng hoà mình vào dòng chảy chung của thời đại mới và xác lập cho mình một vị trí không thể thay thế trong tiến trình phát triển của thơ ca dân tộc.

KẾT LUẬN

Đến với thơ ca Việt Nam, dù trong truyền thống xa xưa hay ngày nay, chính là đến với phương tiện hữu hiệu để truyền tải nội dung tư tưởng, cảm xúc, những sáng tạo nghệ thuật độc đáo của nhân dân ta. Dù ở thời đại nào đi chăng nữa, những giá trị muôn đời của thơ ca hướng con người đến chức năng giáo dục Chân - Thiện - Mỹ một cách tinh tế, sâu sắc là điều luôn hiện hữu. Băng qua không gian, thời gian, gắn với những thăng trầm của lịch sử dân tộc, nền thơ ca nước nhà vẫn bền vững và không ngừng biến đổi, phát triển, đạt đến đỉnh vinh quang về sự đa dạng trong thể loại và biểu hiện sâu sắc tâm hồn, trí tuệ người Việt. Dù là trường tồn theo thời gian hay có lúc nhanh chóng bị lãng quên nhưng thơ ca dân tộc trong mỗi giai đoạn đều có những đóng góp nhất định đối với thể chế và thành tố cấu thành bản sắc văn hóa Việt Nam. Là thể thơ cổ truyền của người Việt, lục bát có quá trình lịch sử hình thành từ xa xưa, để tồn tại cho đến ngày nay nó đã qua nhiều lần biến đổi, cách tân, đạt được thành tựu đỉnh cao và ngày càng được khẳng định trong thời hiện đại.

1. Trong các thể thơ của người Việt thì lục bát là thể thơ có đặc trưng mang đậm tính dân gian, tính dân tộc, tính truyền thống. Được ra đời từ thế kỷ XV, cho đến ngày nay, lục bát không ngừng khẳng định được những ưu việt và thế mạnh của mình so với các thể thơ khác, là tiếng nói đồng điệu cho tâm hồn dân tộc. Ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, sự phát triển của lục bát cho thấy tính liên tục, bộc lộ một sức sống lâu dài, bền bỉ, mãnh liệt. Để tạo được sự gần gũi, quen thuộc, phổ biến trong đời sống quần chúng, các tác giả lục bát thường sử dụng nhiều thi pháp ca dao làm nền tảng và tiền đề. Hơn nữa, trong từng bài thơ lục bát cụ thể, thi sĩ cũng không ngừng thêm thắt, khắc họa, tô vẽ tạo ra những mảng màu, “bộ cánh” mới, hợp thời, hợp với thị hiếu và tư duy người đọc.

Lục bát Việt Nam tạo ra cho mình một phong cách nghệ thuật đặc sắc với những đặc điểm nổi bật: lấy chất liệu từ ca dao, dân ca, tục ngữ, khẩu ngữ, câu hát, lời ru gần gũi với dân gian, làm phong phú, sinh động đời sống tinh thần người Việt. Tính đặc sắc và độc đáo của lục bát là điều mà không phải thể thơ nào cũng có được. Đó là cái âm hưởng thi vị, ngọt ngào từ bao đời gắn với hồn quê, làng quê, tính thôn dân, bình dị, lam lũ, đậm đà ân tình, sâu nặng nghĩa lý của người Việt Nam.

2. Người Việt Nam thật tự hào với lục bát bởi sức sống bền bỉ và mãnh liệt của nó đặt bên cạnh rất nhiều thể thơ đã từng giữ vị trí cao trong lịch sử dân tộc như thơ Đường luật, song thất lục bát… Với tính linh hoạt của nó, lục bát có tính chất nhạy bén nhất định, đáp ứng mọi yêu cầu biến đổi của cuộc sống và con người hiện đại. Người ta có thể tìm thấy trong lục bát cái mới mẻ, uyển chuyển, linh hoạt và đa dạng trong biến thể, cấu trúc hình thức phong phú, có khả năng kích thích sáng tạo, tìm tòi, để tạo nên diện mạo ngày càng mới mẻ hơn.

Lục bát hiện đại chính là sự tiếp nối truyền thống kết hợp với những cách tân, không ngừng sáng tạo. Các yếu tố mới, nội dung và những cảm hứng về thiên nhiên, tình yêu thương con người, yêu quê hương, đất nước, chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc được kết tinh trong thể thơ này. Đặc biệt hơn cả, lục bát hiện đại còn là cái tôi cá tính được bộc bạch chân tình, thành thật đến tận cùng, trước chính mình và trước cuộc đời. Thơ ca luôn là sự phản ánh chân thật những đặc tính xã hội và thời đại. Trong suốt tiến trình lịch sử của nó, lục bát cũng trải qua quá trình biến đổi riêng, được chọn lọc, tiếp thu các yếu tố mới, được hiện đại hóa cho phù hợp với xu thế chung của nhân loại, nhưng vẫn bám sát trên nền tảng của truyền thống nhằm khẳng định bản sắc dân tộc đậm đà.

Yêu cầu tất yếu và quan trọng, cần thiết được đặt ra đối với thể lục bát là cần phải đổi mới để chứng tỏ được vai trò của nó với tư cách là thể thơ cổ

truyền của dân tộc. Thi sĩ lục bát phải không ngừng dung hòa, kết hợp giữa những yếu tố tốt đẹp trong truyền thống với những cái tiếp biến trong hiện đại, giữa cổ điển và cách tân. Đó cũng là kiểu “ứng xử”, một lựa chọn khôn ngoan của lục bát trong hành trình vừa tự khẳng định vừa đổi mới mình để làm nên sắc thái, diện mạo riêng trong vườn hoa thi ca Việt Nam.

3. Dân tộc ta hiện nay đang trong quá trình đổi mới và hội nhập, toàn cầu hóa, quốc tế hóa. Sự cần thiết phải quay trở về cội nguồn của lục bát để tiếp nối và biến đổi là điều cần thiết. Bởi ở lục bát trong mỗi hành trình phát triển luôn tỏ ra rõ ràng là một thể thơ đầy thách thức. Các nguyên tắc, quy luật cổ truyền cũng như tính gò bó của nó là một khó khăn nhưng vô cùng hấp dẫn và đòi hỏi sự tài hoa của người sáng tạo thi ca.

Lục bát từ truyền thống đến hiện đại chính là một quá trình gian nan đầy thử thách của thi nhân Việt trên bước đường trân trọng quá khứ, tiếp bước hiện tại và nắm giữ tương lai.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Thơ lục bát từ truyền thống đến hiện đại (Trang 145 - 166)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)